ĐỨC ĐẠT-LAI-LẠT-MA NÓI CHUYỆN VỀ CHÚA GIÊSU

LỜI DỊCH GIẢ

Từ đầu thu 1994 - tính đến nay hơn một thập niên - Đức Đạt-Lai-Lạt Ma đã được Cộng Đồng Chiêm Niệm Kitô Giáo Thế Giới mời chủ tọa cuộc thảo luận hằng năm được tổ chức ở Luân Đôn với đề tài “ĐỨC TỪ TÂM” (The Good Heart), xoay chung quanh những tiết mục được trích dẫn từ tám đoạn Phúc Âm.

Những lời bình giải của Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma cũng như những điều trao đổi giữa ngài với các tham dự viên đã trở nên mẫu mực cho những cuộc đối thoại liên tôn - đặc biệt giữa hai tôn giáo lớn là Kitô giáo và Phật giáo.

Trong những năm gần đây, có những cuộc trao đổi trực tiếp hay gián tiếp giữa những cá nhân hay tập thể của những tín đồ thuộc hai tôn giáo đó, nhưng thường khi trở nên gay gắt và còn mang tính cách miệt thị nhau nữa. Điều đó hoàn toàn đi ra ngoài cương lĩnh của đạo giáo.

Ước mong những tâm tư phát biểu đầy khoan dung và tương kính của Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma - một vị cao tăng mà các Phật tử xung tụng là Thánh Tăng và được thế giới kính trọng - sẽ có một âm hưởng lớn lao trong tâm thức tín đồ của hai tôn giáo lớn đó, mỗi khi họ muốn dấn thân trên hành trình đối thoại.

Chúng tôi dựa trên bản tiếng Pháp “Le Dalai-Lama parle de Jésus” dịch từ bản tiếng Anh “The Good Heart” của Cộng Đồng Chiêm niệm Kitô Giáo Thế giới (The World Community of Christian Meditation) để lược dịch ra tiếng Việt dưới nhan đề “ĐỨC ĐẠT-LAI-LẠT-MA NÓI CHUYỆN VỀ CHÚA GIÊSU”.

Tám đoạn Phúc Âm trích dẫn ở đây được lấy từ cuốn “Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước” do Tòa Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận SÀIGÒN Việt-Nam thực hiện năm 1998.

Chúng tôi xin chân thành cám ơn Giáo Sư Như Hạnh - giáo sư môn Phật học Đại Học Harvard ở Boston Hoa-Kỳ - đã giúp chuyển dịch hầu hết những từ Phật học bằng Phạn ngữ ra Việt ngữ.

Chúng tôi cũng xin hết lòng cám ơn một bạn đạo Phật tử ẩn danh - một người hơn nửa đời nghiên cứu và thực hành Phật đạo cũng như thiền định - đã đọc lại bản thảo và bổ túc một số điểm thiếu sót.

Hè 2005 Hương Vĩnh

LỜI GIỚI THIỆU

Một tiếng nói được cất lên. Lời nói của ngài thuộc một truyền thống tâm linh - đó là “Phật Pháp” (Dharma) - do Đức Phật truyền dạy trên hơn hai thiên niên kỷ.

Những tín hữu của Đức Kitô quây quần xung quanh ngài. Họ đã mời ngài đọc và dẫn giải “Tin Mừng”, tức “Phúc Âm của Chúa Giêsu”.

Ở giữa họ đã nảy sinh một cuộc đối thoại và còn hơn thế nữa: đó là một thời điểm ân ban mà sự hợp nhất có tính cách cơ bản của nhân loại được củng cố và gắn chặt, bằng ngôn từ cũng như bằng thinh lặng.

Không có vấn đề tẩy xóa hay che lấp những dị biệt, trái lại được làm sáng tỏ, vì họ biết rằng, qua những dị biệt đó, những điểm hội tụ mới, tức những điểm bổ sung bắt đầu ló rạng.

Con bò vẫn là con bò và con cừu phải giữ cái đầu cừu”, như một câu châm ngôn của Tây Tạng mà Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã nhắc nhở. Nhưng muốn phong phú hóa sự khác biệt, truy tầm sự nhất tính ở giữa cái đa dạng, phác họa một “kỷ nguyên Tinh Thần” xa hẳn những nơi công cộng, óc bè phái hay sự kiểu cách, cùng chung vạch ra những lối mòn xa xưa trên hành trình truy nội, đồng thời không khước từ thế giới tân kỳ, thế giới hiện thực, phải chăng đó chỉ là sự điên rồ? Có thể như thế.

Nhưng phép lạ đã bắt đầu hình thành, phép lạ của sự giản dị và tính trung thực lướt thắng mọi trở ngại, dù có người quan tâm hay có người do dự. Sản phẩm của phép lạ đó chứng tỏ cho chúng ta thấy sự hiện hữu của tính cách tương phản tuyệt đối giữa những người bảo thủ nguyên vẹn và những người mới cải đạo; một xứ sở mà sự tổng quát hóa không muốn biến thành đồng nhất và những căn tính cho dù bị đe dọa trầm trọng đến đâu vẫn không chấp nhận việc dùng bạo lực như là một phương cách để được sinh tồn.

Đề tài nầy nhắm trước tiên vào những Kitô hữu và những Phật tử. Tinh thần cuộc gặp gỡ ở Assissi kể từ năm 1986 đã đưa ra một mẫu mực và đây là phương thức áp dụng.

Nói rõ ràng hơn: sau hai mươi thế kỷ giao hảo tồi tệ khiến chúng ta nhớ lại những điều sai trái và hiểu lầm đối với Phật giáo đã thắng thế từ Rubrouck cho đến thời gian rất gần đây thôi. Người ta sẽ đình chỉ mọi phán đoán tiên thiên, mọi định kiến sẵn có để đọc chung một văn bản nòng cốt là “Phúc Âm”.

Người ta không để ý mấy đến sử tính của các sứ giả cho bằng hoàn toàn chú tâm đến sứ điệp. Không phải không lợi ích để truy tầm trong lịch sử những tàn tích và dư âm mà những ngôn từ của “Như Lai” (Tathagata) đã khơi dậy trên miền đất Palestine nơi Chúa Giêsu sinh ra sau nầy và nói một cách tổng quát hơn ở vùng Địa-Trung-Hải thuộc Hy-Lạp và La-Mã.



Những người trẻ tuổi chuyên nghiên cứu lịch sử hay triết học đang bắt tay vào việc. Đó cũng là một việc làm cấp bách khác. Cũng hơi giống dụ ngôn Đức Phật đã dùng, khi đề cập đến một người bị trúng mũi tên ngả lăn ra. Chúng ta sẽ truy tầm danh tánh người xạ thủ? Danh tánh người sản xuất cung tên? Phẩm chất gỗ làm thành mũi tên? Không phải đâu. Chúng ta phải tức tốc kiếm tìm môn thuốc chữa trị vết thương người bị trúng tên.

Chính đó là điều mà chúng ta có thể nói rằng Kitô hữu và Phật tử gặp gỡ nhau.

Ở giữa Đấng Cứu Thế đã đến làm vơi đi gánh nặng của nhân loại bằng cách tha thứ mọi tội lỗi của kiếp nhân sinh và Đấng Đại Giác huấn dụ “Tứ Diệu Đế” và “Bát Chánh Đạo” để giúp thoát khỏi vòng khổ đau, ít nhất người ta đã nhận ra một cộng đồng hảo ý nào đó.

Rõ ràng hơn khi Chúa Giêsu, một người có năng lực phi thường, làm cho kẻ tê liệt chổi dậy hay chữa lành người phong hủi, ngài chẳng nói với họ “hãy về đi, mọi tội lỗi của bạn đã được tha thứ” sao?

Nói cách khác: Nầy đây bạn được tái trang bị thần trí tuyệt đối thuần khiết từ khởi thủy, xác thân bạn làm chứng điều đó. Niềm tin ở sự thuần khiết và tự do khởi thủy đó của thần trí là nền tảng của mọi thiền quán Phật giáo. Nhiều Kitô hữu chia sẻ điều đó.

Cha Thomas Merton - một ẩn sĩ - đã quả quyết: “Ở trong nội tâm con người chúng ta có một nơi chỉ toàn ánh sáng thuần khiết, một nơi mà tội lỗi hay sự hư ảo không thể lui tới được.”

Độc giả chắc chắn sẽ nhận thấy một cách khẩn khoản rằng Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma và các người đối thoại đã chú tâm so sánh một lần nữa nhưng không lẫn lộn, “tia sáng thần linh” đó đang ngự trị trong mỗi sinh vật, ít nhất là đối với những ai quả quyết mình là con cái của một Thượng Đế Sáng Tạo; và “tia sáng tỉnh thức” đó - tức“giác tánh” (bodhi) đối với các Phật tử - đều hiện diện nơi mọi sinh vật.

Bởi đó, nếu chúng ta phải đồng hành trong việc truy tầm Thần Linh, như chúng ta đã biết, việc đọc các văn bản cũng như các chú giải không mang lại một giải đáp trọn vẹn.

Ấn tín của thần linh ở trong nội tâm thầm kín và sâu thẳm của mỗi cá nhân. Chỉ có thể đạt tới đó bằng “chiêm niệm” mà thôi.

Rõ ràng Đức Phật Thích Ca cũng như Chúa Kitô, không ai viết lách gì hết; họ trao lại cho các đệ tử trọng trách truyền đạt cho hậu thế sứ điệp như họ đã nhận lãnh. Do đó đến lượt chúng ta, chúng ta phải truy tầm sứ điệp ở nơi chúng ta: ở bên trong lẫn bên ngoài văn bản.

Giới hạn đối với “Thần Ngôn” (Logos), cho dù có tính cách thần học, mà Kitô hữu chấp nhận sự hiện hữu - bởi vì “Ngôi Lời” đã mặc lấy xác thịt - điều mà người ta gọi là huyền bí, xem ra là một trong những bài học trọng đại của cuộc hội ngộ nầy. Khả năng đánh thức “cái gì đó bên kia ngôn từ” hiển nhiên là một thành phần trong toàn bộ rạng rỡ linh thiêng mà các minh sư đã đạt thành.

Với rất nhiều khiêm tốn, Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma quả quyết ngài học hỏi rất ít nên không thông hiểu Kitô giáo bao nhiêu, cho dù ngài đã gặp gỡ các Kitô hữu nhiều lần trong thập niên trở lại đây. Tuy nhiên người ta thấy ngài đi thẳng vào luận lý của Phúc Âm mà không chút ngại ngùng giả tạo, như thể ngài rất thân quen với những lời nói của Chúa Giêsu và ngôn ngữ của những dụ ngôn đối với ngài không có gì bí hiểm cả.

Sự dễ dàng đó đánh động thính giả hiện diện một cách mãnh liệt và thật ra đã báo trước rõ rệt ý hướng chung nhằm thúc đẩy những người muốn thực hành một linh đạo chân chính đích thực. Sự tha giác rõ ràng mang lại ở đây điều mà thần ngôn gợi lại trên kia đôi khi có thể bị quên lãng trong bóng tối.

Đối với tôi là người không tham gia cuộc hội thảo nhưng khi nhớ lại đã trải qua nhiều giờ để nghe vị minh sư Tây-Tạng đó thì tài liệu nầy là một sự hứng khởi thích thú trong sinh hoạt tâm linh. Chiêm niệm là hành động và hành động đôi khi chính là chiêm niệm. Chưa bao giờ điều đó xem ra minh bạch hơn như ở đây. Cũng như xuất thế đôi khi là con đường nhanh nhất và cần thiết nhất để nhập thế, với đầy đủ ý nghĩa, quân bình và thú vị.

Ý kiến đi hành hương chung ở những nơi nổi tiếng, cũng là một ý kiến hoàn toàn hứng khởi, chỉ có thể đến từ một người con của xứ du mục là Tây-Tạng mà những người đi hành hương đôi khi gập trán xuống đất sau mỗi bước đi.

Vùng đất của Thần Linh tự do đó ngày nay đã bị héo úa, chiếm đoạt và bị ngột ngạt bởi những “chiến dịch cải tạo” điều khiển bởi những ủy viên Trung Cộng không dung tha sự tự do lương tâm cũng như niềm xác tín vào căn tính Tây-Tạng.

Nước Tây-Tạng đó với dân cư Tây-Tạng cần sự ủng hộ của chúng ta, Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã nhắc nhỡ một cách kín đáo. Ngài còn nói thêm, giá trị tinh thần của ngài nếu tồn tại qua bao hăm dọa thử thách thì sẽ hữu ích không những cho người Tây-Tạng mà thôi “mà còn đóng góp lớn lao cho sự an sinh của dân tộc Trung-Hoa nữa”. “Hãy yêu kẻ thù anh em, hãy cầu nguyện cho những ai bạc đãi và bắt bớ anh em”, Chúa Kitô đã nói như thế (Mat-Thêu 5, 43-48).

Bên kia sự thực tập đượm tính cách ngoạn mục và thời trang mà ngài cống hiến, chính chúng ta phải đóng góp một cách vui say và yêu đời vào việc thực hành trong cuộc sống chúng ta những điều mà tài liệu nầy sẽ cống hiến.

Phỏng theo Jean-Paul RIBES

Chủ tịch Ủy-Ban yểm trợ Tây-Tạng tại Pháp

LỜI NÓI ĐẦU

Điểm nổi bật nơi Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma thứ mười bốn - ngài Tenzin Gyatso - đó là ngoài những giờ thiền định, hình như ngài không thể nào ngồi yên, lúc nào cũng động đậy. Phát biểu ở trong giảng đường Đại Học Middlesex ở Luân Đôn vào tháng chín năm 1994, trước một cử tọa khoảng ba trăm năm mươi Kitô hữu với một nhóm nhỏ Phật tử, thân mình và diện mạo ngài chính là biểu tượng cho học thuyết nhà Phật về sự sinh động trường tồn.

Không những ngài bày tỏ sự chú ý bằng những cử chỉ chống tay, những nụ cười hàm tiếu, những cử động chân mày và những trận cười ròn rã, nhưng thường xuyên ngài hay gập lại hay giũ những đầu tay áo màu hạt dẻ, cầm tay những khách khứa ngồi trên bục cạnh ngài, ra hiệu cho bạn bè ngồi trong phòng hội hay lần giở những tờ chương trình trong khi người thông dịch của ngài tóm lượt một đề tài khá dài.

Lý do buổi hội ngộ có tính cách lịch sử, nếu người ta không muốn nói quá đáng, đó là “Cuộc Hội Thảo của John Main”, một cuộc hội thảo thường niên do “Cộng Đồng Chiêm Niệm Kitô Giáo Thế Giới” tổ chức. Cha John Main là tu sĩ Biển Đức người Ái-Nhĩ-Lan, quảng bá đường lối chiêm niệm theo truyền thống John Cassian và các Cha tu rừng và ngài đã sáng lập những trung tâm chiêm niệm Kitô giáo trên toàn thế giới.

Mỗi năm từng trăm người thực hành đường lối chiêm niệm đó, xuất phát gần như hầu hết các lục địa - phần lớn gồm tín hữu Công giáo và Anh giáo, nhưng không loại trừ tín đồ các tôn giáo khác - cùng nhau hội họp và tham dự những cuộc thuyết trình về một số vấn đề như đạo đức học, đời sống tâm linh, thánh kinh, đối thoại giữa các tôn giáo và cầu nguyện.

Nhiều nhân vật tên tuổi điều khiển các buổi gặp gỡ đó mà trong những năm vừa qua gồm có: Charles Taylor, một triết gia người Gia-Nã-Đại; Bede Griffiths, tu sĩ Biển Đức người Anh và sáng lập viên một thiền viện ở Ấn-Độ; và John Vanier, sáng lập viên cơ sở “Arch”, một tập hợp những cộng đồng Kitô hữu chia sẻ đời sống những người khuyết tật.

Lần đầu tiên Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma được mời tới dẫn giải Phúc Âm ở giữa đại chúng, do sáng kiến của Dom Laurence Freeman, tu sĩ Biển Đức, tốt nghiệp đại học Oxfort về văn chương và là tu sĩ tu viện Biển Đức Olive ở Cockfosters Luân Đôn. Cha Laurence Freeman là thuyết trình viên sống động và nổi bật nhất của Cộng Đồng kể từ khi cha John Main qua đời năm 1983.

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã tiếp nhận trước tám đoạn Thánh kinh Kitô giáo trong đó có “Bài Giảng Trên Núi” (Mat-Thêu đoạn 5), “Dụ Ngôn Hạt Cải về Nước Trời” (Mác-Cô đoạn 4), “Sự Hiển Dung hay Biến Hình” (Lu-Ca đoạn 9) và “Sự Phục Sinh” (Gioan đoạn 20). Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma được hoàn toàn tự do dẫn giải.

Người ta chỉ lưu ý ngài là cử tọa gồm những Kitô hữu (Công giáo, Anh giáo và Tin Lành), phần đông thuộc cộng đồng nói tiếng Anh, xuất phát từ mọi lục địa và hầu hết - chỉ trừ vài ngoại lệ - hằng ngày thực hành đường lối chiêm niệm trong thinh lặng.

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma không những là một giáo chủ mà còn là một quốc trưởng, nhiều người khát khao được nghe ngài giảng, đã lo ngại Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma sẽ bị báo giới và các cộng sự viên vây quanh và ngài không thể trao đổi một cách hoàn toàn tự nhiên bằng trí óc cũng như con tim. Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã nhanh chóng đánh tan nỗi lo ngại đó và hơn thế nữa, với một sự thoải mái rất đáng kinh ngạc.

Mỗi buổi mai từ sáng sớm, trước khi dùng điểm tâm và tra tay vào chương trình trĩu nặng trong ngày, ngài đã cùng với chư tăng tiến vào phòng hội mờ ảo và, cùng với các Kitô hữu hiện diện, ngài đã ngồi xuống trong một trạng thái bất động tuyệt vời và thiền định trong vòng nửa tiếng. Trong thinh lặng, chỉ thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi một tiếng sột soạt hay một cơn ho, nỗi ưu tư đã nhường chỗ cho một mối liên hệ tín nhiệm lẫn nhau và tiếp nhận những gì sẽ được chia sẻ.

Sau cùng, ngài cúi đầu nhẵn bóng trên bản văn, theo dõi từng chữ bằng ngón tay và theo cung cách các giáo sĩ Do-Thái giáo, ngài đọc lớn tiếng: “Phúc cho ai hiền lành…Phúc cho những tâm hồn trong sạch…Phúc cho những người bị bách hại vì sự công chính…” Cử tọa rất đỗi cảm xúc, hầu như bị giao động bởi uy dũng của những giòng chữ tuy quen thuộc nhưng được nắn nót và hòa điệu theo cung giọng người Tây Tạng cùng với niềm xúc cảm của một Phật tử.

Ý thức về những sự tàn phá ghê gớm được điều hợp bởi phía Trung Cộng trên nền văn hóa và dân tộc Tây Tạng cùng những nỗi tân khổ của chính bản thân Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma vừa tị nạn vừa bị lưu đày biệt xứ, người ta không thể không nhận ra những âm ba xé lòng của bài đọc đó.

Cho dẫu tình trạng chính trị trầm trọng đến đâu, ba ngày gặp gỡ đó đã trổi vượt xét trên bình diện lịch sử. Tất cả chúng tôi đã đến để nghe một bậc thầy tu đức và chúng tôi đã được sống một biến cố tâm linh sâu sắc, dĩ nhiên đi vào sử sách, nhưng với một tầm mức rộng lớn hơn. Khung cảnh bao trùm buổi gặp gỡ của cuộc hội thảo cũng khá uyển chuyển để có được một bầu khí đơn giản và thoải mái.

Những buổi hội thảo bắt đầu bằng thời gian chiêm niệm, kế đó Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đọc một đoạn Thánh kinh bằng tiếng Anh và dẫn giải. Tiếp theo là cuộc thảo luận với các tham dự viên và buổi hội thảo chấm dứt bằng những bài tụng niệm. Sau bữa ăn trưa, một buổi hội thảo khác lại tiếp diễn cũng theo một lịch trình tương tự.

Sự mô tả đó không chú tâm đến trạng thái tinh thần và không khí thực sự của những cuộc thảo luận. Giữa những bài đọc và phần dẫn giải, Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã điềm tọa trước một bàn dài thấp thấp, ở giữa hai nhân vật khác.

Ở bên tả ngài, trong chiếc áo màu trắng dòng Biển Đức, cha Laurence Freeman khi thì ghi chép, khi thì gật đầu, mỉm cười hay liếc mắt thăm dò - bày tỏ một cách không ý thức những phản ứng của những người ngồi trong phòng hội.

Ở bên phải ngài là thầy Geshe Thupten Jinpa, một vị tăng trẻ mảnh khảnh người Tây Tạng, trong bộ áo nâu sồng, lo phần chuyển dịch. Trầm tĩnh, tập trung tinh thần, chăm chú và hoàn toàn thư thái, thầy dịch tiếng Tây Tạng ra tiếng Anh gần như cùng một lúc một cách lưu loát. Sự khéo xử và khiêm nhu của vị tăng trẻ nhằm phục vụ thầy mình mà không chút gì có tích cách nô bộc, đã trở nên cho mọi người mẫu mực bất biến về sự chú tâm gần như tuyệt hảo và một phẩm cách chỉ muốn lu mờ.

Do cách tổ chức đó và cũng có thể vì tư cách và đường lối diễn đạt của Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma, cuộc độc thoại trong thực tế đã biến thành đối thoại và thường khi đã trở thành một cuộc đàm thoại tay ba.

Cả Dom Laurence lẫn Jinpa không cắt đứt lời nói của ngài, nhưng họ đã được Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma xen vào một cách tự nhiên khi ngài cảm thấy hứng thú: ngài đưa mắt qua lại từ người nầy đến người kia, thăm dò một phản ứng, sửa chữa một câu nói, nhướng mắt lên dò xét hay làm thư giản không khí phòng hội bằng một nụ cười.

Giữa những cuộc hội thảo, hai tham dự viên được mời lên trên bục gỗ để đặt câu hỏi, cuộc nói chuyện với bố cục rất chặt chẽ đã bung ra thành những mảnh vụn, rời rạc nhưng liên đới, về tư tưởng, ngôn ngữ, giọng nói, tuổi tác, phái tính, tánh tình và tín ngưỡng tôn giáo; tuy nhiên cuộc trao đổi không bao giờ hỗn độn.

Với tư cách là một người biệt xứ và một bậc thầy Phật học, Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma không ưu tư đến những thay đổi thất thường; ngài có thể làm dịu tình trạng bị kích động khi lạt mất trong những luồng tư tưởng rời rạc và xa lạ của người Tây phương. Cũng như tất cả những bậc đại minh sư khác, ngài cũng có biệt tài rút tỉa từ cuộc trao đổi một ý tưởng hay đẹp phảng phất bên trong mà không ai nhận ra.

Người ta bảo Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma là một con người đơn giản. Cho dù lời nói đó chỉ là một lời khen tặng, thật khó mà không thể phán đoán thái độ có tính cách hơi hạ mình của người Tây phương đối với những tôn giáo và nền văn hóa Đông phương, chỉ xem đó là những truyền thống ngoại lai và sơ đẳng đứng trên bình diện triết học.

Chỉ khi nào Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma tỏ ra bộc trực, nồng nhiệt và thân tình, người ta mới có thể nói ngài là một con người “đơn giản”. Nhưng đối với những điều gì còn lại, đó là một con người tế nhị, sâu sắc, đa diện, có trí thông minh tuyệt vời và một sự hiểu biết ít người sánh kịp.

Nhờ ngài, ba đặc tính đã làm nổi bật một bài thuyết giảng có tính cách đạo giáo. Những đặc tính đó ngày nay rất hiếm hoi trong những buổi họp mặt các Kitô hữu cho đến đỗi cử tọa đã đón nhận với sự thỏa thích và tri ân: đó là sự dịu dàng, trong sáng và cười tươi. Nếu có một chút gì đặc tính “dòng Biển Đức” nơi ngài, người ta cũng nhận ra đặc tính “dòng Phan-xi-cô” và một chút “dòng Tên” nữa.

Ngay từ đầu, ngài đã làm cho cử tọa cảm thấy thoải mái khi tuyên bố một cách trầm tĩnh và dịu dàng rằng ngài không có mảy may dụng ý nhằm “gieo rắc sự ngờ vực” trong tâm thức các Kitô hữu về đức tin của họ. Luôn luôn ngài khuyên bảo họ hãy đào sâu kiến thức và thấu triệt giá trị những truyền thống riêng tư, bằng cách nhấn mạnh rằng những cảm quan nhân sinh và những nền văn hóa quá khác biệt nhau đến đỗi khó có thể biện minh cho một “con đường duy nhất” đưa đến Chân Lý.

Một cách dịu dàng nhưng cũng kiên trì và cương quyết, ngài đã bác khước những gợi ý theo đó Phật giáo và Kitô giáo là những ngôn ngữ khác nhau đề cập đến những niềm tin chủ yếu giống nhau. Về nền đạo đức học và tầm quan trọng liên quan đến lòng mẫn cảm, tình huynh đệ và sự tha thứ, ngài công nhận có những điểm tương đồng.

Nhưng trong tầm mức mà theo đó Phật giáo không công nhận một Thượng Đế Sáng Tạo cũng như một Đấng Cứu Thế có Bản Vị thì tham vọng nối kết “Phật giáo và Kitô giáo” lại với nhau chỉ là việc muốn “ghép đầu bò trên thân con cừu”.

Trong những buổi hội thảo lâu dài mà ngài đã dùng nhiều giờ để đọc và dẫn giải những văn bản có tính cách khúc chiết về thần học cùng trả lời những câu hỏi tế nhị, Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma luôn giữ sự trong sáng của trí tuệ một cách đáng ngạc nhiên.

Có một lúc, ngài trình bày những thựïc hành chiêm niệm về Phật giáo Đại Thừa như là những kỹ luật nhằm duy trì sự tập trung giác thức, chứ không phải một ý thức bị “phân tán” hay “suy sụp” trong đờ đẫn.

Một trong những hình thức tỏ lòng kính trọng đối với cử tọa là ngài chú ý đến họ. Hiếm khi một nhân vật, cho dù thuộc về tôn giáo, khi nầy hay khi khác, không dùng tới những câu trả lời “có sẵn”. Chắc chắc Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma cũng không ra ngoài thông lệ đó, nhưng rõ ràng sự hiện diện của ngài trong mỗi khoảnh khắc đối với Phúc âm cũng như hội chúng, vừa bằng con tim và lý trí, là một sự chuyên cần về cường độ mà ít người có thể có được.

Về câu hỏi có những sự thực hành tương đồng nào để có thể nối kết những tín hữu tuyên xưng những niềm tin khác nhau nhưng không pha lẫn những con bò và con cừu, ngài đã khuyên bảo họ nên “học hỏi, chiêm niệm và đi hành hương”. Ngài cho biết đã đi tới Lộ Đức và tìm thấy ở đó một sự chiếu tỏa linh thánh cho đến đỗi ngài đã sụp xuống cầu nguyện “hết mọi thánh nhân” để các ngài có thể duy trì quyền năng chữa bệnh ở nơi đó.

Khi ngài nói những lời nầy, hội trường đã nín thở vì kinh ngạc thích thú trước cử chỉ tôn kính vừa có tính cách đơn thuần vừa tuyệt đối trung thành theo truyền thống Phật giáo mà từ đó ngài đã xuất phát.

Khi suy tư về sự “Hiển Dung hay Biến Hình”, ngài đã trình bày một cách khoa học quan niệm Phật giáo về những phép lạ và những biểu lộ linh thiêng. Không một chút giáo điều hoặc với lòng mộ đạo thuộc loại tình cảm, ngài đề cao một truyền thống xa xưa đã từ lâu biết thích ứng những chứng nghiệm vượt quá giới hạn thông thường cửa lý trí và luật tự nhiên theo một phương thức tâm lý và kỷ luật tự giác thuần lý cao độ.

Ngài đã khiêm tốn phủ nhận là ngài có những chứng nghiệm đó, nhưng ngài không thấy có lý do gì để bác khước tính cách xác thực của chúng. Với những lời nầy, nhiều thế kỷ tranh cải giữa Kitô hữu về các phép lạ cũng như những giải thích khác nhau xem ra hoàn toàn điên rồ.

Khi ngài dẫn giải cuộc gặp gỡ giữa chị Maria Ma-Đa-Lê-Na và Chúa Giêsu trong câu chuyện Phục Sinh do Thánh Gioan kể lại đã khiến nhiều người ứa lệ. Khó mà nói chính xác tại sao.

Một số người có cảm tưởng như nghe những lời đó lần đầu tiên, dường như sự dịu dàng, sự huyền bí và vẻ đẹp của những chữ đó đã bị lãng quên vì quá quen thuộc, nay được phục hồi sức sống, chẳng khác nào một tặng phẩm được mang đến từ một sứ giả mà người ta không bao giờ trông đợi.

Khi phải đương đầu với sự nghịch lý có tính cách triết học hay tôn giáo hoặc điều gì khó diễn tả, người Tây phương trở nên nghiêm nghị. Các Phật tử hiển nhiên có nhiều cách phản ứng khác nhau và cách gây hào hứng cho buổi hội thảo đó là tiếng cười.

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma thích trào lộng về các tăng sĩ, những con bò, về sự luân hồi và thị kiến, nhưng thường khi một cử chỉ, một sự phát biểu hay một sự ngừng nghỉ trong tiến trình thảo luận - bình thường không thoát khỏi sự gò bó - đã phát xuất nơi ngài những tràng cười dễ lây.

Vào cuối ngày hội thảo, khi mọi người bắt đầu cảm thấy thấm mệt vì biết bao xúc động cô đọng lại, vị thông ngôn tuyệt vời của ngài là Jinpa, một tăng sĩ trẻ tuổi đã giữ một vẻ trầm tĩnh xuất chúng suốt những ngày đó đã phá lên cười không thể kềm chế được khiến rung động từ đầu đến chân, khi thầy ra sức dịch một giai thoại mà Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma kể lại.

Để trả lời cho một tham dự viên nhận xét rằng nhiều người không thể chiêm niệm được vì không có thời giờ, Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma kể câu chuyện một tăng sĩ hứa hẹn với đệ tử là sẽ đem cậu đi “picnic” nhưng thầy không bao giờ có thời giờ rảnh rỗi để giữ trọn lời hứa.

Ngày kia, hai thầy trò thấy một đoàn người đi theo sau cỗ quan tài, vị tăng sĩ hỏi đệ tử: ‘Người đó đi đâu vậy?” Thông dịch viên và cử tọa phải chờ đợi những năm phút, sau đó Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma thứ mười bốn mới nói tiếp câu trả lời: đó là “đi picnic”.

Đối với nhiều Kitô hữu, một buổi hội thảo đại kết hay một Thánh Lễ không phải là một buổi “picnic” (tức du ngoạn). Nhưng dĩ nhiên ngày lễ hội cũng thuộc về thực tế và những đặc trưng Kitô giáo cũng như những tôn giáo khác. Về phương diện đó, nghe Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma diễn giải Phúc Âm là một ngày lễ hội thật sự.

Mỗi người cảm thấy bị đánh động và ngạc nhiên thấy “người khách lạ” đã cảm động mình đến mức độ nào. Một kẻ bị lưu đày và không có chút quyền uy nào trên Kitô hữu ngoại trừ quyền uy được lãnh nhận từ Đức Thánh Linh, đã có thể bày tỏ cho mọi người thuộc mọi đạo giáo những sự phong phú của chính bàn tiệc của họ.

Phỏng theo Robert KIELY

Thành viên dòng Ba Biển Đức và Chủ tịch Ban Giám Đốc World Community for Christian Meditation


(CÒN TIẾP)