LAGOS - Dường như phần thắng đã về tay tổng thống Nigeria, ông Olusegun Obasanjo, người lần thứ hai thắng cử nhiệm kỳ tổng thống bốn năm.

Ông Obasanjo đang dẫn với hơn 65% số phiếu. Đối thủ chính của ông Obasanjo là ông Muhammadu Buhari chỉ giành được dưới 30% lá phiếu bầu.

Đây là một thắng lợi lớn dành cho ông Obasanjo. Không có đối thủ nào sẽ bắt kịp ông trong kỳ bầu cử lần này. Thế mạnh của ông là sự ủng hộ rộng rãi từ dân chúng trên khắp đất nước.

Ông đã giành được nhiều số phiếu đáng kể ngay cả tại những vùng mà kỳ phùng địch thủ của ông là ông Buhari đã hy vọng sẽ nắm trọn.

Gian lận trong bầu cử?

Tuy nhiên, sự chính đáng của thắng lợi này đang là một câu hỏi lớn không những đối với những lực lượng đối lập mà cả một số các nhà quan sát quốc tế.

Các nhà quan sát này nói họ đang điều tra những cáo buộc về hiện tượng gian lận và áp đảo tâm lý trong các cuộc bỏ phiếu nhất là tại những bang sản xuất dầu thuộc đồng bằng Niger ở phía nam.

Tại một số vùng, kết quả của cuộc bỏ phiếu chênh lệch đến mức khó tin với 100% phiếu bầu cho ông Obasanjo mà trong số đó, không có lá phiếu nào là không hợp lệ.

Ông Max Van den Berg, trưởng phái đoàn quan sát của Liên hiệp Âu châu cho biết: "Chắc chắn là chúng tôi lo ngại. Chúng tôi có 100 quan sát viên ở tại Nigeria và các tin đưa về trái ngược nhau."

"Quả thật có những yếu kém trong hệ thống bầu cử. Và có nhiều tin về chuyện gian lận hay chuyện bỏ phiếu 100% cho tổng thống."

Các đảng đối lập nói họ đang xem xét khả năng hành động quy mô lớn nhằm phản đối cung cách tiến hành cuộc bầu cử vừa qua. Tuy nhiên, ông Buhari, đối thủ chính của ông Obasanjo vẫn còn chưa đưa ra ý kiến gì kết quả của cuộc bỏ phiếu.

Tham nhũng và đói nghèo

Nigeria là quốc gia đông dân nhất châu Phi. Mặc dù nước này có trữ lượng dầu đáng kể, nhưng các chính phủ từ trước tới nay của Nigeria có tiếng tham nhũng.

Lịch sử hiện đại của Nigeria in dấu nhiều cuộc đảo chính và bất ổn chính trị. Tổng thống Obasanjo từng là lãnh đạo trong chính quyền quân sự Nigeria thập niên 70 trước khi trở thành tổng thống dân sự năm 1999.

Kể từ khi ông lên nắm quyền, đã liên tục xảy ra bạo động chính trị, sắc tộc, tôn giáo làm chết hàng ngàn người. Trong lúc đó, các nhà chỉ trích nói tổng thống Obasanjo đã không làm gì nhiều để giải quyết tham nhũng và đói nghèo.