Đối với cuộc bách hại liên tục các Kitô hữu ở Trung Đông, ông Trump đã nói được đôi điều:
“Trong nhiều thế kỷ qua, Trung Đông là quê hương của các Kitô hữu, người Hồi giáo và người Do Thái. Họ sống bên nhau. Chúng ta phải thực hiện khoan dung và tôn trọng lẫn nhau để một lần nữa làm cho khu vực này trở thành một nơi mà mọi người nam nữ, bất kể đức tin hay sắc tộc, đều có thể hưởng một cuộc sống đúng phẩm giá và tràn trề hy vọng.”
Điều rất có ý nghĩa là những lời này được thốt ra ở thủ đô của một đất nước mà việc thực hành đức tin Kitô giáo đến nay vẫn là bất hợp pháp.
Tổng thống Donald Trump xem ra đã thực hiện được điều đã hứa trong cuộc tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ, là sẽ có một cách tiếp cận mới không chỉ với vấn đề chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan mà còn với chính bản thân Hồi giáo. Không giống như đối thủ của ông, và không giống như Tổng thống Obama, ông dường như đã sẵn sàng để gọi một ngọn giáo là một ngọn giáo, và sẵn sàng để thực hiện những hành động cụ thể chống lại bọn khủng bố Hồi Giáo IS.
Trong cuộc tiếp kiến với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vào ngày 10 tháng 7 năm 2009, tổng thống Obama đến trễ 30 phút. Lần tiếp kiến thứ hai tại Vatican hôm 27 tháng Ba năm 2014 với Đức Thánh Cha Phanxicô, ông thậm chí còn đi trễ hơn nữa, tới 45 phút.
Hôm 24 tháng 5 vừa qua, đài truyền hình trung ương Vatican cẩn thận ghi lại hình ảnh chiếc đồng hồ chỉ 8h25’ khi xe của tổng thống vào đến Vatican. Trong cuộc tiếp kiến với Đức Thánh Cha, người ta cũng ghi nhận ông Trump tỏ ra nghiêm trang, chân thành chứ không thoải mái đùa cợt với Giáo Hoàng như ông Obama.
Nhiều người Công Giáo tỏ ra hài lòng với những điều này. Tuy nhiên, cũng như sắc lệnh về tự do tôn giáo được ông Trump ký vào ngày 4 tháng Năm vừa qua; đường lối của tổng thống Trump vẫn chưa tách ra được khỏi những chính sách hiện hành của Hoa Kỳ.
Thứ nhất, Mỹ và Arab Saudi đã ký kết một thỏa thuận vũ khí trị giá 110 tỷ Mỹ Kim, và đây chỉ là một phần của một thỏa thuận thương mại trị giá 400 tỷ Mỹ Kim. Hoàn toàn không có gì thay đổi trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông. Arab Saudi là đồng minh vì Arab Saudi mua vũ khí của Mỹ. Và không có một gợi ý nhỏ nào trong bài phát biểu của ông Trump cho thấy người Mỹ có chút băn khoăn nào về cách thức Arab Saudi sẽ sử dụng vũ khí của họ.
Thứ hai, khi đề cập đến quốc vương Arab Saudis, và vương quốc “tráng lệ” Arab Saudi, như “những người bạn vĩ đại”, ông Trump lờ đi chuyện Arab Saudi là một kẻ vi phạm hàng loạt các quyền con người trong nhiều khía cạnh khác nhau. Không nơi nào trong bài phát biểu ông Trump, người ta có thể tìm được chút hơi thở của những lời chỉ trích. Giữa những lời ca ngợi các nhà lãnh đạo Ả rập của ông, tổng thống xem ra miễn nhiễm với sự tàn bạo khủng khiếp mà những kẻ khủng bố Hồi giáo đã gây ra bằng tiền và vũ khí được Arab Saudi tài trợ.
Những lời chỉ trích gay cấn trong bài phát biểu đã được nhắm vào Iran, như một nhà xuất cảng chủ nghĩa khủng bố. Lời buộc tội tương tự lẽ ra cũng phải được thực hiện đối với Saudi Arabia. Thật là thú vị khi thấy rằng Iran bị đổ lỗi cho chiến tranh ở Yemen chứ không phải Saudi Arabia.
Bài phát biểu của ông Trump tại Saudi Arabia có thể được thực hiện bởi bất kỳ vị tổng thống Mỹ nào trong vài thập kỷ qua. Nó không đại diện cho một khởi đầu mới. Nói theo kiểu Mỹ “business as usual”.