Chuyện phiếm: ĐẤT AN LẠC



Sống ở xứ tuyết Canada mà không biết nhiều về tuyết thì quả là ‘nhà quê’. Tôi vậy đó. Tuần qua tình cờ thấy một bài báo viết về tuyết, đọc xong tôi giật mình. Ủa, tuyết là cái chăn đắp cho mặt đất sao ? Tôi cứ nghĩ tuyết lạnh y như đá cục, nó làm băng giá mọi vật, mà hóa ra không phải. Lạ chứ. Khoa học cho biết tuyết là những hơi nước kết tinh lại, ở giữa là những khoảng trống. Khoảng trống này chính là vách ngăn sức lạnh. Tuyết phủ trên mặt đất chính là tấm chăn che chở cho nhiều sinh vật. Như họ hàng nhà chồn trong hang, như họ hàng nhà mối trên mặt, như họ hàng rễ cây dưới sâu. Lớp tuyết dày 10 phân nếu ép lại, ta chỉ được lớp nước dày một phân. Lớp tuyết là lớp chăn, đúng qúa. Bởi vậy khi tuyết tan một cái là cỏ cây chỗi dậy ngay và con chồn con sóc tung tăng nhảy nhót tức thì.

Canada bị tuyết ngập trong 4 tháng mùa đông nên đường xá hư hại rất nhiều. Tuyết trông đẹp và hiền lành như vậy chứ thực ra tuyết cũng ác và phá hoại dữ lắm. Tuyết họ nhà nước mà. Tuyết ngấm xuống khe hở mặt đường. Vì xe chạy ào ào ở trên nên các khe này đã nứt to ra, đã làm thành các ổ gà. Con đường nào cũng bị tuyết soi mòn., ổ to ổ nhỏ. Chính quyền thành phố đã phải xin cư dân cho họ biết những chỗ có ổ gà để họ kịp thời đến sửa. Toronto có tới hơn 9.000 con đường nên ty công chánh không thể biết mọi ngõ ngách. Họ phải xin như vậy để bảo vệ cho họ, vì theo luật, những ai bị thương tích do ổ gà có thể kiện thành phố đòi bồi thường !

Nghĩ cũng buồn cười, cơ quan bảo trì đường xá thì lo lắng vì những ổ gà do tuyết gây ra, còn cơ quan an ninh thành phố thì lại vui mừng vì tuyết ngăn cản tội ác. Theo thống kê, cứ tuyết rơi 1 phân thì tội ác giảm đi 10% ! Nghĩa là vào mùa lạnh thì ngay cả kẻ xấu cũng không muốn ra đường hành nghề !

Trong buổi họp làng cuối tháng Tư vừa qua, làng tôi không bàn về tuyết vì ngán qúa rồi, nhưng đã nói nhiều về tháng Tư Đen của VNCH. Đông diễn giả lắm. Người hùng hồn nhất vẫn là bồ chữ ODP. Ông phát biểu: Năm ngoái tôi đã lên tiếng ca ngợi Hoàng Thân Sirik Matak của Cao Mên. Các cụ còn nhớ chuyện hoàng thân thủ tướng xứ Mên này từ chối lời mời di tản của đại sứ Mỹ chứ, và về sau bị Mên Cộng sát hại chứ ? Năm nay tôi xin nói tới Cụ Trần Văn Hương của VNCH. Ông Hứa Hoành căn cứ theo tài liệu của BS Nguyễn Lưu Viên cho biết: Vào cuối tháng Tư 1975, Đại sứ Hoa Kỳ Martin đến mời Cụ Hương di tản với lời hứa Hoa Kỳ sẽ bao bọc Cụ trọn đời, Cụ Hương đáp ngay:

Thưa Ngài Đại Sứ, tôi biết tình trạng hiện nay rất nguy hiểm. Mỹ có phần trách nhiệm lớn về việc này. Nay Ông Đại Sứ muốn mời tôi ly hương, tôi rất cám ơn, nhưng tôi đã suy nghĩ kỹ và quyết định dứt khóat ở lại nước tôi. Tôi cũng dư biết rằng CS vào được Saigon thì bao nhiêu đau khổ nhục nhã sẽ trút xuống đầu dân chúng Miền Nam. Tôi là người lãnh đạo đứng hàng đầu của họ, tôi tình nguyện ở lại để chia xẻ niềm đau đớn tủi nhục và nỗi thống khổ của người dân mất nước. Xin cám ơn Ông Đại Sứ đã đến thăm tôi. ..

Những lời của Cụ Hương sao giống y như lời Hoàng Thân Matak bên Cao Mên !

Nhưng chưa hết cái dũng của Cụ Hương.

Sau 1975, trước khi CSVN tổ chức cuộc bầu cử quốc hội toàn quốc đầu tiên, Cụ Hương được họ thông báo sẽ có buổi lễ để chính phủ trả quyền công dân cho cụ. Buổi lễ được quay phim để tuyên truyền. Khi một cán bộ CS thay mặt chính phủ nói về chính sách khoan hồng của nhà nước và tuyên bố trả quyền công dân cho cụ, Cụ Hương đã dõng dạc đáp lại:

Tôi xin phép từ chối. Tôi không nhận cái quyền công dân này. Dù gì tôi cũng là người lãnh đạo Miền Nam, trong khi binh sĩ và nhân viên các cấp chỉ vì vâng lệnh của tôi mà bây giờ vẫn còn bị giam cầm trong các trại cải tạo, chưa được trả quyền công dân. Chẳng lý gì tôi là người trách nhiệm lai được trả quyền công dân trước. ..

Thật khí phách thay chí sĩ Trần Văn Hương của Miền Nam !

Thấy không khí buổi họp làng nghiêm trang quá, ông ODP liền kể chuyện vui, chuyện từ Đại Hàn. Ông đố mọi người tìm ra gốc gác của tân tổng thống Lee Myung Bak. Phe các bà lắc đầu hết. Các bà trả lời rằng các bà đâu có theo dõi thời sự quốc tế.

Bồ chữ ODP đáp: Cái này không thuộc lãnh vực chính trị mà thuộc lãnh vực sử học. Nguyên cái tên Lee Myung Bak đã nói lên cái gốc. Theo âm Hán Việt thì Lee Myung Bak đọc là ‘Lý Minh Bác’. Lý đây rõ ràng là tên một dòng họ VN. Họ Lý ở Cao Ly chính là họ Lý cuả hoàng tử Lý Long Tường. Ông là con thứ 7 của Vua Lý Anh Tông. Khi Trần Thủ Độ cướp ngôi nhà Lý thì hoàng tử Lý Long Tường dẫn gia tộc và đoàn tùy tùng vượt biên sang Cao Ly. Vua Cao Ly nằm mơ thấy một con chim phượng hoàng lớn bay về phương Nam. Vua cho đây là một điềm lành. Khi nghe tin gia tộc Lý Long Tường tới, vua biết đây chính là con chim phượng hoàng. Vua bèn nghênh đón và chu cấp đất đai cho họ Lý. Rồi hải quân Mông Cổ đến đánh cao Ly, Lý Long Tường đã cầm đầu binh đoàn chống trả mãnh liệt và đã chiến thắng. Uy danh tướng Lý Long Tường lan rộng khắp nơi. Và dòng dõi họ Lý đã bành trướng khắp chốn. Mới đây con cháu họ Lý đã từ Cao Ly về VN nhận quê cha đất tổ.

Ông H.O. nghe đến đây thì thích quá. Ông cười ha ha rồi phát biểu: Nếu như vậy thì tôi thấy có 2 tin vui: Thứ nhất: Tướng Lý Long Tường là ông tổ của Boat People, là thuyền nhân VN đầu tiên chứ không phải chúng ta, mãi thập niên 1980 mới là thuyền nhân. Thứ hai, ông tổng thống Lý Minh Bác hiện nay ở Đại Hàn chính là người VN !

Phe các bà nghe ông H.O. kể chuyện ‘vơ vào’ như vậy thì vỗ tay râm ran và khen ngợi ông H.O. thông thái. Được các bà khen thì ông H.O. tỏ ra sung sướng qúa sức. Nhưng rồi tự nhiên mặt ông H.O. nghiêm lại, ông nói: Tôi không thông thái như các bà vừa khen đâu. Tôi tội lỗi đầy mình. Tôi xin xưng tội. Tháng trước tôi kể chuyện tôi và ông chú về VN tìm người yêu cũ. Chuyện Cô Tố Lan ở Hà Nội và cô Thu Hồng ở Saigon ấy mà. Thực ra đây không phải là chuyện tự tôi viết ra. Tôi đọc báo thấy có tác giả viết 2 chuyện này giống y chang trường hợp của hai chú cháu tôi, nên tôi đã kể lại làm như của mình. Tôi đã mượn ý, tuy có đổi tên đổi họ nhân vật, mà quên béng nói tên tác giả. Tôi thật có lỗi. Bây giờ tìm hoài mà không sao tìm ra. Nếu tác giả đọc được lời này thì xin từ bi hỉ xả cho tôi.

Ông ODP liền vỗ về: Anh lương thiện như vậy là tốt lắm và quý lắm. Chắc tác giả không nỡ bắt lỗi anh nữa đâu. Để chuộc lỗi, bây giờ anh phải kể một câu chuyện gì thật độc đáo cho cả làng nghe.

Ông H.O. đáp ngay: Xin tuân lệnh. Nếu lấy đề tài về tình yêu thì tôi nhiều chuyện lắm. Xin kể chuyện ‘ Mùa đông lái xe ở Canada’nha. Rằng bữa đó trời bão tuyết, một chàng trai khi lái xe ngang một bến xe bus đã nhìn thấy 3 người đang chờ xe. Họ co rúm lại với nhau. Một ông linh mục cao tuổi, một bà già bịnh hoạn, và người thứ ba chính là người tình của anh. Xe của anh là loại xe rất nhỏ, xe chỉ có hai chỗ ngồi, một chỗ cho tài xế, và chỗ cho một hành khách. Anh không biết chở ai bây giờ. Nếu chọn ông linh mục thì để bà già và người yêu chết rét sao ? Nếu chở bà già vì lòng nhân đạo thì để ông cha và người yêu chết rét sao ? Nếu chọn người tình thì ông cha và bà già chết rét sao ? Anh luống cuống vì không biết quyết định ra sao.

Kể đến đây rồi ông H.O. ngưng lại và hỏi dân làng: nếu qúy vị là chàng trai lái xe, qúy vị sẽ chọn chở ai ?

Làng tôi ai cũng đăm chiêu suy nghĩ. Khó thật chứ. Bồ chữ khôn ngoan ODP cũng không tìm ra câu trả lời. Cả cụ Chánh, cả cụ B.95, cả chị Ba Biên Hoà, cả hai cô Huế Cao Xuân và Tôn Nữ, ai cũng lắc đầu.

Anh John lên tiếng: Ở Canada này ai cũng có phôn tay. Sao cái anh chàng kia không gọi phôn tay 911, hoặc gọi cho bạn bè ra tiếp cứu ? Ông H.O. trả lời ngay: Tôi quên kể là cái anh chàng kia không có phôn tay.

Cả làng lắc đầu, chịu thua, không ai tìm ra giải pháp nào tốt cả.

Thấy cả làng bị tắc, ông H.O. liền cười rồi nói ngay. Theo tôi thì tôi sẽ làm thế này: Tôi sẽ xuống xe, mời ông linh mục lên lái xe và bảo bà già bịnh hoạn lên xe. Tôi sẽ yêu cầu ông cha chở bà già về nhà rồi ông cha lái xe về nhà xứ. Còn tôi, tôi sẽ tình nguyện xuống xe và đứng với người yêu. Chúng tôi sẽ ôm nhau chờ xe bus trong cơn bão tuyết này.

Chị Ba Biên Hoà liền vỗ tay khen rằng giải pháp của ông H.O. hay qúa. Rồi cả làng vỗ tay theo. Các cụ có thích cái giải pháp của ông H.O. không ? Tuyệt vời quá đi chứ. Vừa tốt cho ông cha, vừa giúp cho bà già, vừa thăng hoa tình yêu.

Ông H.O. thấy mọi người thích câu chuyện này bèn được hứng kể tiếp một chuyện nữa, cũng liên hệ tới tình yêu. Ông mở đầu: Sách có câu ‘ Yêu nhau lắm cắn nhau đau’. Thường thì ta hiểu ‘cắn’ đây theo nghĩa bóng, nghĩa là làm khổ nhau. Nhà văn Song Thao đã không chịu hiểu theo nghĩa bóng mà ông hiểu theo nghĩa đen, nghĩa là khi yêu nhau thì người ta cắn nhau thật. Ông kể chuyện một ông giám đốc kia đi ăn vụng với cô thư ký bồ nhí. Sau cơn bão lửa, ông vào phòng tắm đê tẩy rửa mọi dấu vết tình yêu. Ông chợt thấy có vết cắn trên cổ do cô thư ký để lại. Cái này thật chí nguy. Làm sao tẩy được vết bầm này ? Biết nói sao với vợ đây ? Suốt dọc đường lái xe về nhà, lòng ông rối như tơ vò. Tới nhà, ông vừa mở cửa thì chú chó bẹc-giê nhảy chồm lên ông. Nó mừng chủ về nhà. Đầu ông bỗng lóe sáng. Con chó là vị cứu tinh của ông. Nó đã cho ông lời giải thích với vợ. Ông giả vờ vật lộn với con chó, rồi thình lình ông la lớn tiếng: Em xem này, con chó qúy của em nó cắn vào cổ anh, có vết tím đây này.

Bà vợ cũng vội vàng phanh áo rồi nói ngay: Anh coi, nó cũng vừa cắn vào ngực em, có vết bầm đây nè.

Ông Song Thao chỉ kể đến đây rồi chấm hết. Giận ông qúa. Đáng lẽ ông phải để 2 vợ chồng đi bác sĩ. Bác sĩ sẽ khám nghiệm vết chó cắn. Rồi ông bác sĩ sẽ giật mình. Ủa, sao vết răng chó lại kỳ vầy nè. Răng chó mà thế này à. Và tại sao cùng một con chó cắn mà hai vết răng khác nhau ? Cái đoạn này mới gay cấn chứ. Ông Song Thao không kể tiếp vì nghĩ rằng vết chó cắn không khác với vết người yêu cắn, nên ông ngừng lại.

Tưởng ông hết bàn về cắn, nhưng không, chưa hết được. Ông Song Thao sang một ngả khác. Theo ông thì đàn ông cắn đàn bà, đàn bà cắn đàn ông, cắn là vì yêu. Còn nếu đàn ông cắn đàn ông thì việc cắn này không hề liên hệ tới tình yêu mà liên hệ tới hận thù. Điển hình nhất việc liền ông cắn đàn ông là chuyện vua quyền Anh Mike Tyson. Trong trận đấu lịch sử 28.6.1997 tại võ đài MGM ở Las Vegas, Tyson đã cắn đứt tai đối thủ Evander Holyfielđ. Cắn đứt luôn 2 dái tai. Cắn 2 lần, mỗi lần một cái. Do cắn vì ganh ghét này mà Mike Tyson bị phạt 3 triệu đồng và bị cấm tranh tài trong một năm.

Chị Ba Biên Hòa nghe tới việc cắn vì hận thù thì không thích nữa. Chị bèn lên tiếng xin thôi chuyện cắn. Ông ODP liền nói: Xin cho tôi bàn một chút về tiếng cắn Bắc Kỳ. Tiếng Bắc Kỳ nói ‘ con chó cắn’ thì có 2 nghĩa khác nhau. Có thể hiểu con chó tấn công, nó táp vào chân tay ta, nhưng cũng có thể hiểu là con chó sủa, con chó gầu gầu, như câu ca dao diễn tả:

Chó cắn chẳng cắn chỗ không,

Chẳng thằng ăn trộm, thì ông đi đường

Nghe đến đây, Chị Ba cười khanh khách: Vậy hoá ra tiếng Nam Kỳ của tôi chính xác hơn tiếng Bắc Kỳ của các bác nha. Tiếng Nam phân biệt ‘Con chó cắn’ khác ‘con chó sủa’.

Đến đây thì anh John nhảy vào lấy điểm với vợ. Anh cười hà hà: Theo ngôn ngữ học, người di dân đi đến đâu thì mang theo ngôn ngữ của mình đến đó. Chứng cớ rất rõ ràng là người dân ở Québec gốc từ bên Pháp nên bây giờ con cháu họ đang nói thứ tiếng Pháp của thế kỷ thứ 18, 19 là ngôn ngữ khi tổ tiên họ tới Canada. Cũng vậy, người Miền Nam là di dân đi từ Miền Bắc, bởi vậy ngôn ngữ cửa người miền Nam chính là ngôn ngữ nguyên thủy của miền Bắc ngày xưa. Tiếng Miền Nam chính là tiếng Việt gốc, tiếng Miền Bắc bây giờ là tiếng lai căng….

Thế này là anh John tuyên chiến với nhóm Bắc kỳ chúng tôi rồi, các cụ ơi !

Chưa bao giờ tôi thấy vợ chồng Anh John cười sung sướng và khoái trá như hôm nay. Các cụ nhớ kỹ nha, họ dám bảo tiếng Nam Kỳ đẻ ra tiếng Bắc Kỳ đó nha.

Thấy mọi người cười nói vui vẻ, ông H.O. liền chọc Chi Ba: Xin cho tôi trở lại chuyện tình yêu. Tình yêu bao giờ cũng dẫn tới chuyện lấy nhau. Trước đây tôi cứ tưởng chỉ có ông Hồi Giáo là có trái tim to vì ông yêu được những 4 vợ. Năm 1954 khi di cư vào Nam, tôi thấy ở Saigon có ông Lãnh Binh còn có trái tim to hơn ông Hồi Giáo. Dân Saigon ai cũng nhớ ông. Ông có công xây một cây cầu lớn khu vực buôn bán nên dân chúng gọi cây cầu này là Cầu Ông Lãnh. Tim ông lớn, ông lấy những năm vợ, năm nha chứ không phải bốn, và ông xây cất cho mỗi bà một dinh cơ lớn ở năm miền khác nhau. Mỗi miền mang tên mỗi bà: Bà Chiểu, Bà Hạt, Bà Quẹo, Bà Hom, Bà Điểm. Tình yêu của Ông Lãnh Binh Saigon ngon qúa chứ.

Đang được đà vui vẻ, anh John xin tiếp: Chúng ta đang ca ngợi tình yêu. Tôi mới tìm ra công thức về phép lạ của tình yêu, như thế này: Home = house + love. Thấy Cụ B.95 ngơ ngác chả hiểu gì, anh John bèn giải thích: cái công thức dạng toán học này là lời tóm tắt một câu nói rất hay trong tiếng Canada ‘ Money can build a house, but it takes love to make it a home’, nghĩa là tiền giúp ta xây được một căn nhà, nhưng cần phải có tình yêu thì mới biến căn nhà đó thành tổ ấm được.

Lúc này bồ chữ ODP mới lên tiếng: Ca ngợi tình yêu như câu nói tiếng Anh vừa rồi đã là hay, nhưng tôi thấy mấy câu ca dao VN đã diễn tả tình yêu còn hay và tuyệt vời hơn nữa. Em hỏi anh yêu em bắt đầu từ bao giờ ư ? Không phải từ khi em bước vào mùa xuân cuộc đời, mà còn là trước nữa, sớm hơn nhiều, không những từ khi em bé tí tẹo mẹ còn bế trên tay, không những từ khi mẹ còn mang em trong lòng, mà ngay từ lễ rước dâu mẹ về nhà cha cơ:

... Sao vua chín cái nằm chồng
Yêu em từ thuở mẹ bồng trên tay

... Sao vua chín cái nằm ngang
Yêu em từ thuở mẹ mang trong lòng

. .. Sao vua chín cái nằm kề
Yêu em từ thuở mẹ về với cha

Cụ B.95 phe của Chị Ba, không muốn phe liền ông chúng tôi lan man về yêu đương nữa, bèn xin anh John cho nghe chuyện thời sự.

Anh John liền kể ngay chuyện tỵ nạn: Có lẽ vì duyên nợ từ kiếp trước nên Canada yêu thương người Việt đặc biệt. Hiện nay dân số VN ở Canada lên tới 200 ngàn. Chưa hết. Năm qua, Canada đã bằng lòng nhận thêm những người Việt thuyền nhân tỵ nạn cuối cùng ở Phi Luật Tân. Lúc đầu thì cộng đồng VN chỉ dám xin cho 159 người Việt trước đây rớt thanh lọc, và chỉ dám xin có thế. Canada biết những người Việt này đã ở PLT lâu thì thế nào cũng lấy vợ lấy chồng ngườì địa phương, nên Canada đã mở rộng cửa, qúa sự mong ước của mọi người. Canada nhận luôn cả vợ con PLT của họ. Trước đây con số là 159, nay con số tăng lên 300 người. Và con số 300 này đang bắt đầu tới miền đất thiên đàng. Đầu tháng Ba vừa qua, 4 người đã tới Vancouver miền tây Canada, và 2 người đã tới Alberta miền trung Canada. Bốn người tới Vancouver là do chùa của Thượng Tọa Thích Nguyên Thảo bảo trợ. Các cụ còn nhớ Thày Nguyên Thảo chứ. Thày là người đã từng tuyên bố: Nếu cần bán chùa để đủ tiền bảo lãnh thì thày sẽ bán chùa. Trung tuần tháng Ba thì một người tới Toronto. Người nhận bảo trợ thuyền nhân này là Linh Mục Lawrennce Parent và nhà thờ Canada của ông. Linh mục là một trong những người ký giấy bảo lãnh sớm nhất và sốt sắng nhất. Đặc biệt qúa chứ. Nước này và người nước này tốt thế đấy các cụ ạ. Và đồng bào tỵ nạn đang bắt đầu rời PLT để đến miền đất hứa trong mùa xuân này.

Rồi anh John bắt sang chuyện yêu nước Canada của một người Mỹ. Đó là bà Diane Francis, bỉnh bút của tờ National Post, một nhật báo trí thức ở đây. Bà sinh quán ở Mỹ nhưng đã chọn Canada làm quê hương. Bà đã viết nhiều bài dài ca ngợi Canada. Bà khen Canada hết lời. Bà bảo miền đất này đúng là đất thiên đàng, trổi vượt hơn Mỹ. Như mặt y tế, mọi người dân được bảo hiểm sức khoẻ. Như mặt tài nguyên, Canada là một túi dầu khổng lồ, một hầm lớn quặng mỏ và quý kim chưa khai thác, một cánh đồng bao la lúa mì và gia súc. Như mặt xã hội, Canada là một nước đa văn hóa, dân chúng thuộc nhiều sắc tộc khác nhau thế mà người dân sống rất hoà bình và rất an lạc. Canada là nước đang đi lên vì Canada là thỏi nam châm đã và đang thu hút nhiều thiên tài của thế giới. Cuối thế kỷ trước, khi khối CS ở Nga Xô và Đông Âu tan vỡ, đại đa số trí thức của khối này đã chọn Canada làm quê hương thứ hai.

Viết đến đây, tôi giật mình. Tình yêu đã là đề tài nóng hổi và vô tận, vậy xin tạm ngưng ở đây để trình các cụ bữa ăn nóng hổi và rất đỗi quê hương của làng tôi.

Trong lần họp kỳ này, Cụ B.95 hợp sức với chi Ba Biên Hoà nấu món Cơm Lá Sen. Các cụ còn nhớ hương vị món ăn này chứ. Sở dĩ hôm nay cả làng được ăn món này là vì Chị Ba mới mua được lá sen ngoài chợ. Lá sen từ VN đem qua nha, còn tươi nguyên. Trong lúc phe liền ông chúng tôi ngồi bàn quốc sự thì phe liền bà lui cui trong bếp, dưới sự lãnh đạo của 2 đầu bếp danh tiếng. Món này làm dễ lắm các cụ ạ, nhưng cần chuẩn bị từ trước. Nào tôm khô ngâm nước cho mềm, nào cá mực rửa sạch cắt nhỏ ướp hành tiêu nước mắm, nào hạt sen luộc chín, nào cơm thổi sẵn. Sắp đến giờ ăn, nhà bếp bác chảo lên bếp, phi hành cho thơm, rồi cho tôm, mực, hạt sen và cơm chín vào, nêm nếm cho vừa miệng. Chờ một lát là được. Giai đoạn chót là cho tổng hợp này vào lá sen rồi bỏ vào nồi hấp. Chút xíu là xong. Cơm gói lá sen có một mùi thơm thanh khiết nhẹ nhàng. Món này phải ăn nóng. Ngon qúa sức.

Trong phần uống trà cuối bữa thì ông ODP khoe mới nhận được một cuốn sách hay, do người bạn gửi tặng. Sách gồm 14 chuyện ngắn và phiếm, bàn về sự hạnh phúc ở đời. Đọc xong ta thấy tác giả là một người ngộ đạo thiền, biết hạnh phúc không ở đâu xa, mà ở chính ngay giây phút này, với những gì ta đang có. Tác giả gọi đó là ‘triết lý củ khoai’, và dùng chính cái triết lý này làm tên sách. Tác giả mang bút hiệu ‘ Tràm Cà Mau’. Chỉ có ở Cà Mau mới có cây tràm. Cây tràm là cây có công rất lớn trong việc phát triển bờ cõi phía cực nam VN. Tràm là cây giữ phù sa lại. Sau tràm là cây đước. Đước là cây thanh lọc phù sa, lọc nước mặn. Sau tràm, sau đước rồi mới tới cây cam cây quýt cây xoài. Tác giả lấy tên Tràm Cà Mau, chứ lời văn của ông chứng tỏ ông không phải là thổ dân Cà Mau. Đọc cuốn này tôi thấy vui quá và yêu đời qúa. Cụ nào trọng tuổi thì nên bắt chước Cụ Lê trong ‘ Tuổi Già Là Thời Sung Sướng Nhất’. Cụ Lê 85 tuổi mà mục kia còn khiếp lắm. Các bà vợ muốn có hạnh phúc gia đình thì nên cưng chồng tối đa, giầu thì bắt chước Bà Ba trong ‘Ngục Tù Êm Ái, nghèo thì bắt chước Chị Mai trong ‘Vợ Hiền’. Nhân vật mà tôi thích nhất trong sách là ‘ Cô Bắng Nhắng’. Cái cô da đen này đáng yêu vô cùng. Cô reo rắc hạnh phúc miễn phí cho mọi người. Sách gần 300 trang do nhà Xuất Bản Văn Học ở Cali phát hành.

Cụ nào đọc xong sách này mà học được bí kíp hạnh phúc, xin nhớ trả công cho tôi nha.