Trên trang mạng http://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1165:ch-nht-l-thng-thienc&catid=25:loichuamoingay&Itemid=28, cũng như trên trang mạng của Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, https://catechesis.net/chua-nhat-vii-phuc-sinh-nam-c-chua-thang-thien/, Cha Ant. Đinh Minh Tiên đã sửa lại đoạn gây bối rối cho anh em chúng tôi trong bài giảng mới đây của ngài về Lễ Thăng Thiêng năm nay.

Xin trích đoạn nguyên thuỷ và đoạn đã được Cha Tiên sửa lại và phần chú thích của ngài:

a. Đoạn nguyên thủy: “Trong ngày lên trời, Chúa Giêsu chính thức từ bỏ thân xác con người (nhân tính), để chỉ còn lại thiên tính và ngự bên hữu Thiên Chúa để cầu bầu cho con người. Nói cách khác, Chúa Giêsu giũ bỏ nhân tính để chỉ còn lại thiên tính; không còn là người mang hai bản tính, nhưng hoàn toàn là Thiên Chúa. Nhưng Chúa Giêsu phải cho các môn đệ một dấu chỉ để biết Ngài trở về với Chúa Cha, và không có dấu chỉ nào giúp các ông dễ nhận hơn theo truyền thống là lên trời”

b. Đoạn đã sửa: “Trong ngày lên trời, Chúa Giêsu chính thức từ bỏ thân xác giới hạn con người (nhân tính), để chỉ hành động theo thiên tính và ngự bên hữu Thiên Chúa để cầu bầu cho con người. Nhưng Chúa Giêsu phải cho các môn đệ một dấu chỉ để biết Ngài trở về với Chúa Cha, và không có dấu chỉ nào giúp các ông dễ nhận hơn theo truyền thống là lên trời. (Xem chú thích bên dưới)”.

c. Chú thích: Trước tiên, tôi xin cám ơn ông Vũ văn An đã viết bài trên VietCatholic để góp ý với tôi và muốn tôi làm sáng tỏ vấn đề. Có nhiều vấn đề liên quan tới đoạn văn trên tôi xin được giải thích vắn gọn như sau:

(1) Khi nói tới nhân tính có nghĩa là những đặc tính của con người như phải chết, phải ăn uống mới sống và nhất là bị giới hạn với thời gian và không gian: không thể đi qua cửa hay tự mình lên trời. Đa số các kiến thức con người có được là do thân xác (mắt, tai, mũi, miệng, tay).

(2) Khi nói tới thiên tính có nghĩa là những đặc tính của Thiên Chúa thì Ngài làm được mọi sự. Ngài luôn sống mà không cần phải ăn uống và nhất là không bị giới hạn bởi thời gian hay không gian. Vì thế, Ngài có thể đi qua cửa và tự mình lên trời. Tất cả các kiến thức của Ngài không cần phải có ngũ quan.

Điều chúng ta cần tập trung ở đây là thân xác phục sinh của Đức Kitô: nó không phải là thân xác con người như chúng ta để phải chịu tất cả các giới hạn của thân xác con người. Nó là một thân xác đã sống lại do quyền năng hay thiên tính của Thiên Chúa, một loại thân xác mà từ nay sẽ không còn bị chi phối bởi đau khổ, bệnh tật hay chết chóc nữa, như thánh Thomas Aquinas cắt nghĩa: “Nơi chốn phải cân xứng với cái gì ở đó. Chúa Kitô, do việc sống lại, đã khởi sự đời sống bất tử và không thể bị tiêu hư; trong khi nơi chỗ con người chúng ta đang ở là nơi chỗ sinh sản và tiêu hư, còn trời là nơi không bị tiêu hư. Vậy việc Chúa Kitô sau khi sống lại còn ở trên trái đất là không thích hợp, song trái lại, Ngài phải lên trời. (ST, III, Q.57, A1)

Việc chúng ta cũng sẽ có được thân xác phục sinh vinh hiển như Chúa Kitô là do công nghiệp của Đức Kitô và ơn thánh của Thiên Chúa. Tôi cũng đã từng được học môn Kitô học và Công Đồng Nicea 325 và quyết định quan trọng của Công Đồng về Đức Kitô mang hai bản tính Thiên Chúa và con người. Những gì bị giới hạn bởi bản tính con người thì Ngài cứu chuộc và làm thăng hoa nó lên bằng bản tính Thiên Chúa và trợ giúp bằng ơn thánh. Vì thế, đừng vội nghĩ ai là lạc giáo.

Việc Chúa Giêsu ăn uống trước mặt các môn đệ cũng do quyền năng Thiên Chúa của Ngài với mục đích để tỏ cho các môn đệ biết là Ngài vẫn sống; chứ thân xác phục sinh không cần phải ăn mới sống. Đừng làm cho giáo dân lầm tưởng là khi con người lên trời rồi họ cũng vẫn cần phải ăn uống mới sống được!

Những bài chia sẻ Lời Chúa đăng trong trang Web này không phải là những bài khảo cứu cần phải có chú thích cách tỉ mỉ; và nhất là nhiều khi không thể cắt nghĩa thần học cách rõ ràng minh bạch vì giới hạn thời gian. Tôi mong ông Vũ văn An và các độc giả thông cảm.

Vậy, để tránh hiểu lầm cho độc giả, tôi xin sửa đoạn văn như trên.

Cám ơn,

Lm. Anthony Đinh minh Tiên, O.P.

(nguồn: http://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1165:ch-nht-l-thng-thienc&catid=25:loichuamoingay&Itemid=28)

Đầu tiên, con xin cám ơn Cha Tiên đã trả lời con. Con còn nhớ, năm 2007, con gửi bài viết đầu tiên cho Vietcatholic, tựa là “Vùng Sâu Vùng Xa” thuật lại một hiện tượng diễn ra tại một giáo xứ vùng sâu vùng xa ở Sóc Trăng, Việt Nam, nhân chuyến con về thăm nơi đó: hai linh mục ở đấy tin và thực hành việc rửa tội cho người đã chết. Các ngài khổ công thu lượm các chuyện xẩy ra, ghi âm mọi lời nói của các người đã chết và việc họ được giải thoát sau khi được rửa tội. Các ngài còn trích dẫn cả 2 Cr 15:29-34 để chứng minh việc làm của mình là đúng Thánh Kinh. Quả tình diện kiến với các ngài, con chẳng dám hó hé chi, nhất là 1 trong hai vị lại là thầy dậy của lớp chúng con ngày còn ở tiểu chủng viện, dù biết đó là việc làm sai với giáo lý, vì chưa nắm được ý nghĩa thực sự của câu 2Cr 15:29-34. Về lại Sydney, con đi tìm tài liệu thì thấy ở Côrintô thế kỷ thứ nhất, một giáo đoàn hết sức phức tạp, một số người quả có thực hành điều này, nhưng không phổ quát, và không hẳn được Thánh Phaolô thừa nhận. Ý nghĩa người chết trong câu trên không hẳn người đã chết cho bằng người sắp chết, hoặc thiếu khôn ngoan, và “được rửa tội” có thể có nghĩa “bị hủy diệt” (xem Mc 10:38; Lc 12:50).

Dù sao, rửa tội như thế trái với giáo lý Công Giáo: số phận người chết chỉ có thể một là thưởng (thiên đàng), hai là phạt (hỏa ngục) ba là chuẩn bị được thưởng (luyện ngục) không thể có tình trạng lang thang để mong được cứu rỗi bằng cách rửa tội. Trong Kitô Giáo chỉ có nhóm Mormon tin và thực hành việc này. Con không cho là các linh mục này bịa ra chuyện lừa người. Tất cả các chi tiết được các ngài thuật lại có thể đúng. Nhưng ma qủy cũng có thể làm được những chuyện lạ để phỉnh gạt ta.

Bài con viết không có phản hồi chi cả. Chính con cũng không biết hai vị linh mục ở vùng sâu vùng xa Sóc Trăng có còn thực hành hay không. Nhưng có một vị linh mục khác, từng giữ chức Tổng Thư Kỳ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, thì vẫn còn tin, ít nhất cho tới mấy năm gần đây, lúc ngài qua Hoa Kỳ, ngài dành khá nhiều giờ để trình bầy về nó và có người đã trình bầy lại nội dung ngài nói dài tới 3, 4 bài báo trên một trang mạng rất đông độc giả. Mấy hôm nay, con được một người bạn xác nhận: vị linh mục này không còn tin như thế nữa.

Nay con lại thấy điều lạ tai khi cha qủa quyết: lúc lên trời, Chúa Giêsu chính thức giũ bỏ nhân tính và chỉ giữ lại thiên tính. Nên đã có bài góp ý trên Vietcatholic với cha, và được cha hồi âm. Cám ơn Cha. Nhưng hồi âm của cha chưa “soi sáng” được gì đối với con.

Điều đầu tiên xin thưa là dường như Cha không có cái nhìn rõ ràng về nhân tính. Sống ở trên đời, làm con người trần thế, ta phải ăn, uống, ngủ nghỉ... thì mới sống được. Nhưng thiển nghĩ đây không hẳn là phẩm tính của nhân tính, mà là phẩm tính của thân xác vật lý, các phẩm tính có chung với các động vật. Thân xác ấy, ít nhất, nơi Chúa Kitô phục sinh, đã biến đổi rồi, không còn chịu các định luật vật lý nữa như Tân Ước đã chứng minh. Nhưng Người vẫn xác nhận Người là người, hiểu theo nghĩa nhân tính, chứ không phải ma. Theo giáo lý thì thân xác phục sinh của chúng ta cũng thế. Không ai ngây thơ hiểu rằng sau khi “xác loài người ta sống lại” mình vẫn cần ăn uống, ngủ nghỉ. Cha yên tâm, không ai nghĩ như thế. Họ chỉ sợ Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người, không hiện diện thực sự trong Phép Thánh Thể thôi. Cho nên khi sửa “Trong ngày lên trời, Chúa Giêsu chính thức từ bỏ thân xác giới hạn con người (nhân tính), để chỉ hành động theo thiên tính”. Cha nên bỏ chỗ ngoặc đơn (nhân tính) và câu “để chỉ hành động theo thiên tính” để tránh sai lầm. Chúa Giêsu không bao giờ giũ bỏ nhân tính của Người cả.

Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, số 665 dạy: Ðức Ki-tô lên trời nghĩa là nhân tính của Người vĩnh viễn đi vào thượng giới của Thiên Chúa (Bản gốc tiếng Pháp: L’ascension du Christ marque l’entrée définitive de l’humanité de Jésus dans le domaine céleste de Dieu”)

Con không dám nói cha lạc giáo. Con chỉ nói: các lạc giáo vẫn thường cho Chúa Giêsu mặc nhân tính như người ta mặc áo để có thể giũ bỏ thôi. Con vẫn nghĩ có thể cha đã dựa vào 1 nguồn nào đó, nhưng đến nay, thì rõ ràng cha không dựa vào nguồn nào cả. Cha có trích dẫn Thánh Tôma, nhưng đoạn trích dẫn ấy không thấy nói gì về việc Chúa Giêsu giũ bỏ nhân tính hết. Dĩ nhiên trong một bài giảng nói, không cần phải trích dẫn dài dòng, nhưng trong một bài viết, thì nên có trích dẫn, ít nhất trong bản nháp, để khi có người thắc mắc như con chẳng hạn thì giúp họ nắm vững điều mình viết cho họ. Phương chi điều cha viết đụng đến tín lý căn bản của Giáo Hội.

Theo con nghĩ, khi viết, chúng ta nên tôn trọng độc giả. Các độc giả giáo dân Việt Nam bây giờ, nhất là ở các nước tạm dung Tây Phương, có vốn giáo lý không khiêm nhường như trước đây đâu. Thiển nghĩ ta nên thận trọng hơn khi viết cho họ. Nói cho cùng, không riêng cha đâu, nhiều cây viết hiện nay, tiện có blog riêng, không ai kiểm soát, muốn viết ra sao thì viết, muốn dịch ra sao thì dịch, sai bét, gây hoang mang cho độc giả. Gần đây nhất, một anh bạn, cũng tuổi 80, hỏi về điều một trang mạng kia dịch các thị kiến riêng của Chân Phúc Emmerich, nói rằng Thánh Gioakim và Anna làm lễ “cắt bì” cho Đức Mẹ. Đức Mẹ làm gì có da qui đầu mà cắt. Thế mà vẫn dịch là “cắt bì” (xem http://memedu.dk/sudiepmemaria/AnneCatherine/cuocdoiMeMaria1.pdf). Xem lại bản Tiếng Anh, thì chỉ thấy nói là “cử hành một ngày lễ [feast]”, có cắt bì gì đâu (xem https://www.ecatholic2000.com/anne/lom36.shtml)!

Tuy nhiên, theo con, sai lầm vẫn là chuyện thường tình của con người, điều quan trọng là biết thừa nhận mình sai và xin lỗi độc giả. Về phương diện này, con thấy Đức Đương Kim Giáo Hoàng nêu gương rất lớn: khiêm nhường nhận lỗi trong vụ Đức Cha Barros ở Chile. Điều này dễ hiểu vì ngài vốn hết lòng cố gắng tận diệt điều ngài gọi là chủ nghĩa giáo sĩ trị.