Bản báo cáo mới nhất của các thanh tra vũ khí LHQ về Iraq đã khơi sâu thêm chia rẽ tại Hội đồng Bảo an.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin Powell nói Hội đồng nên "xem xét những hậu quả nghiêm trọng trước mắt" - là cách ông ám chỉ về chiến tranh tại Iraq.

Nhưng Pháp, Trung Quốc và Nga nói các thanh tra nên có thêm thời gian cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ.

Các thành viên nghe báo cáo
Ngoại trưởng Pháp Dominique de Villepin nói: "Việc sử dụng vũ lực quân sự đã không được biện minh vào hôm nay".

Các nhà ngoại giao sau đó đã có các buổi họp riêng, sau khi ông Powell nói Mỹ vẫn hi vọng sẽ làm việc với toàn LHQ để đảm bảo rằng Iraq đã giải giáp.

Hiện chưa có kế hoạch gì về buổi họp tiếp theo tại Hội đồng Bảo an về Iraq cả.

Trước đó, trưởng thanh tra vũ khí LHQ nói với Hội đồng rằng Iraq vẫn cần phải cung cấp thêm bằng chứng để hậu thuẫn cho tuyên bố của họ là không sở hữu các loại vũ khí bị cấm.

Nhưng ông cũng đưa ra nhận định tích cực hơn bản báo cáo cách đây hai tuần. Ông nói Baghdad đã có tiến bộ trên một số lĩnh vực.

Tại một buổi họp báo tại Rome sau đó, phó thủ tướng Iraq là Tariq Aziz nói Iraq "sẵn sàng - một cách chân thực và chính xác - để thực thi nghị quyết của LHQ và chúng tôi đang làm hết sức mình để đạt được mục đích này".

Ông Aziz, người trước đó đã được Ðức Giáo hoàng John Paul II thúc giục là phải đưa ra "những cam kết cụ thể" để giải giáp, nói một cuộc chiến do Mỹ cầm đầu chống Iraq sẽ được thế giới Arab hiểu là một cuộc "Thập tự chinh chống lại Hồi giáo".

Bản báo cáo của các thanh tra có thể sẽ quyết định liệu Mỹ và Anh, hai đồng minh hung hăng nhất, có tìm kiếm một nghị quyết thứ hai của LHQ cho phép sử dụng vũ lực buộc Iraq giải giáp hay không.

Ngoại trưởng Anh Jack Straw nói với Hội đồng Bảo an rằng một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay "sẽ đòi hỏi Saddam phải có thay đổi mạnh mẽ và hòa bình".

Nhưng trong một dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ tại Hội đồng Bảo an, ngoại trưởng Pháp đã nhận được hoan nghênh nhiệt liệt khi ông nói vẫn chưa có được sự biện minh thích hợp cho một cuộc chiến tại Iraq.

Việc bày tỏ thái độ một cách rất không bình thường và không mang tính ngoại giao này đã khiến cho Ngoại trưởng Đức Joschka Fischer, hiện là chủ tịch Hội đồng, phải yêu cầu có trật tự trong phòng họp.

Các diễn biến khác

Tổng thống Iraq Saddam Hussein đưa ra một nghị quyết cấm việc phát triển và buôn bán các vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đây là một yêu cầu chính của ông Blix trong chuyến thăm tới Baghdad hôm cuối tuần trước.

Ủng hộ hành động quân sự: Mỹ, Anh, TBN và Bulgaria
Hoài nghi hoặc phản đối: Pháp, Nga, TQ, Đức và Syria
Còn lưỡng lự: Angola, Cameroon, Chile, Guinea, Mexico và Pakistan
Cần 9 phiếu và không có phủ quyết để thông qua một nghị quyết

Trong khi đó, có tới 150 ngàn người biểu tình phản đối chiến tranh tại các đường phố ở Melbourne, Australia trước các cuộc tập trung phản đối chiến tranh vào cuối tuần này dự kiến được tổ chức trên toàn thế giới, trong đó có Luân Đôn và New York.

Còn Ai Cập đã kêu gọi có một cuộc họp khẩn cấp Liên đoàn Ả-rập vào ngày 22/2 để thảo luận về cuộc khủng hoảng.

Áo đã ra lệnh cấm quân lính Mỹ và các thiết bị quân sự được trung chuyển qua lãnh thổ của họ từ Đức sang Ý, nếu không có nghị quyết thứ hai của LHQ cho phép sử dụng vũ lực chống Iraq.

Ngoại trưởng Syria Farouq al-Shiraa nói báo cáo cho thấy công việc thanh tra có tiến triển và Hội đồng Bảo an cần cho các thanh tra đủ thời gian để có thể đi đến kết luận.

"Không có bằng chứng"

Ông Blix cho Hội đồng biết các địa điểm đã được kiểm tra, đa số các cuộc kiểm tra đều không được báo trước và các thanh tra không gặp sự cản trở nào khi đến những địa điểm đó.

Ông Blix nói kết quả phân tích hóa học của các mẫu phù hợp với những gì Iraq đã kê khai.

Ông Blix cho biết ông nghe nói Iraq vừa mới chấp nhận lời đề nghị của Nam Phi sẽ giúp Iraq trong chuyện giải giới dựa trên kinh nghiệm của nước này trong thập niên 1990 giải trừ các loại vũ khí nguyên tử và sinh hóa.

Tuy nhiên theo ông Blix, còn 1.000 tấn hóa chất không đối chứng được, nhưng không có bằng chứng cho thấy chúng vẫn còn tồn tại. Ông Blix nhấn mạnh trách nhiệm của Iraq là phải khai báo chứ các thanh tra không phải đi tìm.

Ông Blix cho biết các thanh tra tìm thấy hai tên lửa Al Samoud với tầm bắn vượt quá 150km theo qui định của Liên hiệp quốc. Iraq đã nhập các động cơ để sử dụng cho hai tên lửa này.

Iraq có dấu hiệu hợp tác hơn

Ông Blix nói Iraq đã trao thêm một số hồ sơ và đang được các thanh tra xem xét. Hành động này có thể là dấu hiệu cho thấy Baghdad đã hợp tác hơn. Theo các hồ sơ mới thì một số hóa chất đã được đem đổ đi nhưng việc đó không kiểm chứng được.

Ông Blix cho biết Iraq đã di chuyển một số vũ khí qui ước, nhưng điều đó không dẫn đến kết luận nào về các loại vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt.

Ông Blix nói ông hy vọng có thể phỏng vấn thêm các khoa học gia của Iraq, ngoài ba người đã hỏi chuyện bên trong Iraq.

Ông Blix cho biết các thanh tra dự trù sử dụng thêm các máy bay do thám, kể cả máy bay do Đức và Nga cung cấp với khả năng hoạt động ban đêm.

Kết luận bản báo cáo ông Blix nói nếu Iraq hợp tác vô điều kiện công việc giải giới có thể thực hiện trong một thời gian ngắn.

Báo cáo của IAEA

Trong khi đó ông Mohammed ElBaradei cho biết cần kiểm tra thêm về phóng xạ tại nhiều địa điểm khác nhau, nhưng phải có thêm dụng cụ. IAEA sẽ tăng cường nhân viên ở Iraq.

Ông ElBaradei cho biết IAEA vẫn xem xét khả năng sử dụng làm vũ khí nguyên tử của các ống nhôm Iraq nói để chế tạo vũ khí qui ước.

Ông ElBaradei nói không tìm thấy bằng chứng hoạt động nguyên tử ở Iraq nhưng các thanh tra vẫn tiếp tục kiểm tra.

Ông ElBaradei nhận xét quyết định của quốc hội cấm vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt công bố hôm nay là một bước đi đúng hướng. (BBC)