Báo cáo này của một nhóm chuyên gia từ Hoa Kỳ, đăng trên Tạp chí quốc tế về các bệnh lây truyền qua đường tình dục và AIDS, quả là một thách thức lớn đối với quan điểm của giới khoa học về việc truyền virut gây bệnh AIDS.

Từ trước tới nay, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng sinh hoạt tình dục là tác nhân chính gây ra tới 90% lượng nhiễm HIV tại châu Phi.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu Mỹ đã xem xét lại hàng trăm ca lây nhiễm HIV trên toàn châu Phi trong 20 năm trở lại đây, và cho biết nguyên nhân chính là việc sử dụng những kim tiêm bẩn để tiêm chích.

Một trong các tác giả của bản báo cáo này là David Gisselquist trên thực tế tỉ lệ lây lan ở châu Phi không khác nhiều so với những nơi khác trên thế giới.

"Nếu xem xét các cặp vợ chồng có một người bị nhiễm HIV và người kia không bị, thì đã có những nghiên cứu được thực hiện tại châu Phi, và cả ở châu Âu và châu Mỹ nữa."

"Tỉ lệ lây nhiễm từ người bị dương tính sang người kia ở châu Phi cũng ngang bằng tỉ lệ tại châu Âu hay Mỹ thôi. Do đó, chẳng có vẻ gì là có một sự lây lan đặc biệt nhanh xảy ra tại châu Phi vì lý do tình dục cả."

Tuy nhiên, giám đốc dịch vụ y tế thuộc Bộ Y tế Kenya ở Nairobi, ông Richard Muga thách thức quan điểm này, nói rằng có đủ bằng chứng cho thấy việc lan truyền qua các cặp tình dục khác giới là nhân tố chủ yếu dẫn đến việc nhiễm bệnh HIV/AIDS tại châu Phi.

"Cũng có bằng chứng cho thấy việc sử dụng kim tiêm, các vết cắt, rạch và việc truyền máu cũng có thể làm lây nhiễm HIV/AIDS, nhưng điều này đã được biết trong nhiều năm rồi và tại nhiều nước, trong đó có Kenya, thì không ai bây giờ lại dùng kim tiêm không được khử trùng cả."

Tiến sĩ Gisselquist không nghĩ vậy. Theo ông hệ thống chăm sóc sức khỏe tại châu Phi có bao gồm rất nhiều nguồn cung cấp không chính thức.

"Đây không chỉ là những hệ thống chính thống, mà rất nhiều người còn đi gặp các dược sĩ hay các bác sĩ để tiêm, đặc biệt là ở vùng nông thôn, hay nếu người ta là người nghèo."

Một tác giả khác của bản báo cáo là ông John Potterat nói những người hoạt động chống bệnh AIDS đã bị ra điều kiện để chấp nhận rằng virut này được lan truyền qua tình dục không an toàn.

"Ðã có hàng tá tá các báo cáo bị người ta lờ đi, bởi vì những người phân tích thường có sẵn trong đầu về nhân tố tình dục khác giới; và do đó, người ta không nhìn thấy phần kia của bức tranh mà nhẽ ra họ phải nhận thức ra được."

Bác sĩ Yvonne Yooter, nhân viên y tế về an toàn máu và kỹ thuật khám bệnh của tổ chức Y tế thế giới ghi nhận công việc của toán nghiên cứu Mỹ, nhưng muốn nhấn mạnh là có rất nhiều sự không chắc chắn về tỉ lệ nhiễm HIV do kim tiêm không an toàn gây ra tại Phi châu.

"Quan điểm của WHO là có khoảng 5% số lượng bị nhiễm theo đường này trên toàn thế giới, trong khi các nhà nghiên cứu này lại cho là cao hơn."

Tổ chức phòng chống bệnh AIDS của Liên hiệp quốc, UNAIDS thì chấp nhận rằng kim tiêm bẩn đúng là gây ra rủi ro lây nhiễm, đặc biệt là tại châu Phi và châu Á, và kêu gọi nên có các nghiên cứu sâu hơn để xác định vai trò chính xác của nhân tố này trong việc lây bệnh.

Tuy nhiên, tiến sĩ Catherine Hankins, giám đốc thông tin chiến lược của UNAIDS nói không nên làm giảm tầm quan trọng của thông điệp tình dục an toàn, là điều được cổ xúy lâu nay.

"Chúng tôi sợ rằng những báo cáo như thế này, mà chưa qua kiểm chứng khoa học, có thể sẽ làm cho mọi người sợ, không dám cho con em họ đi tiêm chủng, sẽ tránh việc chăm sóc sức khoẻ và thậm chí lại còn ngừng không sử dụng bao cao su nữa."

Còn tiến sĩ Yvonne Yooter ở WHO thì tin rằng cho dù bản báo cáo này có đúng thì đường lối tuyên truyền phòng chống bệnh AIDS cũng không phải thay đổi.

"Tuy nhiên việc lan truyền qua đường kim tiêm không an toàn và qua đường truyền máu có thể cao hơn những gì người ta nghĩ lâu nay; tuy thế vẫn cần có nỗ lực ngăn ngừa việc lan truyền qua đường tình dục."

UNAIDS cho hay cần có thêm nhiều nguồn lực để đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ y tế vô trùng tại tất cả các nước trên thế giới chứ không chỉ các nước công nghiệp.

Người ta đã tính rằng sẽ tốn tới 290 triệu đola để đảm bảo có được kim tiêm sạch cho mọi dịch vụ chăm sóc y tế và tiêm chủng phòng bệnh trên thế giới trong hai năm tới.(BBC)