Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 54 năm của NATO có một quốc gia viện dẫn đến Điều 4 của hiệp ước thành lập NATO.

Điều khoản này nói rằng đồng minh sẽ phải quan tâm bất kỳ khi nào sự thống nhất lãnh thổ, độc lập chính trị hay an ninh của bất kỳ quốc gia thành viên nào bị đe dọa.

Tổng thư ký NATO, Lord George Robertson phát biểu tại Brussels, "Chúng ta thống nhất với cam kết vì an ninh của toàn bộ các quốc gia thành viên NATO."

"Vấn đề không phải là có tiến hành hay không, mà là khi nào thì tiến hành kế hoạch bảo vệ. Chúng ta đang phải đối diện với một vấn đề khó khăn. Đó là chuyện đoàn kết với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ."

"Chuyện này không dính dáng gì tới khả năng NATO tham dự bất kỳ chiến dịch quân sự nào chống Iraq."

Trong khi mô tả tình hình hiện thời là nghiêm trọng, ông Robertson nói rằng ông tin tưởng là 19 quốc gia thành viên NATO sẽ đạt được nhất trí trong chuyện bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ, thế nhưng ông không đoán được là khi nào sẽ có được sự nhất trí đó.

Yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ đã gây thêm áp lực cho Pháp, Đức và Bỉ.

Sáng nay, ba nước này đã phủ quyết đề nghị của Mỹ trong chuyện sớm triển khai việc gửi tên lửa Patriot và máy bay do thám AWACS có mang theo hệ thống radar báo động sớm tới Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên duy nhất trong NATO có đường biên giới chung với Iraq.

Ba quốc gia này nói rằng kế hoạch quân sự là quá sớm trong khi các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cơn khủng hoảng Iraq vẫn đang được tiến hành.

Tuy nhiên, Washington đã cảnh báo rằng sự rạn nứt này đe doạ đến uy tín của NATO. Chiều ngày hôm nay, đại sứ các nước tại NATO nhóm họp trở lại.

Theo các nhà ngoại giao thì nếu như không đạt được thoả thuận nào trong vòng vài hôm tới thì liên minh này sẽ phải đối diện với thời khắc khó khăn nhất của mình.(BBC)