BERLIN - Ngân hàng trung ương Âu châu đã giảm lãi suất đồng euro từ 2.5% xuống còn 2% tại 12 nước dùng đồng tiền chung.

Lý do cắt giảm lãi suất, theo ngân hàng, là để đối ứng trước những lo ngại về thiểu phát và trì trệ kinh tế có khả năng tái phát.

Quyết định hạ lãi suất này đánh dấu thay đổi cơ bản trong lập trường thường được cho là thận trọng của Ngân hàng Trung ương Âu châu.

Tuy nhiên quyết định này có vẻ như đánh trúng dự đoán của nhiều người không chỉ tại vùng đồng tiền euro, mà còn nhiều nơi khác trên thế giới, sau khi tăng trưởng tại vùng vùng kinh tế đã hầu chững lại trong ba tháng đầu năm nay.

Các kinh tế gia đã nhắc tới các tuyên bố gần đây của chủ tịch ngân hàng Wim Duisenberg, đặc biệt phát biểu của ông tại hội nghị các ngân hàng trung ương tuần trước tại Berlin, khi ông nói rằng chỉ tiêu lạm phát trong năm 2004 sẽ được hạ xuống thấp hơn nhiều so với trước.

David Brown, kinh tế gia trưởng tại ngân hàng Bear Sterns, tỏ ý vui mừng trước tin này, vì theo ông, ngân hàng Âu châu đã nắm bắt được điều cần phải làm để kích thích tăng tưởng kinh tế.

Một trong các nhiệm vụ của Ngân hàng Âu châu là kiềm chế lạm phát, thế nhưng lo lắng về thiểu phát, tức hàng hóa có xu hướng xuống giá - và kinh tế trì trệ như trong trường hợp của Nhật bản - đã thúc đẩy các ngân hàng Trung ương đưa ra hành động mạnh mẽ hơn.

Việc đồng euro liên tục lên giá, có lúc đạt tới $1.20 đô Mỹ đã góp phần quan trọng vào việc đưa ra quyết định giảm lãi suất.

Người ta cho rằng nếu đồng euro đứng ở mức cao như vậy thì xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng.

Lãi suất hạ sẽ tạo sức ép làm cho đồng euro giảm giá so với các đơn vị tiền tệ khác, bên cạnh làm cho việc vay mượn tiền trở nên rẻ hơn.

Sau cắt giảm, lãi suất cho vay trong khu vực euro zone hiện ở mức 2%, và theo ông Duisenberg, thì lãi suất như vậy đã thấp hơn bất cứ nơi nào, trong thời điểm nào tại Âu châu kể từ thế chiến thứ hai. (bbc)