Ngài đã đưa ra lập trường trên khi được hỏi về quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi tàu chiến Hải quân Mỹ đến khu vực này để đáp trả lại các cuộc thử nghiệm tên lửa liên tục của Bắc Triều Tiên và những lời đe doạ theo đó quốc gia cộng sản này sẽ phóng tên lửa hạt nhân tấn công Nam Hàn, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Đức Thánh Cha nói:
“Tôi sẽ kêu gọi họ. Tôi sẽ kêu gọi họ như tôi đã từng kêu gọi các nhà lãnh đạo ở những nơi khác.”
Đức Thánh Cha nhận xét lạc quan rằng có rất nhiều người có khả năng giúp làm trung gian hòa giải trên khắp thế giới, những người “luôn sẵn sàng giúp đỡ” trong các cuộc đàm phán.
Tình hình ở Triều Tiên, theo Đức Thánh Cha, đã âm ỉ trong một thời gian dài, “nhưng bây giờ xem ra đã nóng lên rất nhiều”
“Tôi luôn luôn kêu gọi [việc giải quyết các vấn đề] thông qua con đường ngoại giao, đàm phán” bởi vì tương lai của nhân loại phụ thuộc vào đối thoại.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại một quan điểm đã được ngài lặp đi lặp lại nhiều lần rằng chiến tranh thế giới thứ ba đang diễn ra “từng phần”, và có thể được nhìn thấy tỏ tường ở những nơi đang có xung đột cục bộ như tại Trung Đông, Yemen và một phần của Châu Phi.
“Chúng ta hãy dừng lại. Hãy tìm một giải pháp ngoại giao,” ngài nói. “Và ở đó, tôi tin rằng Liên Hợp Quốc có nhiệm vụ giành lại vai trò lãnh đạo của mình một chút vì vai trò này đã bị sa sút”.
Khi được hỏi liệu ngài có muốn gặp Tổng thống Trump khi nhà lãnh đạo Mỹ sang Ý vào cuối tháng 5, Đức Thánh Cha cho biết, “Tôi chưa được Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh thông báo về một yêu cầu như thế.”
Nhưng ngài nói thêm, “Tôi tiếp mọi nhà lãnh đạo các quốc gia muốn được tiếp kiến.”
Một nhà báo Đức đã hỏi Đức Thánh Cha về những tranh cãi xung quanh việc ngài nói rằng một số trại tị nạn tại Âu Châu ngày nay giống như các trại tập trung.
Một tuần trước đó, trong buổi Phụng Vụ Lời Chúa tại Đền Thờ Thánh Bácthôlômêô tại Rôma chiều thứ Bẩy 22 tháng Tư do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức để tưởng niệm các vị tử đạo mới trong thế kỷ 20 và 21, khi đề cập đến các trại tị nạn, Đức Thánh Cha nhận xét rằng “nhiều trung tâm trong số này giống như các trại tập trung, bởi vì có quá đông người.”
Phóng viên người Đức này nói:
“Đối với người Đức chúng con rõ ràng đây là một thuật ngữ rất nặng nề. Mọi người nói chắc là ngài lỡ lời”.
“Không, tôi không lỡ lời đâu”, Đức Thánh Cha trả lời. Ngài nói thêm rằng có một số trại tị nạn trên thế giới - nhưng chắc chắn không phải ở Đức - “là những trại tập trung thực sự”.
Khi các trung tâm được xây dựng để nhốt người ta, nơi chẳng có gì được xúc tiến và họ không thể đi đâu được thì đó “là một trại tập trung”.
Sau khi tướng el-Sisi lật đổ Mohammed Morsi, và lên nắm quyền tại Ai Cập, nhiều quốc gia phương Tây không công nhận tính hợp pháp của chính quyền mới; mặc dù tướng el-Sisi được bầu lên thông qua một cuộc bầu cử hợp hiến. Các phương tiện truyền thông, đặc biệt, là ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích chuyến tông du của Đức Thánh Cha như một sự ủng hộ của Tòa Thánh cho tướng el-Sisi.
Do đó, một phóng viên đã hỏi Đức Thánh Cha là báo chí nên diễn giải như thế nào về những bài phát biểu của ngài dành cho các quan chức chính phủ khi ngài kêu gọi họ hỗ trợ hoà bình, hòa hợp và bình đẳng cho mọi công dân và liệu những bài phát biểu như thế có phản ảnh việc ngài ủng hộ cho chính phủ đó hay không.
Đức Thánh Cha nói rằng trong tất cả 18 chuyến đi mà ngài đã thực hiện tại các quốc gia khác nhau trong suốt triều đại Giáo Hoàng của mình, ngài luôn lắng nghe những mối quan tâm tương tự.
Tuy nhiên, khi nói đến chính trị địa phương, “Tôi không tham gia,” ngài nói.
“Tôi nói về các giá trị,”, và sau đó là mỗi cá nhân sẽ xem xét và đánh giá xem liệu chính phủ hoặc quốc gia hoặc một cá nhân cụ thể đó có “đang cung cấp những giá trị này hay không”.
Khi được hỏi nếu có cơ hội, ngài có đi xem các kim tự tháp không, Đức Thánh Cha nói, “Ồ, anh chị em biết rằng hôm nay mới 6 giờ sáng hai trợ lý của tôi đã đi xem.”
Khi được hỏi liệu ngài có muốn cùng đi với họ hay không, Đức Thánh Cha nói, “Đương nhiên rồi.”