RANGOON - Một năm sau khi lãnh đạo phe đối lập, Aung San Suu Kyi, được thả tự do, vẫn có rất nhiều quan ngại về tốc độ thay đổi chậm chạp của nước này

Aung San Suu Kyi được thả tự do vào hôm 6/5/2002, một hành động được cộng đồng quốc tế chào đón như một dấu hiệu cho thấy những nhà cai trị quân sự của nước này đã sẵn sàng có cải cách chính trị.

Nhưng các chính phủ châu Âu và chính bà Aung San Suu Kyi hiện chỉ trích từ chối của phe cầm quyền không tham gia đối thoại kể từ khi bà được thả.

Và cho dù tuần trước họ đã thả tự do cho 21 tù nhân chính trị, thì ước tính vẫn còn hơn 1.000 người vẫn đang phải ở trong song sắt.

Kể từ khi được thả tự do, bà Aung San Suu Kyi đã được cho phép đi lại quanh đất nước để gặp gỡ những người ủng hộ.

Nhưng bà cáo buộc chính phủ đã tìm cách ngăn trở những nỗ lực của bà nhằm khôi phục lại đảng Liên minh Dân tộc vì Dân chủ, NLD.

Đảng NLD thắng trong cuộc bầu cử toàn quốc vào năm 1990, nhưng phe quân sự đã không cho họ cầm quyền.

Bà Aung San Suu Kyi gần đây cho biết: "Khi tôi được thả, đã có thỏa thuận giữa giới chức và chúng tôi rằng chúng tôi có thể tiến lên một bước mới trong quan hệ".

"Nhưng tôi không nghĩ là đã có bất cứ sự tiến bộ nào. Trên thực tế, tôi cho rằng đã có những sự thụt lùi thì đúng hơn", bà nói thêm.

Chính phủ quân sự phủ nhận chuyện họ có bất cứ nỗ lực nào nhằm can thiệp vào các hoạt động của bà Suu Kyi.

Giới chức cho biết việc thả các tù nhân chính trị gần đây cho thấy họ đang có nỗ lực để cải cách.

Một tuyên bố của chính phủ gần đây nói: "Việc thả các tù nhân là hành động mới nhất của chính phủ để đưa Miến Điện tới gần hơn với nền dân chủ đa đảng và hòa giải dân tộc".

Một phóng viên BBC cho biết tiến bộ chậm chạp là vì các nhà cầm quyền quân sự của Miến Điện vẫn bị chia rẽ quanh triển vọng thay đổi.

Lãnh đạo chính, tướng Than Shwe, được cho là phản đối các cuộc đối thoại trực tiếp với bà Aung San Suu Kyi.

Nhưng các quan chức khác trong chính phủ bây giờ nhận ra rằng cách thức duy nhất để đảm bảo vai trò trung tâm cho quân đội trong một nước Miến Điện tương lai là phải đồng ý cải cách, theo phóng viên BBC.

Giới ngoại giao cho rằng các quan chức này muốn có đối thoại với bà Aung San Suu Kyi.(bbc)