Bắc Hàn đã đồng ý sẽ có các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng với Nam Hàn vào cuối tháng này, nhưng hiện vẫn giữ im lặng trước lời đề nghị đàm phán với Hoa Kỳ về chương trình nguyên tử.

Các quan chức của Bộ Thống nhất tại Seoul nói Bắc Hàn đã gửi một điện tín đề nghị sẽ có bốn ngày đàm phán với các quan chức Nam Hàn vào cuối tháng này.
Những cuộc đàm phán này sẽ là vòng đàm phán cấp cao lần thứ chín giữa hai bên từ khi có cuộc hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên lịch sử vào tháng 6/2000.

Nhưng việc lên thời gian cho các cuộc gặp gỡ lần này được coi là vô cùng quan trọng, vì chúng được đưa ra đúng vào lúc căng thẳng cao quanh chuyện chương trình hạt nhân của Bắc Hàn và các bước tái khởi động lò phản ứng hạt nhân Yongbyon.

Các quan chức Nam Hàn trước đó nói họ sẽ sử dụng cuộc gặp gỡ lần này để đề cập đến những quan ngại quốc tế về những tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn và sẽ hối thúc các quan chức Bắc Hàn dỡ bỏ chương trình hạt nhân.

Ông Kim Sang Woo, cố vấn ngoại giao của tổng thống Nam Hàn Noh Moo Hyun, nói: "Chắc chắn, chúng tôi sẽ làm cho Bắc Hàn thấy rõ rằng tất cả mọi bên, bao gồm cả Nam Hàn, không muốn thấy một nước Bắc Hàn nguyên tử; và nếu Bắc Hàn chọn theo con đường đó thì Bắc Hàn sẽ phải đi một mình, hoàn toàn bị cô lập."

Các quan chức tại Seul chắc cũng thấy nhẹ người vì các cuộc đàm phán sẽ được tiến hành. Họ cho rằng đối thoại là cách thức tốt nhất để giải quyết vấn đề nguyên tử.

Các quan chức chính phủ Nam Hàn tuần này đã phải tới Washington trong một nỗ lực tìm kiếm giải pháp đàm phán với cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay.

Hoa Kỳ hiện đã nói họ sẵn sàng đàm phán với Bắc Hàn về chương trình nguyên tử, mà đây là động thái được rất nhiều người coi là một sự thay đổi chính sách quan trọng.

Washington trước đó đã nói họ sẽ không tham gia các cuộc đàm phán với Bắc Hàn trừ phi Bình Nhưỡng phải tháo dỡ chương trình hạt nhân của mình trước đã.

Nhưng cho tới nay, chưa hề có phản ứng gì từ nhà nước Cộng sản này về lời đề nghị của Mỹ cũng như đối với yêu cầu của cơ quan giám sát nguyên tử LHQ đòi cho phép các thanh tra bị trục xuất của họ quay trở lại nước này.(BBC)