Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập các trại định cư tại Miền Nam Việt Nam:

NHỮNG CUÔC DI DÂN BÀNH TRƯỚNG CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

LTS: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm (1955-2005) thành lập các trại định cư tư tại miền Nam Việt Nam, ông Trần Vinh, một cộng tác viên thường trực của Vietcatholic cống hiến độc giả loạt bài Những Cuộc Di Dân Của Dân Tộc Việt Nam. Phần I tác giả sơ lược những cuộc di dân thời nhà Lý đến triều đại nhà Nguyễn. Phần II tác giả nói đến cuộc di cư năm 1954 vào miền Nam và vai trò của các linh mục trong việc thiết lập các trại định cư. Phần III tác giả nói về thành quả của một trại định cư. Đây là một vấn đề lịch sử rất mới và quan trọng mà từ trước tới nay chưa được giới viết sử để ý tới. Ước mong đề tài mà tác giả Trần Vinh nêu ra ngày hôm nay sẽ được các vị có quê quán tại các trại định cư, nhất là một số linh mục mà ngày xưa đã có công gầy dựng nơi ăn chốn ở cho đồng bào di cư này, tham gia công tác ghi lại lịch sử các địa danh mà một thời chỉ là đồng hoang cỏ cháy, nay biến thành những nơi trù phú, thịnh vượng như Cái Sắn, Hố Nai, Gia Kiệm v.v...)

II. CÔNG CUỘC DI DÂN VÀ VIÊC SÁT NHÂP THỦY CHÂN LẠP VÀO LÃNH THỔ NƯỚC VIỆT NAM

Việc sát nhập Thủy Chân Lạp vào lãnh thổ nước ta càng thấy rõ di dân khai khẩn đất đai quan trọng như thế nào trong cuộc Nam tiến.

Thủy Chân Lạp là vùng đất miền Nam Việt Nam ngày nay. Theo lịch sử, trước kia miền đất này chẳng phải là của Chân Lạp. Trước thế kỉ thứ 6, vùng đồng bằng sông Cửu Long thuộc nước Phù Nam với nền văn hóa Óc Eo. Sau đó toàn cõi mới bị nước Chân Lạp đánh chiếm và gọi là Thủy Chân Lạp. Đây là vùng đất rộng người thưa với đồng bằng lưu vực sông Cửu Long bao la đã mau chóng trở thành mục tiêu chính trong giấc mộng bành trướng của các chúa Nguyễn khi cuộc thôn tính Chiêm Thành sắp kết thúc.

Đầu thế kỉ 17, biên cương nước ta còn cách Thủy Chân Lạp trên 400 cây số, ở giữa là Chiêm quốc lúc đó chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Họ còn làm chủ vùng đất từ Bắc Khánh Hòa (Kanthara) cho tới Nam Bình Thuận (Panduranga). Thế nhưng năm 1620, chúa chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã dụng ý khởi đầu ngoại giao với Chân Lạp bằng cách gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey- Chetta II tức Nạc Ông Thu Đệ Nhị. Công chúa vừa có nhan sắc vừa tính tình hiền thục và được nhà vua sủng ái phong làm hoàng hậu. Nhờ đồng minh với chúa Nguyễn, vua Chân Lạp đã đẩy lui được 2 cuộc xâm lăng của quân Xiêm (Thái Lan) vào các năm 1621 và 1623.

Cho tới đầu thế kỉ 17, vùng đất Miền Nam ngày nay chưa khai phá được bao nhiêu, hầu hết còn là rừng rậm bạt ngàn.

Đồng Nai xứ sở lạ lùng,

Dưới sông sấu lội, trên giồng cọp um.

Năm 1623, sứ thần của chúa Nguyễn đã tới kinh đô Ou-đông dâng lễ vật trọng hậu và xin nhà vua cho phép dân Việt được vào làm ruộng và buôn bán trên vùng đất ngày nay là Bà Rịa. Nhờ hoàng hậu can thiệp thêm cho nên nhà vua đã chấp thuận lời thỉnh cầu. Thành công ngoại giao đầu tiên này có ý nghĩa hết sức to lớn, có tính cách lịch sử. Trên danh nghĩa người Việt được phép sinh sống tại một khu vực, song thực tế nó đã khởi đầu cho một cuộc di dân xâm thực không ngừng của người Việt vào vùng đất hứa bao la, trù mật, tài nguyên phong phú, sông ngòi chằng chịt, giao thông thuận lợi. Nhờ thế, sau này, với rất ít xương máu, nước Việt đã có thể mở mang bờ cõi tới tận mũi Cà Mau. Trong sách Gia Định Thành Thông Chí, Trịnh Hoài Đức cũng xác nhận: ‘Địa đầu Gia Định là Mô Xoài (tức Bà Rịa) và Đồng Nai đã có lưu dân của nước ta đến khai khẩn ruộng đất’.

Năm 1626 Nạc Ông Thu mất, nước Chân Lạp bước vào giai đoạn rối ren.

Năm 1658, Chân Lạp ‘phạm biên cảnh’, chúa Nguyễn Phúc Tần sai Nguyễn Phúc Yến đưa 3000 quân vào bắt được vua Chân Lạp. Năm sau, vua Chân Lạp chịu thần phục nên được tha về và đã dâng đất Nông Nại (Đồng Nai) để tạ ơn.

Năm 1674, Nạc Ông Đài đánh đuổi vua Cao Miên là Nạc Ông Nộn. Nạc Ông Nộn chạy sang cầu cứu chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn sai Nguyễn Dương Lâm đem quân vào phá vỡ cả 3 đồn lũy ở Sài Gòn, Gò Bích và Nam Vang. Nạc Ông Đài bỏ chạy và tử trận. Chúa Nguyễn phong cho Nạc Ông Thu (Đệ Tam) làm quốc vương ở Oudong, còn Nạc Ông Nộn chỉ được làm phó vương đóng ở Sài Gòn.

Kể từ đây (1674-1688) sẽ diễn ra cuộc tranh giành quyền hành dai dẳng giữa Nạc Ông Nộn và Nạc Ông Thu. Nạc Ông Nộn được chúa Nguyễn và lưu dân Việt trợ giúp, còn Nạc Ông Thu dựa vào quân Xiêm.

Đầu năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần cho lập ‘đồn dinh’ ở Tân Mỹ (giữa Sài Gòn ngày nay) để bảo vệ lưu dân và yểm trợ cho phó vương Nặc Ông Nộn. Cũng năm ấy, vì không muốn thần phục nhà Thanh, một số trung thần của triều Minh bên Tầu như các ông Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình...đã kéo 3000 quân và gia đình trên 50 chiếc tầu sang xin chúa Nguyễn làm dân Việt. Chúa Hiền cho nhóm Dương Ngạn Địch và Hoàng Tiến lên sinh sống ở Mỹ Tho. Còn nhóm của Trần Thượng Xuyên lên vùng Đồng Nai. Những thuyền nhân này được gọi là người ‘Minh hương’, họ chỉ là thiểu số tới sau, nhưng mau chóng hoà nhập với đa số người Việt đã tới trước và đã đổ mồ hôi xương máu khai phá vùng đất mới này.

Năm 1698, chúa Nguyễn cử Nguyễn Hữu Cảnh (Kính) vào Nam kinh lược. Thời gian này, tuy lưu dân Việt Nam còn thưa thớt, song đã cư ngụ rải rắc khắp miền Đông, từ trung tâm Sài Gòn tỏa ra chung quanh, từ sông Vàm Cỏ xuống sông Tiền giang, từ Đồng Nai ra tới Bà Rịa. Do đã có dân nên để giữ an ninh cho dân, chúa Nguyễn đã thiết lập căn cứ quân sự (đồn dinh)từ 20 năm trước (1679), nay Nguyễn Hữu Cảnh được phái tới để kiện toàn guồng máy cai trị. Ông ‘lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinhTrấn Biên; lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức lưu thủ, cai bộ và kí lục để cai trị’ (Trịnh Hoài Đức. Gia Định Thành Thông Chí. Tập Trung, trang 12). Biến cố này chứng tỏ tiến trình di dân xâm thực của dân Việt tuy âm thầm nhưng vô cùng lợi hại. Nghĩa là dân đi mở đất ‘cắm dùi’ trước, nhà nước đến sau để kiện toàn và công khai hóa quyền làm chủ.

Năm 1708, Mạc Cửu theo về, mang thêm vùng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn: Mạc Cửu cũng không phục nhà Thanh nên từ Quảng Đông đã tới với Chân Lạp. Thấy Chân Lạp chia rẽ và lệ thuộc nước Xiêm nên ông xin đến lập nghiệp ở cửa biển nay là Hà Tiên. Ông chiêu dân thành lập 7 xã, biến Hà Tiên thành phố thị sầm uất. Thấy thế, bọn cướp biển và quân Xiêm thường tới cướp phá. Do không cậy nhờ được sự bảo vệ của Chân Lạp, vả lại phần lớn cư dân 7 xã cũng là người Việt cho nên Mạc đại gia xin thần phục chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Chu chấp nhận ngay và phong cho Mạc đại gia làm tổng binh Hà Tiên.

Năm 1739, con của Tổng binh Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ mở thêm được 4 huyện Long Xuyên (miền Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (miền Cần Thơ) và Trấn Di (miền Bắc Bạc Liêu). (Vương Hồng Sển. Sài Gòn Năm Xưa. Trang 25).

Sau một thời gian dài, triều đình Chân Lạp tranh bá đồ vương, tới năm 1750, vừa giành được ngôi vua, Nạc Ông Nguyên đã âm mưu thông đồng với chúa Trịnh Doanh (1740-1767) để đánh chúa Nguyễn, quyết lấy lại Thủy Chân Lạp. Do đó năm 1753, chúa Nguyễn Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát sai quân vào chinh phạt, cuối cùng Nạc Ông Nguyên bị Nguyễn Cư Trinh đánh bại, xin hiến hai phủ Tầm Bôn (Tân An) và Lôi Lạp (Gò Công) để chuộc tội. Nghe theo kế ‘tàm thực’ (tầm ăn dâu) của Nguyễn Cư Trinh, chúa Nguyễn chấp nhận cho Nạc Ông Nguyên về nước.

Năm 1757, Nặc Ông Nguyên chết, vua kế là Nạc Ông Nhuận hiến đất Trà Vang (Trà Vinh, Bến Tre) và Ba Thắc (Sóc Trăng, Bạc Liêu) để được chúa Nguyễn phong vương.

Năm 1758, Nạc Ông Nhuận bị rể là Nạc Ông Hinh giết và cướp ngôi, cháu của Nạc Ông Nhuận (tức là con của Nạc Ông Nguyên) là Nạc Nạc Ông Tôn chạy sang Hà Tiên cầu cứu với Mạc Thiên Tứ. Mạc Thiên Tứ dâng sớ xin chúa Nguyễn phong cho Nạc Ông Tôn làm vua Chân Lạp. Chúa Nguyễn chấp thuận phong cho Nạc Ông Tôn chức Phiên vương. Năm 1759, Nạc Ông Tôn dâng đất Tầm Phong Long (Châu Đốc và Sa Đéc) để tạ ơn chúa Nguyễn; đồng thời cắt 5 phủ để đền ơn Mạc Thiên Tứ, đó là các phủ: Hương Úc (Kompong-Som), Cần Bột (Kampot), Sài Mạt (Cheal Meas), Chưng Rừm, Linh Quỳnh (tức là vùng duyên hải từ Sré-Ambel đến Peam). Mạc Thiên Tứ dâng hết cả cho chúa Nguyễn. (Năm 1847, vua Thiệu Trị đã trả lại 5 phủ này cho Chân Lạp). Tới đây kể như cuộc Nam tiến đã chấm dứt.

Để kết luận về sức mạnh bành trướng của dân tộc Việt, chúng tôi xin mượn lời của Jules Sion đã viết trong cuốn L’ Asie des Moussons - Géographie Universelle như sau: ‘Cuộc bành trướng của dân Việt là một sự đồng hóa thực sự. Tính chất đó giải thích vì sao người Việt bành trướng chậm nhưng rất chắc chắn. Cao Miên và Lào quốc đánh nhau chỉ đem quân cướp lấy tù binh đem về làm nô lệ, lại có một giai cấp quý tộc thống trị cho nên có cướp được đất cũng dễ mất ngay.

Mục đích của người Việt Nam lại khác. Họ không cần bắt nô lệ, họ làm lấy. Đối với họ thắng trận không phải là để có người làm, mà là để có đất cầy.

Nhiều khi chiến tranh chỉ là để xác nhận tình thế đã rồi. Dân Việt bành trướng một cách ôn hòa, sinh cơ lập nghiệp rồi sau binh lính mới tới. Trước khi Việt Nam sát nhập đất Nam Kỳ về mình, người Việt đã lập ở đấy những tổ chức, những đám di dân đã xây dựng làng xóm hay là tới ở chung với ngườI Miên, rồi lần lần nắm lấy quyền chính.

Cuộc bành trướng thực hành bằng cách đưa đến những đám người liên tiếp, đủ các hạng: dân cầy không có ruộng, tù tội, kẻ chống đối chế độ hay là quân cướp muốn chuộc tội. Cũng có khi chính phủ thu thập những người đó rồi đưa xuống những miền mới chiếm lãnh, hay là lập đồn điền nơi biên thùy để phòng bị lân bang tới đánh. Những đám người ấy có quan lại cai trị và họ lập thành làng mạc.

Cuộc bành trướng của đám bình dân Việt đã là sức mạnh của Việt Nam. Cuộc di dân đã biến hóa đất Nam Kỳ thành một xứ hoàn toàn Việt Nam cũng như đất Bắc Kỳ. Ngay dưới mắt ta trong cảnh thái bình, cuộc bành trướng ấy vẫn tiếp tục khắp đất Cam Bốt và đất Lào’. (Gs. Nguyễn Đăng Thục trích dịch trong cuốn Quốc Học Việt Nam. Kinh Thi. Trang 93-94).

Huyền sử, sử Tầu, sử Việt và cả những cuộc nghiên cứu thực địa đều chứng minh rõ ràng biên cương Việt tộc xưa ở mãi vùng Động Đình Hồ, phía Nam sông Dương Tử, tức là bao gồm khắp Hoa Nam. Mãi tới năm 221 Trước Tây lịch, Tần Thủy Hoàng mới thống nhất nước Tầu, song địa bàn còn thuộc phạm vi Hoa Bắc mà thôi. Năm 214 trước Tây lịch, Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư đánh Bách Việt, An Dương Vương thần phục. Nhà Tần chia vùng đất mới chiếm thành 3 quận: Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (Quảng Tây) và Tượng Quận (Bắc Việt). Năm 111 trước Tây lịch, nhà Hán sai Lộ Bác Đức đánh nước Nam Việt (của Triệu Đà), cải thành Giao Chỉ Bộ, chia ra 9 quận, trong số đó, các quận Giao chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam là đất Bắc và Bắc Trung Việt ngày nay; sau đó cử quan thái thú tới thiết lập nền đô hộ. Cuộc đô hộ này dài một ngàn năm. Đến năm 938, Ngô Quyền oanh liệt chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bặch Đằng, đưa dân tộc thoát ách đô hộ, lập ra kỉ nguyên mới, kỉ nguyên độc lập, tự chủ.

Việt tộc tuy đã bị sức mạnh bành trướng Hoa Hán lấn chiếm về đất đai, song vẫn duy trì được bản sắc Việt, không bị đồng hóa. Tới khi được độc lập, tự chủ, để tự tồn, thì chính Việt tộc lại cũng bành trướng về phương Nam. Việt tộc vừa là nạn nhân của chính sách bành trướng vừa là kẻ tích cực thi hành chính sách đó. Có lẽ lịch sử loài người là như thế. Xưa nay khắp nơi vẫn diễn ra cảnh cá lớn nuốt cá bé theo ‘luật rừng xanh’. Ngay cho tới hôm nay, dù thế giới đã thành lập được Liên Hiệp Quốc với Hiến Chương Liên Hiệp Quốc thì tình hình chỉ giảm bớt, hoặc ẩn núp dưới những dạng ăn hiếp, dạng xâm lăng tinh vi hơn mà thôi. Nói cách khác, luật pháp tựa như cái màng nhện, chỉ có thể bắt được những con ruồi, con muỗi mà không có thể bắt được con dơi dơi.

Với tình người chúng ta có thể xúc động đọc những câu thơ Điêu Tàn:

Đây, những tháp gầy mòn vì mong đợi,

Những đền xưa đổ nát dưới thời gian,

Những sông vắng lê mình trong bóng tối,

Những tượng Chàm lở lói rỉ ran than.

Đây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn,

Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi...(Chế Lan Viên)

Đó là chuyện tình cảm riêng tư, nó sẽ rất khác khi bước sang lãnh vực quốc gia đại sự. Bởi vì con người đối đãi với nhau dựa trên tình người, song quan hệ giữa các quốc gia chỉ căn cứ trên quyền lợi mà thôi. Người ta thường nói đạo đức của đạo đức thì khác với đạo đức của chính trị là như thế.

(còn tiếp)

Tham khảo:

- Khâm Định Việt Sử. Quốc Sử Quán.

- Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Văn Hóa Thông Tin, 1999.

- Nguyễn Đăng Thục. Quốc Học Việt Nam. Kinh Thi.

- Phạm Văn Sơn. Việt Sử Toàn Thư.

- Vũ Huy Chân. Lòng Quê, 1973.

- Vương Hồng Sển. Saigon Năm Xưa. Sống Mới. (Vương tiên sinh nói là đã dùng tài theo quyển Nguyễn Cư Trinh và quyển Sãi Vãi của Lê Ngọc Trụ và Phạm Văn Luật).

- Bình Nguyên Lộc. Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam. Bách Lộc, 1971.

- Vũ Tài Lục. Những Quy Luật Chính Trị Trong Sử Việt. Việt Chiến xuất bản.

- Nguyễn Đình Đầu. Lược Sử Thành Phố Sài Gòn Từ Thế Kỷ XVII Đến Khi Pháp Xâm Chiếm (1859). Địa Chí Văn Hóa Tp. HCM. Tập I: Lịch Sử.

- Trương Thái Du. Thử Viết Lại Cổ Sử Việt Nam. Báo Người Việt.

- Hồ Trung Tú. Nam Tiến Ở Vùng Quảng Nam. Báo Hương Việt Hóa