Nam Hàn hiện đang tranh thủ sự ủng hộ quốc tế qua các nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Bắc Hàn.

Seoul dự định gửi phái viên tới hai đồng minh chủ chốt của Bắc Hàn, tức là Nga và Trung Quốc, trong thời gian sớm nhất.

Nam Hàn hi vọng hai nước này sẽ gây sức ép buộc Bình Nhưỡng từ bỏ kế hoạch tái khởi động các nhà máy hạt nhân có khả năng sản xuất plutonium.

Một đặc phái viên của Hoa Kỳ theo dự kiến sẽ có mặt tại Seoul trong vòng hai tuần sau nhằm bàn bạc với Nam Hàn và Nhật Bản chính sách của Washington về vấn đề Bắc Hàn.

Trước đó, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận rằng Bắc Hàn yêu cầu việc rút các thanh tra phụ trách công việc giám sát phương tiện hạt nhân tại nước này trong tám năm qua.

Trước đó Bình Nhưỡng đã cảnh cáo Hoa Kỳ về một sự đối đầu nguy hiểm. Washington yêu cầu Bắc Hàn ngưng chương trình vũ khí nguyên tử và nói rằng Bình Nhưỡng không nên lợi dụng vấn đề Iraq để tái khởi động lò phản ứng hạch tâm.

Đối đầu

Đài phát thanh Bình Nhưỡng nói rằng thật viển vông nếu cho rằng Bắc Hàn sẽ từ bỏ chương trình vũ khí trước khi đàm phán với Hoa Kỳ.

"Biện pháp tháo dỡ niêm phong tại nhà máy hạt nhân mà họ tiến hành vào lúc này là cách thức tốt nhất để bảo vệ chủ quyền quốc gia và quyền tồn tại của Bắc Hàn. Không một áp lực nào có thể tác động đến Bắc Hàn."


Trình tự khủng hoảng:
22/12: Bắc Hàn tháo dỡ các thiết bị theo dõi tại lò phản ứng Yongbyon
12/12: Bắc Hàn dọa sẽ tái khởi động nhà máy hạt nhân Yongbyon
27/11: Bắc Hàn buộc tội Mỹ dựng lên chuyện chương trình nguyên tử
14/11: Dừng các tàu chở dầu tới Bắc Hàn
16/10: Hoa Kỳ tuyên bố Bắc Hàn chấp nhận có chương trình nguyên tử bí mật

Chính sách của tổng thống Bush là Hoa Kỳ sẽ không đàm phán cho tới khi Bắc Hàn ngưng chương trình hạt nhân của nước này.

Các nhà phân tích tin rằng Bắc Hàn muốn sử dụng chương trình hạt nhân như một lá bài mặc cả trong đàm phán để đạt được những nhượng bộ tối đa trước khi dẹp bỏ chương trình hạt nhân của mình.

Khởi động lò phản ứng

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nói có hàng trăm thanh nhiên liệu đã được chuyển tới lò phản ứng Yongbyon có công suất 5 megawat nằm ở phía Bắc thủ đô Bình Nhưỡng.

Cơ quan này mô tả hành động của Bắc Hàn là tương đương với việc gây hấn chiến tranh hạt nhân.

Hoa Kỳ đã theo đuổi chính sách bất hợp tác về ngoại giao, cho dù Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, Richard Lugar, thành viên của ủy ban ngoại giao nói rằng bất kỳ hành động quân sự nào cũng là một thảm hoạ.

"Một vụ tấn công phủ đầu sẽ khiến Bắc Hàn gây chiến và tấn công Nam Hàn, mà điều đó sẽ gây những ảnh hưởng khủng khiếp về nhân mạng và tạo cảnh hỗn loạn."

Nếu lò phản ứng Yongbyon hoạt động trở lại thì có thể sản xuất ra đủ lượng phóng xạ plutonium để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Nam Hàn lo lắng

Tổng thống Nam Hàn bày tỏ mối quan ngại sâu sắc và nhấn mạnh rằng Nam Hàn cần có vai trò tiên phong trong việc giải quyết tình thế.

Trong khi Hoa Kỳ đang áp dụng đường lối chính sách cứng rắn với chính quyền Bình Nhưỡng thì Nam Hàn lại nhấn mạnh là cần phải tiếp tục đối thoại.

Do sự căng thẳng gia tăng, Nam Hàn và Hoa Kỳ đang nỗ lực thiết lập một liên minh mạnh mẽ hơn nhằm đáp lại đe dọa chiến tranh của Bắc Hàn bằng con đường ngoại giao.(BBC)