Phóng viên của VietCatholic thăm viếng người Hiệp Sĩ bệnh AIDS tại Sàigòn

SAIGÒN - Vào khoảng đầu tháng 8, 2003, báo Tuổi Trẻ tại Saigòn có đăng bài phóng sự với tựa đề “HIệp Sĩ Aids”. Đọc bài phóng sự xong, chúng tôi rất xúc động và cảm phục vì tấm gương hy sinh vộ vị lợi và dấn thân của nhân vật thiện nguyện này.

Chính vì lý do đó, vào ngày 23-8-2003, VietCatholic đã nhờ một đại diện ở Saigòn tìm hiểu thêm chi tiết về người hiệp sĩ này. Đại diện của VietCatholic đã tìm ra địa chỉ và đến gặp vị hiệp sĩ và sau đây là bài tường trình của phóng viên chúng tôi như sau:


Chúng tôi đã tới thăm căn nhà của chị Nguyễn thị Vinh ơ Đường Cách Mạng Tháng Tám, Phường 5, Quận Tân Bình, thành phố Sàigòn. Được biết trước là chúng tôi sẽ đến thăm, nên chị đã chờ sẵn và niềm nở tiếp đón chúng tôi. Sau những lời chào hỏi xã giao, chúng tôi đi thẳng vào vấn đề là tại sao chi lại dấn than làm công tác mà hiện nay chị đang thực hiện cho những bệnh nhân Siđa và Aids. Chị trả lời ngày là: Vì được sinh ra là người Công giáo, nên chị thấy thúc bách nên làm một cái gì đó hầu xoa dịu vết thương cho những người mà hiện nay đang bị xã hội và chính gia đình họ bỏ rơi. Chị nói:

"Tôi không thể cầm lòng được khi thấy những bệnh nhân Aids bước vào thời kỳ cuối, bị người thân và ngay chính gia đình họ bỏ rơi, xa lánh, và ngay chính hất hủi họ, vì sợ bị lan truyền bệnh. Hiện ở Việt Nam đa số chưa hiểu tường tận vể bệnh này, nên đa số còn rất sợ gần gũi và động chạm tới các bệnh nhân này. Nên tôi nghĩ nếu có có những người xa lạ, với tấm lòng nhân sẵn sang đến với ho để chăm sóc, để chia sẻ tâm tình và những gì mình có, chắc chắn sẽ mang lại cho những người khốn khổ này một chút ấm cúng, một chút niềm vui trong những ngày cuối đời, và một chút niềm tin nào đó”.

Chị kể tiếp rằng: Suốt những năm chị còn là nữ sinh trung học, mùa hè nào chị Vinh cũng cùng đoàn công tác xã hội của trường, của địa phương đi cứu trợ lũ lụt miền Trung, phát thuốc cho đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên. Năm 1997, chị là một trong những tình nguyện viên đầu tiên trong chương trình “Giúp đỡ các bệnh nhân AIDS” của nhà thờ dòng Chúa cứu thế.

Chị Vinh cho biết hiện nhóm của Chị sau 4 năm hoạt động chị đã lôi kéo được khoảng 30 người thiện nguyện khác sẵn sàng dấn thân vào công tác tong đồ này. Chị nói rằng mọi người đều có công ăn việc làm riêng, nhóm này có cả nam và nữ, tuỗi từ 18 đến 72, họ phân chia công tác hoạt động, có nhiều những việc như tìm kiếm tới các bệnh nhân bị bỏ rơi, chăm sóc cho những bệnh nhân AIDS cô đơn, những bệnh nhân không nơi nương tựa. Công việc của nhóm, có khi là tắm rửa, dọn dẹp vệ sinh, cho uống thuốc, đi mướn nhà, kiếm việc làm, mai táng cho các bệnh nhân AIDS sau khi họ qua đời. Rất nhiều công việc vô tên vô tuổi, tùy vào hoàn cảnh và nhu cầu khác nhau.

Các anh chị em trong nhóm thi hành các công việc từ thiện này vào những lúc rảnh rỗi, những buổi chiều tối, và đặc biệt là trong các ngày thứ Bảy và các ngày Chúa Nhật, khi mọi người không phải đi làm việc công sở.Chị Vinh cho biết thêm rằng: Đối với những bệnh nhân bị bỏ rơi ngoài đường phố, góc chợ, bãi rác, nhóm của chị hoặc là đem vào bệnh viện Nhiệt Đới, bệnh viện số 175, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để chữa trị, chăm sóc hoặc là đem về khu nhà trọ mà Nhóm của chị đã quyên góp nhau và mướn các khu Nhà Trọ với mục đích dành cho các bệnh nhân còn tương đối khỏe, có thể đi lại được.

Sau đó kiếm việc làm cho họ :đi bán vé số (cho họ 200.000 đồng VN nếu bán tương đương 100 vé số). Tiền thuê nhà cho mỗi người bệnh khoảng 300.000VN /tháng. Những nhà trọ này ở những vùng ven TP như Thủ Đức, huyện Bình Chánh. Hàng ngày các đôi viên đến chăm sóc, theo dõi sức khỏe, cho uống thuốc, hoặc là đem về Trung Tâm Mai Hoà của Sơ Tuệ Linh ở Củ Chi, nếu họ hội đủ tiêu chuẩn.

Đối với những bệnh nhân còn người thân, có chỗ ở với gia đình thì chị đến tư vấn, thực tiễn chăm sóc như tắm rửa, xoa bóp cho bệnh nhân cũng như giải thích cho người thân hiểu rõ về cách chăm sóc, chế độ ăn uống, cách phòng tránh lây nhiễm khi chăm sóc bệnh nhân, tâm lý của người bệnh.

Chị Vinh làm công việc này từ năm 1998.Bắt đầu từ các nhóm sinh hoạt ở nhà thờ dòng Chúa cứu thế. Nhóm của chị là nhóm Hành Động. Chương trình này do các linh mục bác sĩ như cha Thăng (ở xứ Sao Mai, gần nơi chúng cháu ở ), cha Phấn hỗ trợ về mặt tinh thần như làm lễ an táng, rửa tội cho bệnh nhân trở lại đạo. Cho bệnh nhân xưng tội, xức dầu. Công việc từ thiện của nhóm tình nguyện này là hoàn toàn tự nguyện đóng góp, rất ít khi nhận được sự tài trợ. Có chăng là được sự tài trợ của một vài mạnh thường quân giúp về tiền nhà trọ. Nhưng người bị bệnh giai đoạn cuối có khi ở trọ chưa đượ 1 tháng thì đã chết rồi.

Hiện nay, Chị Vinh đã mua được một miếng đất rộng ở Bình Chánh, Chị ấy nói là để làm nhà cho người bệnh ở, nhưng có lẽ phãi 2 năm nữa mới có đủ tiền để làm, mà chị ấy cũng không dám xin nhà nước giúp đỡ, vì rất phiền phức.

Hầu hết các bệnh nhân tự tìm đến với nhóm chi Vinh. Rất nhiều người biết hoạt động của nhóm này.Các bệnh nhân không nơi nương tựa, nghèo đói, cô đơn là ưu tiên giúp đỡ của nhóm chị Vinh.Gần 3 năm qua, chị Vinh và 30 đội viên tình nguyện trong nhóm Tiếng Vọng, do chị sáng lập, đã chăm sóc gần 300 bệnh nhân AIDS cô đơn, không nơi nương tựa.

Thực tế, tại Saigòn ngày nay, mỗi năm có trên dưới 1.000 bệnh nhân AIDS không nhận được những chăm sóc tối thiểu chỉ vì đa số họ thuộc tầng lớp nghèo nhất trong xã hội, trong khi các cơ sở từ thiện không đủ chỗ tiếp nhận. Một viên chức xã hội tại Saigòn đã phát biểu như sau: “Nếu không có những đội viên tình nguyện giàu tâm huyết như chị Vinh, bộ mặt xã hội sẽ không thể khang trang, đẹp đẽ như chúng ta đang thấy. Hàng nghìn con người sẽ phải chết oan vì không thể chờ đến khi thuốc trị bệnh AIDS đến với mình".

Anh chị em trong Nhóm Tiếng Vọng Tình Thương cứ mỗi chiều thứ bảy hàng tuần, họ lại tập trung về một căn nhà tại đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình cùng nhau đi chăm sóc các bệnh nhân khác. Tiếng Vọng cũng là nơi đầu tiên áp dụng mô hình “bệnh nhân AIDS giúp đỡ bệnh nhân AIDS”. Người bệnh công khai tình trạng của mình, được đối xử bình đẳng và làm việc như những thành viên khác. Mô hình hoạt động của nhóm đã được UNICEF ghi nhận là bước tiến mới trong nỗ lực giúp đỡ bệnh nhân AIDS và được đề nghị là điển hình để nhân rộng tại các quốc gia khác.

Đây là một trường hợp điển hình được báo Saigòn mô tả như sau:

Trước đây ít tháng tại khu Khu giải toả cuối cùng ở chợ Cầu Muối bị đập,còn trơ cái nền gạch một nhà vệ sinh. Dân ở đây quan sát thấy có ít người chung quanh cứ xua đi đuổi lại một người đàn ông mặc chiếc sơ mi đen,hay ngồi nép vào cái bờ gạch ngủ gà ngủ gật. Chiếc áo lùng thùng không che hết thân hình chỉ còn da bọc xương, ống chân lở loét và những ổ hạch to như ổ trứng gà mọc đầy quanh cổ. Khi chúng tôi tìm đến nơi người đàn ông mà mãi sau này tôi mới biết tên là Mười, đang rét run cầm cập sau một đêm rã rượi vì mưa. Nhóm chị Vinh thuê một chiếc Taxi tải đi trung tâm Mai Hoà (Củ Chi, gần thành phố Saigòn ). Mười nằm thiêm thiếp trên sàn,đôi mắt trũng sâu, trắng dã. Nhanh thoăn thoắt, chị Vinh trưởng nhóm thiện nguyện Tiếng Vọng đeo bao tay, lấy oxy già sát trùng cho bệnh nhân. “Anh có bị tiêu chảy không? Ráng uống thuốc này đi, hơi đắng nhưng sẽ khỏi “. Chị đút cho Mười hết cốc sữa rồi lau tay, lau mặt cho anh. “Bây giờ tôi đưa anh đi trung tâm Mai Hòa, ở đó các sơ sẽ chăm sóc cho anh “. Mười khẽ gật mấy cái, tay phải giơ lên, quờ quạng. Chị Vinh nắm bàn tay Mười:”Xe lắc anh sợ té hả? Không sao đâu anh “.Chính Chị Vinh cũng kể cho chúng tôi về trường hợp của anh Đê 15 tuỗi như sau: Đê bị nhiễm HIV do dùng chung kim tiêm ma túy với nhóm bạn, đã phải nằm ngoài hành lang nhà mình cả tuần mặc nắng mưa. Suốt một tháng ngày nào chị cũng đến đút cháo, lau người, lau mặt cho D, hướng dẫn người nhà của D cách phòng chống lây nhiễm, bố D mới để D được vào nhà. “Đôi khi người bệnh không chết vì AIDS mà chết vì tàn nhẫn của thân nhân họ”.

Chị Vinh kể lại kinh nghiệm đã biến đổi đời chi như sau: Suốt những năm là nữ sinh trung học, mùa hè nào tôi cũng cùng đoàn công tác xã hội của trường, của địa phương đi cứu trợ lũ lụt miền Trung, phát thuốc cho đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên. Chị nói: “Từ đó tôi nhận ra con người ta thiếu thốn tình thương đến mức nào. Càng đi lại càng thấy có biết bao nhiêu người khốn khổ cần giúp đỡ”.

Chị Vinh nhận định nhận định về việc chăm sóc cho bệnh nhân Aids như sau: “Đối với bệnh nhân AIDS, họ không còn nuôi hi vọng sống còn trên chiếc giường bẩn thỉu. Họ cần sự giúp đỡ từ những công việc giản đơn hằng ngày như vệ sinh cá nhân, vệ sinh chỗ ở. Mọi nỗ lực của tình nguyện viên sẽ trở thành vô nghĩa nếu không bắt đầu từ việc đơn giản nhất là làm cho cuộc sống của người bệnh dễ chịu hơn, sạch sẽ hơn”.

Chị cũng cho biết thêm cách chua xót như sau: “Đa số bệnh nhân AIDS chết trong cảnh nghèo túng và cô độc. Nếu còn người nhà thì họ cũng đã kiệt quệ về tài chánh sau nhiều năm nuôi bệnh nên nhiều khi một chiếc hòm cũng trở thành xa xỉ “.

Tại bệnh viện Bình Dân ở Saigòn, trong vòng 6 năm qua, cũng đã có những cuộc giảng dậy y tế cho cả ngàn người thiện nguyện, nhưng theo lời phát biểu của một bác sĩ giảng viên y tế ở đây cho biết: “Những người còn gắn bó với công việc như chị Vinh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu không có những đội viên tình nguyện giàu tâm huyết như chị Vinh, bộ mặt xã hội không thể khang trang, đẹp đẽ như chúng ta đang thấy. Hàng ngàn con người sẽ phải chết oan vì không thể chờ đến khi thuốc trị bệnh AIDS đến với mình.

Chị Nguyễn thị Liễu, một bệnh nhân AIDS nói :” Tôi muốn bước ra ngoài sáng để mọi người biết mà giúp đơ và cũng để phòng tránh cho mọi người. Tôi tin mọi người rồi sẽ thay đổi thái độ khi biết chúng tộ sống có ích cho đời “.

Trên chiếc bàn làm việc của chi Vinh có một chồng album mà mỗi bệnh nhân là một trang, gồm ba tấm ảnh từ lần gặp đầu tiên còn mạnh khỏe cho đến lúc tiều tụy. Gần 300 con người, gần 300 trang với hơn 1000 tấm ảnh, đủ làm một bộ sưu tập kinh hoàng nhất, gây sốc nhất, được chị gìn giữ cẩ thận. “ Để còn răn đe những ai muốn bước chân vào con đường tự hủy hoại mình “.

Theo đánh giá của Bộ Y Tế tại thành phố Saigòn, thì số người nhiễm HIV được phát hiện tại Việt Nam đã lên tới trên 70.000 người. Trong đó có gần 11.000 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Trong các tháng vừa qua, trung bình mỗi ngày Việt Nam phát hiện được thêm 50 người nhiễm HIV mới.

Bộ Y tế cũng cho biết: khó khăn chính trong việc phòng chống HIV ở VN là chính quyền còn thiếu rất nhiều nhân sự và phương tiện chăm sóc cho bệnh nhân Aids, đàng khác các nhân ciên y tế lại yếu về chuyên môn, chưa triển khai được các giải pháp can thiệp trị liệu. Ngoài ra, trên 80 % cơ sở Y Tế chỉ sàng lọc máu bằng các kỹ thuật đơn giản, lượng người bán máu chuyên nghiệp cao. Bộ Y Tế ước tính đến năm 2005 Việt Nam có 200.000 người nhiễm HIV và 46.000 người sẽ tử vong tử vong do bệnh AIDS.

Trong cơn thống khổ của những người vô vọng và thiếu tình thương, thiếu phương tiện chữa trị, những cánh tay và trái tim đầy tình người của Chị Vinh và nhóm Tình Thương của chị là những nỗi xoa dịu niềm đau, những vỗ về trấn an, những yêu thương nồng thắm làm nhẹ bớt sự cô đơn và tạo nên niềm hy vọng và nhất là tái xác nhận phẩm giá của con người, dù sống dù chết, dù khốn cùng dù bi đát con người luôn được kínht rọng như là một nhân vị được Thiên Chúa tạo thành.

Liệu trước những khốn cùng của các bệnh nhân Aids, chúng ta giúp gì được để nới rộng bàn tay và trái tim cho những người như chi Nguyễn thị Vinh hay không?