Mỹ đã bác bỏ lời kêu gọi mới nhất của Bắc Hàn mở những cuộc đàm phán trực tiếp về chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn gây đối đầu giữa hai bên.

Phát ngôn nhân của bộ ngoại giao Mỹ, ông Richard Boucher nói Mỹ không quan tâm tới yêu cầu của Bắc Hàn đòi Mỹ không áp dụng hành động hiếu chiến, và Mỹ cũng không có ý định mặc cả.

Bình luận của ông Boucher được đưa ra sau khi đại sứ Bắc Hàn tại bắc Kinh, ông Choe Jin Su, nói rằng cuộc khủng hoảng có thể được giải quyết một cách dễ dàng nếu phía Mỹ đồng ý hội đàm và đảm bảo rằng Mỹ không dùng vũ lực chống lại Bắc Hàn.

Tuy nhiên, Bộ ngoại giao Mỹ nói một hiệp định không dùng hành vi hiếu chiến không thành vấn đề, mà vấn đề là ở chỗ liệu Bắc Hàn chịu bỏ các chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân hay không.

Nam Hàn đóng vai trò trung gian

Nam Hàn nói họ muốn đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn về chương trình hạt nhân của Bắc Hàn.

Bình Nhưỡng đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với Hoa Kỳ khi không có bất cứ điều kiện nào ràng buộc. Trong khi đó thì Hoa Kỳ tuyên bố họ sẽ không đối thoại với Bắc Hàn cho tới khi nước này giải trừ các thiết bị hạt nhân.

Vì sự mâu thuẫn căn bản này, Tổng thống mới của Nam Hàn, Roh Moo-hyun, đề nghị nước ông muốn đóng vai trò môi giới.

Bắc Hàn lên tiếng

Đại sứ Bắc Hàn tại Bắc Kinh, Choe Jin Su, đã dành hơn một giờ đồng hồ để đưa ra thông điệp trong đó phần lớn là lên án Hoa Kỳ đã hấp tấp trong cuộc khủng hoảng này.

Ông đại sứ nói Washington đã đe dọa Bắc Hàn với vũ khí hạt nhân, cáo buộc Bắc Hàn là một phần của trục ma quỷ và sau đó lại cắt đứt chuyện cung cấp dầu cho đất nước nghèo đói này. Bình Nhưỡng chỉ phản ứng lại những hành động của Hoa Kỳ mà thôi.

Nhưng ông cũng nói rằng cơn khủng hoảng này có thể dễ dàng giải quyết nếu như Hoa Kỳ chịu ngồi vào bàn đàm phán mà không đòi hỏi bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, và nếu như Washington chịu đưa ra đảm bảo sẽ không sử dụng vũ lực quân sự đối với Bắc Hàn.

Ông đại sứ cũng đưa ra lời của các quốc gia khác trong khu vực kêu gọi Bắc Hàn ngưng chương trình hạt nhân của nước này. Ông nói những nước này cần phải thúc giục Hoa Kỳ đưa ra những bảo đảm an ninh cho Bắc Hàn, còn nếu như họ không làm được điều đó thì tốt hơn cả là họ nên im lặng.

Hầu hết những điều mà ông đại sứ Bắc Hàn nói thì chẳng có gì mới cả. Bắc Hàn trong nhiều năm đã nỗ lực đòi Hoa Kỳ cấp nhận đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng nhằm đạt được một thoả thuận hòa bình và thừa nhận về ngoại giao.

Hoa Kỳ thường xuyên từ chối đàm phán, nói rằng bất kỳ thoả thuận hoà bình nào cũng phải bao gồm sự tham dự của Nhật Bản và quan trọng hơn cả là sự hiện diện của Nam Hàn, nước mà trên thực tế thì vẫn đang có chiến tranh với Bắc Hàn kể từ sau thỏa thuận ngưng chiến năm 1953.

Hoa Kỳ triệu tập hội nghị về Bắc Hàn

Hoa Kỳ tuyên bố là sẽ đứng chủ trì một hội nghị cao cấp tại Washington vào tuần tới để thảo luận về cuộc khủng hoảng do chương trình hạch tâm của Bắc Hàn gây nên.

Phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Đông Á, ông James Kelly sẽ gặp những nhân vật đối tác Nhật Bản và Nam Hàn tại Washington trước khi lên đường sang vùng này.

Bắc Hàn đã tạo lo sợ trên thế giới khi họ nói họ đang chuẩn bị cho lò phản ứng hạch tâm Yongbyon hoạt động lại và trục xuất các nhân viên của cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế.

Thông tín viên Jon Leyne của đài BBC từ Washington cho biết Hoa kỳ muốn các đồng minh Đông Á tham gia trong việc cô lập Bắc Hàn, nhưng tân chính phủ Nam Hàn thì lo ngại là Washington đã quá cứng rắn.

Tổng thống George W. Bush của Hoa kỳ đã nhắc lại là ông tin tình hình có thể giải quyết một cách hòa bình và nói ông thường xuyên liên lạc với Nhật Bản, Nga, Nam Hàn và Trung quốc.

"Chúng tôi đang cùng với các quốc gia thân hữu và đồng minh trong vùng giải thích cho Bắc Hàn hiểu rằng phát triển và phổ biến vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt không có lợi gì cho họ," ông Bush đã tuyên bố như vậy từ trang trại ở bang Texas.

Tuy nhiên ông Bush đã không nói gì đến vấn đề thương thảo trực tiếp với Bình Nhưỡng, một điều mà Washington trước đây đã bác bỏ, nói là không có ý định thưởng cho kẻ xấu.(BBC)