NEW YORK - Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ sự quan ngại đặc biệt trước vụ bắt giữ lãnh tụ đối lập Miến Điện, Aung San Suu Kyi

Lãnh đạo đảng Liên Minh Dân tộc vì Dân chủ (NLD) của Miến Điện đã bị bắt giữ vào hôm thứ Sáu, sau khi có các cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ bà Suu Kyi và những người ủng hộ chính phủ tại miền Bắc Miến Điện.

Liên Hiệp Quốc, Nhật Bản, Úc và Thái Lan là những nước mới đây nhất bày tỏ sự quan ngại về những diễn biến này, sau khi Anh, Pháp và Thụy Điển yêu cầu phải lập tức thả bà Aung San Suu Kyi ra.

Bà Suu Kyi mới được thả tự do vào năm ngoái sau một thời gian dài bị giam giữ, giữa những hi vọng rằng các cuộc đối thoại sẽ được nối lại giữa đảng của bà và chính quyền quân sự.

Nhưng chuyến công cán chính trị kéo dài một tháng của bà Aung San Suu Kyi đã làm cho miền Bắc Miến Điện ngày càng căng thẳng, liên tục có các cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ đảng NLD và các thành viên của Hiệp hội phát triển đoàn kết do chính quyền quân sự tài trợ.

Bà Aung San Suu Kyi hiện đang bị quản thúc trong một nhà khách tại thủ đô Rangoon.

Một quan chức ngoại giao tại Nhật Bản nói: "Chúng tôi rất hi vọng rằng chính phủ Miến Điện sẽ có phản ứng hòa nhã và tình hình sẽ sớm trở lại bình thường".

Ngoại trưởng Úc Alexander Downer đã hối thúc phải thả ngay bà Aung San Suu Kyi ra, và nói chính phủ của ông đã triệu tập Đại sứ Miến Điện để yêu cầu giải thích chuyện quản thúc lãnh tụ đối lập.

Tổng thư ký LHQ Kofi Annan nói ông đang theo dõi những diến biến của vụ này một cách quan ngại.

Đóng cửa các văn phòng đối lập và trường đại học

Razali Ismail, một đặc sứ của LHQ, người giúp giải quyết bế tắc giữa hai phe vào tháng 10/2000, sẽ có chuyến thăm tới Miến Điện vào thứ Sáu này, cho dù có vụ bắt giữ bà Aung San Suu Kyi, một cộng sự của ông hôm thứ Hai cho biết.

Một số thành viên chính của đảng NLD đã bị bắt giữ kể từ khi người ta bắt bà Suu Kyi, và các văn phòng của đảng này đã bị đóng cửa.

Giới chức quân sự tại Miến Điện cũng đã ra lệnh đóng cửa vô thời hạn các trường đại học và cao đẳng.

Phóng viên Larry Jagan của đài BBC cho biết các khu trường đại học đã là tâm điểm của các hoạt động chính trị, và giới chức lo lắng rằng sinh viên có thể lại tổ chức các cuộc biểu tình phản đối.

Căng thẳng gia tăng

Có những lo ngại rằng sự đàn áp gia tăng đối với đảng đối lập có thể có nghĩa là các tướng lĩnh điều hành Miến Điện lại đang đặt kế hoạch tiến hành quản thúc tại gia đối với bà Aung San Suu Kyi.

Cho dù đã có những hi vọng rằng việc thả bà Suu Kyi khỏi bị quản thúc tại gia vào năm ngoái là một dấu hiệu rằng chính quyền quân sự đã sẵn sàng có cải cách về chính trị, bà Suu Kyi gần đây đã chỉ trích quân đội chậm thay đổi và rõ ràng miễn cưỡng trong việc bắt đầu lại các cuộc đối thoại.

Căng thẳng đã gia tăng giữa đảng đối lập và chính phủ.

Tuần trước, 10 thành viên của phong trào ủng hộ dân chủ đã bị kết án tù về tội tổ chức các hoạt động biểu tình phản đối công khai và tham gia vào các hoạt động lén lút khác.

Phóng viên BBC cho biết giới chức Miến Điện đã cảnh cáo những người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi không được kích động bạo loạn trong khi họ ra khỏi Rangoon.

Được biết bà Suu Kyi bị cáo buộc là nguyên nhân gây ra những vụ đụng độ trong chuyến đi của bà tới miền Bắc.

Quân đội nói 4 người đã bị thiệt mạng và 50 người khác bị thương tại thị trấn Yaway Oo, cách Rangoon khoảng 560km.

Các báo cáo cho hay con số người thiệt mạng có thể còn cao hơn nhiều.

Đảng NLD thắng lớn trong cuộc bầu cử vào năm 1990, nhưng chính quyền quân quản, vốn đã điều hành nước này từ năm 1962, từ chối không chuyển giao quyền lực.

Bà Aung San Suu Kyi đã bị quản thúc tại gia vào phần lớn thời gian trong thập kỷ trước, nhưng sự mến mộ của quần chúng Miến Điện đối với bà không hề giảm.(bbc)