WARSAW - Các nhà lãnh đạo ba nước sẽ nhóm họp ngày hôm nay Thứ Sáu tại thành phố Wroclaw của Ba Lan trong bối cảnh mà theo Thủ Tướng Ba Lan là "rất khó khăn"

Việc Ba Lan tham dự vào cuộc chiến Iraq và tự tuyên bố là đóng vai trò “người bạn thân cận nhất” của Hoa Kỳ tại vùng Trung – Đông Âu đã đụng chạm tới Pháp và Đức. Đại sứ Ba Lan tại London, ông Stanislaw Komorowski tuyên bố:

"Chúng tôi đã sẵn sàng tiếp tục những nỗ lực để bình ổn tình hình tại Iraq. Chúng tôi vẫn rất hy vọng rằng các quốc gia Âu Châu khác sẽ cùng đứng vào cùng chỗ với chúng tôi. Và chùng tôi đang thực sự trông đợi rằng một số quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu, các quốc gia trong khối NATO sẽ nhận trách nhiệm cùng chúng tôi ổn định tình hình Iraq."

Cuộc họp thượng đỉnh diễn ra vào ngày hôm nay là một phần trong tiến trình tham vấn giữa Pháp, Đức và Ba Lan, vốn được lập ra từ hồi 1991, hay còn được biết đến với tên gọi Tam Giác Weimar.

Người Ba Lan nói rằng họ không muốn trở nên đối đầu. Có vẻ như Warsaw có quan điểm là “lực lượng ổn định” Iraq theo dự kiến cần phải được một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An hỗ trợ, nhưng nếu như không thể đạt được một nghị quyết như vậy thì Ba Lan có lẽ sẽ vẫn xuống nước để tham dự lực lượng này.

Một tờ báo ngày hàng đầu là Rzeczpospolita ("Cộng Hoà") đã mô tả sự hợp tác gần gũi của Ba Lan đối với Washington là “một đầu tư chiến lược khôn ngoan” và như điểm đánh dấu “sự thay đổi quan điểm của chúng ta về sự phân cấp quốc tế”.

Ba Lan là nước lớn nhất trong số 10 quốc gia chuẩn bị gia nhập Liên Hiệp Châu Âu trong 12 tháng tới.

Pháp và Đức, những quốc gia nặng ký trong khối này thì đang lo ngại về những ảnh hưởng kinh tế và chính trị trong chuyện phải quan hệ với các vệ tinh cũ của Liên Bang Xô Viết trước đây, với sự liên kết hoàn toàn mới.

Giới báo chí Đức có vẻ như đang gióng lên ký ức về một kỷ nguyên đã qua. Ba Lan được mô tả như là “mảnh đất của CIA”, “ngạo mạn và xấc xược”, là “thằng ngu thành Troy của Mỹ”. Nói khác đi, nước này đang cố gắng giành lấy một vị thế mà nó không đáng có, bằng cách ngã vào các kế hoạch của Hoa Kỳ để phá vỡ sự phát triển của chính sách an ninh và đối ngoại của Châu Âu.

Có vẻ như khi Liên Hiệp Châu Âu được mở rộng ra thì cả hai phía đều phải đối diện với những khó khăn trong việc cùng tồn tại.

Thăm dò dư luận và các chứng cứ bên lề cho thấy những thành kiến giữa Đức và Ba Lan còn lâu mới mất đi.

Cuộc họp thượng đỉnh ngày hôm nay có thể diễn ra theo hai chiều hướng. Ba Lan có thể sẽ nhận được một bài học là cần phải làm thế nào để trở thành “một nước Châu Âu tốt”.

Ba Lan có thể sẽ muốn chất vấn Pháp và Đức là tại sao hai nước này lại bỏ qua cho Bỉ và Luxemburgh. Hai nước này đã tự tổ chức cuộc họp “thượng đỉnh quy mô nhỏ” hồi tháng trước để đồng ý thiết lập trung tâm chỉ huy của riêng mình nhằm điều hành các chiến dịch quân sự không thuộc phạm vi NATO mà không thèm thông báo cho các đồng minh khác trong khối NATO.

Mặt khác, cả Đức và Pháp đã có những dấu hiệu cho thấy họ sẽ sẵn sàng chấp nhận một công thức thoả hiệp đối với một nghị quyết mới của Liên Hợp Quốc, với sự bảo trợ của Mỹ, để hai nước này được có tiếng nói trong quá trình tái thiết Iraq.(bbc)