Các quan chức Bắc Hàn nói họ ngày càng lo ngại trước dấu hiệu Washington dự định gửi thêm tàu chiến, máy bay và quân đội tới Nam Hàn.

Phát ngôn viên của Bắc Hàn, ông Kim Pyong Gap, tỏ ra cứng rắn, "Nếu người Mỹ bước chân qua biên giới, chúng tôi sẽ có biện pháp phản kích mạnh mẽ. Hoa Kỳ không phải là nước duy nhất có khả năng tấn công phủ đầu."

"Chúng tôi cũng có thể tấn công nếu rơi vào hoàn cảnh sinh tử. Chúng tôi sẵn sàng có đối thoại với Hoa Kỳ. Đồng thời chúng tôi cũng sẵn sàng cho một cuộc chiến với Hoa Kỳ."

Căng thẳng

Trong tám năm qua, chưa bao giờ Hoa Kỳ và Bắc Hàn có sự căng thẳng nghiêm trọng như hiện nay. Cuộc khủng hoảng xuất hiện sau quyết định tái tục chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đây là sự vi phạm các cam kết với cộng đồng quốc tế.

Washington thể hiện rõ sự bất bình của mình, trong lúc Nam Hàn quan sát tình hình trong sự lo âu. Nam Hàn muốn có giải pháp mềm dẻo.

Tuy vậy, Hoa Kỳ có vẻ đang muốn tăng cường sức mạnh quân sự tại khu vực, như lời giải thích sau đây của đại sứ Nam Hàn tại Liên Hiệp Quốc, San Joon Yong cho biết người Mỹ đang tính đến việc gửi 24 máy bay tiêm kích tới Nam Hàn.

"Tôi nghĩ việc này là nhằm chứng tỏ họ sẵn sàng đương đầu với mọi bất trắc có thể xảy ra tại khu vực."

"Tính chuyện" nhiều nơi

Washington có thể đang bận rộn với Iraq, nhưng điều này không có nghĩa họ lơ là với các khu vực khác. Cả Bắc Hàn và Iraq đều nằm trong điều mà ông Bush gọi là “trục ma quỷ”, bên cạnh Iran.

Bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld nhấn mạnh việc tăng cường quân đội tại vùng Vịnh không có nghĩa là Hoa Kỳ không cảnh giác với Bắc Hàn.

"Tình hình tại Bắc Hàn rất nguy hiểm. Chính phủ Bắc Hàn vẫn thường có hành vi đe dọa. Với khả năng quân sự của họ, trong nhiều thập niên Bắc Hàn luôn là mối đe dọa cho quân Mỹ và Hàn Quốc."

"Quân đội của chúng tôi có mặt trên thế giới không phải nhằm đe dọa mà nhằm chứng tỏ với quốc tế rằng chúng tôi có khả năng đối đầu với nhiều đe dọa cùng một lúc. Và trong tương lai điều này vẫn sẽ được duy trì."

Bắc Hàn lo lắng

Nhưng theo thông tín viên đài BBC Mike Thompson, người đang có mặt tại Bắc Hàn, thì ngôn từ cứng rắn của Washington lại khiến Bình Nhưỡng lo lắng và cảnh giác.

"Ngày nào cũng nghe thấy tiếng máy bay quân sự, rồi thì cắt điện, xe ô tô bị chặn lại để kiểm soát. Ở đây có cảm giác người Bắc Hàn tin là sớm muộn Hoa Kỳ cũng sẽ tấn công."

"Họ cho rằng Hoa Kỳ sẽ nhắm vào nhà máy Yongbyon – nơi bị coi là khởi đầu cho cuộc khủng hoảng – hoặc thậm chí tìm cách lật đổ cả chính quyền hiện tại."

Bắc Hàn nhấn mạnh việc khởi động lại nhà máy Yongbyon chỉ nhằm sản xuất điện. Các chuyên gia hạt nhân cho rằng khu liên hợp Yongbyon quá nhỏ và không thể sản xuất nhiều điện năng, nhưng lại có thể sản xuất nguyên liệu chế tạo bom hạt nhân.

Sau khi chứng kiến các thanh tra của mình bị trục xuất khỏi Bắc Hàn, Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế sẽ có cuộc họp khẩn cấp vào tuần sau.

Dự kiến cơ quan này sẽ đưa vấn đề ra trước Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Không muốn bị cô lập

Không ai nghi ngờ nền kinh tế Bắc Hàn đang gặp khốn khó.

Vì thiếu thực phẩm và năng lượng mà Bắc Hàn đã kí thỏa thuận với Hoa Kỳ tám năm trước, theo đó, họ đồng ý ngưng hoạt động của nhà máy Yongbyon để đổi lấy việc Hoa Kỳ cung cấp dầu và cấp tiền xây dựng hai lò phản ứng làm nguội bằng nước nhẹ.

Nhưng Washington đã ngưng cung cấp dầu vào năm ngoái sau khi Bình Nhưỡng thừa nhận họ tiếp tục theo đuổi một chương trình hạt nhân bí mật. Thông tín viên đài BBC Mike Thompson tin là Bắc Hàn có thể sử dụng vấn đề Iraq để mặc cả với Hoa Kỳ

"Cuộc sống tại Bắc Hàn không dễ dàng. Đôi khi bạn tự hỏi liệu phải chăng một trong những lý do cho phản ứng của Bắc Hàn là vì họ thấy cần tìm ra một kẻ thù để duy trì sự đoàn kết của người dân trong nước."

"Bên cạnh đó, họ chứng kiến chuyện Iraq và cho rằng một khi Hoa Kỳ giải quyết xong Iraq thì mục tiêu kế tiếp sẽ là Bắc Hàn. Vì thế họ muốn Hoa Kỳ kí vào một hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau mà cho tới nay Hoa Kỳ vẫn từ chối."

"Bắc Hàn cho rằng nếu có một hiệp ước như thế, họ sẽ không bị Hoa Kỳ tấn công một khi cuộc khủng hoảng Iraq chấm dứt."

"Trong lúc Trung Quốc đang ngày càng gần phương Tây hơn, Bắc Hàn cảm thấy ngày càng ít bạn và phải cố tìm mọi cách để thế giới lắng nghe tiếng nói của họ."

Một cuộc xung đột quân sự với Bắc Hàn là điều mà tổng thống Bush hoàn toàn không muốn xảy ra. Nhưng vào lúc chiến tranh với Iraq đang tới gần, bộ máy lãnh đạo Bắc Hàn có vẻ cảm thấy sự tồn tại của họ đang tính bằng ngày tháng.

Và khó biết chắc Bắc Hàn sẽ đi xa tới đâu trong các đe dọa của họ trong tương lai.(BBC)