Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, ông Maurice Strong, đã gặp nhân vật lãnh đạo thứ hai của Bắc Hàn là ông Kim Yong Nam và ngọai trưởng Paek Nam Sun hôm nay. Đây là nỗ lực của Liên Hiệp Quốc trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hạch nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Cũng trong mục đích tương tự, Thứ trưởng ngọai giao Nga Alexander Losyukov đã rời Bắc Kinh hôm nay để đến Bình Nhưỡng để nói chuyện với giới chức Bắc Hàn về vấn đề căng thẳng hiện nay giữa Bình Nhưỡng với Washington.

Trong khi đó, Tòa Bạch Ốc bác bỏ tuyên bố của Bộ ngoại giao Bắc Hàn chỉ trích việc Hoa Kỳ đề nghị thảo luận, đồng thời cho biết Hoa Kỳ chưa nhận được lời lẽ chính thức nào từ chính phủ Bình Nhưỡng. Trước đó, Hoa Kỳ đã đưa đề nghị đối thoại với Bắc Hàn và nếu xứ này chịu từ bỏ kế hoạch chế tạo vũ khí hạch nhân thì Hoa Kỳ sẽ tái viện trợ dầu khí và thực phẩm.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, Ari Fleischer nói rằng phản ứng này của Bắc Hàn là điều không may, và việc Hoa Kỳ muốn giải giới Bình Nhưỡng là chuyện không đúng. Nhưng ông tuyên bố rằng Bắc Hàn trước đầy vẫn thường đưa ra những tuyên bố mâu thuẫn với nhau, nên Hoa Kỳ chờ đợi lời đáp ứng chính thức của Bình Nhưỡng

Hôm nay, lên tiếng tại Bắc Kinh sau khi nói chuyện với giới chức Trung Quốc về vấn đề Bắc Hàn, Thứ trưởng ngọai giao Hoa Kỳ James Kelly cho biết chưa có dấu hiệu tích cực nào chứng tỏ Bắc Hàn chịu từ bỏ chương trình chế tạo vũ khí hạch nhân. Vẫn theo lời ông, phải mất nhiều thời gian trong việc thuyết phục Bắc Triều Tiên về vấn đề phức tạp này.

Cũng tin liên quan, Bắc Hàn và Nam Hàn đồng ý tái tục những vòng đối thọai cấp Bộ trưởng thứ Ba tuần tới. Tại thủ đô Hán Thành của miền Nam hôm nay, Bộ trưởng Quốc phòng xứ này, ông Lee Jun, loan báo là Nam Hàn đang chẩun bị để đối phó với tình huống xấu nhất liên quan đến cuộc khủng hoảng hạch nhân và sự đối đầu giữa Bắc Hàn với Hoa Kỳ hiện nay.

Vẫn theo lời nhân vật cầm đầu ngành Quốc phòng Nam Hàn, nếu vấn đề này không được giải quyết trong hòa bình và nếu Hoa kỳ tấn công Bắc Hàn thì chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên là điều không thể tránh.

Ngoài ra, Bộ Thống nhất thuộc chánh phủ Nam Hàn hôm nay cho biết, số người Bắc Hàn đào tỵ xuống phía Nam đã tăng gấp đôi so với năm trước đó. Trong năm 2002 có 1141 công dân Bắc Hàn tìm tự do ở Miền nam, năm 2001 số người vượt thoát xứ sở cộng sản của họ là 583.

Càng ngày càng có nhiều người bỏ xứ này ra đi vượt thoát xuống Nam Hàn định cư vì tình trạng nghèo đói triền miên, thiếu thốn mọi tiện nghi trong cuộc sống, ảnh hưởng bởi một nền kinh tế kệt quệ lại luôn bị thiên tai tàn phá.(RFA)