Con sư tử vĩ đại, một hư cấu về Thánh Phaolô

Bà mẹ nhìn thằng con trai ngao ngán: “Sao nó xấu thế! Các anh em tôi có ai xấu đâu, mẹ tôi thì hết xẩy, nổi danh nhờ sắc đẹp siêu thành đổ vách; tôi cũng đâu có tệ, mà lại hẩm hiu sinh ra đứa con xấu đến phát khiếp thế này?”. Ông chồng nhỏ nhẹ: “Phải biết ơn vì có con trai mới đúng chứ, em há không sẩy thai đứa con gái đầu đó sao? Mình có đứa con trai, phải vui lên mới đúng!”. Bà mẹ giọng hờn mát: “Đúng là giọng Do Thái. Nhưng xin ông nhớ cho chúng ta cũng là công dân La Mã đấy nhé, một thứ công dân La Mã nói tiếng Hy Lạp, chứ không nói cái thứ A-ra-mích quê mùa đâu đấy”.

Nói xong, bà lại ngắm đứa nhỏ trong nôi, lòng thêm tiếc nuối pha lẫn ghét bỏ, vì bà vốn có nhiều kỳ vọng Hy Lạp và từng làm thơ theo quy luật Nhã Điển. Bạn bè của thân phụ bà thán phục khiếu thẩm mỹ của bà, từng so sánh bà với Sappho. Thân phụ bà, vốn là một học giả, hết sức hãnh diện vì con.

Hillel ben Borush nhẹ nhàng trả đũa: “Mình vẫn là Do Thái em ạ”. Ông vừa vuốt bộ râu đẹp của mình vừa nhìn đứa con trai. Con trai vẫn là con trai, dù không đẹp như “người ta” hy vọng. Vả lại, đẹp là cái quái gì trước mặt Thiên Chúa, nhất là cái đẹp thể xác? Đã có nhiều ý kiến bất đồng, nhất là trong những ngày này, về việc liệu con người có linh hồn hay không, nhưng chính những người đạo hạnh há đã không luôn luôn bất đồng về chuyện ấy đó sao? Chức năng con người là vinh danh Thiên Chúa, cho nên có linh hồn hay không đâu phải là vấn đề. Tuy nhiên, Hillel rất hy vọng con trai ông có linh hồn vì rõ ràng hình dáng bề ngoài của cậu không làm các y tá mến mộ. Nhưng thân xác là cái quái gì? Chỉ là buị đất, là phân, là nước tiểu, là ngứa ngáy chứ là cái gì? Vẻ sáng bên trong mới là điều quan trọng, còn việc cái vẻ sáng ấy có tồn tại sau khi người ta khuất bóng hay không đâu có quan trọng. Thôi cứ để ông già mặc tình tư lự và hy vọng.

Deborah thở dài. Làn tóc óng ả của bà nửa phần bị chiếc khăn lụa mịn màng che khuất. Đôi mắt lam rộng của bà, đầy sinh khí như chính bầu trời Hy Lạp, vừa có nét ngây thơ vừa có nét không hài lòng, luôn dõi tìm và bất ổn. Chỉ trừ chồng bà, ai cũng coi bà là một mệnh phụ học rộng và sâu sắc. Bạn hữu ai cũng cho Hillel ben Borush may mắn vì Deborah bas Shebua đem về cho ông một của hồi môn tuyệt hảo, và trong khi ông chỉ là một kẻ sĩ nghèo, thì vợ ông rất nổi tiếng về duyên dáng, nụ cười tươi như hoa, học thức và phong nhã, từng được sư gia rèn cặp tại Giêrusalem và là niềm sảng khoái dưới mắt cha già. Bà dong dỏng cao và rất hấp dẫn với bộ ngực yêu kiều, tay chân như hình tượng Hy Lạp, quần áo lúc nào cũng chỉnh tề như người đi dạ hội. Dù mới 19 tuổi, bà đã kinh qua ba lần sinh nở, hai con đầu là gái, chết yểu lúc mới sinh, đứa thứ ba sống sót là con trai, đang nằm trong nôi đàng kia.

Bà có khuôn mặt trái soan hơi tái và nước da như đá hoa cương. Miệng bà giống đóa hồng chụm lại với chiếc cằm cứng cáp và lúm đồng tiền. Mũi bà có đường cong duyên dáng. Bà mang chiếc khăn choàng theo kiểu Rôma, mầu xanh với đường thêu óng ánh, chân mang giầy da dát vàng. Bà như mang theo mình cả một hào quang sắc đẹp, một thứ ánh sáng thanh quang. Một chàng tuổi trẻ Rôma thuộc gia đình danh giá, xuất thân từ một dòng họ giầu có lâu đời, từng xin cưới bà và chính bà cũng rất mê chàng tuổi trẻ hào hoa ấy. Nhưng rồi mê tín dị đoan cũng như thành kiến đã nhúng tay vào, và bà được đem hứa hôn cho Hillel ben Borush, một thanh niên nghèo, chỉ được tiếng là đạo hạnh và học cao, và cũng thuộc một dòng họ xưa và đáng kính.

Quả là đáng buồn, đến người cha ưa sống nơi phố thị của bà cũng không thoát ra ngoài các truyền thống đã chết từ lâu. Bất hạnh xiết bao cho thế hệ trẻ! Cụ nhất định không chịu tin rằng thế giới đang thay đổi, các thần minh mờ mờ ảo ảo kia đang dần dần mất hết đi, các đền thờ đang từ từ tự biến thành những thành quách tan hoang, các bàn thờ đang bị lật nhào và tên tuổi trên đó bị quên lãng. Người thờ phượng thì không còn một ai sống sót. Bà, vâng, quả bà là nạn nhân của truyền thống và các ý niệm xưa cũ. Tất cả đều đang bị bác bỏ. Bà thấy mình sinh trước thời cuộc. Nhưng rất có thể con trai của bà sẽ sống trong một thế giới mới đầy tiếng cười và ánh sáng, trong một môi trường người ta coi trọng địa vị tối ưu duy nhất của con người trong sáng thế, mà nay ai cũng phải công nhận đang hiện thân nơi người Hy Lạp có học. Ý niệm về một Thiên Chúa nào đó quả là một ý niệm tẻ nhạt và phi lý trong thời buổi tân tiến này, và còn làm người ta bối rối nữa. Không thể hoà giải ý niệm ấy với các hiện tượng khách quan. Derobah cương quyết nhất định không để tâm trí con trai bà sao chép những thứ mê tín như thế, để phải trở thành chiếc gương cũ phủ đầy bụi bặm xưa và những vết nhơ của những bàn tay không rửa ráy.

Hillel ben Borush bảo “Tên nó là Saul”. Deborah hét lên: “Cái gì, Saul là cái quái gì. Đối với bằng hữu của mình, đó đâu phải là cái tên đáng giá”.

Hillel vẫn cương quyết: “Tên nó là Saul, là sư tử của Thiên Chúa!”.

Deborah đâm ra tư lự, lông mày cau lại. Bà vội để chúng thư giãn, vì sự cau có đem lại nhiều vết nhăn mà dù có ăn mật và hạnh nhân đến bao nhiêu cũng khó lòng làm chúng biến đi. Sù sao, bà cũng là một mệnh phụ, mà một mệnh phụ thì không nên hùng hùng hổ hổ tranh cãi với chồng, bất kể ông ta vô lý đến đâu. Nhưng bà cố gắng gỡ gạc “Thôi thì Paulus vậy, phu quân của em, chắc anh không phản đối chứ. Paulus chỉ là tên dịch qua chữ Rôma thôi mà!”

Nhưng cha cậu bé cứ nhất định: “Không, tên nó là Saul”. “Là Paulus”, bà mẹ cãi lại, miệng nở một nụ cười cầu tài, một nụ cười pha đủ mùi qúy tộc Hy lạp và La Mã.

Hillel hơi xẵng giọng “Saul thành Tarshish!”; Deborah cố gắng lần chót “Paulus thành Tarsus. Chỉ có thứ mọi rợ mới gọi Tarsus là Tarshish”. Hillel mỉm cười, và nụ cười của ông vừa dịu dàng vừa chinh phục được cả người vợ trẻ của mình, bởi nó chứa đầy tình âu yếm cũng như hài hước. Ông đặt tay lên vai vợ. Dù sao, mình vẫn có bổn phận phải hài hước với phụ nữ. Ông bảo: “thì cũng như nhau thôi”. Ông nghĩ Deborah làm người ta say mê, tuy hơi “đần độn” một chút. Nhưng điều ấy, đáng tiếc, có lẽ do nàng sinh ra từ cha mẹ theo phái Xa-đốc, những người hết sức nông cạn và ngu dốt về những điều làm vui lòng Thiên Chúa, mà làm vui lòng Chúa mới chính là lý do tại sao con người sinh ra, tiếp tục sống và duy trì hữu thể của mình. Không còn lý do nào khác. Hillel thường thương hại phái Xa-đốc, những con người chỉ biết sống trong thế giới phàm tục, chỉ chấp nhận những điều có thể dùng giác quan mà kiểm chứng được, những người cho rằng cái học bình thường là trí thức, những cái bá láp khéo nói là nhận thức. Ông nghĩ họ như những người sinh ra đã không có khả năng nhận thức được muôn mầu muôn vẻ của vũ trụ, nên đã bị tước đoạt hết mọi vẻ huyền nhiệm, vui khoái và hân hoan vô tận của suy đoán, suy niệm và vẻ hùng vĩ của diệu kỳ. Ông vẫn lấy làm lạ làm sao con người có thể chịu đựng được một thế giới không có Thiên Chúa. Một thế giới như thế chỉ là thế giới loài vật với một cuộc sống vô nghĩa mà thôi.

Deborah khó chịu hỏi: “anh đang nghĩ gì vậy?” vì bà rất ghét dáng vẻ của chồng mỗi khi ông nói với chính ông. Dáng vẻ ấy làm bà không yên vì nó khiến bà ý thức rõ tuổi trẻ của mình so với tuổi ngoài ba bó của chồng.

Ông trả lời: “Anh là dân Biệt Phái. Bọn anh tin có tái sinh. Cho nên anh đang suy tư tới tiền kiếp của con trai, xem nó từ đâu tới và tại sao nó lại ở đây với bọn mình”. Deborah cau mày tỏ ý không bằng lòng: “Nói chi kỳ cục vậy? Con nó là thịt bởi thịt bọn mình, máu bởi máu bọn mình mà tinh thần cũng bởi tinh thần bọn mình, làm chi có ai khác hơn nó trước đây, cũng như làm gì có ai khác sau này như nó!”.

“Đã đành là thế”, Hillel trả lời. “Thiên Chúa có bao giờ lặp lại y trang, không, ngay cả chiếc lá, cọng cỏ cũng không. Mọi linh hồn đều độc đáo ngay từ nguyên thủy, nhưng ta vẫn không thể bác bỏ được điều này nếu linh hồn có tính vĩnh cửu, điều mà mọi người trong chúng ta đều khẳng định, thì sự sống của nó cũng phải vĩnh cửu, nên nó hẳn phải di chuyển từ thân xác này qua thân xác nọ tùy theo ý muốn của Chúa. Việc thu lượm nhận thức có bao giờ chấm dứt đâu. Nó đâu chịu chấm dứt với ngôi mộ”.

Deborah ngáp dài. Ngày mai, bà phải trẩy Đền để hành lễ dâng con trai. Chỉ nghĩ đến đấy cũng làm bà chán nản. Người Xa-đốc cũng biết tuân hành luật xưa, nhưng họ cười nhạo luật ấy một cách kín đáo, chỉ giữ chúng theo tập truyền. Bà làm sao có thể giải thích nghi lễ này cho bạn bè Hy lạp và La Mã tại Tarsus? Chắc họ sẽ cười nhạo ghê lắm! Bà lơ đễnh vuốt tấm khăn choàng, và đưa mắt nhìn đứa con trai một cách không mấy chút thiện cảm.

Hillel biết rõ tại sao người ta gả bà cho ông. Rất có thể người Xa-đốc không tin sự sống vĩnh cửu, kể cả việc có Thiên Chúa nữa, và họ hết sức thế tục và trần đời, nhưng họ lại hay cố chấp, cứ nằng nặc phải gả con gái cho những người đàn ông đạo hạnh. Một thứ đầu tư khôn ngoan hòng lợi lớn sau này. Cũng có thể vì họ nghĩ: làm thế là dâng con gái làm con tin Thiên Chúa, Đấng tuy họ không tin, nhưng dám hiện hữu lắm, mà Đ1âng ấy, có tin đồn, là rất dễ nổi giận.

Hillel có đôi mắt lớn và lóng lánh mầu nâu, một khuôn mặt trắng và khắc khổ, một sống mũi lớn như người Khết, một bộ râu và lông mày vàng ươm, một vừng trán rộng với mớ tóc vàng óng ả, bị che kín phân nửa vì chiếc nón đội đầu mà Deborah rất khó chịu. Vai ông rộng, bàn tay trắng nhưng mạnh khỏe và đôi chân vững chãi, và ông không cao như vợ. Điều ấy cũng không làm Deborah vui. Chàng hào hiệp Hy Lạp há đã không có lần cúi đầu trước nàng để đọc câu thơ của Homer: “Ái nữ thần minh, cao như thần đẹp như tiên” đó sao? Hillel lại còn đeo những chiếc khuyên kỳ cục ở tai và lúc nào cũng mặc chiếc đai cầu nguyện vì xem ra lúc nào ông cũng cầu nguyện thì phải, Deborah nghĩ thế. Các nghi lễ trong cuộc sống của người Giu-đa làm bà không thể hiểu nổi, bà gần như không biết gì tới chúng. Thời gian thay đổi; thế giới luôn chuyển vần; sự thật của ngày qua nay trở thành trò cười. Thiên Chúa là một giả thuyết kỳ lạ, lẫn lộn cả với các thần minh Hy Lạp và La Mã, đôi chút có hương vị Babylon và Ai Cập. Ngôi nhà ở Giêrusalem, nơi bà sinh ra, vừa yên tĩnh vừa nức tiếng cười, một ngôi nhà có tính quốc tế. Bà rất ân hận phải rời bỏ nó tới sống tại ngôi nhà này nơi những người Biệt Phái tới lui tranh luận một cách trịnh trọng và soi mói nhìn bà bằng cặp mắt rõ ràng không chấp nhận và ghét bỏ, như thể bà là thứ tỳ thiếp người Ionia, như Aspasia chẳng hạn.

Bà nhớ có lần, khi được hỏi: “Anh có coi em như một con Aspasia khác hay không?”, chồng bà bỗng phá lên cười sặc sụa rồi âu yếm ôm lấy bà mà nói: “Đâu có cưng, không bao giờ anh lại gọi em là Aspasia cả”, làm bà không hiểu gì.

Bên ngoài, con công bỗng rít lên inh ỏi. Nó ghen với những con hắc thiên nga đang bơi lội trong hồ giữa vườn, vì nó biết những con thiên nga này được người ta chiêm ngưỡng say mê. Hillel cau mày; ông rất thính tai. Ông nói bâng quơ: “Con vật ấy giống mụ đàn bà khó tính. Nó lại làm thằng nhỏ mất ngủ mất”.

Deborah cảm thấy khó chịu vì câu nhận xét bâng quơ của chồng, một nhận xét rõ ràng khinh thường phụ nữ. Bà hất hàm nói: “Vậy thì em cũng khuất mắt anh cho rồi, để anh khỏi phải bực mình vì phụ nữ nữa”.

“Đâu có, Deborah” Hillel vội lên tiếng. Nhưng thoát chốc, Deborah đã ra khỏi phòng. Hillel thở dài nhưng đồng thời lại nở một nụ cười. Ông luôn làm Deborah phật lòng, dù nàng là một cô gái nhỏ bé đáng yêu, ông chưa bao giờ coi nàng như một người đàn bà đã trưởng thành. Tiệm sách vừa cho ông hay một năm trước đây người ta mới phám phá ra một thủ bản ít nổi tiếng thuộc các tác phẩm đầu tay của Philo thành Larissa, và các bản sao của nó sẽ được đưa tới Tarsus. Ngày mai, ông sẽ đặt mua một bản; cuốn sách này chắc sẽ làm Deborah vui và sẽ làm nàng hãnh diện, tuy nàng chẳng hiểu được một chữ. Mặt khác, nàng vốn tấm tắc chiếc vòng cẩm thạch tại tiệm kim hoàn, dù hơi e ngại về giá cả. Biết chọn cái nào đây? Philo thành Larissa hay vòng cẩm thạch? Hillel quyết định chọn thợ kim hoàn. Hai con tầu chở đầy hàng hóa trước đó đã từ Cilicia tới Rôma mà không bị giặc cướp chặn đường. Hillel vốn đầu tư lớn vào hai con tầu này cũng như số hàng hóa chúng chuyên chở. Một món lợi lớn đã vào túi ông. Nên Deborah sẽ nhận được chiếc vòng cẩm thạch của mình.

Con công lại kêu rít một lần nữa, làm đứa nhỏ trong chiếc nôi bằng ngà và gỗ mun ọ oẹ. Căn phòng nuôi trẻ phảng phất mùi hoa nhài thơm ngát dù mặt trời chưa lặn và ánh sáng đỏ vàng vẫn còn rực rỡ trên tường và nền phòng bằng đá hoa cương. Bóng cây chà là dật dờ trên bức tường cạnh nôi em bé. Em bỗng quay đầu rất nhanh ngắm nhìn bóng ấy, làm Hillel bỡ ngỡ. Một đứa trẻ quá nhỏ, chỉ vừa mới sinh, đã biết nhìn! Người ta vốn kháo với nhau là phải đến hai tháng, hài nhi mới có thể nhìn được ánh sáng và bóng tối. Thế mà con trai ông không những nhìn mà còn hiểu nữa. Hillel cảm thấy tâm hồn tràn ngập yêu thương, cúi mình trên nôi nựng con nhẹ nhàng: “Saul con, Saul của cha”.

“Saul sao?”, đứa nhỏ chưa được đặt tên tại Đền Thờ, nhưng người cha đã ghi khắc tên con trong trái tim mình trước đó. Hillel và hài nhi ở một mình trong căn phòng nuôi trẻ rộng lớn và rực sáng. Khuôn mặt và bộ râu vàng của ông ánh lên như thể được ánh sáng tinh thần ông chiếu vào. Ông thấy một tình yêu say sưa dâng lên trong lòng và lập tức thốt ra một lời cầu nguyện, vì trên hết, con người phải yêu Thiên Chúa của mình hết lòng, hết trí khôn và hết linh hồn, tình yêu ấy phải vượt trên bất cứ mối tình nhân bản nào dành cho bất cứ con người nào. Giờ này đây, Hillel hy vọng mình sẽ không bao giờ xúc phạm tới Thiên Chúa luôn hiện hữu cũng như đừng bao giờ bị Người giận dữ, một thứ giận dữ sẽ giáng xuống cái cục cưng bé nhỏ đang nằm trong nôi này.

Đứa nhỏ lại quay đầu rất nhanh và lần này nhìn người cha đang nghiêng mình nhìn mình. Như lời Deborah, đứa nhỏ này không đẹp, xấu là đàng khác. Cậu nhỏ hơn một đứa trẻ trung bình, ấy thế nhưng cậu có một thân mình chắc nịch, đang trần trùng trục ngoài chiếc tã quấn đến lưng. Tuy thân mình ấy không xinh xắn như cha mẹ nhưng có mầu ngà như thể đã tắm nắng lâu ngày. Cô đỡ ví em với Hercules, làm Deborah khoái trí. Còn Hillel thì nghĩ tới David, nhà vua dũng sĩ. Các bắp thịt ở ngực em rắn chắc và hiện rõ sau làn da đang rỉ mồ hôi, giống như những mảnh áo giáp tí hon. Cánh tay em là cánh tay dũng sĩ. Đôi chân em chắc nịch, nhưng hơi cong giống đôi chân người cỡi ngựa từ hồi còn nhỏ. Em gập các ngón chân một cách mạnh mẽ, như theo một thứ nhịp điệu nào đó, những ngón tay nhỏ nhắn cũng thế. Rõ ràng chúng chuyển động một cách có mục tiêu, chứ không vô định, Hillel nghĩ thế.

Em có chiếc đầu tròn trĩnh, rất đàn ông và vững chắc, nhưng hơi quá khổ so với thân mình, và đôi tai lớn mầu đỏ. Không may, tóc em vừa dầy vừa thô, còn đỏ hơn cả mầu tai. Mầu ấy không duyên dáng mấy, như mầu tóc của Deborah. Vì người Do Thái mê tín vốn không tin tưởng những người có mầu sắc thô và quá mạnh. Đàng khác, bộ tóc ấy lại mọc quá sâu xuống phía trán khiến em có dáng hùng hổ như một tên lính Rôma dễ nổi đóa.

Hiệu quả của tính dễ nổi đóa ấy còn gia tăng hơn qua cặp mắt đặc biệt. Chúng tròn xoe, vừa vĩ đại vừa có tính ra lệnh, dưới đôi lông mày đỏ gần như đụng nhau xuyên qua sống mũi, càng cho thấy em giống người Khết hơn là giống Hillel. Ít nhất chúng cũng không có cái mầu anh đào như những tên nhà quê, Hillel nghĩ vậy. Thực thế, điều gây ấn tượng hơn cả nơi đôi mắt phần lớn hệ ở mầu sắc của chúng, một thứ mầu lam kim khí hết sức lạ lùng, giống mầu óng ánh trên một chiếc dao găm đánh bóng. Mầu lam ấy vừa đậm vừa mạnh, đến nỗi hàng mi mầu nâu, dài và óng ánh cũng không làm giảm chút nào. Có cái nét gì đó hết sức hăm hở và đầy sức mạnh trong đôi mắt ấy, không giống trẻ con, không hoàn toàn ngây thơ, nhưng đầy ý thức và nghiêm nghị. Dù là người Biệt Phái, Hillel không hoàn toàn tin truyện linh hồn rời cư (transmigration), nhưng lúc này đây, ông lấy làm lạ về truyện đó, cũng như mấy lúc gần đây ông hay lấy làm lạ như vậy. Đôi mắt Saul không phải là đôi mắt trẻ thơ. Chúng gặp đôi mắt ông, ông chắc chắn như vậy, như có suy đoán và nhận dạng. Ông bỗng thốt lên: “Con yêu qúy, con là ai? Con từ đâu tới? Số phận con sẽ ra sao?”

Đứa trẻ chăm chú nhìn ông. Chiếc miệng, vâng chiếc miệng rộng và mỏng giống chiếc miệng của một người đàn ông đang tức giận, bỗng mấp máy, nhưng không phát ra một âm thanh nào. Rồi nó lại khép kín trở lại, và đứa nhỏ quay đầu khỏi người cha, dán mắt chiêm ngưỡng cảnh ánh sáng và bóng râm đang nhẩy múa giữa những hàng cột đá hoa cương. Hình như nó đang suy nghĩ. Hillel cảm thấy đôi chút kính sợ. Cái gì đang diễn biến trong bộ óc non nớt kia, ý nghĩ gì, giấc mơ nào, quyết tâm chi, hoài niệm nào?Chiếc cằm nhỏ, chắc chắn, lúm đồng tiền và đầy sức mạnh kia xem ra đang cương lên với quyết tâm. Saul tự thu mình lại với chính mình.

Gaia, cô nuôi trẻ nhỏ bé người Hy Lạp, vốn là đầy tớ riêng của Deborah, từ chiếc cửa đồng đàng xa tiến vào phòng giữ trẻ. Cô chỉ mới qua tuổi thiếu niên, nhưng rất có khả năng. Thấy chủ, cô cúi đầu chào. Như thói quen, Hillel giơ tay chúc lành cho cô, dù cô là người ngoại giáo, và ân cần chào hỏi cô. Cô thưa với chủ: “Thưa ông chủ, tớ gái xin hầu hạ cậu nhỏ”. Hillel rất mong Deborah cho con bú, nhưng người mẹ lại nghĩ khác. Ngày nay, không một mệnh phụ phu nhân Hy Lạp hay La Mã nào chịu làm việc ấy, ngay cả các mệnh phụ Do Thái có chút hiểu biết cũng không làm việc ấy nữa. Hillel hết sức thất vọng. Ông vẫn cho rằng hình ảnh người mẹ cho con bú là hình ảnh đẹp đẽ nhất ở trên đời. Ông chắc chắn mẹ ông đã cho mọi đứa con của bà bú bẫm và ông nhớ như in sự ấm áp và dịu dàng của phòng giữ trẻ cũng như giọng ru và ánh sáng buổi chiều đọng trong tóc mẹ, nhất là nét tươi mát của thân thể mẹ vào buổi sáng trời hồng. Ông chưa bao giờ kêu ca Deborah điều gì vì ông vốn là người tốt bụng và dịu dàng. Ông biết thế và tỏ ra ân hận. Các tổ phụ xưa hạnh phúc biết bao vì được các bà vợ và con gái kính phục, nhưng than ôi, Hillel đâu phải là tổ phụ mà than!

Ông đành im lặng đứng đó ngắm Gaia ôm con ông lên và ông nghe cô ta thán về tình trạng chiếc tã mà người nuôi trẻ của ca trước đã quên không kiểm soát. Cô khéo léo quấn cậu vào một chiếc tã mới rồi ẵm cậu ra ngoài. Lúc cô gái vừa tới cửa, thì cậu bé phát ra một tiếng la lớn và lạ, không phải tiếng khóc của trẻ thơ nhưng là một tiếng thét bực mình, như muốn nói: “Ôi, sao tôi ghét cái tình trạng yếu đuối này quá, tôi chịu hết nổi rồi!”.

Hillel nghĩ trong đầu: “có lẽ mình nhiều tưởng tượng quá chăng, y hệt bất cứ người nào mới làm cha?”. Rồi ông lững thững bước qua cửa vòm, tiến ra vườn. Đã đến giờ ông đọc kinh chiều trong cảnh thinh lặng ấm áp và đầy hương hoa. Là một người Do Thái ngoan đạo, ông biết đáng lẽ phải tới hội đường đọc kinh, nhưng ông và Deborah sống trong căn nhà do nhạc phụ mua cho tại thị trấn Tarsus, xa xôi quá! Ông cụ còn nhấn mạnh: “con gái tôi mảnh mai lắm đấy cậu!”. Mà từ chỗ họ cư ngụ tới nguyện đường gần nhất, đi bộ nhanh chăng nữa, cũng phải mất hơn một giờ đồng hồ. Nói cho ngay, chính Hillel cũng vừa bình phục khỏi chứng số rét từng làm chân trái của ông ra yếu, và tim ông dễ hồi hộp khi phải cố gắng. Ông lại không phải là người cưỡi ngựa, mà lại ghét đi cáng, và dù ông sở hữu một cỗ xe lớn cũng như chiếc xe kéo nhỏ hơn, nhưng ông ghét dùng chúng như ông ghét dùng cáng vậy. Ông chủ trương người ta sinh ra để cuốc bộ. Đáng lẽ ông không bác bỏ ý niệm dùng con lừa khiêm tốn đâu, nhưng Deborah không đồng ý, mà Hillel thì vốn có tính hiếu hòa. Người ta hay đề cập tới các tổ phụ nhất định không chịu nhượng bộ, nhưng các đức ông chồng đâu có giá bằng các tổ phụ!

Hillel dõi mắt nhìn tứ phía trong bầu không khí buổi chiều yên tĩnh. Nhà ông ở khu ngoại ô Tarsus, luôn giữ được sự yên tĩnh, ngay cả lúc các nô lệ và tôi tớ đang bận bịu với công việc hay đang cười đùa ca hát, vì đây là một gia đạo hạnh phúc. Ngay những tiếng kêu thiếu hòa hợp của công, của thiên nga và chim mồi cũng hòa thành âm nhạc ở đây với hậu cảnh thầm thì của chà là, cam chanh, cà-rốp, sung vả và bụi hương… Toà nhà này quả nằm sâu ở phía cuối một mảnh đất có lá xanh tươi quanh năm, với đủ giếng và suối nước róc rách ngay trong mùa khô nhất. Nó vốn là một phần của thung lũng Issus, phì nhiêu và trù phú, một khu nhiều hoa trái bao la bát ngát của vùng Cilicia Pedias, vốn được Julius Caesar sáp nhập vào Syria và Phoenicia.

Căn nhà được trang trí bằng nhiều ảnh tượng. Vì muốn tuân giữ Mười Giới Răn, Hillel muốn tháo bỏ mọi thứ ảnh tượng đó, dù ở ngoài vườn hay ở trong nhà. Nhưng Deborah phản đối khiến ông, vốn là người biết thoả hiệp, đành phải giữ lại. Căn nhà này được thân phụ Deborah mua lại với giá rất đắt. Ông cụ không bỏ lỡ cơ hội mang cái giá ấy ra mà “mặc cả” với Hillel. Ngoài ra, ông cụ còn gửi cả tôi trai tớ gái, trong đó có tay đầu bếp chuyên nghiệp, qua hầu con gái. “Nên nhớ là con ta, con gái yêu qúy duy nhất của ta, quen với lụa là gấm vóc và tiện nghi rồi, nó không chịu được thiếu thốn đâu”. Câu nói ấy bao giờ cũng được kèm theo với cái liếc vừa sắc vừa ý nhị coi như cậu con rể hiểu ý và chịu tuân theo. Tuy nhiên, dù là người dễ thỏa hiệp, Hillel vẫn mỉm cười trong bụng.

Thế là chiều nay, trong ngôi vườn xanh um của ngôi nhà ấy, Hillel chắp tay, miệng lẩm nhẩm: “Hỡi Israel, hãy lắng nghe đây! Chúa là Thiên Chúa chúng ta, Chúa là Đấng Duy Nhất! Ôi, lạy Vua vũ trụ, lạy Chúa các chúa, chúng con ngợi khen Chúa, chúng con phủ phục trước Nhan Chúa, chúng con tôn vinh Chúa, vì không có gì ngoài Chúa”.

Hillel dừng lại ở câu “không có gì ngoài Chúa”. Vũ trụ vô tận nhiễm đầy sự cao cả của Thiên Chúa. Tinh tú xa xăm rẫy đầy vinh quang Người. Mọi thế giới, bất tận như cát biển, thẩy đều ngợi ca Người. Bông hoa dại nhỏ bé vàng ươm đang bám vào sườn đá hồ bơi, ngu ngơ, nhưng đã dùng mầu sắc, sự sống và sinh khí mình mà công bố quyền năng, sự sống vô địch và sự hiện hữu đời đời của Người cho mọi tạo vật từ nhỏ và khiêm hạ nhất tới lớn lao và hùng vĩ nhất. Mỗi cọng cỏ đều phản ảnh quyền sở hữu của Người. Bàn thờ của Người không phải chỉ có nơi Đền Thờ và hội đường, nhưng ở khắp mọi mỏm đất, cành cây, mọi chim trời cá biển cùng côn trùng thú dữ. Giọng nói Người vang trong tiếng sấm, ánh mắt Người lóe sáng trong tầm sét trời cao, và gió bão từ tà áo di chuyển của Người đem lại. Hơi thở Người lay động cỏ cây. Bước chân Người phát hiện đá núi… Người là bóng râm bóng mát, là tiếng khóc của em bé thơ ngây, là sương chiều xuất hiện, là hơi thở êm mát của loài hoa, là hương thơm của đất của nước. “không có gì ngoài Chúa”. Không sự gì hiện hữu ngoài Chúa.

(Còn tiếp)