Bản báo cáo của các thanh tra vũ khí sẽ đánh giá dựa theo nghị quyết 1441 mà Hội đồng Bảo an đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái, là văn bản trao cho ông Saddam Hussein cái được gọi là cơ hội cuối cùng để từ bỏ mọi vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Nhiều điểm không rõ

Mỹ và Anh vẫn đang tiếp tục tấn công dồn dập ở một điểm then chốt - nghị quyết số 1441 đòi hỏi Iraq phải tuân thủ nghĩa vụ giải giới. Nhưng nghị quyết không nói rằng các thanh tra vũ khí có nghĩa vụ phải tìm ra những vũ khí bị cấm.

Thay vào đó, nghị quyết lại trao cho các thanh tra viên vũ khí vai trò trung tâm trong tiến trình này.

Đây là điểm mà các nước Pháp, Đức và Nga nhấn mạnh đến. Những nước này nói rằng thanh tra vũ khí là những người có nhiệm vụ đánh giá xem liệu Iraq có tuân thủ hay không, và họ có nhiệm vụ báo cáo bất kỳ vi phạm nào của Iraq lên Hội đồng Bảo an.

Nghị quyết 1441 đưa ra thử thách để xem liệu Iraq có vi phạm một cách cơ bản và nghiêm trọng nghị quyết này hay không. Sẽ là vi phạm nếu như nước này không báo cáo đầy đủ trong bản tuyên bố về chương trình vũ khí của mình và không hợp tác tích cực với các thanh tra dưới các hình thức.

Vin vào nghị quyết để chống chiến tranh

Những người phản đối hành động quân sự nói rằng phải để các thanh tra vũ khí có thêm thời gian cần thiết để hoàn tất công việc. Nghị quyết 1441 lại không nêu rõ như vậy và cũng không nêu ra hạn chót cho việc giải giới của Iraq.

Thực tế là những gì mà nghị quyết này không nhắc đến thì ít nhất cũng quan trọng như là những nội dung được ghi trong đó. Đức nhấn mạnh rằng nghị quyết này không hề mở đường cho bất kỳ hành động quân sự đương nhiên nào.

Nghị quyết không hề nói rằng có thể sử dụng vũ lực nếu như Iraq vi phạm. Mặt khác, nó cũng không bác bỏ việc sử dụng vũ lực. Nghị quyết này nhắc nhở Iraq là những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.

Nghị quyết không nói có thể sẽ cần đến một nghị quyết thứ hai cho phép tiến hành hành động quân sự; Mỹ và Anh tiếp tục nói rằng họ đã có mọi sự chấp thuận cần thiết.

Bởi vì chính phủ các nước tham gia soạn thảo nghị quyết 1441 đã không thể nhất trí trên rất nhiều điểm cho nên đành để ngỏ nhiều nội dung.

Hoa Kỳ nóng lòng vận động Pháp, Đức

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin Powell cho biết ông sẽ dành chút ít thời giờ bên lề cuộc họp của Hội đồng Bảo An LHQ hôm nay để hỏi coi liệu Pháp và Ðức có ý định tháo gỡ ông Saddam Hussein ra khỏi thế bí, vì ông ấy có cùng lập trường bài chống chiến tranh với họ hay là không.

Rỏ ràng ngôn từ thẳng toẹt như vậy từ ngoại trưởng của một nước là một dấu hiệu.

Dấu hiệu đó là Hoa Kỳ định đẩy Ðức và Pháp vào một thế khó xử , và hàm ý nói rằng lập trường của hai nước này không chỉ dựa trên đầu óc bài chiến mà thôi.

Iraq sẳn sàng nhượng bộ

Iraq đang chờ đón nghe bản báo cáo của ông Hans Blix bởi nó có thể dọn đường cho chiến tranh. Iraq đã nói rằng họ đã làm tất cả để đáp ứng yêu cầu của các chuyên gia về võ khí, và chắc chắn họ sẽ được vài điểm tốt trong bản báo cáo.

Từ khi trưởng thanh tra võ khí của LHQ trở lại Baghdad tuần qua, thì Iraq đã nhượng bộ thêm.

Họ đã đồng ý cho máy bay dọ thám, trong đó có loại U2 được bay trên bầu trời của họ, nhưng chuyện phỏng vấn các nhà khoa học của họ, vẫn chưa đi đến đâu.

Và rồi lại có vấn đề hỏa tiển Al Samoud nữa, mà theo các chuyên viên, tầm hoạt hoạt động của các hỏa tiển này vượt 40 cây số xa hơn là tầm hoạt động được cho phép là 150 cây số.

Iraq nói rằng đó không phải là một sự vi phạm nghiêm trọng, tuy nhiên, sự khám phá này của các thanh tra võ khí có thể được Hoa Kỳ dùng để thuyết phục Hội đồng Bảo an rằng phải có biện pháp quân sự đối với Iraq.

Theo quy chế được đưa ra sau chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Iraq chỉ được phép có hệ thống tên lửa đạn đạo có tầm hoạt động trong vòng 150km mà thôi.

NATO vẫn chia rẽ

Trong lúc đó, bế tắc trong khối NATO khiến cho tổ chức này rơi vào cuộc khủng hoảng có lẽ là trầm trọng nhất thì vẫn đang tiếp tục. Pháp, Đức và Bỉ vẫn đang từ chối triển khai kế hoạch quân sự phòng thủ cho Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp nổ ra chiến tranh với Iraq.

Jaques Reland của trường Đại Học Guildhall ở Luân Đôn nói rằng từ trước khi có tranh cãi này thì NATO cũng đã có vấn đề.

"Lần thứ nhất là trong cuộc khủng hoảng Kosovo, khi mà Mỹ không hài lòng với về sự can thiệp của Âu Châu vào kế hoạch tấn công quân sự. Sau đó là vấn đề Afganistan, khi Mỹ đã quyết định là không dựa vào NATO vì Washington không muốn các đồng minh can thiệp."

Jaques Reland tin rằng hành động của ba quốc gia bất đồng ý kiến, đặc biệt là Pháp, sẽ phụ thuộc vào những gì ông Hans Blix sẽ nói trước LHQ hôm nay.

"Nếu như các thanh tra vũ khí kết luận Iraq vi phạm nghiêm trọng nghị quyết LHQ thì Pháp sẽ ngả theo hướng của các thanh tra vũ khí và sẽ ủng hộ hành động quân sự."

"Theo tôi nhìn nhận thì tâm điểm của vấn đề chính là việc Mỹ sử dụng những chiến thuật dọa nạt để buộc Pháp có một quan điểm cực đoan hơn".

"Pháp thấy rằng Mỹ không thực sự coi trọng những mục tiêu của nghị quyết 1441, đó là việc giải giáp Iraq. Paris nghĩ rằng Washington chỉ muốn có chiến tranh mà thôi."

Trong khi đó, hầu hết các thành viên của Hội đồng Bảo an - bao gồm cả Nga, Đức và Trung Quốc - nói các thanh tra vũ khí cần thêm thời gian làm việc trước khi xem xét đến hành động quân sự. (BBC)