Dư luận quốc tế đang lên án những động thái tại Bắc Hàn tháo dỡ các thiết bị được lắp đặt để theo dõi một lò phản ứng hạt nhân.

Lò phản ứng này được đặt dưới sự giám sát bởi vì người ta nghi ngờ nó được sử dụng để sản xuất chất plutonium cho các chương trình vũ khí nguyên tử, mặc dù Bắc Hàn tuyên bố họ muốn sử dụng nó để sản xuất điện.

Nam Hàn đã kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực với Bắc Hàn nhằm khôi phục lại những thiết bị theo dõi tại các cơ sở hạt nhân của nước này.

Báo chí nhà nước Bắc Hàn khẳng định rằng các quan chức bắt đầu tháo dỡ những thiết bị theo dõi tại lò phản ứng Yongbyon do Liên Xô cũ thiết kế.

Những thiết bị này được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử của Liên Hiệp Quốc lắp đặt, theo sau một thoả thuận đạt được giữa Bắc Hàn và Mỹ trong việc ngừng các hoạt động của lò phản ứng vào năm 1994.

Thoả thuận này nhằm chấm dứt những mối lo sợ rằng Bắc Hàn, một nhà nước cộng sản cứng rắn, đang cố phát triển các vũ khí có sức huỷ diệt hàng loạt mà có thể đe doạ những nước láng giềng như Nhật Bản và Nam Hàn.

Theo thoả thuận này, Bình Nhưỡng chấp nhận ngừng các chương trình phát triển nguyên tử bằng việc đóng cửa lò phản ứng Yongbyon để đổi lấy viện trợ quốc tế nhằm xây dựng hai lò phản ứng nước nhẹ cộng thêm các nguồn dầu do các tập đoàn lớn quốc tế cung cấp, dẫn đầu bởi Mỹ.

Tuy nhiên, Washington ngày càng không tin Bắc Hàn. Tổng thống Mỹ George Bush đã công khai mô tả Bắc Hàn là một phần của "trục ma quỷ" hỗ trợ khủng bố quốc tế.

Vào tháng 10, Mỹ đã ra quyết định chấm dứt việc cung cấp dầu sau khi Bình Nhưỡng thú nhận họ vẫn đang theo đuổi chương trình nguyên tử dựa trên các chất uranium được làm giàu, mà chất này có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí nguyên tử.

Bắc Hàn nói chính quyết định cấm vận này bắt buộc họ phải khởi động lại lò phản ứng hạt nhân để cung cấp nguồn năng lượng cho chính mình. Tuy nhiên, Nam Hàn đã tố cáo hành động này là "vô cùng đáng tiếc" và cảnh báo rằng nó chỉ làm cho căng thẳng trong khu vực gia tăng.

Được biết, quan chức từ Nam Hàn, Nhật Bản và Mỹ đang yêu cầu có cuộc họp khẩn cấp tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử để thảo luận về động thái này của Bắc Hàn.(BBC)