Chuyện phiếm: CON CHÁU CỤ LÝ



Sắc dân nào tới Canada lập nghiệp cũng đều mang theo cái bếp, các cụ ạ. Trừ các đấng nhi đồng dưới 10 tuổi không nói làm gì, còn từ 10 tuổi trở lên mà đến xứ này thì tự nhiên ai cũng nhớ món ăn quê hương vô cùng. Người Nhật nhớ món sushi, người Cao Ly nhớ món kim chi, người Ấn Độ nhớ món cà ri, người Ý nhớ món spaghetti, và người Việt Nam phe ta thì nhớ không những một món phở mà nhớ trăm món khác. Bạn không nấu được món ăn quê hương ư ? Mời bạn đi cao lâu. Sắc dân nào ở đây cũng đều mở nhà hàng. Tới Canada bạn muốn ăn phở, phải không ạ? Dễ qúa, mời bạn xuống phố. Ngoài phở, bạn có thể ăn bún ốc, bún riêu, bún thang, bún bò Huế, bánh canh giò heo...

Cùng với cái bếp, người di dân còn mang theo vườn rau nữa. Trước năm 1975, làm sao bạn có thể tìm ra ngò gai, tía tô, kinh giới, lá hẹ, rau mồng tơi, rau đay, rau dấp cá. Bây giờ thì đủ hết. Bạn đi qua nhà ai mà thấy mảnh vườn trước cửa có mấy cây tía tô lá tim tím thì đích thị đây phải là nhà người VN. Bạn ở chung cư, bạn thấy ở cửa sổ có chậu dấp cá lá xanh xanh thì đích thị đơn vị gia cư đó có người VN ở.

Hôm qua chúng tôi được Cụ B.95 mời ăn cơm. Cụ mời làng vì có ý khoe vườn rau. Chao ôi cái vườn rau đã làm chúng tôi mê mẩn. Cụ là người có tay trồng rau. Người Canada gọi những người trồng rau giỏi la những người có ‘ ngón tay cái xanh’, green thumb. Cụ thật là hạnh phúc vì có người con hiếu đễ vô cùng. Tôi chưa thấy ai hiếu thảo với mẹ đến thế. Các cụ còn nhớ gốc gác cậu này chứ. Năm 1954, cả làng di cư vào Nam. Cụ ông thời ấy đi kháng chiến, cụ bà cứ chờ cụ ông từ chiến khu về rồi cùng vào Nam, nhưng chờ hoài mà chẳng thấy tăm hơi. Cụ bà quyết chờ. Cụ gửi cậu con này theo gia đình ông bác vào Nam trước, cụ định sẽ vào sau với chồng. Nào ngờ trễ hết mọi sự. Cụ ông không về mà giấy báo tử về. Cụ bà kẹt lại ngoài Bắc từ 1954. Anh con vào Nam, lớn lên, đi lính, rồi 1975 đi tù. Hết tù, anh vượt biên rồi được tới Mỹ. Rồi lấy vợ. Rồi bảo lãnh cho mẹ đang sống ở Hà Nội. Bà mẹ Bắc Kỳ sang thẳng Canada năm 1995 và vào làng chúng tôi. Cụ có mỹ danh B.95 là thế.

Anh con chí hiếu này, xa mẹ mấy chục năm, nay được gặp lại mẹ, anh mừng hết sức. Ban đầu anh ở chung cư, về sau thấy mẹ ra vào tù túng, anh mua một căn nhà. Vì căn nhà không có vườn, anh thấy mẹ suốt ngày cấy rau vào chậu. Anh liền đi mua một căn nhà khác ở ngoại ô. Nhà mới này hợp ý cụ qúa. Nhà có một thửa vườn rất rộng, chan hòa ánh nắng. Mùa hè, cụ B.95 suốt ngày ở ngoài vườn. Cụ trồng hầu như đủ hết mọi thứ rau, từ rau mùi, húng, tía tô, kinh giới tới rau thì là, rau đay, rau mồng tơi. Lại cả bầu, cả bí, cả mướp.

Các cụ có biết cụ B.95 đãi làng món gì không ? Thưa, vì có vườn rau thơm nên cụ đãi món gỏi cuốn. Thông thường thì món này rất đơn sơ, gồm chút rau diếp, rau thơm, bún, mấy lát thịt heo luộc và vài con tôm bóc vỏ, cuốn với bánh tráng và chấm với nước mắm chua ngọt. Hôm nay thì đặc biệt hơn. Cụ hái các loại rau thơm trồng được trong vườn, bầy ê hề trên bàn. Cạnh đó không phải chỉ có thịt heo, tôm bóc vỏ, mà còn thêm thịt gà, thịt bò, cá hấp. Ai thích thứ gì thì cuốn thứ đó. Dân làng tự cuốn lấy, to nhỏ, nhiều rau ít rau, nhiều thịt ít thịt tùy thích. Mọi người ăn uống phủ phê sung sướng quá chừng. Trong bữa ăn này, tôi học được hai điều mới lạ.

Thứ nhất là món rau ngò, Cụ B.95 gọi là rau mùi. Rau này không ưa rửa nước kỹ, các cụ ạ. Cụ B.95 xưa nay vẫn chê là rau mùi bán ở chợ Canada chả có mùi thơm gì cả. Cụ đã xin bạn bè ở VN gửi hạt mùi sang. Tự tay cụ gieo hạt. Cây mùi gốc VN không to lớn như mùi ngoài chợ Tàu, nhưng nó thơm vô cùng. Chị Ba Biên Hoà được cụ nhờ rửa rau mùi. Tính chị xưa nay sạch sẽ và cẩn thận, chị đem bó mùi ngâm nước một giờ rồi đem rửa nước lạnh 3 lần. Rửa xong, khi bầy vào đĩa, chị chả thấy hương thơm gì cả. Chị hô hoán lên. Ai cũng vội chạy đến ngửi và cũng đều xác nhận rau mùi đã hết hương. Hóa ra rau mùi gốc VN, tức rau ngò, sẽ mất hết hương vị nếu rửa nước lâu quá và kỹ qúa, các cụ ạ. Ăn bao nhiêu rửa bấy nhiêu và rửa xong ăn ngay.

Bài học thứ hai là phép đuổi ruồi. Làng tôi ngồi ăn ngoài vườn. Khi món cá, món tôm và nước mắm vừa bày ra thì các chú ruồi ở đâu tự nhiên xuất hiện. Anh John được giao công tác đuổi ruồi mà làm không nổi. Chúng nó gọi nhau. Càng đuổi chúng càng kéo đến đông. Anh vừa quạt vừa đuổi vừa cười: Tụi ruồi Canada rất mê món VN. Hễ bao giờ có mùi nước mắm là chúng kéo tới ào ào. Chỗ bàn này là nơi vợ chồng tôi vẫn ngồi ăn trưa. Chúng tôi ăn bánh mì, ăn bơ, ăn phó mát, nào có thấy con ruồi bao giờ đâu. Cả làng sợ ruồi nên Cụ B.95 có ý định dọn thức ăn vào trong nhà. Tức thì ông ODP lên tiếng. Ông bảo ông có phép thần để đuổi ruồi. Ông xin mấy củ hành tây. Ông cắt hành tây ra nhiều lát và bầy ra đĩa. Tự nhiên đàn ruồi biến hết các cụ ạ. Đúng là phép tiên. Thì ra loài ruồi sợ mùi hành tây sống. Mùa này là mùa BBQ ngoài trời. Các cụ nhớ lấy cái phép đuổi ruồi này nha. Hiệu nghiệm, nhanh chóng và không tốn công tốn sức gì cả.

Bữa nay dân làng chỉ ăn món gỏi cuốn mà ai cũng no cành bụng. Hai cô Huế Tôn Nữ và Cao Xuân, mọi khi kiêng cữ không dám ăn nhiều vì sợ mập, bữa nay các cô ăn thả giàn. Cô Cao Xuân bảo: Ui chao, no qúa, bữa ni không chống được cơn cám dỗ của thần khẩu ! Cô bạn Tôn Nữ trấn an ngay: Không răng mô. Trong bụng toàn rau không à, chút xíu là nó xẹp ngay. Nghe hai cô nói giọng Huế líu lo trầm bổng, tôi thấy du dương qúa chừng. Bây giờ thì tôi hiểu lý do tại sao mấy ông bạn Bắc Kỳ của tôi khi xưa vào Huế làm việc một thời gian, rồi ông nào cũng dẫn vợ Huế về trình diện họ hàng.

Món tráng miệng là dưa hấu. Món này do Cụ Chánh đem đến. Miếng dưa mới ngọt và nhiều nước làm sao. Mùa này trời nóng, ăn dưa hấu là chí phải. Nhưng nhiều khi ta không mua được trái dưa vừa ý. Anh John xin Cụ Chánh bí quyết chọn dưa. Cụ cười hà hà: Ngày xưa ngoài Bắc làng của lão chuyên trồng dưa hấu bán dịp tết nên lão có kinh nghiệm chút ít đây. Thế này nhá, bạn đi mua dưa thì việc đầu tiên phải xem cái cuống trái dưa, cuống phải nhỏ, phải héo và khô lại thì mới đúng là trái dưa già. Rồi vỏ dưa phải căng tròn, láng bóng, và các sọc đen phải nổi rõ. Đít trái dưa càng nhỏ càng tốt, và phải lõm vào. Càng lõm sâu thì càng ngọt. Trái dưa phải tròn đều và phải nặng.

Nghe xong thì anh John vái Cụ Chánh một cái thật sâu: Cháu xin đa tạ sư phụ. Bữa nay sư phụ vừa cho món tráng miệng ngon, vừa ban thuốc bổ dương. Rồi anh cười hề hề chỉ đĩa dưa hấu: Thuốc Viagara đây, các bác ạ. Gân đây có mấy bài nghiên cứu về dưa hấu, bài nào cũng ca ngợi khả năng dũng mãnh của trái dưa này. Nó công hiệu như Viagara. Hóa ra lâu nay anh em mình dùng thuốc bổ dương mà không biết…….

Nghe giọng cười hề hề của chồng là chị Ba Biên Hòa biết chuyện mặn của phe liền ông đang bắt đầu. Chị gỉa bộ không biết. Chị nhắc chồng kể chuyện thời sự Canada kẻo cụ B.95 mong. Anh John này có máu sợ vợ, nghe vợ phán một cái là vâng lời ngay. Anh hắng giọng rồi kể:

Chuyện đầu tiên là biểu tượng quốc gia. Trong lễ quốc khánh vừa qua, một cơ quan thuộc Bộ Công Dân và Di trú đã đặt câu hỏi: Theo bạn, cái gì là tiêu biểu Canada? Có rất nhiều câu trả lời, nhưng có 5 câu được nhiều người dân nói tới nhất: Tiêu biểu Canada là cây phong, là quốc kỳ với lá phong, là môn thể thao Hockey, là con hải ly, là cánh tay robot lắp trên phi thuyền không gian của Hoa Kỳ. Nói tới đây, anh John ngưng lại rồi giải thích vì sợ Cụ B.95 không hiểu hết. Cây phong và lá phong Canada thì đã hiển nhiên rồi nha. Môn hockey chơi trên sân băng là môn thể thao người Canada đã nghĩ ra đầu tiên, và cả nước hâm mộ, rõ rồi nha.

Còn con hải ly, beaver, con này rất đặc biệt, xin dài dòng một chút. Nó trông như con chuột nước, nhưng to hơn và có đuôi dài, màu nâu. Nó là biểu tượng sự chăm chỉ làm việc. Nó chuyên cắt cây làm đập ngăn nước. Nó cắt cây bằng bộ răng vô cùng sắc bén của nó. Khi nó chọn được địa điểm trong hồ thích hợp thì gia đình nhà hải ly đi cắt cây. Chỉ dùng răng mà chúng có thể đốn ngả nhiều cây rất lớn. Rồi chúng tỉa cành, cắt thân cây, rồi kéo về địa điểm đắp đập. Xong đập thì chúng làm nhà ỏ giữa hồ, cũng bằng cây. Nhà là nơi nuôi con và là kho chứa thực phẩm. Cửa ra vào là hai lối ngầm dưới nước. Các con hải ly biết điều chỉnh được mực nước trong hồ nên nhà của hải ly không bao giờ bị ngập lụt. Canada là nước có nhiều hồ nhất thế giới, và các con hải ly thường sinh sống trong những hồ này. Da con hải ly dùng làm mũ cho các bà. Mũ này rất qúy và rất mắc tiền. Con hải ly được chọn làm biểu tượng Canada là thế.

Còn cánh tay không gian gắn ở ngoài phi thuyền để bốc rỡ vật liệu thì các cụ thấy rồi, người Canada rất hãnh diện về sự đóng góp này với Hoa Kỳ.

Chuyện thời sự thứ hai là 3 thành phố Canada được chọn vào danh sách vàng của thế giới. Cơ quan Hỗ Tương và Phát Triển Kinh Tề Thế Giơi, tên viết tắt là OECD, vừa công bố danh sách 20 thành phố có cuộc sống tốt nhất hoàn cầu. Ba thành phố Canada đã được chọn nằm trong danh sách này: Vancouver, Toronto và thủ đô Ottawa. Đứng đầu danh sách là thành phố Vienna của Ao, rồi Genève của Thụy Sĩ. Không có thành phố nào của Hoa Kỳ được lọt vào danh sách này cả. Thật đáng tiếc.

Tin tiếp theo là 2 công dân Canada vừa được Nhật Bản trao tặng 2 giải thưởng danh dự. Đó là triết gia Charles Taylor ở Montréal và nhà sinh vật học Anthony Pawson ở Toronto. Giải thưởng mang tên ‘ Kyoto Prize’. Đối với người Nhật, giải này cao qúy như giải Nobel vậy.

Chuyện cuối cùng là chuyện nụ hôn chết người. Chuyện này đã cũ nhưng báo chí mới nhắc tới. Cô bé Christina Desforges 15 tuổi sống ở miền Québec được mang vào nhà thương cấp cứu vì bị khó thở. Tới nhà thương thì tắt thở. Các bác sĩ thử nghiệm đủ thứ và cuối cùng đã tìm ta nguyên do cái chết: cô bị phản ứng về đậu phọng. Cha mẹ cô rất ngạc nhiên về lý do đậu phọng này. Gia đình cho biết xưa nay cô rất cẩn trọng, không bao giờ đụng tới đậu phọng. Mãi rồi mới tìm ra thủ phạm. Cô đã bị người yêu hôn cách đó mấy giờ. Trước khi hôn, chàng trai đa tình đã ăn bánh mì trét bơ đậu phọng, thứ bơ rất phổ thông và nhiều người Bắc Mỹ mắc nghiện: Peanut Butter. Đây là bài học cho những ai đang yêu, hay hôn nhau và có bệnh dị ứng nha.

Kể đến đây rồi chàng John xin ông ODP tiếp sức. Ông bồ chữ ODP liền kể chuyện các báo Tàu ở Canada đang đánh nhau. Hiện nay dân số người Tàu ở Canada lên tới 1.2 triệu. Họ có 3 tờ báo lớn, đó là tờ Tinh Đảo Nhật báo, Minh Báo và Hiện Đại Nhật Báo. Tờ Tinh Đảo, Sing Pao, lớn nhất. Báo này thân cộng sản và đang cổ võ cho Thế Vận Hội Bắc Kinh. Báo đang bị các đối thủ chỉ trích. Được biết chủ nhân tờ Tinh Đảo là bà Sally Aw. Bà này là con nuôi của tỷ phú Aw Boon Haw ở Hong Kong. Các cụ có biết tỷ phú này là ai không ? Thưa là chủ nhân của hãng dầu cù-là con cọp rất phổ thông ở VN đấy ạ, hãng Tiger Balm ấy mà.

Rồi ông ODP xin chấm dứt chuyện thời sự vì mục này đã dài rồi. Ông muốn dành thời giờ để dân làng nói những chuyện khác. Cô Huế Cao Xuân không chịu, cô vốn mê tài kể chuyện của anh John và ông ODP. Cô xin tiếp tục. Ông ODP đúng là thiên tài. Ông chuyển chuyện thời sự nghiêm trang và khô cứng sang chuyện cười một cách rất dễ dàng. Ông thưa với cả làng: Xưa nay tôi cứ tưởng hai cô Tôn Nữ và Cao Xuân chỉ là người Huế thuần túy, ai dè mới đây ông mới biết hai cô này có gốc Nhật Bản. Ông kể rằng tuần trước ông ra nhà ga xe lửa đón bạn, tình cờ gặp 2 cô Huế ở đó và nghe 2 cô nói tiếng Nhật với nhau, như sau:

- Mi đi ga chi ?
- Tau đi ga ni.
- Ga ni ga chi ?
- Ga ni như ri.
- Ga như ri mi lo ra đi
- Tau đi nghe mi.

Các cụ có hiểu mấy câu đối đáp tiếng ‘Nhật’ của ông ODP áp đặt cho hai cô Huế không ? Cả làng nghe xong thì phá ra cười. Cụ B.95 lần đầu tiên nghe tiếng lạ, chả hiểu gì. Mãi về sau, ông ODP thông dịch lại rồi cụ mới hiểu. Cụ bảo con dâu Tôn Nữ của cụ xưa nay có nói tiếng Nhật bao giờ đâu!

Làng tôi vui thế đấy.

Xin nói tiếp về cái ông ODP này. Ăn xong bữa gỏi cuốn rồi nhìn xuống vườn rau thơm tươi tốt của cụ B.95, ông liền xin lần sau cụ cho ăn phở. Theo ông thì chỉ còn cụ là dân Bắc Kỳ đặc, không lai Nam Kỳ chút nào thì may ra cụ mới còn giữ được hương vị gốc phở Bắc ngày xưa. Ông thèm tô phở Bắc chính thống vô cùng. Di cư vào Nam năm 1954, ông chỉ còn thấy cái hương vị chính thống ở tô phở Bà Dậu trong cư xá đường Công Lý Saigon trước 1975.

Các cụ còn nhớ cái quán phở trong khu cư xá công chức này chứ, cái quán phở có bày bát cơm nguội tặng khách ăn thêm ấy mà. Nói đến đây rồi ông cười hà hà. Nghĩ cũng ngộ. Ngày xưa quê mình nghèo, tô phở ăn xong vẫn còn nhiều nước dùng, chẳng lẽ đổ đi, phí của trời, tội chết. Thế là ông bà ta đã cho cơm nguội vào. Chao ơi, cơm nguội ăn với nước phở, sao mà nó ngon thế ! Các cụ đã bao giờ ăn cơm nguội với nước phở chưa ? Nếu chưa thì xin mời các cụ thử ngay đi. Được lắm đó. Sở dĩ tôi nói được lắm là chính tôi đã có kinh nghiệm này. Không phải kinh nghiệm từ quán phở Bà Dậu đường Công Lý nhưng từ bữa ăn ở nhà một ông bạn thân. Ông này giàu có, nhà cửa sang trọng, ông làm tới bác sĩ cơ mà. Bữa đó bà vợ gốc Bắc Kỳ của ông nấu phở, ông mời một lô bạn thân tới ăn. Phở ngon không chê vào đâu được, đúng phở Hà Nội ngày xưa. Ai cũng xin ăn thêm tô thứ hai. Trong lúc bạn bè mải mê với tô phở ăn thêm này thì bà vợ mang ra cho ông một chén cơm nguội. Thấy bạn bè ngạc nhiên, bà vợ vui vẻ nói: Xin các bác đừng thắc mắc, ông nhà tôi từ khi ăn phở Bà Dậu là nghiện luôn cơm nguội. Ăn phở xong bao giờ ổng cũng đòi thêm ti cơm nguội.

Ông ODP nghe tôi tán dương thêm về phở bà Dậu thì thích lắm. Ông nhìn hai cô Huế rồi vừa cười hích hích vừ a trích lời nhà văn nổi tiếng Thanh Nam. Rằng ông Thanh Nam gốc người Nam Định, Bắc Kỳ đặc. Ông lấy vợ là nhà văn Túy Hồng gốc Huế cũng đặc. Ông đã dám trêu vợ như sau:

Bún bò mà địch với phở thì có khác chi châu chấu đá voi. Nước phở trong như khe suối đầu nguồn, còn nước bún bò thì vừa đục vừa đỏ, và gặp lạnh thì đông lại như thịt đông...

Những lời trên đây là những lời phạm thượng, không phải tôi bịa đặt nha, mà do chính bà vợ Huế của ông viết ra trong bài ‘Thanh Nam, Đại Tang Đã Mãn’ đăng trong báo Làng Văn số 48, tháng 8 năm 1988.

Trước ông Thanh Nam còn có Cụ Tú Mỡ mới kinh. Không chê bai, không so sánh với các món khác, Cụ Tú Mỡ ngày xưa đã ca tụng phở thế này:

Phở là đại bổ, tốt bằng mười thuốc bắc
Quế phụ sâm nhung chưa chắc đã hơn gì
Phở bổ âm bổ dương bổ phế thận can tì
Bổ cả ngũ tạng, tứ chi bát mạch

Cụ B.95 nghe ông ODP ca ngợi phở làm vậy thì ưng ý lắm. Cụ đã nhận lời nấu phở lần sau. Không biết Chị Ba Biên Hòa hỏi cụ điều gì về nồi nước phở, cụ nói lớn tiếng: Hương vị nồi phở là do những thứ này: gừng nướng, hành nướng, hồi nướng và một chút quế. Cụ đúng là người có thẩm quyền về phở rồi, vì chỉ nghe sơ sơ mà đã thấy ngon qúa. Lần sau ăn xong, tôi xin làm bản tường trình chi tiết.

Thấy dân làng mê man nói về phở mà quên một tiếng nói có thẩm quyền về phở, anh John bèn quay vào Cụ Chánh: Cụ đã từng chu du mọi miền đất nước, cụ đã nếm đủ mùi hương vị quê hương. Cụ là Thái sơn, xin Thái sơn lên tiếng.

Cụ Chánh từ tốn đáp: Không dám đâu. Các bạn đã nói qúa hay và qúa đủ về phở. Xin cho lão nói sang chuyện khác. Chuyện của lão như thế này: Mới đây tình cờ lão được đọc báo ‘Quốc Gia’ số 116 của Cộng Đồng Người Việt Montréal. Trong số này có nhiều bài viết về quê hương VN hay quá. Nhiều ngọn bút vừa có hoa vừa có lửa. Ngay bài đầu, tác giả Trần Mộng Lâm, gốc y sĩ, đã cho chúng ta một niềm hy vọng:

. .. Tính đi tính lại, đảng CSVN chỉ làm được mỗi một việc sau khi đã làm máu chảy thành sông, xuơng chất thành núi. Việc đó là làm chậm sự tiến hóa của dân tộc ít nhất 50 năm. Vậy mà họ vẫn chưa qua khỏi cơn mê. Họ cũng không đủ lương thiện để xám hối. Họ vẫn níu bánh xe lịch sử trong vô vọng. Níu kéo, nhưng níu kéo được bao lâu ?

Trong bài ngay sau đó, như để trả lời ông Trần Mộng Lâm, tác gỉa Nguyễn K. Quái đã cho ta thấy một ánh sáng đang le lói cuối đường hầm:

…... Song song với những nhận xét bi quan trên, may thay, vẫn còn những tấm lòng, vẫn còn những người dấn thân, vẫn còn đa số thầm lặng kiên gan trì chí, chỉ chờ ‘ tức nước vỡ bờ’ mà thôi. Lịch sử đã cho thấy Hitler mạnh đến thế mà y có thể hình dung được ngày phải tự bắn phát súng vào đầu tự tử đâu ? Và có ai ngờ cả một nước Đức, nước Nhật, hùng mạnh như thế rồi cũng phải sụp đổ đâu ? Cũng có ai ngờ Đảng CS Liên Xô vĩ đại, được Bắc Cộng tin tưởng như thế, các đảng CS Đông Âu độc tài sắt máu như thế mà rồi cũng tiêu tùng hàng loạt ? Những Ceausescu, Hoenecker, Sadam Hussein từng thét ra lửa rồi cũng cùng đường đền tội. Hàng triệu đảng viên CS Nam Dương sau khi Soekarno bị lật đổ đã bị dân chúng tự động nổi lên giết chết. Một ngày đẹp trời nào đó rồi Viêt Nam cũng sẽ có những Gorbachev, Lech Walesa, Vaclav Havel, Triệu tử Dương, và hàng hàng lớp lớp người dân cũng sẽ xuống đường xô ngã cái bức tường loang lổ CSVN hiện nay đi. ..

Ông ODP tiếp lời cụ Chánh: Cầu xin cái ngày hạnh phúc đó mau đến, chứ như hiện nay thì bi đát kinh hoàng. Tôi có một người bạn mới đi VN về, anh bảo: Đen tối lắm ! CSVN ăn tất tần tật, ăn bẩn, ăn cướp, ăn chận, ăn gian, ăn hết mọi thứ, chỉ trừ ĂN NĂN ! Anh bạn tôi đã nói rất đúng. Xưa nay CSVN vẫn lớn tiếng hô hào hòa hợp hoà giải mà họ có thực lòng bao giờ đâu. Giá mà họ biết thực lòng ăn năn như đảng trưởng đảng CS Ba Lan. Ông này đã cúi đầu xin lỗi toàn dân về quốc nạn CS, ông và đảng CS của ông đã được dân Ba Lan tha thứ. Ba Lan đã bước vào kỷ nguyên thịnh vượng ngay sau khi CS tan hàng.

Ngày đó bao giờ mới đến cho Việt Nam ?

Nói tới viêc nhận lỗi và xin lỗi, tôi chợt nhớ tới Công Ty Samsung. Các cụ biết công ty Samsung của Đại Hàn chứ ? Cái công ty hiện nay qua mặt công ty Sony của Nhật ấy mà, cái công ty mà số thương vụ hàng năm 160 tỷ USD, bằng 18% tổng sản lượng quốc gia của Đại Hàn ấy mà, cái công ty mà hiện nay các sản phẩm của họ có mặt ở 58 quốc gia ấy mà. Tôi nói tới Samsung ở đây có ý để nhắc tới chủ nhân là Ông Lee Kun-Hee. Ông Lee vừa làm một việc anh hùng. Ông vừa lên tiếng nhận lỗi về việc ông đã khai gian thuế, và tuyên bố từ chức tổng giám đốc công ty.

Dân Đại Hàn nghe ông cúi đầu xin lỗi, ai cũng ngậm ngùi nhưng lại yêu mến ông hơn trước. Nhờ tài lãnh đạo của ông mà kinh tế Đại Hàn đã có khả năng qua mặt Nhật Bản, đã rửa được mối nhục. Người dân Cao Ly nói chung vẫn nhớ mối thù truyền kiếp: đất nước họ đã bị Nhật Bản cai trị tàn ác khi xưa.

Lee Kun-Hee, đọc theo giọng Hán Việt là Lý Kiện Hy. Truy nguyên ra, ông Lý này chính là con cháu của cụ tổ Lý Long Tường, tướng VN đã sang giúp Cao Ly hồi thế kỷ 13, các cụ nhớ chứ. Tổ tiên VN ta ngày xưa oai hùng đến thế, chẳng lẽ con cháu ngày nay lại tệ mạt thế này sao, các cụ ?