Tôi tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới

Qua ngày 17, việc đầu tiên là sáng sớm phải ra phi trường đón mấy người thân quen từ Mỹ qua tham dự WYD. Tất cả là 9 người. Dù mới từ máy bay bước xuống, ai cũng muốn dạo phố Sydney cho biết. Vợ chồng tôi phải phân chia công tác: tôi chở một số, nhà tôi chở một số đi loanh quanh các phố xá có đông người Việt sinh sống.

Tiến về Chippendale
Sau khi dùng cơm trưa, tôi đưa đoàn người lên Chippendale để lãnh thẻ tham dự WYD. Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đã bước sang ngày thứ ba, nên ở phố phường nào, ở ngả đường nào, người ta cũng gặp những người hành hương trẻ với chiếc túi mầu vàng đỏ sau lưng, tay cầm cờ hay một nhạc khí nào đó, ca hát, cười nói hân hoan. Bước chân của họ không một nét mệt mỏi, cứ thoăn thoắt bước đi, đi ngược đi xuôi, đi lên đi xuống…Hôm 14, đường hầm từ Ga Trung Ương dẫn lên Broadway chỉ lác đác dăm ba tốp hành hương, thì hôm nay, chật cứng những người như vậy. Tuy nhiên, trung tâm cấp phát thẻ WYD thì vắng hẳn so với những ngày trước. Nhân viên ở đấy cho chúng tôi hay: trung tâm sẽ đóng cửa từ 3 giờ chiều và sẽ mở lại lúc 4 giờ 45 để mọi người có dịp đi chào mừng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Nhìn đồng hồ, thấy chỉ còn 50 phút nữa. Nhưng nhân viên ở đấy trấn an: ‘kiu’ không dài, thế nào qúy vị cũng lãnh được thẻ kịp giờ. Hôm nay, thái độ của các thiện nguyện viên tại trung tâm này đã ‘biến đổi’ trông thấy: thay thế cho những tiếng la ngày nào, là những giọng nói nhỏ nhẹ dễ thương. Mới hay ‘áp lực’ đôi khi làm con người ra cau có, cứng cỏi.

Cô thiện nguyện viên hỏi chúng tôi: nhóm qúy vị là nhóm nào, may ra tôi giúp gì được chăng? Bèn trao cho cô số nhóm và tên người trưởng nhóm. Cô dặn bọn tôi đứng tại ‘kiu’ chờ rồi bỏ đi. Chỉ ít phút sau, cô tái xuất hiện, miệng tươi cười trao cho chúng tôi một phong bì lớn với số nhóm và tên người trưởng nhóm trên đó. Cô bảo: chúng tôi chờ qúy vị đã mấy ngày nay.

Chỉ còn lại một mình tôi và bác Anne-Marie Trần tại ‘kiu’ chờ đợi. Bác năm nay đã 82 tuổi, cư ngụ ở Hawaii, nhưng ‘nổi hứng’ tham dự WYD vào phút chót, nên dù chưa đăng ký, cũng lên đường qua Sydney. Gia đình tôi chưa bao giờ hân hạnh được biết bác. Đứa em họ của tôi làm trưởng nhóm, cư ngụ ở Anaheim, cũng chưa bao giờ được hân hạnh biết bác và nghe đâu hai người chưa bao giờ liên lạc với nhau, kể cả trong việc sắp xếp tham dự WYD lần này. Bác quen với một người trong nhóm của đứa em họ tôi. Từ Hawaii bay qua Sydney hôm trước, bác tính ngủ một đêm ở ‘airport lounge’ để sáng hôm sau tham gia nhóm của đứa em họ tôi. Nhưng nhân viên phi trường không cho phép. Bác phải dọn vào một phòng trọ tại một khách sạn cạnh Phi Trường. Đến số điện thoại của gia đình tôi, bác cũng không có để liên lạc. Tôi không dám hỏi sao bác lại gan cùng mình đến thế. Chỉ biết bác có một quá trình hoạt động xã hội rất đáng nể. Tại Việt Nam trước 1975, bác vốn là giám đốc của Lưu Xá Trinh Vương ở góc Lê Qúi Đôn và Ngô Thời Nhiệm, Sài Gòn, dành cho các nữ sinh viên từ Miền Trung vào học, dù một nách nuôi dạy 13 người con, trong khi chồng bác đã qua đời từ lâu. Qua Mỹ từ những ngày cuối tháng Tư năm 1975, trên một chuyến máy bay đặc biệt của một cơ quan thiện nguyện, từ Sài Gòn qua ngả Tokyo, Okinawa, bác bắt đầu đi học lại và sau mười năm dùi mài ‘kinh sử’, đã giật được mảnh bằng cao học về giáo dục. Sau đó, tham gia chương trình của Caritas, đi phục vụ người tị nạn Việt Nam ở Hồng Kông trong 5 năm, giúp đỡ khá nhiều người đi định cư tại các quốc gia đệ tam. Bác còn về Việt Nam và đưa khá nhiều trẻ em tàn tật qua Mỹ để chữa trị. Hiện nay, bác vẫn tiếp tục vận động ngân qũy giúp các linh mục tại Việt Nam thực hiện các dự án phát triển.

Bác Anne-Marie Trần
Càng nói chuyện với bác càng khám phá ra nhiều nét ngoại thường. Nhưng nét ngoại thường hơn cả vẫn là việc bác một mình qua Sydney dự WYD mà không đăng ký trước. Lại tới ngày 17 mới qua. Bởi thế, sau khi đưa bác từ phi trường về nhà, tôi loay hoay vào trang mạng của WYD08 ngay để may ra có thể đăng ký ‘muộn’ cho bác được chăng. Thủ tục đăng ký có vẻ suôi chẩy tốt đẹp, tôi nhận được cả số đăng ký 9041781. Nhưng chỉ có thế, màn ảnh để đóng tiền không thấy xuất hiện, nên không thể tiến thêm bước nữa để chắc mẩm là mình đã đăng ký. Thành ra, đứng đợi ở ‘kiu’ mà chẳng hiểu có được việc gì không. Hỏi thì cô thiện nguyện viên chỉ tươi cười trả lời: rất tiếc, không có ý kiến, qúy vị cứ chờ ở đây xem sao. Nhưng Chúa chẳng bỏ người thiện chí. Người em họ từ Anaheim của tôi bỗng hô to: bác ơi, khỏi cần đứng đợi. Sao vậy? Bọn em có 8 người, mà nhận được 9 thẻ lận. Họ có lầm không đây? Không, họ không lầm đâu. Bọn em đăng ký 9 người, nhưng phút chót có con bạn bỏ cuộc, tiền máy bay thì lấy lại được, mà tiền đăng ký thì không, nên mới dư một thẻ, em quên khuấy không nói cho anh và bác biết, xin lỗi!

Lỗi đâu mà xin, cám ơn hết lời cũng chưa đủ thì có! Thế là cả bọn cuốc bộ trở lại Ga Trung Ương, đáp tầu lửa lên Circular Quay hy vọng kịp giờ để được thấy đoàn tầu của Đức Giáo Hoàng băng qua Hải Cảng mà vào Barangaroo. Tôi định đưa nhóm tới tận địa điểm giới trẻ chính thức chào đón Đức Giáo Hoàng, nhưng phần vì sợ bác Anne-Marie Trần cuốc bộ tới lui Barangaroo không nổi, phần vì sợ ‘người ta’ không cho vào, vì mình vốn không ‘chịu’ trả tiền cho ngày hôm nay và cả ngày hôm sau nữa, nên đành tới Circular Quay vậy.

Vừa ra khỏi Ga, đã thấy cơ man người xếp hàng năm hàng sáu dọc theo Hải Cảng nhìn từ Opera House qua tận phía Harbour Bridge, kể cả những khúc trống giữa hai hàng Phà và các bến Phà đối diện với Ga Circular Quay. Giữa lúc ấy, chúng tôi nghe tiếng còi tầu hân hoan vang lên từ phía chân trời, và hai bên Hải Cảng đáp lại âm vang, nên vội chạy lại tham dự, đủ để thấy chiếc Sydney 2000 hai ba tầng đang từ từ tiến vào khoảng trống giữa hai chiếc phà đang đậu bất động tại bến. Khách thập phương đồng loạt giơ tay vẫy vẫy, những tiếng hô “Beneditto, Beneditto” vang động cả một khoảng trời bến bãi. Người dân Sydney cũng như khách thập phương như quên hết mọi chuyện, chỉ còn tập chú vào con tầu ở mãi xa xa kia, hy vọng thoáng nhận ra khuôn hình của người từ muôn dặm ‘nhân danh Chúa mà đến’. Mà nào có thấy. Chiếc Sony Cybershot của tôi ‘zoom’ hết cỡ cũng chả thấy Ngài nơi mô. Chiếc Sony Handycam của tôi cũng thế.

Đường Macquarie 17-07-08
Chờ cho đoàn tầu khuất nẻo sau Harbour Bridge, người dân Sydney và khách thập phương mới chịu rời khỏi chỗ đứng để tuôn về muôn ngả. Chúng tôi tìm đường đi ngược lên phía Opera House, nơi mà bác Anne-Marie rất muốn tới. Người tới chỉ dăm ba như chúng tôi, còn người về thì đông vô kể, vất vả lắm mới tới được điểm bắt đầu thấy Opera House. Và cũng là điểm chúng tôi không được phép tiến thêm. Bác Anne-Marie thấy phía đường đi dạo xát bờ biển dẫn tới Opera House trống trải, bèn đặt chân vào, nhưng bị nhân viên an ninh vỗ vai, ngăn lại, làm hiệu đi nơi khác. Đành xếp hàng phía sau một nhóm người đông đảo dường như đang đứng chờ để tiến vào Opera House. Nhưng chờ hoài, vẫn không thấy nhân viên an ninh cho mở cửa, bèn đoán bừa: chắc họ chờ cho bên trong ra bớt, họ mới mở cửa chăng! Nhưng nào có ai từ phía Opera House chịu ra ngoài này đâu. Đức Giáo Hoàng đã đáp tầu qua khỏi rồi, sao họ không chịu rời chân, cứ bất động mà ngồi, mà đứng trong khu vực tiền đình Nhà Hát vậy. Bác Anne-Marie bảo tôi: hình như phía tay phải có đường đi. Dẫn nhóm ra phía đó, vẫn không thấy có đường để tiến vào bên trong khu Nhà Hát. Nhưng từ đó có thể nhìn rõ về phía tiền đình Nhà Hát và nhìn lui về phía đường Macquarie. Khắp nơi, khách thập phương vẫn còn nán lại đông đảo, như chờ đợi một điều gì. Chả lẽ họ chờ Đức Giáo Hoàng đáp tầu trở lại đường cũ để về Nhà Thờ St Mary? Nhưng nếu thế, họ phải hướng ra Hải Cảng mới đúng, chứ sao lại hướng về phía đường xe chạy. Hỏi chị Trương Văn Quang đang đứng ở đó, được chị trả lời ‘như không’: cũng không biết đứng đây để làm gì!

Đã toan quay gót đưa nhóm trở lại Ga Circular Quay về lại Beverly Hills, thì Lan, một người trong đoàn ngăn lại: cháu nghe hình như đoàn xe của Đức Giáo Hoàng sẽ chạy qua đây lúc 4 giờ 45. Chỉ cần nghe câu ấy, nhóm người đang mệt nhoài sau một chuyến máy bay dài từ Los Angeles qua đây, rồi ‘bị’ chủ nhà ‘quay như dế’, dẫn đi lung tung khắp ngả, lên tinh thần như diều gặp gió, hân hoan đứng lại. Nhìn đồng hồ, mới hơn 3 giờ chút đỉnh. Hơn tiếng rưỡi nữa. Nhưng nào có xá. Bèn chia nhau tìm chỗ ngồi thoải mái trên bậc hiên cao một nhà hàng ở đầu đường Macquarie tính từ Opera House tính ra. Từ đó có thể nhìn phía trái thấy Nhà Hát Con Sò đang rực sáng dưới ánh đèn, và nhìn phía phải thấy Đường Macquarie dần dần chìm vào bóng tối dù đèn đường đã được bật lên. Từ xa, có bảng chữ điện chỉ lối vào Botanic Garden cho người có vé. Đức Giáo Hoàng sẽ từ Barangaroo cỡi giáo hoàng xa băng qua đường Macquarie vòng qua tiền đình Nhà Hát Con Sò để vào Farm Cove cho họ chiêm ngưỡng. Những người không có vé như chúng tôi vui vẻ chia nhau những khoảng trống thật nhỏ để có thể đứng xát hàng rào, hy vọng được thấy Ngài vụt qua.

Giáo Hoàng Xa
Người đàn bà ‘mũi lõ’ đứng bên cạnh thương hại vóc dáng thấp bé của tôi, lên tiếng an ủi: không sao ông ạ, tôi thấy rồi, ở lần Đức Gioan Phaolô II tới thăm ấy mà, giáo hoàng xa cao lắm, ít nhất cũng quá đầu tôi, nên đứng chỗ nào, cũng thấy Đức Giáo Hoàng cả. Nói thì nói thế, nhưng nào bà ấy có lui về phía sau để nhường chỗ cho tôi xát thêm hàng rào chút đỉnh. Đành bỏ đi thêm lên phía tay phải chút nữa, tức về hướng dẫn tới đường College. Ai cũng náo nức. Ai cũng bám xát hàng rào cản. Thỉnh thoảng lại leo lên tấm ngang của rào cản để cao hơn chút đỉnh mà quan sát hai bên. Bố đứng một hồi, rồi gọi con đến thay chỗ. Cứ thế luân phiên, làm sao mình chen chân vào. Thôi lại đành đi thêm chút nữa, cứ thế, cứ thế, sau cùng cũng lọt được vào rào cản. Nhóm Neocathecumenal Way mải lo ca hát những bài hát đạo với đủ ghi-ta, trống phách, nên ‘sơ ý’ để ‘kẻ lạ’ xâm nhập. Phải chịu nhóm này hết sức tích cực trong tuần lễ Đại Hội, bất cứ ở đâu, hễ có họ là có tụ tập ca hát, là có tượng ảnh biểu ngữ, khiến người ta đôi khi nghĩ đến những nhóm Hare Krishna ngày nào trên khắp phố xá Sydney. Chỉ khác, họ là anh em tôi. Họ làm tôi vững bụng. Tôi cần họ để duy trì và chia sẻ đức tin với anh chị em tôi. Nhờ họ một phần và một phần nhờ nhóm thanh niên đứng bên kia đường luôn miệng “Beneditto, Beneditto” rồi nhẩy vòng hân hoan phấn chấn, mà hơn một tiếng chờ đợi đã nhanh chóng qua đi. Khoảng 5 giờ 30, từ hướng tay phải, những chiếc xe hộ tống mầu trắng bật đèn pha từ từ xuất hiện. Rừng cờ muôn mầu được dương lên, vẫy vẫy phấp phới, người người reo hò ‘như bầy con nít’. Họ như trẻ lại: mười năm, hai chục năm, ba bốn chục năm như tôi chẳng hạn. Đến chẩy cả nước mắt khi nghĩ tới Sức Mạnh khiến chúng tôi quên chính thân phận mình. Tôi vội nâng handycam lên lia lịa quay hình ảnh Ngài vụt qua, không rõ ràng chi, nhưng chẳng hệ gì, “ít ra ông cũng có hình ảnh Ngài mãi mãi trong video”. Người thiếu phụ đứng cạnh tôi an ủi. Rồi nàng quay qua người chồng: “ba tiếng chờ đợi, mười giây thấy Ngài, vẫn đáng!”

Bác Annie-Marie Trần và nhóm hành hương ‘bị’ tôi hướng dẫn chắc cũng đồng ý như thế, bởi trên đường đáp xe lửa trở lại Beverly Hills họ không còn xìu xìu ển ển như lúc đi lãnh thẻ tham dự Đại Hội nữa.