RIYADH - Donald Rumsfeld tuyên bố rút quân Mỹ khỏi Ả rập Saudi

Cách đây ít hôm, Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Donald Rumsfeld đã tới Ả rập Saudi để hội đàm với các ông hoàng giữ trọng trách ở nước này.

Trong chuyến đi đó, các nhân viên phụ tá của ông Rumsfeld đã tuyên bố rằng hầu hết các nhân viên quân sự Mỹ sẽ được rút khỏi vương quốc này.

Chỉ có một số nhỏ được để lại để đảm nhận công tác huấn luyện.

Các quan chức cũng xác nhận rằng việc kiểm soát hoạt động không quân của Hoa Kỳ tại Vùng Vịnh giờ đây đã được chuyển từ Ả rập Saudi sang quốc gia Qatar láng giềng.

Quyết định này sẽ kết thúc hiện diện quân sự vốn đã diễn ra từ thời cuộc chiến Vùng Vịnh 1991.

Vào lúc kết thúc cuộc chiến, Hoa Kỳ đã để lại 5000 quân nhân đồn trú tại vương quốc này với nhiệm vụ kiểm soát vùng cấm bay ở phía nam Iraq. Trong cuộc chiến mới đây tại Iraq, con số này đã tăng gấp đôi lên tới 10 ngàn binh lính.

Các quan chức Hoa Kỳ và Ả rập Saudi giờ đây đã quyết định rằng chi phí chính trị cho sự hiện diện này là cao hơn hiệu quả quân sự mà việc đồn trú đem lại.

Lý do không phải chỉ vì có các nhóm Hồi giáo cực đoan như của Osama bin Laden vốn bực tức với việc quân Mỹ có mặt trên mảnh đất của Ả rập Saudi.

Ngay cả nhiều người dân nước này cũng coi đó như một minh chứng chứng tỏ nước này phải quỵ luỵ Mỹ, và do đó sỉ nhục tới niềm kiêu hãnh quốc gia.

Việc lính Mỹ ra đi sẽ nâng cao uy tín của Thái Tử Abdullah, người thực tế đang điều hành đất nước.

Ông này từ lâu đã muốn Hoa Kỳ rút quân, dẫu cho có những mối nghi ngờ từ phía các ông hoàng cao cấp nhất có tư tưởng ủng hộ Mỹ.

Những người này lo ngại rằng việc bãi bỏ đồn trú quân sự sẽ làm hạ thấp quan hệ giữa hai quốc gia.

Đương nhiên là đã có những căng thẳng nhất định giữa Riyadh và Washington quanh chuyện Hoa Kỳ ủng hộ Thủ tướng Israel Ariel Sharon, và những cáo buộc cho rằng Riyadh ủng hộ các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Thế nhưng mọi tín hiệu cho thấy là Thái Tử Abdullah chỉ muốn làm thay đổi, chứ không phải là chấm dứt mối quan hệ với Mỹ.

Hoa Kỳ vẫn cần tới dầu hoả của Ả rập Saudi và muốn quốc gia này giữ vai trò nhạc trưởng tại vùng Trung Đông và trong thế giới Ả rập.

Về phần mình, Ả rập Saudi vẫn muốn Mỹ tiếp tục làm người bảo hộ cũng như đối tác kinh tế của mình.

Như vậy, hai quốc gia sẽ vẫn tiếp tục là đồng minh của nhau, nhưng quan hệ sẽ còn không giống như trước đây nữa.(bbc)