Trong một chuyến đi với sứ mệnh giải quyết cuộc khủng hoảng với Bắc Triều Tiên, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ James Kelly nói là có nhiều cơ hội để đề cập đến vấn đề thiếu năng lượng của Bình Nhưỡng.

Phát biểu tại Hán Thành, thủ đô Hàn Quốc, ông Kelly nói Washington vẫn có ý muốn nói chuyện với Bình Nhưỡng về chương trình nguyên tử của họ.

Ông nói một khi những vấn đề xung quanh chương trình này được giải quyết thì trợ giúp năng lượng sẽ là đề tài được nói đến.

Ông James Kelly phát biểu sau cuộc gặp với tổng thống tân cử của Hàn Quốc Roh Moo-hyun.

Trước đó, Bắc Hàn cảnh cáo rằng họ có thể khởi động lại các cuộc thử nghiệm tên lửa vì những khủng hoảng hiện nay trong quan hệ với Mỹ.

Ông Choe Jin Su, đại sứ Bắc Hàn tại Trung Quốc, buộc tội Mỹ đã vi phạm các hiệp ước ký kết giữa hai quốc gia.

Trước đó, cơ quan thông tin của nhà nước Bắc Hàn cho hay khoảng một triệu người tại Bình Nhưỡng biểu tình bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của chính phủ về việc rút lui khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Lo ngại về chương trình vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng tăng cao từ khi mà nước này tuyên bố mở cửa lại nhà máy hạt nhân Yongbyon.

Một nhân viên ngoại giao Bắc Hàn tại thủ đô Viên của Áo nói vào thứ Bảy rằng nhà máy Yongbyon có thể sẽ hoạt động trở lại trong một vài tuần nữa.

Tên lửa đạn đạo của Bắc Hàn

Hồi năm 1999, Bắc Hàn đã tự chấm dứt các cuộc thử nghiệm, tức là khoảng 1 năm sau ngày họ bắn thử một tên lửa ngang qua bầu trời Nhật Bản, rồi sau đó đâm xuống biển.

Những tên lửa tầm xa của Bắc Hàn được xem là có khả năng tấn công bất kỳ mục tiêu nào ở Nam Hàn và phần lớn lãnh thổ Nhật.

Các nhân viên Mỹ cho biết Bắc Hàn cũng đang nghiên cứu chế tạo các loại tên lửa liên lục địa có khả năng bắn tới Alaska và Hawaii.

Ông Choe Jin Su nói với giới báo chí rằng Bắc Hàn sẵn sàng chứng minh với Washington nước ông không chế tạo vũ khí hạt nhân, nhưng chỉ khi Mỹ chấm dứt "những chính sách thù nghịch" của Mỹ.

Bình Nhưỡng mô tả quyết định rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân là một hành động tự vệ của Bắc Hàn. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế kêu gọi Bắc Hàn xem xét lại quyết định của họ.

Cấm vận là tuyên chiến

Bắc Hàn đã tuyên bố là bất cứ một hành động của Hoa Kỳ muốn áp đặt cấm vận đối với họ sẽ chẳng khác gì là một lời tuyên chiến.

Cơ quan thông tấn của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cáo buộc Hoa Kỳ đang dùng cấm vận để cô lập họ và khuyến cáo Washington hãy thương thảo để giải quyết vấn đề và trở lại cung cấp cho Bắc Hàn số dầu khí mà họ đang rất cần.

Bắc Hàn là một quốc gia khác thường trong thế kỷ thứ 21, một trong những xã hội bí ẩn nhất của thế giới này, vẫn còn theo con đường Stalinist, với một lãnh tụ vẫn còn chịu một cảm tưởng bất an về tình hình an ninh đến hầu như trở thành hoang tưởng.

Đó chính là hậu cảnh cho những đòi hỏi của Bình Nhưỡng suốt từ một thỏa thuận khung năm 1994. Đòi hỏi đó là Hoa kỳ phải ký một cam kết sẽ không bao giờ tấn công hay xâm lăng Bắc Hàn.(BBC)