Thế là đã năm mới 2019 - Kỷ Hợi. Giữa tháng Giêng, trước tết ta, toàn cõi Canada lạnh khủng khiếp và ngập tuyết. Nhiều trường học phải đóng cửa. Các cụ phương xa có thích tuyết không ? Ngày xưa khi còn ở VN tôi thấy tuyết ở phương tây, trên phim ảnh cũng như sách báo, sao mà nó đẹp và thơ mộng làm vậy. Lúc trước, nhà văn nào ở VN khi tả cảnh rét mướt thì bao giờ cũng nói tới sương tuyết, gió tuyết. Cụ Phan Khôi ngày xưa đã nói về việc này trong cuốn Chương Dân Thi Thoại: ‘ Nước Nam chẳng đời nào thấy tuyết, vậy mà trong thơ nôm thường thấy những chữ như ‘tuyết phủ tuyết ngậm...’ thì thật là láo quá.’ Nghe nói tới đây thì anh H.O. trong làng xin kể kinh nghiệm về tuyết của anh. Rằng hồi mới từ VN qua đây, sáng ngày mùa đông đầu tiên có tuyết, tôi đã chạy vội ra sân bốc một nắm tuyết đưa lên mũi ngửi và cho vào miệng nếm, tôi muốn xem tuyết nó mùi gì và vị gì. Nhưng rồi từ chỗ thích tuyết hoá ra sợ tuyết chẳng có lâu. Bây giờ tôi sợ tuyết lắm. Anh John bèn góp thêm ý: ai cũng sợ tuyết như bạn. Lý do ư? Nhiều lắm. Này nha, anh có xe hơi nhưng không có nhà xe mà phải đậu ngoài đường. Sau một đêm bão tuyết, tuyết phủ cao như núi, sáng ra đi làm thì không biết xe mình đậu chỗ nào. Bèn phỏng đoán. Sau một hồi bới và xúc mệt muốn đứt hơi thì mới biết không phải xe mình ! Đấy là chủ xe, còn chủ nhà cũng ghét tuyết kinh khủng vì phải lo rải muối trên đường trước nhà và phải lo cào tuyết sau 12 giờ, vì lỡ khách bộ hành mà trượt té bị thương truớc nhà mình thì chủ nhà sẽ bị kiện. Rồi tuyết xuống thì nhà nhà phải vặn máy sưởi cho lớn, tiền sưởi này cũng làm ta méo mặt. Còn chính quyền cũng ghét tuyết vì phải tốn nhiều tiền cho việc rắc muối chống tuyết và xe đi ủi tuyết và xúc tuyết. Chiếc xe mới tinh chạy 3 năm bên Cali trông vẫn mới, còn bên Canada chạy qua 3 mùa đông dính muối chống tuyết, trông đã cũ xì. Tôi vẫn ước mơ có bộ óc thông thái tìm được công thức chế ra một loại muối làm tan tuyết nhưng không làm hỏng xe, tôi cầu hoài mà Chúa chưa cho... Ngày xưa thì suốt ngày đọc thơ ‘Hông Hồng Tuyết Tuyết’ vì đa phần các cô mang tên Tuyết sao mà đẹp thế. Nay đã hết. Nói về tuyết thì tiếng Việt ta chỉ có một chữ tuyết, còn dân Da Đỏ Inuit có những hơn 40 từ khác nhau.

Cụ Chánh cũng xin góp một chuyện. Rằng Cụ có một đứa cháu đã lập gia đình và có 3 đứa con gái liền, nó đặt tên 3 đứa là Xuân, Hạ, Thu. Sang đến Canada nó đẻ đứa con thứ 4, cũng là con gái. Tôi đố các bạn biết cháu tôi đã đặt tên cho đứa con gái thứ 4 này là gì? Dân làng ai cũng bảo tên là Đông. Cụ lắc đầu bảo không phải. Cháu tôi nó đặt tên là Tuyết. Tôi hỏi tại sao thì nó bảo phải đặt tên là Tuyết để nhớ mùa tuyết đầu đời ở Canada, vì theo thày xem tướng: nó sẽ có 5 con gái, tức là ‘ngũ long công chúa’, đứa thứ 5 nó sẽ đặt là Đông, vẫn chưa muộn. Cháu cụ Chánh có khác, vui qúa ha.

Nhưng thôi không nói chuyện tuyết nữa kẻo các cụ phương xa thấy lạnh rồi không dám đến xứ tuyết Canada thiên đàng này. Xin bàn chuyện thời sự.

Năm mới nhưng tình hình thế giới vẫn chả mới gì, vẫn là những vấn đề cũ kéo dài: Cụ Trump của nước Mỹ vẫn là tin nóng hằng ngày, Cụ Tập vẫn ôm mộng cai trị thế giới, Cụ Ủn vẫn gây xôn xao dư luận. Cụ Ủn và cụ Trump lại sắp gặp nhau ở Đà Nẵng của Việt Nam. Bên Pháp vẫn âm ỉ chuyện áo vàng, Nam Mỹ vẫn ì xèo chuyện hai ông tổng thống xứ Venezuella. Và đề tài khíến dân làng An Lạc của tôi tranh luận và gây tiếng cười nhiều nhất là chuyện Cụ Trump đòi xây tường biên giới. Chị Ba Bên Hòa là người bình luận hay nhất: Tại sao Đảng Dân Chủ bên Mỹ không để cụ Trump xây tường vì bức tường bảo vệ hữu hiệu sự an ninh xã hội phía nam, mà cụ có xin nhiều gì cho cam, chỉ có 5.7 tỷ. Đây là con số nhỏ so với 12 tỷ bị mất vì 35 ngày đóng cửa chính phủ. Bà cụ B.95 lên tiếng hỏi chị Ba sao chị lại nói 5.7 tỷ là con số nhỏ. Chị Ba thưa ngay: So với các bức tường nổi tiếng ngăn biên giới như Vạn Lý Trường Thành bên Tàu thì nó nhỏ lắm. Nó chỉ dài 3.200 cây số, còn Vạn Lý Trường Thành của Tần Thủy Hoàng dài những 21.200 cây số, nghĩa là dài hơn tường Cụ Trump những 7 lần, mà Tàu vẫn xây. Hoa Kỳ dư ngân sách cho việc xây tường, nhưng hiện chưa xây được vì chính kiến giữa 2 đảng khác nhau. Chị Ba cười hì hì rồi nói: Tôi không thích đảng Dân Chủ tý nào. Nếu có bức tường như cụ Trump muốn thì ngân sách quốc gia tiết kiệm đưọc bao nhiêu mà kể. Ta cứ nghĩ kỹ mà coi, những nước khác mà kẻ lạ vượt biên giới vào không có phép thì tù mọt gông, còn ở Mỹ trốn vào lọt thì các dân ở lậu này được tiền xã hội, bằng lái xe, food stamps, tốn biết bao nhiêu tiền thuế của dân. Không biết rồi đây bức tường này có được xây không. Đây là ta nói chuyện bức tường phía nam, còn phiá bắc, biên giới giữa Hoa Kỳ và Canada dài cũng mấy ngàn cây số mà chả thấy ai nói việc xây tường. Xưa nay những kẻ giàu có và khôn ngoan đã giả bộ đến Canada du lịch rồi lẻn xuống Mỹ, chả phải vượt tường gì cả. Cụ Trump mà xây xong bức tường phía nam thì chắc cụ sẽ nghĩ tới bức tường phía bắc đó, các cụ ạ.

Cụ Chánh tiên chỉ làng xin đổi đề tài vì xây tường hay không là vấn đề chính trị chứ không phải vấn đề tài chính. Cụ Chánh quay vào Anh John hỏi chuyện VN: Anh Chị ăn tết vừa qua có vui không ? Anh John chưa kịp trả lời thì vợ anh là Chị Ba lên tiếng ngay: Vui, nhưng năm nay mấy ngày tết nhà cháu mải mê đọc báo, chưa năm nào say mê như năm nay. Anh John nói ngay: cháu mê các báo tết quá. Năm nay cháu có người bạn thân bên Cali gửi cho tờ Người Việt và Saigon Nhỏ, chao ơi là hay. Hai cô Huế trong làng xin Anh John nói chi tiết về cái hay này. Điều này gõ đúng tần số trong tâm của chàng rể Canada. Anh nói ngay:

Tờ báo Người Việt vừa kỷ niệm 40 năm có mặt ở hải ngoại, nhiều bài hay lắm, như bài nói về Phong Trào Minh Tân trong Nam. Ngoài Bắc ngoài Trung có phong trào Đông Du và Duy Tân và báo chí chỉ nói về 2 phong trào này, còn trong Nam có phong trào Minh Tân ( do chữ Minh Đức và Tân Dân ghép lại, nó chủ trương làm cho cái đức mới hơn và người dân sống tốt hơn) thì bị quên. Bài báo nói rất rõ và chi tiết, đây là công lớn của cụ Trần Minh Chiếu, Cụ Chiếu hình như cùng quê với Chị Ba Biên Hoà. Ngoài bài về Phong trào Minh Tân giá trị này còn có bài nói về chữ quốc ngữ với công đầu của cố Alexande de Rhôdes và cụ Petrus Trương Vĩnh Ký...

Tờ báo thứ hai tôi thích là báo Saigon Nhỏ cũng ở Cali. Tờ báo tết này có nhiều bài văn hay, nhưng một bài văn tôi thích nhất là bài ‘Ông Thông Gia’ của Vũ Thư Hiên. Chao ơi, nó hay cách gì. Nguyên cái tên Vũ Thư Hiên đã bảo đảm cái hay rồi. Các cụ biết Vũ Thư Hiên là ai chứ ? Thưa, là con của Cụ Vũ Đình Huỳnh, bí thư riêng của Hồ Chí Minh. Ngày còn bé vì là con ông bí thư nên thì ông Hiên đã được biết họ Hồ và mấy nhân vật lớn như Phạm văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, biết cách ăn ở và nếp sống của ông Hồ và nhóm người chung quanh. Lớn lên Vũ Thu Hiên vào đảng và 1955-58 được đi Nga học về điện ảnh. Rồi bố ông và ông mở mắt: CS toàn gian ác và gian dối. Trong vụ án chống đảng 1967-76, bố ông và ông bị bắt bỏ tù. Rồi đưọc tha. 1980 ông mới vô Nam, và làm kinh doanh. 1993 ông đi Nga, đi Ba Lan, và Pháp rồi ở lại xin tỵ nạn như Bùi Tín. Tại đây ông viết cuốn sách nổi tiếng Đêm Giữa Ban Ngày... Nhưng chuyện in trên báo tết Saigon Nhỏ không phải là một chuyện trong cuốn Đêm Giữa Ban Ngày mà là một chuyện mới, mang tên ‘Ông Thông Gia’. Chuyện khá dài và gay cấn. Chuyện kể 1 ông Miền Nam làm ăn khá giả đã bị một tên công an gộc gian manh lừa gạt cướp hết cơ nghiệp và ông bị tù. Ra tù Ông vươt biên. Ông thứ hai là bạn của ông số 1 trên đây cũng miền Nam toan vượt biên nhưng bị lừa và bị bắt vào tù. Vào tù ông này cũng bị chính tên công an trên đây tra tấn. Ra tù thì ông này vượt biên và cũng đến trại tỵ nạn Hong Kong và gặp ông thứ nhất. Rồi duyên số mà hai ông tỵ nạn cùng được định cư ở Đức. Ông thứ nhất có một đứa con trai tên Hiếu. Và đứa con trai này mê một đứa con gái VN tên Thủy. Hai đứa yêu nhau và đòi cưới nhau. Bố thằng Hiếu rủ ông bạn thân đi hỏi vợ cho con. Đến nhà gái thì té ra bố vợ chính là tên công an khốn nạn trên đây. Bố thằng Hiếu thấy mặt kẻ tử thù liền bỏ đi ngay. Hai đứa trẻ thuộc thế hệ thứ hai không biết gì về cái hung ác gian dối của CSVN, và người bạn đã nuốt hận thay mặt đàng trai đi hỏi vợ cho cháu. Ông đã đối mặt với tên công an kia. À thì ra hắn đã mang được tài sản khổng lồ sang Đức, tậu nhà cao cửa rộng và vẫn tiếp tục gian dối như xưa. Tên cán bộ VC vẫn sống phây phây ở Berlin. Bố thằng Hiếu phải làm thông gia với kẻ tử thù. Kỳ ha. Hình như không có chuyện nhân quả gì cả các cụ ạ...

Bà cụ B.95 nghe tới đây thì xin ngưng đề tài này vì nó làm mất cái không khí vui tươi ngày tết vẫn còn đang vương vấn trong làng. Cụ Chánh tiên chỉ đồng ý ngay. Hôm nay tự tay cụ và ông ODP nấu cơm đãi cả làng. Các bạn có biết hai cụ này nấu món gì không? Thưa, không hề có bánh chưng giò chả nem rán thịt quay mà là những món làm từ một thứ rau rất Bắc Kỳ. Các cụ đã đoán ra rau gì chưa? Thưa, hai đầu bếp gốc Bắc Kỳ đặc này đã chọn rau MUỐNG. Thức ăn bày ra toàn rau muống. Dân làng vừa ăn vừa nghe ông ODP thay mặt cụ Chánh thuyết trình. Ông này đúng là một bồ chữ, nói có sách mách có chứng. Ông nói thế này:

Có 2 loại rau muống: muống thả ở ao và muống cấy trên vườn. Muống ở ao còn gọi là muống bè, màu tim tím. Muống này dai nên phải nấu kỹ. Muống thả ở ao hợp thành từng mảng lớn. Đây cũng là dụng ý của ông bà mình: những mảng này chính là những cái vung úp lên ao cá để phòng ngừa kẻ gian đánh cá trộm về đêm. Còn muống cấy trên vườn thì màu xanh, dùng hạt gieo như các loại rau khác.

Các món làm từ rau muống thì nhiều lắm, như

- Muống luộc. Tuyện đối không đậy vung. Nước luộc vắt chanh, ngon tuyệt. Khi luộc rau mà bỏ thêm một quả cà chua vào, sau khi vớt rau ra thì dằm quả cà chua đã chín rồi vắt thêm chanh, chan với cơm và ăn với cà ghém nén, chao ơi nó ngon đậm đà cách gì.

- Canh cua rau muống. Cua đồng giã sống lọc lấy nước, cho rau muống vào nấu chung, nêm vừa ăn, khi ăn với cơm thì thêm món cà pháo chấm mắm tôm, ngon tuyệt cú mèo.

- Rau muống chẻ. Rau chẻ sống, ăn cùng với các loại rau thơm, ăn cùng với bún riêu, bún ốc, bánh tôm, bún chả, bún bò giò heo, bún nem rán. Ngon quên chết.

- Nộm rau muống. Rau muống chẻ, trộn dầu giấm chung với thính và thịt heo.

- Rau muống xào. Xào hoặc với thị bò, hoặc xào suông, nhưng phải có tỏi. Ông ODP đã làm món này thơm lừng cả phòng ăn. Ông chỉ cách: Cho mỡ vào chảo chờ nóng già thì cho mấy tép tỏi đã đập dập vào rồi đậy vung. Chờ cho tỏi chín vàng thì mới cho rau muống vào, đảo nhiều lần rồi đậy vung cốt để hầm hơi, rau tự chín sẽ xẹp xuống, nêm mắm muối cho vừa miệng. Trước khi bắt ra thì cho thêm mấy lát tỏi tươi. Ôi điã rau muống xào tỏi tươi bốc khói ngùn ngụt sao mà nó thơm và ngon đến thế. Cụ xơi với cơm tám nóng sốt nha.

Kể xong các món nổi tiếng từ rau muống rồi ông ODP cười hà hà: Rau muống đã thấm vào máu người Bắc Kỳ nên đi đâu họ cũng nhớ rau muống. Trước 1954, miền Nam có rau ‘muốn’ nhưng đây là món ăn cho heo, không phải cho người. Dân Bắc Kỳ ‘ri cư’ đã mang rau muống và cà pháo vào. Rau muống và cà pháo ở Cái Sắn nơi dân Bắc Kỳ ri cư lập nghiệp ngon có tiếng. Hồi đó đi học, bạn bè người Nam gọi bọn học sinh ri cư là ‘dân Bắc Kỳ rau muốn’. Ngoài Bắc mưa nắng 4 nùa rõ ràng thì mùa rau muống hết vào tháng Chín, còn trong Nam mưa nắng 2 mùa nên ta có rau muống quanh năm. Lạ lùng hơn nữa, xứ tuyết Canada này mà cũng có rau muống và có quanh năm, quả đây là đất thiên đàng. Hôm nay làng tôi đang ăn rau muống mà ngoài kia trời đang mưa tuyết ào ào...

Anh John lên tiếng hỏi Cụ Chánh: Tiếng Việt có câu tục ngữ nói về cái ngon miền Bắc: ‘Rau muống Sơn Tây, cá rô Đầm Sét’. Vậy rau muống tỉnh Sơn Tây ngon nhất cơ ? Cụ Chánh lắc đầu không biết, cụ bảo cái này phải hỏi nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn vì ông ấy gốc Sơn Tây. Chị Ba Biên Hoà và mấy cô Huế gật gù: Đúng, phải hỏi cái ông nhà văn thông thái này. Rồi nhân nói chuyện rau muống và Ông Ngạn, làng tôi đã miên man bàn sang chuyện văn nghệ, chuyện phim ảnh, chuyện Thuý Nga 126 và 127. Ai cũng gật gù khen hay 2 cuốn này, hay từ nội dung đến hình thức. Chao ơi cái ông MC Ngạn nói hay cách gì, lại có cô luật sư Kỳ Duyên phụ họa, lại có các phần trình diễn tuyệt vời của các nghệ sĩ thành danh, lại có đoàn phụ diễn tài ba, lại có sân khấu huy hoàng tráng lệ có tầm cỡ điện ảnh quốc tế. Tôi viết đến đây chắc có cụ nhiều máu chính trị qúa khích không bằng lòng. Xin các cụ này bình tâm xét lại đi. Về mặt văn hoá, nghệ thuật và đề cao lý tưỏng quốc gia thì nào có công ty nghệ thuật nào giỏi hơn. Khi tôi viết bài này thì làng tôi chưa được xem cuốn Thuý Nga 128 cùng nói về 35 năm hiện diện. Mới xem 2 cuốn mà làng tôi đã nói miên man.

Và mãi về sau, Cụ Chánh chủ tiệc rau muống tân niên mới nói được lời cuối bữa: Lão vừa tâm sự với người bạn già bên Pháp tối qua. Ông bạn này đầy kinh nghiệm sống. Lão xin được chuyển cái kinh nghiệm này cho các bạn:

- Trên đời ta chỉ cần có 6 viên thuốc bổ này: Ánh nắng mặt trời, nghỉ ngơi, thể dục, ăn uống điều độ, tiếng cười và bạn bè.

Và ông bạn đã diễn nghĩa thêm:

Mang một chiếc đồng hồ giá 30$ hay 3.000$ thì nó cũng chỉ một giờ; mang một chiếc bóp giá 30$ hay 3.000$ ở trong đựng 100 đồng thì nó cũng chỉ mang bấy nhiêu tiền; uống một chai rượu 15$ hay 1.500$ thì nó cũng say bằng nhau; ở một căn nhà rộng 50 mét vuông và 5.000 mét vuông thì nỗi cô đơn cũng giống nhau; Lái một chiếc xe 800$ và 80.000 $ thì nó cũng phục vụ ta một mục đích là chuyên chở. Hạnh phúc thật nó không nằm trong các thứ ấy mà nó nằm ở nội tâm, nó không đến từ thế giới vật chất này. Có bạn bè thân mà được gặp nhau rồi cười nói oang oang, hát xướng vui vẻ, và ăn uống thỏa thuê như chúng ta thế này thì đó mới là hạnh phúc, hạnh phúc thật. Tạ ơn Chúa. Amen.

Như bị bùa mê, dân làng nghe Cụ Chánh nói xong thì ai cũng tự động chắp tay thưa Amen. Các cụ nghĩ sao về lời Cụ Chánh trên đây cơ ?

TRÀ LŨ