Các nhà lãnh đạo Âu châu cố gắng tạo sự đoàn kết ngoài mặt và công bố một tuyên cáo chung nói rằng quân sự chỉ nên là giải pháp cuối cùng.

Nhưng những bất đồng quanh chuyện giải giáp Iraq có khả năng lại bùng phát trong ngày thứ nhì của Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt của EU hôm nay.

EU không thống nhất được có ủng hộ kế hoạch quân sự của Hoa Kỳ không hay nên dành cho các thanh tra vũ khí Liên hiệp quốc thêm thời gian.

Chia rẽ trong EU

Hôm qua khi bước vào Hội nghị ở thủ đô Brussels của Bỉ những bất đồng giữa 15 nước thành viên của EU đã thể hiện 1 cách nghiệt ngã.

Đầu tiên là tổng thống Pháp Jacque Chirac. Vừa xuất hiện ông đã bước thẳng qua lối vào của những nhân vật quan trọng, và tuyên bố “chiến tranh là giải pháp tồi tệ nhất.”

Tổng thống Pháp tuyên bố trong thời điểm này người ta chưa cần phải đưa ra một nghị quyết thứ hai của Liên hiệp quốc, và cũng chính trên quan điểm này mà Pháp không thể nào ủng hộ những nỗ lực thông qua nghị quyết mới được.

Nói một cách khác thì bất chấp việc Anh và Mỹ đã bắt đầu công việc chuẩn bị để hình thành nghị quyết thứ hai của liên hiệp quốc, chấp thuận việc tiến hành chiến tranh; người Pháp vẫn ám chỉ rõ rằng nghị quyết đó sẽ không thể thành hiện thực trong thời điểm hiện tại.

Tiếp bước ngay sau tổng thống Pháp, thủ tướng Anh Tony Blair cũng xuất hiện trong phòng họp.

Anh vẫn sát cánh Mỹ

Giữa lúc Pháp vẫn đang dẫn đầu trường phái cho rằng các thanh tra vũ khí của liên hiệp quốc cần thêm thời gian để tiến hành công việc một cách căn cơ, thì ông Blair nhất mực cả quyết rằng, chuyện thời gian không phải là vấn đề quan trọng hàng đầu.

Thế nhưng dù cho vẫn còn có những bất đồng thì các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu vẫn đang nỗ lực bàn thảo để có thể đưa ra một tuyên bố chung mà mọi người đều có thể hài lòng đặt bút ký vào.

Nhiều khả năng đó sẽ chỉ là sự nhắc lại một thông cáo trước đó, ủng hộ nghị quyết ban đầu của liên hiệp quốc, yêu cầu Iraq phải giải giáp.

Tuy nhiên trọng tâm của hội nghị lần này cũng đặt nặng không kém vào việc làm nguội bớt không khí căng thẳng vì bất đồng từ nhiều tuần lễ qua, vốn đã làm châu Âu bị chia rẽ sâu sắc.

Hơn bao giờ hết, Pháp đang thể hiện rõ lập trường cứng rắn và đi ngược lại cách suy nghĩ hiện tại của người Anh.

NATO đạt đồng thuận

Khối NATO đã giải quyết được cuộc tranh cãi nhờ để nước Pháp đứng sang một bên, không tham gia cùng quyết định với 18 nước thành viên khác về việc chuẩn bị cung cấp sự trợ giúp quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại NATO người ta nói thẳng với nước Pháp rằng nước này chỉ nên đại diện cho tiếng nói của riêng mình mà thôi. Và dưới áp lực rất lớn của các nước NATO, Bỉ cuối cùng cũng xuống thang.

Nay nhưng cuộc tranh luận nóng bỏng đã được NATO giải quyết sẽ tràn vào của họp của Liên hiệp châu Âu. Sự chia rẽ cũng sẽ lớn như vậy.

Hy Lạp là nước hiện làm chủ tịch luân phiên của Liên hiệp châu Âu và tổ chức cuộc họp thì muốn có một đường lối chung căn cứ vào nguyên tắc rằng chỉ sau khi các biện pháp ngoại giao thất bại thì mới dùng vũ lực.

Chia rẽ trong NATO

Trước đó, đại sứ 18 nước (trong số 19 thành viên của NATO) mất 13 giờ thảo luận để đi tới thỏa thuận cuối cùng.

Trước đó, Pháp, Đức và Bỉ đã phủ quyết vấn đề này, nói rằng kế hoạch khiến người ta hiểu rằng chiến tranh nhất định sẽ diễn ra.

Tổng thư ký NATO, Lord Robertson nhận xét "Sự đoàn kết của liên minh đã chiến thắng. Chúng ta đã cùng nhau vượt qua được ngõ cụt."

"Một trong những nguyên nhân khiến chúng ta có thỏa thuận này là đã có thay đổi trong các đề xuất để các vị đại sứ xem xét. Bỉ và Đức được thuyết phục rút lại sự phản đối của họ thông qua tuyên bố cuối cùng nói rằng NATO tiếp tục ủng hộ các nỗ lực tại Liên Hiệp Quốc nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Iraq."

Sắp tới sẽ diễn ra cuộc họp của Ủy ban Bắc Đại Tây Dương, nơi có mặt đầy đủ 19 thành viên của NATO.

Hà Lan đã đồng ý chuyển các khẩu đội pháo chống tên lửa Patriot tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Hoa Kỳ cần Thổ Nhĩ Kỳ

Hoa Kỳ vẫn đang hi vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cho phép ít nhất một sư đoàn lính Mỹ đóng trên đất Thổ trong chiến dịch chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể xảy ra với Iraq.

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ nói Washington không nên hi vọng hàng ngàn lính Mỹ sẽ được cho phép điều động tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Các chính trị gia tại Thổ, gặp nhau hôm Chủ nhật, đã không thể vạch ra ngày cụ thể để quốc hội bỏ phiếu xung quanh vấn đề này.

Dư luận tại Thổ Nhĩ Kỳ nói chung phản đối mạnh mẽ khả năng chiến tranh với Iraq.

Trong khi đó, bộ trưởng ngoại giao của 22 nước thuộc Liên đoàn Ảrập họp tại Cairo đã thông qua nghị quyết kêu gọi các nước Ảrập từ chối cung cấp mọi loại phương tiện hỗ trợ cho hành động quân sự chống Iraq. (BBC)