Nam Hàn vẫn tiếp tục gây sức ép buộc Bắc Hàn từ bỏ chương trình hạt nhân trong những buổi hội đàm giữa hai phía tại Seoul.

Các đại biểu của Nam Hàn muốn đồng nghiệp phía Bắc của họ đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm giảm căng thẳng và dọn đường cho một giải pháp hòa bình nhằm giải quyết đối đầu về hạt nhân.

Sau nhiều ngày hội đàm, hai phía Nam và Bắc Hàn đã tranh luận nhiều về lời lẽ của một tuyên bố chung sau. Một phát ngôn nhân của Nam Hàn nói rằng Seoul đã nhắc tới quan ngại của họ về vấn đề hạt nhân, và muốn thấy quan chức Bắc Hàn đưa ra điều mà ông gọi là một lập trường tích cực.

Ông nói hội đàm đang được tiếp tục trong một trạng thái tốt, thế nhưng hai bên chưa đạt được tiến bộ gì cả. Chủ đề về hạt nhân cũng đã được nhắc tới các cuộc hội đàm liên Triều tại thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Hàn.

Hội đàm này dự định sẽ tập trung vào hoàn tất việc hình thành các tuyến đường sắt và đường bộ xuyên qua biên giới. Một quan chức Nam Hàn phát biểu khi hội đàm bắt đầu nói rằng Seoul sẽ không bao giờ chấp nhận Bắc Hàn phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.

Quan chức Bắc Hàn đã nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng không có ý định xây dựng vũ khí hạt nhân, thế nhưng Bắc Hàn cũng nói rằng họ muốn giải quyết tranh chấp hạt nhân bằng hội đàm trực tiếp với Washington.

Bắc Hàn nói rằng âm mưu quốc tế hóa chủ đề hạt nhân càng làm cho việc đạt được giải pháp thêm khó khăn. Dù vậy, thì Hoa Kỳ cũng tìm cách đạt được sự ủng hộ của một số nước để đưa tranh cãi về hạt nhân ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Bắc Hàn không muốn bị LHQ chế tài

Đặc sứ của Tổng thư ký LHQ về Bắc Hàn, ông Maurice Strong vừa trở về từ Bình Nhưỡng, nói rằng không còn nghi ngờ gì nữa Bắc Hàn không muốn Hội Đồng Bảo An LHQ đưa ra bất cứ một biện pháp chế tài kinh tế nào đối với họ.

Ông nói Bắc Hàn coi bất cứ biện pháp chế tài nào của Hội Đồng Bảo An LHQ như là một bản tuyên chiến hoặc một hành động gây chiến. Ông nói tiếp không một ai muốn thấy chiến tranh hoặc một lời tuyên chiến, do đó, mọi người hy vọng là ngoại giao có thể giúp tránh được khả năng chiến tranh này.

Trong lúc đó, thứ trưởng Mỹ phụ trách về an ninh quốc tế và kiểm soát quân bị, ông John Bolton nói các quan chức chính phủ đã đồng ý là Cơ Quan Nguyên Tử Năng của Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là IAEA, có quyền đưa vấn đề này ra trước Hội đồng Bảo An.

Ngay cả nếu như IAEA có quyết định chuyển vấn đề Bắc Hàn đến Hội Đồng Bảo An , thì cũng phải mất khá nhiều thời gian trước khi vấn đề này được các nước hội viên của Hội Đồng mở ra cứu xét một cách chính thức.

Bắc Hàn nói họ muốn giải quyết căng thẳng hạt nhân bằng các cuộc đối thoại trực tiếp với Washington và tuyên bố các nỗ lực nhằm biến tranh cãi về Bắc Hàn thành một vấn đề mang tính quốc tế sẽ chỉ gây khó khăn hơn thôi.

Tin cho hay người đứng đầu phái đoàn đại biểu Bắc Hàn, ông Kim Yong-song trong các cuộc đối thoại kín đã nhấn mạnh là Bình Nhưỡng hoàn toàn không có ý định phát triển các vũ khí hạt nhân.

Ông Kim Yong-song nói rằng bán đảo Triều Tiên đang phải đối mặt với nguy cơ chiến tranh, cho nên hai nước Nam Bắc Triều Tiên nên hợp tác với nhau để đối phó với nguy cơ này.

Giới phân tích cho là những lời kêu gọi hợp nhất Nam Bắc Hàn từ phía Bắc Hàn là một nỗ lực của Bắc Hàn nhằm tạo nên căng thẳng giữa Seoul với Washington vốn là đồng minh bấy lâu.(BBC)