Chuyện phiếm: ĐÓN TẾT

Tôi có người hàng xóm da trắng dễ thuơng vô cùng. Tên anh là Mike. Anh sống độc thân không thèm lấy vợ. Mình anh sống trong căn nhà lớn do cha mẹ để lại. Anh rất thân với tôi. Mùa hè mùa đông anh hay rủ tôi đi câu cá. Hình như chuyện đi câu cá mùa đông tôi đã kể cho các cụ rồi. Anh đúng là mẫu người Canada 100%. Cái chất Canada của anh đã lây sang chúng tôi rất nhiều. Tuần qua anh rủ tôi trồng hoa phía trước nhà. Tôi ngạc nhiên vô cùng vì Canada đang bước vào mùa đông, sao lại trồng hoa. Anh cười hi hi rồi mang ra một bao lớn. Trông thấy cái bao là tôi hiểu liền. Hóa ra tôi còn nhiều chất ‘ Mít’ vô cùng, chưa có chất Canada bao nhiêu. Các cụ có biết cái bao đựng gì không ? Thưa, đây là những củ các loại hoa lưu niên, daffodils, tulips, hyacinths mà tổ tiên của chúng mãi từ Hoà Lan ngày xưa.

Người Canada thường mua các loại củ hoa này về trồng vào thượng tuần tháng Mười Một. Các củ hoa sẽ mọc rễ rồi ngủ trong lòng đất suốt mùa đông. Ngay đầu mùa xuân, khi lớp tuyết trên mặt vừa tan là cây hoa đã nhú lên khỏi mặt đất, và từ từ vươn lên. Chỉ vài tuần sau là đã có hoa. Ui chao, bông vàng bông xanh bông đỏ chen nhau, phơi phới, đẹp làm sao.

Nhà anh Mike và nhà tôi chung một mảnh vườn phía trước. Anh và tôi cùng trồng củ xuống đất. Anh mua củ cho tôi, tôi tưới nước cho anh. Ở đây hai nhà sát nhau mà không có hàng rào, không có tường xây, không có cọc biên giới. Tôi yêu giải đất quê hương thứ hai này của tôi qúa. Đất lạnh mà tình nồng. Nó đầy tình người.

Chúng tôi vừa trồng củ hoa vừa nói bao nhiêu thứ chuyện. Đặc biệt khi cầm đến củ hoa tulips, anh Mike cười hà hà rồi hỏi tôi có biết chuyện mà nguyệt san Reader’s Digest cách đây ít lâu đố độc giả không. Tôi cũng cười hà hà rồi trả lời là biết. Chuyện này nổi tiếng thế giới mà. Tôi có kể các cụ nghe rồi thì phải. Báo này đố độc giả: Giữa hai chân người đàn bà có hoa gì ? Bao nhiêu câu trả lời mà đều sai hết. Cuối cùng mới có một vĩ nhân đáp trúng. Thưa, đó là hoa tulips. Tại sai lại là hoa tulips ? Thưa vì tên cái hoa này đọc lên nghe mài mại như ‘ two lips’. Two lips là hai môi. Hà hà. Reader’s Digest thâm thật chứ chẳng chơi.

Thấy anh là người có kiến văn rộng, tôi bèn hỏi về hoa poppy, bông hoa nhỏ xíu màu đỏ tươi, mà từ đầu tháng này các cựu chiến binh đứng ở ngã tư mời ta gắn một cái lên ve áo. Anh nói một hơi không hề suy nghĩ: À, đó là bông hoa để ghi nhớ ngày chấm dứt Đệ Nhất Thế Chiến cách đây 90 năm. Bên Á Châu và Trung Đông, đây là hoa cây thuốc phiện. Còn ở Bắc Mỹ này Hội Cựu Chiến Binh Canada dùng nó nhắc ta ngày đình chiến, đồng thời để gây quỹ giúp các cựu chiến binh còn sống. Sở dĩ người ta chọn bông hoa dại này làm biểu trưng là vì cách đây 100 năm, loại hoa dại này mọc rất nhiều quanh các nấm mộ chiến sĩ vô danh ở bên Pháp và bên Bỉ. Không biết bên Mỹ bên Au Châu thế nào, còn ở Canada, cứ ngày 11 tháng 11 lúc 11 giờ trưa là chính quyền cử hành lễ tưởng niệm ở đài chiến sĩ vô danh. Các cụ đã thấy anh Mike hàng xóm của tôi thông thái chưa ?

Tôi đem việc trồng củ hoa trước nhà kể cho làng tôi nghe. Ai cũng cười ha ha, vì ai cũng đã làm y như vậy, hoá ra chỉ có tôi còn là nhà quê chưa biết. Trồng hoa vào mùa đông để thấy hoa vào mùa xuân, hay quá. Tôi chỉ kể việc anh Mike và tôi cùng trồng hoa một lúc, chứ không dám kể chuyện hoa tulips, sợ phe các bà la.

Hôm họp làng lần này để bàn việc đón Tết, Chị Ba Biên Hòa vui vẻ khác thường. Chị cám ơn tôi đã kể chuyện anh tiều phu mất rìu được bà tiên cho rìu vàng rìu bạc. Từ chuyện này mà vợ chồng chị đã suy ra nhiều chuyện hay lắm. Nghe chị đánh giá là hay lắm nên cả làng đều tò mò muốn nghe những chuyện hay lắm này. Chị liền kể ngay. Rằng cái chuyện mất rìu là chuyện số 1 khởi đầu. Chuyện số 1 đẻ ra chuyện số 2, số 3 và số 4.

Chuyện số 1 như thế này: Có anh tiều phu kia làm nghề vào rừng đốn củi. Bữa đó trên đường về nhà, anh tiều phu ngồi nghỉ mệt ở ven bờ một ngọn suối. Chẳng may cái rìu đốn củi của anh rơi xuống giếng sâu. Thế là anh mất rìu, mất kế sinh nhai. Anh ngồi khóc hu hu thì bà tiên hiện ra. Bà liền cho tay xuống suối rồi đưa lên 1 cái rìu bằng vàng, anh tiều phu lắc đầu. Bà lại cho tay xuống suối và đưa lên cái rìu bằng bạc, anh vẫn lắc đầu. Sau cùng bà đưa lên cái rìu sắt cũ mèm, anh liền gật đầu. Thấy anh thật thà lương thiện, bà tiên liền trao cho anh cả ba cái rìu. Thế là anh trở nên giầu có.

Chuyện anh tiều phu mất rìu là chuyện gốc ở Việt Nam. Chuyện này lan sang Tây. Nó biến dạng ra chuyện số 2. Ông Tây biến anh tiều phu VN ra cô đầm thợ may. Cô này sống về nghề may áo. Bữa đó trời nóng nên cô ngồi may áo bên bờ suối. Bên Tây người thợ may nào cũng đeo cái đê ( dé ) vào đầu ngón tay để tránh mũi kim đâm vào da thịt. Cái đê là cái tối cần thiết. Chẳng may cô đánh rơi cái đê xuống suối. Mất đê là mất kế sinh nhai nên cô ngồi khóc. Bà tiên hiện ra rồi với tay xuống suối đưa lên cái đê bằng vàng, cô lắc đầu. Bà đưa ra cái đê thứ hai bàng bạc, cô vẫn lắc đầu. Cuối cùng bà đưa ra cái đê bằng kẽm, cô liền gật đầu nhận. Thấy cô thực thà lương thiện, bà tiên cho cô cả 3 cái đê.

Từ chuyện số 1 mất rìu đến chuyện số 2 mất đê mới sinh ra chuyện số 3. Vợ anh tiều phu VN nghe chuyện bà tiên hiện ra ở bờ suối bèn nằng nặc đòi chồng dẫn ra bờ suối. Vì cô háo hức qúa nên cô trượt chân ngã xuống suối. Anh chồng lại ngồi khóc. Bà tiên lại hiện ra. Nghe anh kể lể sự tình, bà tiên lại cho tay xuống suối và đưa lên một cô gái cực kỳ diễm lệ. Anh tiều phu bèn gật đầu nhận ngay đây chính là vợ mình. Bà tiên liền trách: Ta có ý thử lòng dạ của ngươi chứ đây đâu phải là vợ của ngươi. Chàng tiều phu liền đáp: Con sợ bà cũng sẽ đem lên đủ 3 cô và rồi cũng sẽ cho con cả 3 cô như hôm qua bà đã cho con cả 3 cái rìu, con sợ qúa vì sức con chịu không thấu, một vợ mà con đã hết xí quách, ba vợ thì con sống sao nổi. Chính vì thế mà con chỉ dám lãnh một vợ mà thôi.

Đó là chuyện số 3 với anh tiều phu Việt Nam. Ông tây thấy chuyện VN này hay qúa mới ăn cắp ý chuyện rồi đem về tây chế biến ra chuyện số 4. Rằng cô đầm thợ may được thêm 2 cái đê vàng và bạc thì sung sướng qúa sức. Cô vội đem về khoe với chồng. Anh chồng thấy mê qúa bèn đòi vợ dắt ra bờ suối. Anh chồng hồi hộp qúa rồi chẵng may té ngay xuống suối. Cô thợ may mất chồng liền ngồi khóc hu hu. Bà tiên lại hiện ra. Sau khi nghe cô đầm kể lể sự tình, bà tiên liền cho tay xuống suối và đưa lên Paul Newman, một tài tử đẹp trai nổi tiếng cũa Mỹ. Cô gái lắc đầu. Bà liên lại cho tay xuống suối và đưa lên Johnny Hallyday, một ca sĩ nổi tiếng của Pháp, cô vẫn lắc đầu. Cuối cùng thì bà tiên đưa lên anh chồng cũ và cô đầm thợ may sụp xuống đội ơn bà tiên và ôm lấy chồng ngay.

Kể đến đây xong Chị Ba kết luận: Các ông thấy chưa, chuyện số 4 này đã đề cao sự trung thành của phái nữ chúng tôi. Xưa nay tôi chưa hề nghe chuyện nào ca ngợi chị em phụ nữ chúng tôi hay bằng chuyện này.

Lời Chị Ba đã đụng tới mạch điện của bồ chữ ODP trong làng. Ông ODP liền lên tiếng ngay: Chị vừa nhắc tới tên tài tử Paul Newman trong chuyện số 4, tôi cũng có một chuyện dính dáng tới Paul Newman. Nó cũng đề cao lòng chung thủy của phái nữ. Chuyện xảy ra ở Michigan, được kể trên internet. Một thiếu nữ kia 45 tuổi, có chồng và đã 3 mặt con. Bữa đó bà lái xe vào men rừng để đi bộ như thường lệ. Đi bộ xong thì tự nhiên bà khát nước và thèm ăn kem. Bà liền vào quán bên đường. Lúc đó còn sớm nên trong quán chỉ có một người khách đang ngồi uống cà phê. Bà nhìn người khách đàn ông này rồi tự nhiên có tiếng sét nổ. Bà hoa mắt. Chúa ơi, con người gì mà đẹp trai đến thế. Đôi mắt gì mà xanh biếc và hút hồn đến thế. Sau giây phút xúc động, bà lấy lại bình tĩnh, tiến vào quầy hàng và mua một ly kem. Bà bị người đàn ông đẹp trai hút hồn nên cuống quýt, bà phải móc túi mãi mới lấy đủ tiền lẻ trả cho ly kem. Rồi để chiến thắng lòng dục đang nổi lên vì ngươì khách đàn ông đẹp trai, bà vội vã chạy ra xe. Khi đã ngồi vào xe thì bà chợt nhớ tới ly kem. Bà tìm kiếm mà không hề thấy. Chắc bà đã bỏ quên trong quán. Bà vội chạy vào, đảo mắt nhìn quanh mà vẫn không thấy. Bà lên tiếng hỏi chủ quán. Lúc đó người khách đàn ông mới lên tiếng: Lúc nãy tôi thấy chị bỏ ly kem vào túi quần mà.

Chúa ơi, hóa ra thiếu phụ đạo đức này vì lo chống trả dục vọng nên đã cuống quýt bỏ ly kem vào túi quần lúc nào mà không hề hay biết.

Người đàn ông trong quán là tài tử Paul Newman. Chuyện do chính chủ quán kể lại cho người bạn thân. Người bạn thân đã viết lại chuyện này.

Ông ODP kể đến đây rồi cũng cười ha ha và kết luận: Chuyện cô đầm thợ may ban đầu và chuyện thiếu phụ ở Michigan trên đây đều đề cao nhân đức đáng qúy của các bà. Phe liền ông chúng tôi xin thành tâm bái phục nha.

Rồi anh John được yêu cầu nói chuyện thời sự trong tháng.

Anh John vào đề ngay: Tôi xin được tiếp tục chương trình tôn vinh phái nữ. Chuyện nổi bật nhất là chuyện tân nội các của chính phủ Harper trong tháng Mười Một vừa qua. Nội các có 38 bộ thì có tới 11 bộ do phái nữ cầm đầu. Nữ dân biểu Leona Aglukkaq của miền Nunavut làm bộ trưởng Y tế. Các cụ biết miền Nunavut ở đâu chứ ? Thưa, đó là một trong ba đặc khu phiá bắc, cùng ngang với Alaska của Hoa Kỳ là nơi bà Sarah Palin phó tổng thống hụt trong liên danh ông McCain làm thống đốc ấy mà.

Tin vui thứ hai là Canada vừa bổ nhiệm bà Anne Leahy làm đại sứ ở Vatican. Ngày tiếp nhận sứ thần, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã ca ngợi Canada là thỏi nam châm thu hút bao nhân tài thế giới. Sỡ dĩ Canada có hấp lực lớn như vậy vì Canada là xứ nổi danh về việc tôn trọng nhân quyền và phẩm gía con người. Bà Leahy trước khi nhậm chức đại sứ tại Tòa Thánh Roma, đã làm đại sứ ở nhiều nuớc như Balan, Armenia và Nga. Năm 2002 khi Canada tổ chức thành công Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Toronto, Bà Leahy là đại diện chính quyền liên bang trong ban điều hành. Roma biết đến bà ngay từ thời đó.

Một nữ lưu khác làm rạng danh phái đẹp ở Canada là bà Hazel McCallion thị trưởng thành phố Mississauga phía tây của Toronto. Bà được mệnh dang là ‘ Bà Già Gân’. Bà đã làm trị trưởng 30 năm liền. Năm nay bà 87 tuổi vàng mà nhất định chưa chịu về hưu. Ai cũng yếu mến Bà vì bà là người công chính, thông minh và đầy nghị lực.Trong các mùa bầu cử, bà chỉ ghi danh tham dự chứ không hề đi vận động, thế mà ai cũng bỏ phiếu cho bà. Mới đây Tòa Tổng Giám Mục Toronto tổ chức tiệc gây quỹ cho các cơ sở bác ái, ban tổ chức đã mời bà làm diễn giả danh dự. Lời bà là gang là thép, lời bà có sức thuyết phục và thu hút mọi người. Bữa tiệc đã thành công mọi mặt.

Anh John vừa ngưng để nhấp một hớp trà thì Anh H.O. nhảy vào ngay: Phụ nữ Canada lẫm liệt như vậy, chả bù cho bà Sarah Palin, phó tổng thống hụt trong liên danh McCain vừa qua. Các bạn có biết bà Palin đã bị 2 thành viên của đài radio CKOI-FM ở Montréal đất Canada này đánh lừa ra sao không ? Họ nhái giọng Tổng thống Sarkozy của Pháp quốc mời bà đi săn. Anh chàng Marc-Antoine Audette thật là giỏi. Anh ta bắt chước giọng tổng thống Pháp y hệt. Bà Palin ngây thơ tin ngay. Cảm động qúa vì nghĩ mình được tổng thống Pháp mời, bà đã trả lời: OK, chúng mình sẽ cùng đi săn và vui chơi sau mùa bầu cử nha ! Bà Palin vậy đó. Ngoài ra thiên hạ còn xầm xì chuyện bà Palin không biết Canada, Hoa Kỳ và Mexico ở trong hiệp ước thương mại tự do, và chuyện bà không biết Phi Châu là một đại lục. ..

Chị Ba Biên Hoà nghe đến đây thì lên tiếng chê Anh H.O. lạc đề: Cả làng đang ca ngợi những điều vĩ đại của phái đẹp cơ mà. Anh H.O. liền cười hề hề xin lỗi. Anh bào chữa cho việc lạc đề là vì chuyện thời sự Palin bên Mỹ làm anh ngứa mắt qúa. Anh bảo thật là may cho Mỹ Quốc. Kỳ vừa qua, nếu liên danh McCain mà đắc cử, cụ McCain lên ngôi tổng thống. Cụ đã già, lỡ cụ quy tiên bất chợt thì đương nhiên Bà Palin là phó tổng thống sẽ lên ngôi, thì ôi thôi, lúc đó còn gì là nước Mỹ ! Sở dĩ anh còn quan tâm nhiều tới nước Mỹ là vì cái gốc H.O. của anh. Anh vẫn mang ơn Hoa Kỳ đã đem anh sang Mỹ. Đáng lẽ anh phải ở bên Mỹ để góp phần trả ơn đất nước này, nhưng không ngờ tình yêu vĩ đại qúa. Anh từ Hoa Kỳ sang Canada chơi, gặp tình yêu sét đánh. Tiếng sét ái tình nổ lớn làm anh không còn sức trở về Hoa Kỳ.

Và để chuốc tội lạc đề, anh H.O. xin kể một chuyện về tình yêu, tình yêu đích thực. Chuyện này do một ông bác sĩ viết trên báo. Rằng bữa đó có một cụ già đến phòng mạch rất sớm. Cụ xin chữa bệnh ho vì bệnh này vừa bắt đầu từ đêm qua. Cụ tỏ ra rất nôn nóng và muốn xin được chữa ngay. Lời bác sĩ: Tôi mới hỏi ông cụ là tại sao cụ có vẻ nôn nóng và bồn chồn quá vậy thì cụ nói cụ có hẹn đến ăn điểm tâm với bà vợ đang sống biệt lập trong viện dưỡng lão lúc 9 giờ. Cụ không muốn bệnh ho lây sang cụ bà. Nói chuyện một lúc thì tôi được biết cụ bà hiện đang bị bệnh mất trí nhớ. Cụ bà không còn nhận ra cụ ông nữa. Nhưng sáng nào cụ ông cũng đến ăn điểm tâm với cụ bà. Tôi hỏi: Nếu cụ bà không còn nhận ra cụ là chồng nữa thì cụ đến làm gì. Cụ ông đã vỗ vai tôi rồi thân mật nói: Bà ấy không nhận ra tôi, nhưng tôi vẫn còn nhận ra bà ấy, tôi vẫn nhận ra đây là người tôi đã yêu thương.

Chà, chuyện này mang thông điệp lớn, phải không các cụ.

Thấy không khí trong làng nghiêm trang qúa sau khi nghe chuyện tình anh H.O. kể., Cụ B.95 lên tiếng xin anh John kể chuyện gì vui và nhẹ, chứ chuyện cụ già vẫn còn yêu bà vợ già mất trí nhớ trên đây nặng quá. Anh John bèn vui vẻ nhận lời ngay. Anh xin kể chuyện anh đang học tiếng Việt.

Rằng trong ngôn ngữ bình dân thường ngày, có nhiều câu phải biết cái bối cảnh thì mới hiểu được lời nói. Đặc biệt ngôn ngữ ở chợ. Chẳng hạn có một bà cụ ở đây đã về VN ba tháng, khi trở lại Canada thì bà cụ lại tiếp tục đi chợ. Cụ đã quen hết mấy cô bán thịt. Bữa đó, thấy cụ một cái là cô hàng thịt bò lên tiếng ngay: Ồ, lâu quá cụ không ăn thịt cháu. Hôm nay thịt mông và thịt đùi của cháu ngon lắm. Chẳng hạn có anh đầu bếp nhà hàng, mỗi buổi sáng đều ra chợ mua thịt. Cô hàng thịt nào cũng chào mời anh lấy thịt bò thịt heo thịt gà của mình. Có cô lên tiếng: Anh Hai ơi, em đã sẵn sàng hết, hôm nay anh lấy em đi. Có cô khác chèo kéo: Lấy em nè anh.

Thấy cả làng phá ra cười, anh John được hứng kể tiếp. Anh lôi cuốn sổ trong túi ra và nói: đây là những định nghĩa mới nhất về tình yêu:

Yêu nhau đến lần thứ tư thì gọi là tư tình

Yêu nhau đến lần thứ bẩy thì gọi là thất tình

Yêu mà ý tứ đề phòng thì gọi là tình tứ

Có nhiều người yêu một lúc thì gọi là trữ tình

Không có tình yêu thì gọi là vô tình

Yêu và lấy người nước ngoài thì gọi là ngoại tình

Yêu và lấy người trong nước thì gọi là nội tình

Gặp người tình nơi đánh bạc thì gọi là bạc tình

Yêu người đang có tang cha mẹ thì gọi là tình tang

Hai vợ chung một ông chồng gọi là chung tình

Yêu vợ người khác rồi bị đánh thâm tím mặt thì gọi là thâm tình

Yêu ngay khi còn đi học gọi là tình trường

Bạn hữu yêu nhau gọi là hữu tình

Mời người yêu ăn bánh men thì gọi là men tình

Đi với nhau ngoài mưa rồi bị cảm gọi là cảm tình

Yêu mà không mặc áo gọi là trần tình

Yêu ngươì cha của cô gái gọi là phụ tình

Có tình với cô bán khoai lang gọi là tình lang

Có tình với cô hàng báo gọi là tính báo. ..

Làng tôi nghe tới đây thì ai cũng bò ra cười. Tiếng Việt mình hay tuyệt vời chứ. Anh John bàn thêm: Các câu chuyện cười trong tiếng Việt trên đây mà dịch ra Anh văn hay Pháp văn thì mất hết cái buồn cười. Không thể dịch ra ngoại ngữ được !

Người cười nhiều nhất và cười rũ rượi là Cụ B.95. Cụ bảo nếu không trực tiếp nghe từ miệng anh John kể thì cụ không thể tin được có người ngoại quốc mà lại giỏi tiếng Việt như vậy. Cụ phục anh vì không những giỏi tiếng Nam mà giỏi cả tiếng Bắc nữa. Cụ thấy mình thua xa anh về mặt này. Cụ giao tiếp với Chị Ba Biên Hoà đã 13 năm mà vẫn chưa hiểu hết tiếng Nam của chị. Mới gần đây cụ mới biết ‘thịt chà bông’ là ‘ruốc’ Bắc Kỳ, ‘cái vá’ miền Nam là ‘cái muôi’ miền Bắc. Anh H.O. nói chen vào như trêu cụ B.95: Và vì Canada chậm tiến nên ở các siêu thị không có ‘Quầy thịt sống Thanh Niên’ và ‘Cửa hàng chất đốt Phụ Nữ’.

Hôm nay chúng tôi họp làng ở nhà ông ODP. Ông đãi chúng tôi một món rất lạ, xưa nay tôi chưa hề ăn. Đó là món súp ‘ vây cá mập’. Nói ‘vây cá’ hay ‘vi cá’, cái nào đúng, thưa các cụ ? Nó khác món súp tổ yến mà ta thường ăn ở nhà hàng Tàu. Cái ông ODP này quả là bậc thiên tài trong thiên hạ. Làng tôi có 2 siêu nhân, một là ông Từ Hòe, hai là ông ODP. Cả hai ông đều là sĩ quan cao cấp trong Quân Đội VNCH ngày xưa. Ông nào cũng đã tu nghiệp lâu năm ở ngoại quốc, ông nào cũng lăn lộn chiến trường mọi miền đất nước, ông nào kinh nghiệm sống cũng đầy mình. Ông Từ Hoè thì khi xưa ở với chúng tôi, nay thì ông ở miền tây Canada với chú em kết nghĩa, mỗi năm mỗi về thăm làng vào dịp tết.

Ông ODP mua được vây cá mập qua người hàng xóm gốc xứ Argentina. Món xúp này màu vàng, cũng sột sệt như có bột năng trong súp tổ yến, cũng có hành có tiêu. Vừa tiếp món súp cho mọi người ông vừa nói: vây cá mập còn bổ hơn tổ yến. Dân chuyên nghiệp đi đánh cá mập cốt chỉ cắt lấy vây cá, cắt xong vây, họ liệng con cá xuống biển. Nhờ ông bữa nay mà tôi mới biết cá mập có tới gần 600 loại khác nhau. Loại cá đầu như cái búa, Hammerhead Shark, là có vây cá ngon nhất. Vây cá là cơ quan giữ thăng bằng cho thân cá. Cá mập đều có rất nhiều vây. Vây trên lưng và ở ngực là ngon nhất. Các nước săn cá mập nhiều nhất để lấy vây cá là Indonesia, Ấn Độ, Taiwan, Argentina, Tây Ban Nha, Mexico, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Mã Lai và Thái Lan. Cá mập rất cần thiết cho sinh thái của đại dương. Nó thu dọn vệ sinh dưới đáy biển. Cứ đà đánh bắt này thì dân số cá mập trên các đại dương đang bị giảm đi. . .

Cả làng vừa được ăn súp vây cá mập vừa được nghe nói về cá mập, ai cũng thích thú quá chừng. Ngoài món súp đặc biệt này, làng tôi ăn cơm với rau muống xào thịt bò và món xà lát broccoli. Ông ODP lại thêm một bài diễn văn nữa về món broccoli này. Ông bảo theo sách vở thì broccoli dịch là ‘ Bông cải xanh’, nó thuộc họ hàng nhà bông cải xúp lơ cauliflower. Theo những khám phá mới đây thì bông cải xanh này đầy chất sinh tố, chất xơ, và nhiều chất dinh dưỡng. Bông cải này là thuốc thiên nhiên ngăn ngừa bệnh ung thư, và ăn sống thì tốt hơn ăn chín. Bữa nay ông làm món xà lát brococoli là vậy. Các cụ đã bao giờ ăn sống rau này chưa ? Nó giòn rau ráu, vị ngọt, được lắm, các cụ ạ.

Trong bữa ăn chúng tôi bàn tới việc nấu bánh chưng vào tết Kỷ Sửu này, và chúng tôi phân chia công tác. Ông ODP cười hà hà: Thế nào ông Từ Hoè cũng đem bánh chưng của chú em Paul về. Ta phải gói bánh thi, xem bánh của ai ngon.

Nhân nhắc tới tết Kỷ Sửu, làng tôi lại miên man sang năm con Trâu. Vì ông Từ Hoè sẽ giữ chức đầu bếp ngày tết nên chúng tôi lại bắt đầu đoán xem ông sẽ nấu món gì của con trâu trong tiệc đầu năm. Cụ Chánh thì nói tới việc người Tây Tạng có thói quen uống trà với sữa trâu nóng, và các chùa của người Tây Tạng thường đốt đèn bằng dầu sữa trâu. Đèn sưã trâu không có khói. Đèn tỏa nhiều ánh sáng và hương thơm dịu dàng. Những con trâu Tây Tạng hình dáng thấp lùn và mình đầy lông đen.

À, còn một tin sốt giẻo này nữa, quan trọng lắm: đó là việc Chị Ba Biên Hoà và anh John đã hết lòng hết sức lo việc in 2 sách mới cho tôi. Hai cuốn mang tên ‘ Miền Đất An Lạc’ và ‘500 Chuyện Cười’. Sách sẽ ra mắt độc giả khắp nơi vào đầu năm 2009 này. Cuốn đầu nói về các chuyện sinh hoạt vui nhộn trong làng An Lạc của tôi, cuốn sau là đúc kết các chuyện cười đông tây kim cổ mà tôi thu lượm trong 7 năm nay. Mời các cụ đón đọc nha.

Kính chúc các cụ năm mới 2009 đầy phước lành và đầy tiếng cười.

TRÀ LŨ

Nhà Xuất Bản Hoa Lư trân trọng giới thiệu

ĐẦY TIẾNG CƯỜI
ĐẦY KIẾN THỨC


Nhà Xuất Bản HOA LƯ hân hạnh giới thiệu
2 sách mới của Nhà Văn TRÀ LŨ, tác phẩm thứ 11 và 12 vừa phát hành:

MIỀN ĐẤT AN LẠC
Những chuyện vui tươi dí dỏm nhất trong mấy năm qua và

500 CHUYỆN CƯỜI

những chuyện tiếu lâm đông tây kim cổ chọn lọc,
khác với 300 Chuyện Cười đã xuất bản năm 2001

Giá sách và bưu phí mỗi cuốn:
-gửi trong Canada: 25 Gia kim ( hay 23 Mỹ kim)
- gửi từ Canada sang Hoa Kỳ: 28 Gia kim ( hat 26 Mỹ kim)
- gửi từ Canada đi các nước khác: 33 Gia kim ( hay 30 Mỹ kim)
Ngân phiếu xin đề: TRÀ LŨ, 113 Kennedy Ave, Toronto, Ontario M6S 2X8 Canada


Đây là món quà trang nhã và đẹp nhất mừng Năm Mới
để tặng thân nhân và bằng hữu. Xin cho chúng tôi tên và địa chỉ.