Chuyện phiếm: CÀNG LỚN CÀNG NHỎ



Canada cách xa Trung Quốc đúng nửa vòng trái đất. Buổi chiều bên đó mới là buổi sáng bên này. Bởi vậy lễ khai mạc và lễ bế mạc Thế Vận Hội 29 ở Bắc Kinh vừa qua được tổ chức ban tối thì bên này chúng tôi được xem vào ban mai. Vừa uống cà phê vừa xem. Ôi chao sung sướng biết chừng nào. Nhờ khoa học tiến bộ mà chúng tôi được xem trực tiếp, rõ ràng, đầy đủ. Ôi sung sướng làm sao.

Làng tôi đã nhóm họp tại nhà ông ODP buổi sáng lễ bế mạc. Làng nhóm ở đây vì muốn nghe ông bình luận. Ông là người rành nhiều môn thể thao nên lời bình luận của ông giống y như lời Huyền Vũ khi xưa trực tiếp truyền thanh các trận đá banh trên đài radio Saigon. Phe các bà xưa nay đâu có mê thể thao, thế mà sáng nay các bà ngồi xem lễ bế mạc Thế Vận Hội rất chăm chú.

Ông ODP phát biểu: Dầu ghét Tàu về mặt chính trị, ta cũng phải công nhận Tàu thật là giỏi và vĩ đại. Họ đã tổ chức thành công Thế Vận Hội 29, hầu như không chê vào đâu được. Hoành tráng qúa. Về huy chương, Hoa Kỳ dẫn đầu với 111, rồi Trung Cộng 100, rồi Nga 72. Về quân sự các ngài đã giỏi, nay về thể thao các ngài cũng giỏi nữa. Phục các ngài qúa. Canada được có 18 huy chương: 3 vàng, 9 bạc và 6 đồng, xếp thứ 14, đồng hạng với Tây Ban Nha

Tại Thế Vận Hội này, Canada có một ngôi sao đã làm mọi người Việt Nam sung sướng và hãnh diện. Đó là Cô Carol Huỳnh, lực sĩ đô vật loại 48 ký. Trong tuần lễ đầu, Canada không được một huy chương nào cả, cả nước đã bắt đầu buồn và xôn xao. Rồi đùng một cái, lực sĩ Carol có dòng máu Việt Nam đã đạt huy chương vàng đầu tiên cho Canada. Cô đã hạ đối thủ Nhật Chiharu Icho chỉ sau 2 hiệp đấu. Thât là qúa sự mong ước của đoàn Canada.

Carol mới 27 tuổi, sinh ra ở Mỹ. Cha là ông Huỳnh Viêm, mẹ là bà Trịnh Mai, cả hai ông bà đều là người Saigon, gốc thuyền nhân. Các hãng truyền thông Canada thì ca ngợi Carol Huỳnh hết lời, nhưng giới truyền thông của VN, hãng VnExpress, thì chỉ nói loáng thoáng vì họ sợ phải nhắc tới cái gốc thuyền nhân tỵ nạn CS của cha mẹ cô.

Cụ Chánh nói về cô Carol Huỳnh thì nét mặt rạng rỡ: Cái đất Canada là đất sinh ra nhân tài. Ai có thể ngờ được một cô bé có gốc dưa cà tương chao Việt Nam mà lại đủ sức mạnh quật ngã một lực sĩ Nhật Bản đã từng thắng bao nhiêu giải. Nguyên việc cô là lực sĩ đã là một điền đáng hãnh diện, lại là lực sĩ đô vật nữa mới đáng hãnh diện hơn, nay cô lại là lực sĩ đô vật đạt huy chương vàng nữa thì thật là đáng hãnh diện vô cùng. Hoan hô cô Carol Huỳnh. Cô là niềm hãnh diện và tự hào của chúng tôi. Cô đã đóng góp tích cực cho Canada thay thuyền nhân tỵ nạn chúng tôi.

Sở dĩ phe các bà say sưa theo dõi lễ bế mạc là vì các bà mê các màn trình diễn mang tính chất văn nghệ và các màn đốt pháo bông. Hết lễ, các bà quay sang bình luận về các gian hàng bán thức ăn tại Thế Vận Hội. Các cụ phương xa có xem được các gian hàng này không ? Trên truyền hình, tôi đếm được 36 gian hàng thực phẩm. Những gian đầu bán các món thông thường như bò heo gà và hải sản. Càng những gian về sau thì các món ăn càng lạ, như bọ cạp, rắn rết, như phổi dê, như gan chó. Ông ODP tiếc hùi hụi. Ông bảo giá mà ông chịu khó mua vé đi Bắc Kinh kỳ vừa qua thì âu là ông đã có cơ hội nếm các món kỳ lạ này.

Nghe tới việc ông ODP tiếc hụt vì bỏ lỡ cơ hội nếm phổi dê và gan chó, Chị Ba Biên Hòa hỏi ông đã nếm vịt Bắc Kinh nổi tiếng chưa. Cái này thì ông rành. Ông bảo năm xưa ông đã đi Bắc Kinh, đã nếm món vịt nổi tiếng này tại chính Bắc Kinh, và ông thấy món vịt tại Bắc Kinh không ngon bằng món vịt quay Bắc Kinh làm tại Toronto. Lý do: Các đầu bếp danh tiếng của Bắc Kinh ngày xưa đã trốn khỏi Bắc Kinh ngay từ năm 1949 khi Bác Mao dẫn quân vào chiếmn thủ đô. Các đầu bếp trứ danh này đã trốn chạy đi khắp tứ phương thiên hạ, và nơi họ đến nhiều nhất là Toronto. Lớp đầu bếp trứ danh này bây giờ đa số đã về cõi tiên. Họ đã truyền nghề cho con cháu ở Canada.

Rồi ông ODP giảng về cách ăn món Vịt Quay Bắc Kinh như sau: Cái ngon của món này là lớp da vịt dòn tan. Con vịt quay được mang ra tận bàn cho thực khách thấy khi nó còn nóng sốt, rồi ông đầu bếp mới phục vụ. Với bàn tay lành nghề và chuyên nghiệp, ông đầu bếp cắt những mảng da và một lớp thịt mỏng ở dưới, rồi tuần tự xếp vào đĩa. Phần quan trọng là da. Phần thịt không quan trọng nên ông chỉ cắt một lớp mỏng là thế. Nào mời các ngài. Xin lấy một miếng bánh bột gạo tròn tròn, trét một lớp tương đen, xếp vào một cọng hành xanh, rồi một miếng da vịt có thịt. Mời ngài cuộn lại và mời ngài xơi. Thế nào cơ. Miếng da vịt và thịt vịt hòa chung với tương với hành với bánh, ngón chứ ạ ?

Các cụ thấy chưa, mới chỉ nghe ông ODP tả sơ sơ mà đã thấy món vịt quay Bắc Kinh ngon quá. Nhưng thôi, món này đưa các cụ đi xa qúa rồi. Xin trở về lễ bế mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh. Các cụ có quan soát y phục của mấy trăm lực sĩ Canada không ? Họ mặc đẹp quá chứ. Ai cũng bận áo trắng, phía trước in hình lá phong biểu tượng Canada, chung quanh là những hoa văn. Anh John vừa cười vừa nháy mắt bảo tôi: các hoa văn in trên áo, trên quần, và trên mũ của các lưc sĩ Canada trông mài mại như các hoa văn in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ của VN. Chắc Canada biết tổ tiên của họ khi xưa thuợc dòng Âu Cơ và Lạc Long Quân. Tôi cũng có một thoáng suy tư như vậy. Để mai mốt khi có dịp tôi sẽ xin đoàn Canada cho xem lại các hoa văn trên áo thể thao rồi sẽ trình các cụ sau.

Trên đây là Thế Vận Hội mùa hè. Mùa đông cũng có thế vận hội, và cũng luân phiên. Sang năm, 2010, sẽ ỡ Canada. Xin kính mời các cụ phương xa đến dự Thế Vận Hội Mùa Đông tại Vancouver, một thành phố miền tây Canada, giáp Thái Bình Dương. Cụ nào chưa biết Canada, cụ nào chưa biết mùi tuyết, đây là dịp rất tốt, xin cụ chớ bỏ qua. Vancouver cũng đông người Việt phe ta lắm. Mời cụ tới coi thế giới tranh tài trên tuyết, rồi mời cụ đi trượt tuyết, rồi mời cụ tới nhà hàng xơi phở nóng. Mê lắm.

Sau phần xem lễ bế mạc Thế Vận Hội, làng tôi được ông ODP đãi cơm trưa. Các cụ có đoán ra ông già này đãi làng món gì không ? Tôi cũng nghĩ chắc là món bánh cuốn Thanh trì ăn với đậu phụ chiên, vì ăn như thế mới nhanh và mới gọn, bớt công nấu nướng. Nhưng không phải. Ông đãi món thịt dê nướng và lẩu dê, mới đáng ngạc nhiên và kính phục chứ. Chắc các cụ còn nhớ lễ Hiền Phụ vừa qua phe các bà đã đãi phe liền ông chúng tôi món nhựa mận giả cầy chứ. Bữa đó, thay vì dùng thịt heo như thường lệ, các bà dùng thịt dê. Và ai ăn xong cũng công nhận là thịt dê ngon. Thấy cả làng thích thịt dê nên bữa nay ông thết dân làng món sư phụ là thế. Ông đã chuẩn bị từ hôm qua. Mình ông đi chợ mua thịt mua rau, mình tay ông ướp thịt.

Và bữa ăn được dọn ra, rất nhanh. Bếp ga để giữa bàn. Thực khách tự tay rót dầu vào chảo. Đợi dầu nóng là phần nướng bắt đầu. Cụ muốn thịt chín nhiều hay chín ít, cái này tùy khẩu vị của cụ. Món này ăn với đậu bắp nướng. Ôi, thịt mềm, ngọt, sao mà ngon thế này. Đây là vị ngọt thiên nhiên, tự miếng thịt dê tiết ra chứ không phải do các gia vị. Ông ODP cho biết, thịt dê ê hề ngoài chợ Ả Rập. Dê là loại ăn bứt, nó bứt lá trên cành mà ăn chứ không cúi xuống gặm cỏ sát mặt đất như trâu bò, nên thịt nó rất sạch rất thơm. Có nhiều loại thịt dê, như dê non, dê thiến, dê cái, dê già. Ông mua loại dê thiến vì ông cho thịt nó là ngon nhất đẳng.

Sau phần dê nướng là phần lẩu dê. Món này hợp ý mọi người. Món đầu là món khô, nay là món nước.Thịt dê được thái mỏng hơn. Ngài tự tay nhúng miếng thịt vào lẩu, nước đang sôi sùng sục. Rồi mời ngài xơi với bún cùng các loạu rau thơm. Ngon chứ. Thỉnh thoảng mời ngài làm một ngụm rượu vang đỏ. Xin chớ uống cái ực nha, xin nhâm nhi. Thế nào, cuộc đời đẹp qúa chứ ? Mình sướng hơn đồng bào quê nhà. Ở quê nhà, bữa nay vui vẻ nhậu nhẹt nhưng chưa biết bữa mai thế nào. Bữa nay đồng tiền còn giá, xăng dầu chưa lên, bữa mai có chắc được như bữa nay không ? Nếu ngài có hoạt động chính trị thì bây giờ ngài đang cụng ly với bạn bè, chắc gì đêm nay công an không tới gõ cửa nhà bạn ?

Cả làng vừa ăn xì xụp thoải mái hết sức, vừa nói đủ các thứ chuyện trên trời dưới đất. Chúng tôi tha hồ nói, không phải sợ hãi gì cả. Xưa nay làng tôi có ước lệ: bạn không nói thì thôi, nhưng những điều bạn nói ra thì phải là sự thực, không được nói dối.

Thấy món dê nướng và dê lẩu ngon qúa, làng tôi đã biểu quyết xin ông ODP lần sau cho ăn các món dê khác như cà ri dê, dê ướp ngũ vị hương, dê xào lăn, ngọc dương hầm thuốc bắc, thịt dê hầm sữa dê.. .

Ông ODP nghe làng biểu quyết xong thì vui vẻ lắm vì biế rằng món dê của ông đã làm đẹp lòng mọi người. Nghe xong lời biểu quyết, ông cười hề hề: Tiếc rằng thịt dê bữa nay không ngon như tôi mong ước. Ngày xưa thịt dê thiến ở VN còn ngon hơn nhiều. Lý do ư ? Thưa, vì khi con dê vừa cắt tiết xong thì nó được đem thui ngay. Người ta nhét vào bụng vào ngực nó những lá có mùi thơm và có vị chát như lá ổi, lá xả, lá sung và thui bằng rơm. Ngày xưa thui một dê thì cả xóm ngửi thấy mùi thơm. Ngày xưa ở quê mình thì thịt dê thường không bán ngoài chợ, mà bán ở nhà hàng. Đó là những đặc sản của nhà hàng.

Sang phần nói chuyện, làng tôi nói nhiều đề tài lắm. Thấy mấy bà mấy cô cứ lo ăn thịt dê sẽ lên cân sẽ mập, chủ nhà liền trấn an: Thịt dê là loại ít mỡ nhất, qúy bà không phải lo lên cân. Rồi ông vui miệng nói luôn sang bài báo mà ông vừa đọc. Rằng món làm tiêu mỡ đều là những món trong tầm tay mà chúng ta không biết đó thôi, như bắp rang, như hạt hạnh nhân, như khoai lang, như sữa chua yogart, như những món có vị cay. Hai cô Huế Tôn Nữ và Cao Xuân nghe đến đây thì có vẻ thích lắm.

Một trong những thứ ăn vặt của cô Tôn Nữ là bắp rang. Cô bảo cô phải tự tay rang lấy, chứ mua ở nhà hàng thì trăm nhà như một, người Canada vẫn có thói quen nêm muối vào, cũng như họ nêm muối vào khoai chiên. Rồi nhân nói tới khoai chiên, cô cho biết là không bao giờ cô mua khoai chiên nóng ở hiệu hay mua khoai đông lạnh ở chợ cả, vì các thứ này không phải là khoai tự nhiên. Đây là bột khoai đã được chế biến. Sở dĩ như vậy là vì họ muốn khoai chiên của họ đâu đâu cũng đúng một hương vị. Khoai chiên French Fries ở McDonald là một chứng cớ điển hình nhất, khoai bột đấy các bác ạ.

Nào ai ngờ cô gái Huế dễ thương này lại rành rẽ như vậy !

Chị Ba Biên Hòa xin chuyển đề tài thịt dê sang chuyện khác. Anh John bèn được yêu cầu kể chuyện thời sự. Việc này qúa dễ đối với anh. Anh nói ngay: Chuyện nóng hổi là chuyện Thế Vận Hội đã bế mạc sau 16 ngày tranh tài, lễ khai mạc cũng như bế mạc rất đẹp mắt, ai trong làng ta cũng đều thấy tận mắt rồi. Có chuyện bên lề đáng nói là thủ tướng đương quyền của Canada, ông Harper, đã không đến tham dự lễ khai mạc. Ông có ý phản đối Trung Cộng về những vụ vi phạm nhân quyền, đặc biệt ở Tây Tạng. Cựu thủ tướng Jean Chrétien đã lớn tiếng chỉ trích ông Harper về việc này. Chrétien nói: Tình thân hữu Trung Hoa và Canada trước đây đã hết sức tốt đẹp nhờ công khó nhọc của bao nhiêu người trong bao nhiêu năm, nay ngài Parper đã phá đổ.

Các cụ có biết Canada bắt đầu giúp Trung Cộng từ bao giờ không ? Thưa bắt đầu từ năm 1938 khi Bác sĩ Norman Bethune đến giúp Mao Trạch Đông. BS Bethune sinh quán tại Ontario, tốt nghiệp y khoa tại Ontario, Canada. Ông là một y sĩ lỗi lạc và có lòng thương người không biên giới. Ông đã sang giúp Tây Ban Nha trong thời xứ này có nội chiến thập niên 1930.Ông đã cứu sống bao nhiêu người. Sau Tây ban Nha, ông sang Trung Hoa. Ông đã huấn luyện cho rất nhiều y sĩ và cải tiến ngành quân y của Hồng Quân. Hiên nay ở Trung Hoa nhiều nơi còn bày tượng ông.

Chuyên thời sự thứ hai là nhờ kỹ thuật tân tiến về khoa học mà Canada đã chận đứng được nạn vi phạm luật đánh bắt hải sản ở tỉnh bang Newfoundland miền đông. Chuyện này cũng khá buồn cười. Theo luật thì những người đánh bắt tôm hùm phải khai báo số thùng bẫy tôm. Mỗi thùng phải mang con số đăng ký. Sở dĩ phải khai báo và đăng ký như vậy là vì Canada muốn giới hạn số lượng tôm hùm được bắt, cốt để gia tộc tôm đủ thời giờ sinh sôi nảy nở. Sở ngư nghiệp đã đi thanh tra và đã gặp nhiều thùng bẫy tôm không có số đăng ký. Nhân viên bèn đặt vào mỗi thùng này một microchip, tức là một miếng điện tử nhỏ. Tại trung ương, sở ngư nghiệp đã theo dõi được các di chuyễn của các thùng bẫy, và đã đến bắt tận nơi những chủ nhân ăn gian. Ngày xưa thì phải dùng mắt người để rình mò, ngày nay thì đã có mắt điện tử làm thay. Vừa chính xác, vừa không mất thời giờ. Văn minh tiến bộ qúa chứ. À, tiện đây xin mách nhỏ: tôm hùm ở miền biển đông Canada này ngon nổi tiếng thế giới đấy, các cụ ạ. Cụ đi du lịch Canada xin cụ nhớ ăn tôm hùm Canada nha.

Chuyện thứ ba là Cô Tim sắp sang Canada. Làng ta còn nhớ Cô Tim chứ ? Cô là người Thụy Sĩ, một họa sĩ khá nổi tiếng. Tim là tên VN của cô. Cách đây 15 năm, cô đi chu du thế giới để tìm hứng cho việc vẽ tranh. Khi đến VN thì cô đã bị bùa mê. Cô bỏ nghề vẽ tranh. Cô xả thân vào việc giúp các trẻ em bịnh hoạn và thiếu tình thương. Lúc đầu cô mở được một căn nhà cho các em trú ngụ. Cô đặt tên là Nhà May Mắn. Rất nhiều người, cả ở Thụy Sĩ cả ở VN, đã tiếp tay với cô. Và căn nhà mang tên ‘ May Mắn’ này đã mọc lên ở nhiều nơi. Nay Cô Tim đang muốn phát triển không phải Nhà May Mắn nữa mà phát triển thành Làng May Mắn. Chùa Pháp Vân ở Toronto đã tổ chức một bữa cơm chay để gây quỹ giúp Cô Tim.

Kể đến đây xong thì anh John tuyên bố chấm dứt phần thời sự. Mọi người đang chú tâm nghe anh một cách say sưa, tự nhiên anh ngưng cái rụp. Người bị hụt hẫng mạnh nhất và lên tiếng phản đối đầu tiên là Cụ B.95.

Cụ nói với anh John: Anh hết chuyện thời sự thì anh phải kể chuyện khác. Anh mới bắt đầu nói mà ngưng lại ngay, đâu có dược. Hai cô Huế Tôn Nữ và Cao Xuân cũng mở miệng phụ họa theo. Thấy thế, Chị Ba Biên hòa lên tiếng: Ai cũng còn thèm nghe anh nói. Vậy anh hãy nói chuyện gì cũng được, những chuyện mà anh cho là hay. Anh cho là hay thì cả làng cũng sẽ cho là hay ngay. Các cụ thấy phe nữ mê anh chàng rể John chưa.

Anh John bèn kễ chuyện việc học tiếng Việt. Anh mới đọc đến chương nói về các câu đố. Anh cho biết: Câu Đố là một điểm đặc biệt chỉ có trong tiếng Việt, chứ các sách giáo khoa dạy tiếng Anh và tiếng Pháp, không hề có mục ‘câu đố’. Câu đố rất hữu ích cho việc học ngôn ngữ và cho việc phát triển trí thông minh. Chương sách nói về câu đố dài lắm vì nó trưng dẫn rất nhiều câu. Tôi mới học tới câu đố về chữ CÀNG, tôi thấy câu này hay qúa, xin đem ra đố cả làng: Con gì càng lớn càng nhỏ ? Anh John đố xong, mặt mũi hí hửng lắm. Cụ B.95 là người đáp ngay: Đó là con cua.

Nghĩ cũng lạ. Câu đố bình dân này ai cũng biết thế mà bây giờ anh mới học tới. Kỳ chứ. Nhân đà thắng lợi và đầy hứng thú, Cụ B.95 đố lại anh John: Cái gì càng cháy càng ngắn lại ? Câu này đã chạm tới trí thông minh của anh John. Anh nghĩ một chút rồi đáp ngay: Đó là cây đèn cầy. Noí xong anh cười tít mắt rồi xin tiếp. Cháu nói đèn cầy vì ‘đèn cầy’ là tiếng Nam Kỳ, ngôn ngữ của vợ cháu. Bây giờ tiếng Bắc Kỳ của cháu giỏi lắm, theo tiếng Bắc của cụ thì đèn cầy là cây nến ạ. Các cụ đã thấy anh John này tếu chưa.

Mục đố này làm cho cả làng vui. Ông ODP liền nổi hứng tham dự. Ông đố không những anh John mà cả làng: Đây là việc gì ?

- Càng đắp càng bé

- Càng kéo càng ngắn

- Càng vặn càng vẹo

À, ba câu này gay đây. Cả làng ai cũng ngẩn ra. Cái ông ODP này giỏi thực chứ. Cụ Chánh cũng chịu, cụ B.95 cũng chịu. Đợi cho làng suy nghĩ chán rồi ông ODP mới giải:

-Càng đắp càng bé chỉ việc đào ao rồi đắp bờ ao. Cái ao chưa có bờ thì rộng, nay đắp thêm bờ ao thì rõ ràng diện tích bị bé lại, đúng không nào ?

-Càng kéo càng ngắn chỉ viêc hút thước lá. Tiếng Việt gọi việc hút một hơi cũng là ‘kéo một hơi’. Càng hút thì điếu thuốc lá càng ngắn lại, là thế

-Càng vặn càng vẹo chỉ việc hai người giặt chăn xong thì đứng vắt nước. Việc này không sống ở VN thì không hiểu được. Ở Canada này giặt chăn đã có máy, vắt nước đã có máy. Chứ việc vắt nước cái chăn ở quê nhà như thế này: Hai người làm viêc này. Mỗi ngươi cầm một đầu cái chăn rồi cùng vặn xoắn vào, mỗi người một hướng. Đến một lúc thì cả hai người cùng vẹo cả người đi.

Lần đầu tiên nghe sự lạ, anh John thích lắm. Anh liền mở sổ tay ghi chép. Các cụ có thấy tinh thần học tập của anh John cao chưa. Thấy cả làng vui vẻ, anh H.O. liền hắng giặng rồi xin đố anh John một câu với nhiều chữ Càng:

Càng già càng giẻo càng giai

Càng long chân chõng, càng sai chân giường

Câu này chỉ cái gì ?

Vừa nghe xong câu đố, Chị Ba Biên Hòa giơ tay phản đối ngay. Chị bảo câu đố này lạc đề và xin anh John chấm dứt chữ Càng. Chị Ba này thông minh và sắc sảo thế. Chứ nếu để ông H.O. cười hề hề thì ông sẽ lái sang chuyện mặn ngay. Bữa nay làng ăn thịt dê nhưng Chị Ba nhất định không cho ai nói chuyện dê cả.

Lúc này Cụ Chánh tiên chỉ mới lên tiếng. Cụ cũng muốn lái chuyện chữ nghĩa sang hướng văn chương. Cụ liền kể câu chuyện ngày xưa. Rằng quan đại thần Ngụy Khắc Đản thuộc triều Nguyễn được cử làm quan bố chính tỉnh Nghệ An sau khi tham dự phái đoàn đi sứ bên Tây về. Lúc đó phong trào Cần Vương mạnh lắm. Cần Vương đa số gồm các nhà nho bất đắc chí, vừa chống Pháp vừa chống cả triều đình vì cho rằng triều đình nhượng bộ Pháp nhiều qúa. Họ đã viết một câu vừa khinh miệt vừa chửi rồi gián ở cổng nhà quan. Người nhà gỡ tờ này xuống rồi đem trình cụ bố chính. Ai cũng tưởng ông sẽ cho đốt câu viết hỗn láo này đi. Nhưng không. Ông là người thông minh và bản lãnh. Ông mà đốt đi là ông thua họ. Nhất định ông không thua.Ông cho rằng câu chửi vô phép kia là một vế thách đối. Ông đối lại, và truyền gián cả hai câu ở cổng tỉnh đường. Hai câu như sau:

Câu của nho sĩ Văn thân:

Bố đại thần, con đại thần. Đại thần gì ? Thần lần !

Câu của quan Ngụy Khắc Đản đối lại:

Nay sĩ khí, mai sĩ khí. Sĩ khí gì ? Khí gió !

Câu đáp lễ của quan bố chính hay qúa chứ. Các ông Văn Thân cứ tưởng phen này quan sẽ mất mặt, ai ngờ chính các ông mất mặt, mà mất mặt nặng mới đau chứ. Rõ ràng càng gặp biến quan càng tỏ ra thông thái và mẫn tiệp.

Xin hẹn các cụ thư sau.