Thủ tướng Gerhard Schroeder nói chính phủ Liên hiệp đảng Xanh và Dân chủ Xã hội đã được bầu lên với sự ủy nhiệm ngăn chận chiến tranh và sẽ duy trì nó.

Đây không hẳn là một chiến lược an toàn. Nếu cuối cùng Đức rơi vào hoàn cảnh bị cô lập, các đối thủ của ông Schroeder có thể cáo buộc ông đã đánh mất uy tín chính trị.

Ông Schroeder cũng lên tiếng bảo vệ quan điểm chung của Đức và Pháp trong việc ngăn chặn kế hoạch bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ của NATO. Ông nói chính sách ngoại giao của Đức không thể tiến hành nếu không có sự đoàn kết với Pháp.

Lần đầu tiên, có vẻ như thủ tướng Đức đã đặt mối quan hệ với Pháp lên trước sự thân thiết với Hoa Kỳ.

Angela Merkel, lãnh tụ đảng đối lập Dân chủ Thiên chúa giáo, tỏ ra phê phán việc chống Mỹ của thủ tướng và nói nước Đức đang lập lại sai lầm khi muốn đứng một mình trên trường quốc tế.

Trong lúc đó, ngoại trưởng Đức, Jisckha Fischer nói ông muốn có một “cơ chế quốc tế mới cho việc kiểm soát và loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt”.

Trong mấy ngày tới, Đức sẽ phải giải thích với các nước về vấn đề này. Nhưng gần như chắc chắn là một cơ chế thực thi mới trên trường quốc tế sẽ không thể thực hiện mà không có sự ủng hộ của Hoa Kỳ, và ý tưởng mới của Đức có thể gây thêm rạn nứt giữa Berlin và Washington. Vì thế, bài phát biểu của thủ tướng Đức có thể xem là một bước ngoặt lớn.

Kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ cho tới kì bầu cử năm 1998 khi ông Schroeder lên làm thủ tướng, nước Đức đã tìm cách thực hiện chính sách quốc phòng và ngoại giao châu Âu mà không thách thức nhiều tới Hoa Kỳ.

Giờ đây, có vẻ như thủ tướng Đức ngụ ý rằng đã tới lúc nước Đức đi theo con đường riêng của mình.(BBC)