Chuyện phiếm: HẠNH PHÚC NGAY PHÚT NÀY



Trung tuần tháng Năm, Canada mừng lễ Hiền Mẫu rất trọng thể. Làng An Lạc chúng tôi cũng theo truyền thống tốt đẹp này. Phe liền ông trong làng đứng ra nấu ăn để đãi phe các bà. Vui vẻ hết sức. Trong bữa ăn, dân làng kể bao nhiêu chuyện cảm động về đề tài các bà mẹ VN. Đến lượt ông ODP, ông tặng mỗi người một tấm ảnh. Ông bảo ảnh này lấy từ VietCatholic.net. Đây là bức hình một bà mẹ đang ôm một đứa con bé tí, chung quanh là một đoàn người lớn nhỏ đủ mọi cỡ tuổi. Ông đố mọi người đây là những ai. Dân làng có người trả lời đây là một nhà giữ trẻ, có người trả lời đây là một đoàn thể thiếu nhi đến thăm một bà mẹ. Ông ODP bảo sai hết, rồi ông đi vào chi tiết: Đây là ảnh chụp gia đình bà Michelle Duggar ở tiểu bang Arkansas xứ Hoa Kỳ. Bà đang ôm đứa con 9 tháng tuổi, chung quanh bà là 17 người con, 7 gái và 10 trai. Bà đang mang bầu và sẽ đẻ đứa con thứ 18 vào cuối năm. Bà sẽ tiếp tục đẻ thêm nữa cho đến khi nào hết vốn Trời ban. Được cộng tác với Thiên Chúa để làm ra con người chẳng phải là một kỳ công, một phép lạ và một hạnh phúc sao ?

Ông H.O. quan sát tấm ảnh một lúc rồi nói: Trong lớp người vây quanh bà mẹ Michelle có cả ông chồng bà. Ông đứng lẫn với đoàn con 17 đứa. Chả thấy ông già tí nào. Cả bà vợ Michelle cũng vậy. Chồng càng sáng tác, vợ càng xuất bản, cả hai cùng trẻ ra, khoẻ ra. Thật tuyệt vời.

Ông ODP giảng tiếp: Chữ Mẹ, trong Hán văn gọi là Mẫu. Chữ Mẫu là một chữ viết theo lối tượng hình: nó vẽ hình một bà đang mang thai. Có đẻ con thì mới được gọi là Mẹ. Thiên chức của mẹ là đẻ con. Đúng qúa chứ. Bà Michelle Huggar trên đây đúng là một bà Mẹ gương mẫu. Bắc Mỹ này cần có ngày Hiền Mẫu để nhắc nhở con cái nhớ đến công ơn của mẹ. Phải nhắc, nếu không con cái sẽ bỏ quên mẹ trong nhà dưỡng lão. Phải nhắc, nếu không chúng quên ơn sinh thành.

Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể,
Con nuôi mẹ, con kể từng ngày...

Tới đây, cụ Chánh tiên chỉ mới lên tiếng: nhìn tấm ảnh bà Huggar với một đàn con 17 đứa vây quanh, tôi thấy bà hạnh phúc qúa. Đúng là một tổ ấm. Đúng là mẫu mực cho mọi gia đình. Đây chính là ước mơ của Chị Chiara Lubich người Ý. Chị là người sáng lập ra phong trào Focolare, một phong trào đề cao mái ấm gia đình. Các cụ biết phomg trào này chứ. Nó nổi tiếng quá chừng. Chị Lubich mới nằm xuống tháng Ba vừa qua. Trước khi chị nhắm mắt, phong trào Focolare của Chị đã lan rộng tới 182 quốc gia khắp năm châu, với hơn 4 triệu hội viên. Các hội viên thuộc đủ mọi thành phần tôn giáo và chủng tộc. Tinh thần Focolare là sống bác ái, coi mọi người là anh em ruột thịt của mình. Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã mang phong trào này vào VN trước 1975. Ngài là bạn thân của Chị Lubich. Chị Lubich đã tới thăm Ngài trên giưòng bệnh tại Roma, trước khi ngài qua đời.

Cả làng trầm trồ khen Cụ Chánh có một trí nhớ tuyệt vời. Bữa nay người tỏ ra thán phục Cụ Chánh nhiều nhất là ông H.O. Việc này không lạ. Các cụ còn nhớ liên hệ giữa ông H.O. và cụ Chánh không? Chuyện này cũng ly kỳ ghê lắm. Hồi cô Huế Cao Xuân mới gia nhập làng, cô nêu thắc mắc ở Canada có chương trình H.O. sao. H.O. là diện các quân nhân VNCH bị tù CS trên 3 năm được Hoa Kỳ cho sang định cư, Canada làm gì có diện H.O. Điều thắc mắc này rất có lý. Ông H.O. trong làng tôi đúng là một vị nằm trong diện nhân đạo của Hoa Kỳ. Vì ông độc thân nên vừa tới Hoa Kỳ ít lâu là ông sang Canada tham quan, và tại Canada miền đất hạnh phúc này ông đã gặp người yêu, cô cháu của Cụ Chánh. Tiếng sét ái tình đã nổ lớn. Và ông lấy vợ ở Canada rồi ở luôn Canada không về Hoa Kỳ nữa. Ông có hiếu với vợ và nhà vợ đến thế đấy, các cụ ạ. Rồi khi gia nhập làng nhậu, ông nhìn ra ông ODP, một cấp bề trên trong binh chủng ngày xưa. Trái đất quả là nhỏ vậy thay.

Phe các bà hôm nay tự nhiên chú ý tới ông H.O. Các bà muốn ông H.O. kể chuyện trong bữa cơm mừng lễ các bà mẹ. Thấy ông còn lưỡng lự, Cụ Chánh khuyến khích: Cháu kể đi, bác biết cháu có nhiều chuyện lắm mà. Hôm nay là ngày vui, cháu kể chuyện gì vui cũng được, không cần phải chuyện liên hệ tới đề tài Mẹ.

Ông H.O. được khích lệ, bèn xin kể chuyện ‘tướng số’. Rằng hồi mới sang Mỹ, tôi nghe bạn bè kể nhiều chuyện về trại chuyển tiếp năm 1975. Rằng bữa đó bạn tôi xếp hàng lãnh cơm, đứng sát bên một bà già. Bà này tướng mạo rất đẹp. Bạn tôi gợi chuyện. Bà già bèn đem chuyện tướng số ra kể. Rằng trước 1975, bà thấy tình hình xôn xao bất ổn nên bà đi coi tướng. Thày tướng coi mặt và chỉ tay một lúc rồi nói: Bà có số đi ăn mày ! Bà kể: Lúc đó tôi giận ông thày tướng qúa vì nó chạm tự ái của tôi. Tôi có bao nhiêu nhà cho thuê, ngân hàng có bao nhiêu tiền, sao lại phải đi ăn mày ? Tôi xém đập cái tráp của ông thày. Bây giờ đang xếp hành lãnh cơm tôi mới nghiệm ra: rõ ràng là tôi đi ăn xin, rõ ràng làtôi đang đi ăn mày ! Hoá ra ông thày tướng nói đúng qúa!

Mọi người vỗ tay khen chuyện hay. Ông H.O. được hứng kể chuyện thứ hai. Rằng cũng từ chuyện xếp hàng lãnh cơm này mà một ông phải luôn luôn ăn cổ gà. Rằng có một ông xồn xồn kia đi lãnh cơm. Cứ bao giờ có thịt gà là ông phải ăn cổ gà. Không bao giờ ông được ăn đùi gà là món ông thích nhất. Ông phàn nàn với bạn bè rằng cái thằng Mỹ đứng phát thịt gà nó kỳ thị ông. Bạn bè ngạc nhiên về sự này bèn hỏi: Cậu nói gì với nó ?. Ông trả lời: Rõ ràng tôi bảo tôi muốn ăn đùi gà thế mà nó cứ cổ gà xúc cho tôi. Bạn ông hỏi: Thế cậu nói câu tiếng Anh thế nào ? Ông trả lời tỉnh bơ: Tôi bảo tôi muốn ăn ‘ néc’. Lúc đó bạn bè phá ra cười. Thì ra ông bạn tôi gốc Bắc Kỳ nặng quá, phát âm lẫn lộn chữ L với chữ N. Leg là đùi gà, còn Neck là cổ gà. Bạn tôi muốn ăn Leg nhưng đã nói ngọng, Leg nói ra Neck, ‘néc’ thay vì ‘léc’. Ông được ăn cổ gà là phải rồi.

Chuyện L/N này làm tôi nhớ cái anh quản giáo trong trại tù cải tạo. Bữa đó nhóm chúng tôi có anh quản giáo mới. Anh tự giới thiệu: Tên tôi nà Ninh, chữ en nờ cao chứ không phải chữ en nờ nùn. Các anh phải lói cho đúng, không được nẫn nộn.

Rồi như không muốn độc quyền kể chuyện, ông H.O. quay sang cô Cao Xuân: Chuyện tiếng Bắc Kỳ của tôi thì nhiều vô cùng, xin để bữa nào đẹp trời tôi sẽ kể tiếp. Xin Cô cho làng nghe chút xíu tiếng miền Trung coi. Cô Huế bị chiếu tướng bất ngờ, hai má đỏ au lên. Thấy cô chưa sẵn sàng, ông ODP liền tiếp cứu. Ông xin đọc mấy vần thơ của tác giả Tùy Anh trong bài ‘Một Đời Nhớ Huế’: ”

Khi bỏ Huế ra đi
Lòng chợt ngậm ngùi

Chao ôi

Những mô tê răng rứa
Những bên nớ, bên ni
Bây chừ nghe buồn chi lạ
. . .

Năm tháng phiêu bồng
Một đời nhớ Huế
Những mô tê răng rứa
Những bên nớ bên ni

Huế ơi

Chừ rưng rưng dòng lệ

Cô Cao Xuân nghe đoạn thơ rồi chớp mắt như muốn khóc. Sao bài thơ diễn tả cõi lòng của cô đúng qúa như vậy. Dân làng không muốn cô Huế bị xúc động thêm bèn đi sang tiếng Nam Kỳ. Cụ B.95 bèn quay ngay vào anh John.

Anh John lúc nào cũng như bồ chữ mở nắp. Anh nói ngay: Tôi thấy tiếng Nam của vợ tôi có hai điều này đáng chú ý nhất:

-Một là khi ta muốn biết tuổi của người đối diện, người Miền Nam không hỏi ‘Anh/Chị bao nhiêu tuổi? ‘ mà hỏi: Anh/Chị tuổi con gì?. Và câu trả lời thường là: Tôi tuổi con Cọp, hay tôi tuổi con Rồng... Người nghe từ đó tính ra năm sinh rồi đoán ra tuổi.

-Hai là khi ta muốn biết tên người đối thoại mà ta chưa quen, người Nam không hỏi: Tên Anh / Chị là gì, mà hỏi ‘ Anh / Chị thứ mấy trong gia đình?’ Nếu được trả lời ‘Tôi thứ ba’chẳng hạn thì lập tức người Nam chào ngay: Chào Anh Ba, Chào Chị Ba. Anh / Chị Ba mạnh giỏi ?

Nghe tới danh xưng ‘Chị Ba’, sợ anh John vui miệng kể chuyện tình riêng tư ngày xưa, Chị Ba Biên Hòa liền nẹt: Nè, coi chừng tui nha’. Anh John bèn chuyển đề ngay. Cái anh này thiệt là vô cùng thông minh và mẫn tiệp vậy thay. Anh John liền quay vào tôi: Bác ơi, bác có biết là đất Đài Loan xưa kia là đất của Việt Nam mình không ? Tôi bị tấn công bất ngờ, chưa kịp phản ứng gì cả thì anh John đã nói ngay:

Cháu mới đọc báo Saigon Canada số 688 đầu tháng Tư vừa qua, trong mục Nhận Đinh Thời Cuộc có nói tới gốc dân bản địa ngày xưa ở Đài Loan. Theo tác giả, họ là miêu duệ của dòng họ Cao Sơn thuộc nhóm Bách Việt. Họ ăn trầu và nhuộm răng. Họ cũng có chuyện cổ tích trầu cau. .. Rõ ràng họ là người VN cổ. Rõ ràng họ thuộc nhóm con cái Lạc Long Quân đã theo cha xuống biển, đi tới tận đảo Đài Loan. Tổng thống Lý Đăng Huy, Trần Thuỷ Biển là người Hán, từ Hoa Lục chạy ra đảo rồi nhận vơ đảo này thuộc Trung Quốc, chứ căn cứ vào dân bản địa thì rõ ràng đảo Đài Loan này nguyên thủy là đất VN.

Tôi đáp ngay mà trong lòng sung sướng qúa chừng: Tôi có nghe chuyện người Cao Sơn, thổ dân gốc tổ Đài loan. Đây là chuyện dài, xin để dịp khác chúng ta bàn thêm. Điều mà tôi có thể nói ngay là dân Cao Sơn có nhiều dấu vết thuộc một trong hai nền văn hóa cổ xưa nhất của nhân loại, đó là Văn Hóa Hòa Bình và Văn Hóa Đông Sơn. Điều này báo National Geographic, một nguyệt san văn học uy tín quốc tế, năm 1971 đã có một bài rất dài nói về đề tài này. Cho đến nay, chưa có ai phi bác được lập luận về văn hóa Hòa Bình và Đông Sơn ở VN của bài báo.

Phe các bà không muốn nghe thêm về các chuyện cao siêu này nên đã xin nghe chuyện thời sự. Đây là phần thường lệ của anh John. Anh da trắng này từ khi nhập làng An Lạc cũng lây cái máu tếu của chúng tôi. Anh đã mở đầu câu chuyện thời sự bằng chuyện nhiều vị thủ lãnh quốc tế bây giờ đang có khuynh hướng bỏ vợ già lấy vợ trẻ. Kìa cựu tổng thống Vladimir Putin của Nga đang chuẩn bị ly hôn để cưới người tình Alina Kabaeva trẻ hơn mình 32 tuổi Kìa cựu thủ tướng Đức Helmet Kohl 78 tuổi lấy cô Maike Richter kém mình 35 tuổi. Kià đương kim tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy 53 tuổi vừa ly hôn để cưới cô Carla Bruni kém ông 13 tuổi. Hình như vợ trẻ thì sung sức nên có khả năng đổ nhiều sinh khí vào cho chồng, phải không các cụ ?

Chuyện thời sự thứ hai: dân Canada là dân mê môn thể thao hockey vô cùng, cái môn dùng cây gậy đánh con khăng vào gôn ấy mà. Họ sáng chế ra môn khúc côn cầu này. Trong trận bán kết tại Montreal vào trung tuần tháng Tư vừa qua, đội ‘Canadiens’ đã thắng oanh liệt. Sung sướng qúa, giới trẻ Montreal đã tuốn ra đường, đã đập phá và đốt cháy 16 xe cảnh sát và một số cơ sở thương mại. Giận dữ thì đập phá đã đành, đàng này sung sướng qúa cũng đập phá. Sướng qúa thì ngứa chân ngứa tay. Nghĩ mà thấy tức cười.

Chuyện thời sự thứ ba là giếng nước Ryan. Đây là một hình ảnh biểu tượng rất trung thực lòng dạ tốt lành của người Canada. Chuyện bắt đầu cách đây 10 năm khi em bé Ryan Hreljac lên 6 tuổi ở tỉnh Kemtville thuộc bang Ontario đang học lớp mẫu giáo. Bữa đó cô giáo kể chuyện nghèo đói ở Phi Châu, dân chúng không đủ ăn đủ mặc, nước sạch cũng không có để uống. Em bé Ryan ngơ ngác. Em không thể tưởng tượng được việc không có nước để uống. Cô giáo nói thêm là ở Phi Châu muốn có nước thì phải đào giếng. Muốn đào giếng thì phải có tiền. Đào một cái giếng tốn chừng 70 đồng. Bé Ryan về nhà xin cha mẹ 70 đồng để tặng các em bé Phi châu một cái giếng. Bố mẹ em Ryan lắc đầu: Muốn có 70 đồng thì con phải làm việc để lãnh công. Đây là một nét đặc thù rất Canada. Bé Ryan đã bằng lòng ngay. Em sẽ quét nhà, sẽ lau cửa kính, sẽ giúp mẹ nhặt rau trong bếp. Sau 4 tháng thì em được trả công 70 đồng. Em mang 70 đồng tới cô giáo.

Khi cô giáo hỏi công ty đào giếng về gíá tiền thì cô té xỉu. Muốn đào một cái giếng ở Phi Châu phải tốn 2.000 đồng chứ không phải 70 đồng. Em bé Ryan không xỉu như cô giáo. Em nói em sẽ làm việc thêm 4 năm để có 2.000 đồng. Chuyện này tới tai ban giám đốc nhà trường, tới xứ đạo, tới giới truyền thông. Nó đã gây xúc động. Một em bé 6 tuổi mà đã biết thương xứ Phi Châu, mình người lớn, chẳng lẽ mình là gỗ đá sao ? Rất nhiều người đã gửi tiền cho em. Bỗng chốc em có tiền không những đào được một cái giếng mà hàng trăm cái giếng. Tên em trở thành tên một chiến dịch giúp đào giếng nước cho Phi Châu, ‘ Ryan Well Foundation’. Tính tới nay, quỹ này đã có ba triệu đồng với 320 dự án.

Và anh John kết luận: đốm lửa bé tí Ryan ngày xưa nay đã trở thành một bó đuốc lớn đang cháy hừng hực soi sáng lòng mọi người. Cậu bé Ryan 6 tuổi ngày xưa nay đã 16. Cậu vừa được mời sang xứ Uganda để thăm giếng nước ban đầu.

Kể đến đây xong thì anh John trao banh lại cho tôi. Anh xin tôi nói về các sinh hoạt trong cộng đồng VN. Làm sao tôi có thể biết hết mọi sinh hoạt của một cộng đồng to lớn ở Canada ? Tôi chỉ xin kể mấy chuyện liên quan tới cái tôi đáng ghét mà thôi.

Chuyện như thế này: Đầu tháng Năm tôi nhận đuợc 3 món quà mà tôi rất thích. Đó là 3 cuốn sách, các cụ ạ. Cuốn thứ nhất là ‘ Tiếng Hót Vành Khuyên’ của nhà văn Tiểu Thu thuộc Trung Tâm Văn Bút Quebec. Đây là tác phẩm thứ hai của nhà văn nữ gốc Nam Kỳ. Điều đặc biệt: tác giả là người Nam Kỳ rặt, còn người in sách và vẽ bià là ông chồng Bắc Kỳ đặc, và người điểm sách trong buỗi ra mắt là nhà văn Trang Châu gốc Trung Kỳ đậm. Buổi ra mắt được tổ chức tại một trung tâm văn hóa ngay giữa thành phố Montreal ngày 4.5.2008. Hôm đó gió lạnh sương mù mà có tới 300 người đến dự. Ở hải ngoại mà buổi ra mắt sách có được 100 người đã được coi là thành công. Ở đây, những 300. Phép lạ chứ. Văn của nhà văn nữ này là sự pha trộn văn Hồ Biểu Chánh và Lê Xuyên. Xưa nay tôi vẫn tự hào là người biết nhiều tiếng Nam Kỳ, ấy thế mà đọc xong sách của Tiểu Thu, tôi thấymình chưa biết tiếng Nam bao nhiêu. Tôi ở Miền Nam đã lâu mà chưa hề nghe tới Gạo Nàng Tây, gạo Nàng Rừng, hay Nàng Chô bao giờ. Tiểu Thu nói về các món ăn miền Nam như cháo đậu đỏ trứng vịt muối, cá bống trứng kho tiêu, cá rô mề kho tộ, canh chua cá lóc nấu với bạc hà... nghe mê hết sức.

Cuốn thứ hai là sách ‘ Nhật Ký Truyền Giáo’ của LM Ngô Phúc Hậu. Sách do một ông cha Công Giáo viết mà không thấy ông nói về Chúa bao nhiêu, ông toàn kể chuyện đi giúp đỡ người nghèo, đi viếng người bịnh, và làm nhà cho người bần hàn. Ông đã làm được hơn 90 căn Nhà Tình Thương, giúp bác được 100 cây cầu và giúp đào gần 200 cái giếng. Đào giếng ở Cái Răng, Cà Mau, chắc không tốn nhiều tiền như ở Phi Châu. Có điều lạ là tuy tác giả sinh ra ở Phú Thọ, một tỉnh gần địa đầu đất nước miền Bắc, thế nhưng ông sinh sống và phục vụ tha nhân ở miền Nam, tận Cái Răng, Cà Mau, miền cực nam nước Việt. Ông ghi chép các việc ông làm, việc của ông và người nghèo chung quanh. Không hề có lời bi ai, trách móc. Lời văn trong sáng dí dỏm, lạc quan, đầy tiếng cười. Ông cha gốc Bắc Kỳ đặc mà lời văn rặt chất Nam Kỳ. Qủa là hay, là hiếm, là qúy. Tác giả vẫn làm việc ở Cái Rắn, cái Nước, Cà Mau. Sách in lần đầu ở VN. Khi nó tới Hoa Kỳ, người ta mê nó qúa. Sách in đi in lại đã 6 lần. Đọc xong, ai cũng muốn tiếp tay với ông Cha có tim Chúa tim Phật này để giúp đồng bào cơ hàn ở miền cực nam quê nhà. Các cụ tính sao ? ( LM Ngô Phúc Hậu, HT 233, Cà Mau, VN )

Cuốn thứ ba là cuốn ‘Hài Hoà Trong Tình Người’ của Mục Sư Phan Thanh Bình ở Cali. Trước đây tôi mới chỉ được biết vị mục sư đạo đức và thông thái này qua lá thư giảng đạo hàng tháng, và tác phẩm ‘Tình Già’ in năm 2005. Nay thì được đọc cuốn kế tiếp. Sách có bùa mê. Tôi ngấu nghiến nửa ngày thì hết cuốn sách. Đọc xong, tôi giật mình. Ông hướng dẫn ta về những đề tài rất nóng bỏng và rất táo bạo. Sex cơ mà. Thế mà lạ thay, đọc xong ta không thấy lòng rạo rực vì máu xấu, mà thấy cõi lòng thanh thản. Đọc xong ta thấy mình được chỉ dẫn tường tận về nhưng điều mà mình cứ nghĩ là đã biết rồi. Thế mà hóa ra ta chưa biết, hoặc biết rất qua loa. Những bạn trẻ chưa lập gia đình nên đọc cuốn này để học hỏi và chuẩn bị cho đới sống lứa đôi. Những bạn đã lập gia đình rồi thì nên đọc sách này đễ hưởng cho trọn vẹn cái hạnh phúc mình đang có. Các bậc cha mẹ nên đọc sách này để lấy ý và tứ mà khuyên con cháu. ( MS Phan Thanh Bình, 660 S. Third St, El Cajon, CA 92019, USA )

Ông H.O. nghe tôi nói về sex trong cuốn sách của một mục sư thì ngạc nhiên lắm. Ông xin tôi đi vào cụ thể. Liền có ngay. Mà nhiều lắm. Chẳng hạn tác giả khuyên anh con trai yêu vợ thì phải từ từ. Đàn ông thì như ngọn đèn, bật một cái là sáng ngay. Còn đàn bà thì như cái bàn ủi, nó nóng lên từ từ, ít ra cũng phải 20 phút. Bạn nhớ kỹ nha, phần nhập đề quan trọng lắm. Bài luận mà viết theo lối trực khởi, vào đề ngay, là hỏng bét. ..

Cả làng chăm chú nghe tôi nghe tôi nói về ba cuốn sách quý. Tôi vừa dứt lời thì Anh John lên tiếng hỏi: Hồi tháng trước nghe bạn nói về chuyện Cô Bắng Nhắng của Nhà văn Tràm Cà Mau, bạn mới nói chung chung, rất tổng quát. Xin được hỏi bạn có đoạn văn nào trong tác phẩm ấy mà bạn thích nhất không ? Cái anh John này thật là thông minh và nhạy bén. Đây là kinh nghiệm đọc sách. Bạn không thể thích trọn vẹn cả 300 hay 400 trang sách được. Phải có chỗ bạn thích nhiều có chỗ bạn thích ít. Anh John đã hỏi một câu rất đúng.

Tôi trả lời ngay: Tôi thích nhất đoạn văn tả một buổi họp mặt bạn bè. Đó là một bữa ăn ở khu vườn hoa rộng sau nhà. Vào buổi tối. Có trăng thanh gió mát. Có khiêu vũ. Có ca hát. Có kể chuyện. ..Cuối cùng là màn ngâm thơ của chủ nhân. Bài thơ như thế này:

Mỗi tháng chỉ có vài ngày tròn trăng
Trăng khuya cũng sẽ khuất bên phương đoài
Chúng ta ngồi đây chỉ có mấy giờ
Dễ gì bạn bè gặp nhau mãi
Sao không vui đi !
Rượu ngọt hãy tràn ly
Nói lời tử tế cho nhau nghe
Mai đây không còn nhau, dù muốn nói cũng không còn dịp.
Kìa trăng đã đi dần về hướng tây
Xuống ngủ trong biển mênh mang
Rồi chúng ta cũng chia tay khi đêm tàn.
( Tràm Cà mau, Triết Lý Củ Khoai, trang 122)

Ông ODP nghe xong bài thơ, gật gù khen hay. Và ông thêm: Nếu phải là tôi thì tôi xin thêm hai câu này:

‘ Vậy nào, mời các bạn nâng ly
Hãy cho nhau hạnh phúc, ngay phút này’