Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Công bố Tông Hiến Episcopalis Communio của Đức Thánh Cha Phanxicô

Hôm 18 tháng 9, Tòa Thánh đã công bố Tông Hiến Episcopalis Communio của Đức Thánh Cha Phanxicô nhằm mở rộng quyền hạn và thẩm quyền của Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Tông Hiến Episcopalis Communio, gồm 27 điều khoản mở rộng vai trò của Thượng Hội Đồng như là một cơ quan cố vấn và đề nghị rằng các quyết định của Thượng Hội Đồng Giám Mục, sau khi được Đức Thánh Cha phê chuẩn, sẽ trở thành một phần trong huấn quyền của Hội Thánh.

Đức Thánh Cha Phanxicô viết rằng khi đưa ra Tông Hiến này, ngài hy vọng sẽ làm cho Thượng Hội Đồng Giám Mục trở nên “một công cụ đặc quyền hơn bao giờ trong việc lắng nghe dân Chúa”. Ngài viết rằng các Giám Mục nên tham khảo ý kiến của các tín hữu trước khi tham gia vào các cuộc thảo luận tại Thượng Hội Đồng Giám Mục. Như thế, theo Đức Thánh Cha, Thượng Hội Đồng sẽ là “một biểu hiện đặc biệt của việc hiện thực hoá hiệu quả sự quan tâm chăm sóc của hàng giám mục đối với toàn thể Giáo Hội.”

Tông Hiến Epicopalis Communio cũng mở rộng vai trò của vị Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, từ việc chuẩn bị cho các cuộc họp đến việc theo dõi các kết luận của Thượng Hội Đồng. Tài liệu cho biết vị Tổng Thư ký có thể triệu tập các cuộc họp trước các phiên họp của các Giám Mục, và sau khi Thượng Hội Đồng kết thúc Ban Thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục chịu trách nhiệm “thực hiện các quyết nghị của Thượng Hội Đồng Giám Mục.” Do đó, mặc dù Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh vai trò của các giám mục giáo phận trong các cuộc tham vấn tại Thượng Hội Đồng Giám Mục, trong thực tế, tài liệu mới dường như trao quyền lớn hơn cho cơ quan Vatican chịu trách nhiệm tổ chức Hội đồng.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường kêu gọi một sự quản trị Giáo Hội phổ quát mang tính “thượng hội đồng” lớn hơn, cũng nhấn mạnh thẩm quyền của Thượng Hội Đồng khi đề cập đến các vấn đề tín lý. Ngài viết: “Nếu được vị Giáo Hoàng Rôma chuẩn y một cách rõ ràng, tài liệu cuối cùng [của một Thượng Hội Đồng Giám Mục] sẽ được kể vào số các Hấn Quyền thông thường của Người kế vị Thánh Phêrô.”

Nhiều quan sát viên tỏ ý lo ngại rằng Tông Hiến Episcopalis Communio mang một số dấu hiệu vội vàng vì chỉ được công bố một vài tuần trước khi Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên được khai mạc tại Rôma để thảo luận về tuổi trẻ và ơn gọi. Tài liệu này cũng chỉ mới được công bố chỉ bằng tiếng Ý. Các bản dịch bằng các ngôn ngữ khác sẽ được công bố sau.

2. Biến cố lịch sử: Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đoạn giao với Tòa Constantinople

Giáo hội Chính Thống Nga đã tuyên bố đoạn giao với Tòa Thượng Phụ Constantinople, để đáp lại quyết định của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô công nhận một Giáo hội Chính thống Ukraine tự trị.

Trong một tuyên bố dài dòng đầy rẫy những xuyên tạc lịch sử, Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa nhấn mạnh rằng các Giáo Hội Chính thống tại Nga và Ukraine từ lâu đã “tạo thành một thể thống nhất trong nhiều thế kỷ.” Vì vậy, Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa cho rằng hành động của Đức Thượng Phụ thành Constantinople là một sự “vi phạm giáo luật của giáo hội và là một sự can thiệp của một Giáo Hội địa phương vào lãnh thổ của một Giáo Hội khác”.

Tuyên bố của Thánh Công Đồng Chính thống Nga bác bỏ sự khẳng định quyền bính của Đức Thượng Phụ Constantinople trên các Giáo hội Chính thống khác. Tuyên bố cáo buộc rằng Đức Thượng Phụ thành Constantinople thường xuyên can thiệp vào các cộng đồng chính thống của Đông Âu, gây tổn hại cho Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa; và cư xử như một vị “Giáo Hoàng của Chính Thống Giáo”.

Trước quyết định mới nhất của Tòa Thượng Phụ Constantinople, Thánh Công Đồng Chính thống Nga cho biết, “Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa bị buộc phải bãi bỏ những lời cầu nguyện cho Đức Thượng Phụ Constantinople và lấy làm tiếc sẽ phải đình chỉ tất cả các cử hành Phụng Vụ với hàng giáo phẩm của Tòa Thượng Phụ Constantinople. Tuyên bố cũng nói thêm rằng Giáo hội Chính thống Nga sẽ rút khỏi các ủy ban thần học và các cơ quan liên Giáo Hội chính thống khác do Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô lãnh đạo.

3. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ sau khi được triều yết Đức Thánh Cha ngày 13 tháng 9, 2018

Sáng thứ Năm 13/9, phái đoàn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã được triều yết riêng với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Điện Tông Tòa, nơi Đức Thánh Cha vẫn thường tiếp các nhà lãnh đạo các quốc gia.

Phái đoàn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (USCCB) gồm có Đức Hồng Y Daniel DiNardo, chủ tịch USCCB, Đức Tổng Giám Mục José Gomez của Los Angeles, phó chủ tịch USCCB, và Đức Ông Brian Bransfield, tổng thư ký của USCCB. Bên cạnh đó còn có Đức Hồng Y Sean O'Malley, Tổng Giám Mục Boston, chủ tịch của ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em, đang có mặt tại Vatican sau phiên khoáng đại lần thứ 9 của ủy ban này.

Sau buổi triều yết này, Đức Hồng Y Daniel DiNardo đã đưa ra tuyên bố sau đây:

“Chúng tôi biết ơn Đức Thánh Cha đã cho chúng tôi được triều yết ngài. Chúng tôi đã chia sẻ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô tình hình của chúng ta tại Hoa Kỳ này – Nhiệm Thể của Chúa Kitô đang bị rách nát bởi tội ác lạm dụng tình dục ra sao. Ngài lắng nghe rất chân thành. Đó là một cuộc trao đổi dài, hiệu quả và tốt đẹp.

Khi kết thúc buổi triều yết, chúng tôi đã cùng đọc kinh Truyền Tin khẩn xin Lòng Thương Xót và sức mạnh của Chúa trong việc chữa lành các vết thương. Chúng tôi mong muốn tích cực tiếp tục việc cùng nhau phân định nhằm xác định các bước tiếp theo một cách hiệu quả nhất.”

Dư luận, cách riêng là tại Hoa Kỳ, mong mỏi có một cuộc thanh tra tông tòa tại Mỹ để làm rõ lý do tại sao Tổng Giám mục McCarrick bê bối đến như vậy lại có thể lần lượt được bổ nhiệm các chức vụ quan trọng có ảnh hưởng không những đối với Giáo Hội tại Hoa Kỳ mà cả Giáo Hội hoàn vũ nữa; và lại còn được vinh thăng Hồng Y.

Tuyên bố của Đức Hồng Y DiNardo được viết ngắn gọn từ Rôma nên có thể chưa đưa ra các chi tiết liệu có một cuộc thanh tra tông tòa như thế hay không.

Tưởng cũng nên nhắc lại, trong tuyên bố đưa ra một ngày sau khi “chứng từ” của Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò được công bố, Đức Hồng Y DiNardo cho biết ngài rất mong muốn có “những câu trả lời và kết luận dựa trên bằng chứng”.

Đức Hồng Y viết:

“Hôm mùng 1 tháng Tám, tôi đã hứa rằng Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ sẽ theo đuổi đến cùng nhiều vấn nạn được đặt ra xung quanh hành vi của Tổng Giám mục McCarrick với toàn bộ quyền hạn của mình; và khi đã đến tận cùng giới hạn thẩm quyền của mình, Hội Đồng Giám Mục sẽ đạo đạt lên những vị có thẩm quyền cao hơn. Vào ngày 16 tháng 8, tôi đã kêu gọi có một cuộc Thanh Tra Tông Tòa, làm việc cùng với một ủy ban giáo dân quốc gia được ban cấp thẩm quyền độc lập, để tìm kiếm sự thật. Hôm qua, tôi đã triệu tập Ủy ban Thường trực một lần nữa, và Ủy ban tái khẳng định lời kêu gọi một cuộc thanh tra khẩn cấp và toàn diện về những lý do tại sao sự thất bại đạo đức nghiêm trọng của một giám mục anh em lại có thể được dung thứ trong thời gian quá lâu và đã không có gì ngăn cản việc thăng tiến của người ấy.

Bức thư gần đây của Tổng Giám mục Carlo Maria Viganò khiến cuộc thanh tra này càng trở thành một vấn đề trung tâm và cấp bách. Các câu hỏi được nêu ra xứng đáng được có những câu trả lời và kết luận dựa trên bằng chứng. Nếu không có những câu trả lời đó, những người vô tội có thể bị bôi xấu bởi những cáo buộc sai trái và những người có tội có thể ung dung lặp lại những tội lỗi trong quá khứ.”

4. Đức Thánh Cha Phanxicô nói “Tôi hy vọng sẽ đến thăm Nhật Bản vào năm tới”

Hôm thứ Tư 12 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các đại biểu của Hiệp hội Tensho Kenoho Shisetsu Kenshokai trước buổi tiếp kiến chung Thứ Tư hàng tuần, và bày tỏ mong muốn được đến thăm Nhật Bản vào năm tới.

Hiệp hội Nhật Bản này được biết đến qua các dự án đề cao văn hóa và tình đoàn kết. Đức Thánh Cha đã gặp nhóm này trong đại thính đường Phaolô Đệ Lục, và nhắc nhở họ về một hành trình dài nữa mà những người Nhật đã thực hiện để gặp được một vị Giáo Hoàng.

Ngài nhắc nhớ chuyến viếng thăm cách đây hơn 400 năm, vào năm 1585, khi bốn thanh niên Nhật Bản đến Rôma, cùng với một số nhà truyền giáo Dòng Tên, và được triều yết Đức Giáo Hoàng Gregôriô XIII.

Đức Giáo Hoàng nhận xét rằng đó là lần đầu tiên một nhóm đại diện từ Nhật Bản đến châu Âu và ngài mô tả đây là một cuộc họp lịch sử giữa hai nền văn hóa và truyền thống tâm linh lớn đáng được ghi nhớ.

Đặc biệt, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến người lãnh đạo của nhóm bốn thanh niên đến thăm Tòa Thánh vào năm 1585, là anh Mancio Ito, người sau đó đã trở thành một linh mục, và anh Julian Nakaura, giống như nhiều người khác, đã bị hành quyết trên ngọn đồi nổi tiếng của các vị tử đạo Nagasaki và đã được tuyên phong Chân Phước.

Trong cuộc gặp gỡ hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha ghi nhận những nỗ lực của Hiệp hội “để thành lập quỹ đào tạo thanh thiếu niên và trẻ mồ côi, nhờ sự đóng góp của các công ty nhạy cảm với vấn đề của họ”.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng, mong muốn của họ cho thấy tôn giáo, văn hóa và nền kinh tế có thể làm việc cùng nhau một cách hòa bình để tạo ra một thế giới nhân đạo hơn được đánh dấu bởi một hệ sinh thái tích hợp, hoàn toàn phù hợp với những gì chính Đức Thánh Cha vẫn hằng mong muốn.

Trong khi chào hỏi những người hiện diện, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng bày tỏ hy vọng sẽ được thăm Nhật Bản vào năm tới và mong rằng sau cuộc gặp gỡ hôm thứ Tư, các thành viên trong nhóm được khích lệ trở lại đất nước mình trong tư cách là các đại sứ thiện chí của tình hữu nghị và là những người đề cao các giá trị nhân bản và Kitô.

5. Phản ứng thật thích hợp hiện nay: 10,000 người rước kiệu Thánh Thể trên đường phố Liverpool

Trong bài “A Remarkable Thing Just Happened in Liverpool, England” – Một chuyện thật đáng kể vừa xảy ra tại Liverpool, Anh quốc, được đăng trên tờ National Catholic Register của hệ thống truyền hình Công Giáo Mỹ EWTN hôm thứ Tư 12/9, phóng viên K.V. Turley ghi nhận như sau:

Một chuyện thật đáng kể vừa xảy ra tại Liverpool, Anh quốc

Sự kiện hôm Chúa Nhật là cuộc rước Công Giáo lớn nhất ở Anh kể từ sau chuyến tông du của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tới Anh vào năm 1982.

Chúa Nhật tuần trước người Công Giáo đã bước đi dưới cơn mưa tầm tã.

Khoảng 10,000 người tụ tập tham dự cuộc rước Công Giáo lớn nhất ở Anh kể từ sau chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1982. Hành động này là đỉnh cao của Đại hội Thánh Thể 2018 vừa diễn ra tại Liverpool.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đây là một cuộc rước Thánh Thể với một sự khác biệt.

Trên các đường phố của Anh, đó là một hành động thờ phượng rất công khai - một hành động của đức tin đặt nơi Mình, Máu, Linh hồn và Thần tính của Chúa Kitô.

Cuộc rước diễn ra vào thời điểm Giáo hội của Chúa Kitô đang trong quá trình thanh tẩy đau đớn nhưng cần thiết.

Do đó, trời mưa và bầu trời xám xịt của nước Anh thật là phù hợp. Vì ở đây người ta gặp thấy một suối nước mắt khi tiến bước bên cạnh Đấng đã bị đóng đinh một lần nữa trong thân thể của những người vô tội bị thương tổn bởi những người xưng mình là Kitô hữu, nhưng hành động của họ, lại gây ra đau thương cho chính Thầy của mình.

Đức Hồng Y Tổng Giám mục Vincent Nichols nói với những người tham gia rằng cuộc rước này được thực hiện theo tinh thần cầu nguyện và sám hối ... không một chút tự hào hay cảm thức chiến thắng nào trong các bước đi của chúng ta… Về nhiều phương diện, cuộc rước của chúng ta là một hành vi sám hối công khai trong đó chúng ta hướng về Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà chúng ta đã đóng đinh Ngài ... Hôm nay chúng ta như những kẻ ăn mày tìm kiếm sự tha thứ trong khi đặt những gánh nặng, những thương tổn, thiệt hại và ngờ vực của chúng ta dưới chân Thánh Giá.”

Đây là một đám rước với một đích điểm duy nhất trong tầm nhìn: Golgotha.

Đại hội Thánh Thể đầu tiên đã diễn ra ở Anh vào năm 1908. Đối với một tôn giáo đã bị nghiền nát, bị bách hại, và cuối cùng đã được bao dung trong vùng đất này, đây là một hành động mang tính cách mạng. Không cần phải nói nhiều, Đại hội đó đã gặp nhiều sự chống đối. Các nhà tổ chức Đại hội lúc đó rất muốn có một cuộc rước Thánh Thể qua các đường phố của London. Điều này bị nhiều người coi là quá đáng sau 4 thế kỷ thiết lập Anh Giáo.

Khi khả năng của một cuộc rước Thánh Thể được đưa ra thảo luận, tờ The Spectator số ra ngày 12 tháng 9 năm 1908, ghi nhận những mối quan tâm có thể cảm nhận được vào thời điểm đó trên khắp các đường phố London, trong khi cũng nêu lên một số thông cảm cho cuộc rước mà người Công Giáo đề xuất.

Tờ báo này viết: ”Sự kết thúc trang trọng của Đại hội Thánh Thể vào chiều Chúa Nhật sẽ được đánh dấu bằng một ‘Cuộc rước Bí tích Thánh lễ vĩ đại’, theo đúng nghi thức cử hành của Tòa Thánh. Sau đó là kinh chiều tạ ơn Te Deum và Chầu Mình Thánh Chúa. Các tuyến đường đã được lựa chọn cẩn thận trong các đường phố yên tĩnh quanh nhà thờ chánh tòa Westminster, và đã nhận được sự chấp thuận của các cơ quan cảnh sát. Tuy nhiên, thật không may, một cuộc rước như thế ‘rơi vào lệnh cấm’ của điều 26 trong Đạo luật Loại trừ Ảnh hưởng Công Giáo, mà tất cả mọi người tham gia vào cuộc rước này có thể bị phạt với một số tiền phạt đáng kể. Các nhóm Tin Lành không để yên chuyện này, đang kêu gọi nhà cầm quyền cấm cuộc rước theo Đạo luật trên, và kêu gọi Bộ trưởng Nội vụ cũng như tư lệnh cảnh sát phải thực thi đạo luật. Luật pháp là luật pháp, và chúng tôi không phủ nhận rằng trong trường hợp này nó đứng về phe của những người chống đối. Nhưng quan điểm của Tin Lành rất khó bị thách thức ở đất nước này, vì nó ăn rễ rất sâu trong niềm tin của người dân. Hơn nữa người ta tin rằng đừng để phải hối tiếc sâu xa về những điều khó chịu có thể diễn ra trên đường phố, đó không chỉ là một sự bất lịch sự đối với những vị khách của chúng ta – mà còn gieo rắc một sự ngờ vực vào truyền thống tuyệt vời của chúng ta về sự khoan dung.”

Mặc kệ những kẻ mồm nói “khoan dung” nhưng lại ra tay đàn áp, các nhà tổ chức quyết định vẫn tiến hành cuộc rước Thánh Thể. Chính phủ liền gây áp lực lên Đức Hồng Y Francis Bourne, Tổng Giám mục Westminster, khiến ngài cuối cùng phải miễn cưỡng hủy bỏ đám rước.

Tuy nhiên, người Công Giáo vẫn diễn hành qua các đường phố của Westminster, mặc dù không có Thánh Thể. Các tu sĩ của các dòng tu mặc trang phục bình thường nhưng trên tay cầm theo tu phục của họ, vì vào thời điểm đó họ không được phép mặc tu phục Công Giáo trên đường phố. Họ bước đi trong cuộc biểu tình thầm lặng. Người Công Giáo Anh đã tiến bước và làm chứng, ngay cả khi không có Thánh Thể, người ta đã chứng kiến một Nhiệm Thể Chúa Kitô khác. Cuộc rước đó cho thấy lòng kính trọng đối với những thế hệ đã gìn giữ đức tin truyền thống bất kể những nỗ lực xóa bỏ Giáo Hội Công Giáo khỏi đời sống công cộng và sự thù địch với Giáo Hội vào lúc đó của chính quyền dân sự.

Dưới nhiều khía cạnh khác nhau, việc cấm cách không cho rước Mình Thánh Chúa vào năm 1908 rất gần gũi với những gì được chứng kiến 19 thế kỷ trước đó ở một thành phố khác, Giêrusalem, nơi máu của Người chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu qua.

Ở Anh ngày nay, các cuộc rước Thánh Thể trên đường phố đã được cho phép.

Trong ngày lễ Corpus Christi (Mình Máu Thánh Chúa) năm nay, tôi đã đi qua các con phố của London trong khi một mặt nhật đựng Mình Thánh Chúa được giơ lên cao. Tuy nhiên, có rất ít phản ứng về điều đó. Đám đông đơn giản là vượt qua Ngài với một thái độ thờ ơ. Những người London ở thế kỷ 21 này, bận rộn mua sắm và ngoạn cảnh, sẽ không làm tổn thương Chúa của chúng ta, họ chỉ thờ ơ qua mặt Ngài trên đường phố, dường như không còn ai nhận ra - hay thậm chí quan tâm - Ngài là ai.

Cuối tuần qua, đúng là người Công Giáo bước đi trong một tinh thần sám hối với Bí Tích Thánh Thể qua các đường phố của Liverpool. Đó là phản ứng đúng đắn với những vết thương gây ra trên cơ thể thiêng liêng của Người. Có lẽ, đó là câu trả lời duy nhất, và những bản sao nên được nhân rộng trong các đường phố, các thành phố và các tuyến đường quốc gia trong toàn bộ thế giới Kitô, vì thử thách cay đắng mới nhất hiện nay hoặc là dẫn chúng ta đi cùng Chúa của chúng ta đến Đồi Calvê hoặc là đưa chúng ta vào một vực thẳm trống rỗng không thể hồi đầu. Vì thế, ngay cả dưới bầu trời u ám xung quanh chúng ta, với Đức Mẹ Sầu Bi bên cạnh, chúng ta hãy tiếp tục chống trả các thử thách, với đôi mắt dán chặt trên thân thể đẫm máu của Ngài, trong khi tiếp tục vác trên vai những gì đã được đặt lên chúng ta - cụ thể là Thánh Giá.

6. Cuộc họp giữa Đức Thánh Cha và các Hồng Y cố vấn

Vào tháng Hai năm tới Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ các đại diện của tất cả các giám mục Công Giáo trên toàn thế giới để thảo luận về việc bảo vệ trẻ vị thành niên và những người lớn yếu đuối dễ bị tổn thương.

Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định triệu tập tất cả các Chủ tịch của tất cả các Hội Đồng Giám mục thế giới về Rome để thảo luận về chương trình dự phòng chống lại việc lạm dụng trẻ vị thành niên và người yếu đuối dễ bị tổn thương.

Thông báo được Phó Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh là bà Paloma García Ovejero đưa ra tại một cuộc họp báo về cuộc họp của Hội đồng các Hồng Y cố vấn vừa được kết thúc vào sáng thứ Tư.

Thông cáo của Hội đồng Hồng Y đưa ra thêm chi tiết là cuộc họp với Đức Thánh Cha sẽ diễn ra tại Vatican từ 21-24 tháng 2 năm 2019. Tuyên bố của Ban Hồng Y cố vấn cho hay rằng trong cuộc hội ngộ tuần này, dưới sự “soi dẫn của Chúa Thánh Thần Hội đồng đã thẳng thắn bàn về vấn đề lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên”.

Buổi họp báo vào thứ Tư hôm qua chỉ dành riêng bàn về cuộc họp tuần này của Hội đồng Cố vấn Hồng Y. Bà Ovejero lưu ý rằng tất cả các thành viên của Hội đồng đều có mặt, ngoại trừ Đức Hồng Y George Pell, Đức Hồng Y Francisco Javier Errázuriz, và Hồng Y Laurent Monsengwo Pasinya. Đức Thánh Cha đã tham gia đầy đủ các cuộc họp, ngoại trừ những lúc Ngài phải vắng mặt vì các nhiệm vụ quan yếu khác.

Theo bà phó giám đốc phòng báo chí Tòa thánh thì “phần lớn công việc của Hội đồng đã tập trung vào những thảo luận điều chỉnh cuối cùng cho bản dự thảo Hiến pháp Tông đồ mới về Giáo triều La Mã, tạm mang tên là Praedicate evangelium.” Một bản sao của văn bản tạm thời đã được đệ lên cho Đức Thánh Cha, với kỳ vọng tài liệu sẽ được duyệt xét lại theo đúng giáo luật hầu được hoàn chỉnh.

Trong các cuộc họp của Hội đồng các Hồng Y cố vấn, Đức Hồng Y Seán Patrick O’Malley, đã cập nhật những công tác của Ủy ban Giáo hoàng về bảo vệ trẻ em vị thành niên.

Cuối cùng, các Hồng Y một lần nữa bày tỏ tình hiệp nhất hoàn toàn với Đức Thánh Cha Phanxicô liên quan đến những gì đã và đang xảy ra trong những tuần qua.

7. Bức ảnh Lòng Thương Xót trong chuyến tông du Lithuania được ghép từ hàng ngàn ảnh chân dung các bạn trẻ

Trong một sáng kiến nhằm chuẩn bị cho chuyến tông du Lithuania của Đức Thánh Cha Phanxicô, cụ thể là cho cuộc gặp gỡ giữa ngài và những người trẻ tại Quảng trường Nhà thờ ở Vilnius vào ngày 22 tháng 9, các nhà tổ chức đang mời gọi các bạn trẻ gởi hình cho họ để ghép thành một bức ảnh Lòng Thương Xót Chúa khổng lồ.

Mọi người được mời gửi một bức ảnh của mình để thu thập càng nhiều hình ảnh càng tốt. Hạn chót là vào ngày 19 tháng 9. Mục đích là để tạo ra một hình ảnh của “Chúa Giêsu thương xót”, như được mô tả bởi Thánh Faustina, từ hàng ngàn bức ảnh nhỏ. Mọi người đều có thể gởi ảnh của mình lên trang web chính thức www.papalvisit.lt.

Mục tiêu và hy vọng của các nhà tổ chức là “Lòng Thương Xót Chúa sẽ ôm ấp tất cả mọi người tham gia, ngay cả những người không thể hiện diện ở Quảng trường Nhà thờ”. Sáng kiến này cũng nhằm “thu hút sự chú ý đến sứ điệp của lòng thương xót Chúa mà Đức Thánh Cha Phanxicô đang liên tục mời mọi người đưa vào thực hành bằng cách thực hiện các công việc thương xót”.

Hình ảnh đầu tiên của Lòng Thương Xót được vẽ ở Vilnius vào năm 1934, sau những chỉ dẫn chính xác của Thánh Faustina, người đã mô tả thị kiến của mình với nhà họa sĩ. Bức tranh đó hiện được tôn kính bởi những người hành hương tại Đền thờ Lòng Thương Xót ở Khu Phố Cổ Vilnius. Vào ngày 22 tháng 9, bức tranh sẽ được trưng bày trên khán đài nơi Đức Thánh Cha gặp gỡ các bạn trẻ.

8. Hội Đồng Giám Mục Đức lên án thái độ thiếu trách nhiệm của báo chí khi tung ra một tài liệu bị đánh cắp

Một nghiên cứu được thực hiện bởi một ủy ban do Hội Đồng Giám Mục Đức ủy nhiệm về các cáo buộc lạm dụng tình dục hàng ngàn trẻ em ở quốc gia này trong khoảng thời gian từ năm 1946 đến 2014 đã bị đánh cắp và được công bố rộng rãi trên báo chí hôm thứ Tư 12 tháng 9. Báo cáo dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng này.

CNA Deutsch cho biết việc thực hiện nghiên cứu này là do chính Hội Đồng Giám Mục Đức đề ra và dự kiến sẽ được trình bày vào ngày 25 tháng 9 tại phiên họp toàn thể mùa thu của các Giám mục Đức.

Trong khi đưa tin, một số cơ quan truyền thông cố tình gây ra một sự hiểu lầm khi so sánh báo cáo này với báo cáo của bồi thẩm đoàn Pennsylvania, Hoa Kỳ. Thực ra, báo cáo này không phải do nhà nước Đức thực hiện, nhưng do chính Hội Đồng Giám Mục Đức đề ra và phương pháp nghiên cứu cũng khác biệt đáng kể so với phương pháp của bồi thẩm đoàn Pennsylvania, Hoa Kỳ.

Theo tờ Der Spiegel, nghiên cứu ghi nhận tội phạm tình dục chống lại “3677 trẻ vị thành niên”, chủ yếu là trẻ nam từ năm 1946 đến 2014.

Tờ này cho biết thêm “1670 giáo sĩ bị buộc tội lạm dụng” và các nhà nghiên cứu đã “kiểm tra và đánh giá trên lời khai của hơn 38,000 nhân viên và các hồ sơ khác từ 27 giáo phận Đức.”

Tờ Der Spiegel báo cáo rằng trong nhiều trường hợp các nhà nghiên cứu thấy rằng các bằng chứng đã bị “phá hủy hoặc bị sửa đổi”.

Chủ tịch ủy ban nghiên cứu là Đức Cha Stephan Ackermann, Giám Mục giáo phận Trier cho biết trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Tư 12/9:

“Chúng tôi nhận thức được mức độ lạm dụng tình dục được chứng minh bằng kết quả của nghiên cứu này. Thật là đau buồn và nhục nhã.”

“Bốn năm trước, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu này và các giám mục đang trông chờ đối diện với kết quả của nghiên này. Bước đầu tiên sẽ là tại hội nghị mùa thu ở Fulda.”

Đức Cha Ackermann mạnh mẽ chỉ trích sự rò rỉ của bản phúc trình ghi lại tội lạm dụng trẻ vị thành niên bởi các linh mục và tu sĩ ở Đức từ năm 1946 đến năm 2014.

Trong một tuyên bố được Hội Đồng Giám Mục Đức công bố, Đức Cha Ackermann nói: “Tôi rất tiếc là nghiên cứu này vẫn được giữ bí mật cho đến nay, và là kết quả của bốn năm nghiên cứu về chủ đề ‘Lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên bởi các linh mục, phó tế và nam tu sĩ’ lại được công bố ngày hôm nay.”

Ngài nhấn mạnh rằng:

“Đặc biệt, đối với những người bị ảnh hưởng bởi lạm dụng tình dục, việc công bố trước một cách vô trách nhiệm nghiên cứu này là một đòn nghiêm trọng làm tổn thương họ”.

Đức Cha cảm thấy ngao ngán trước cảnh “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay”. Ngài nói:

“Còn đáng bực mình hơn nữa là ngay cả các thành viên của Hội đồng Giám mục Đức cho đến nay vẫn chưa được biết toàn bộ bản nghiên cứu”.

Hội Đồng Giám Mục Đức cho biết mục đích của nghiên cứu này, với sự tham gia của tất cả 27 giáo phận, là “để có được sự rõ ràng và minh bạch hơn về mặt trái tối tăm này trong Hội Thánh của chúng ta, không chỉ vì lợi ích của những người bị ảnh hưởng mà thôi, nhưng còn để có thể nhìn thấy những thiếu sót của chính chúng ta và làm mọi thứ có thể để bảo đảm rằng những tội lỗi này không thể được lặp lại”.

“Chúng tôi lo ngại về cách tiếp cận có trách nhiệm và chuyên nghiệp đối với vấn đề này của báo chí. Tôi tin rằng nghiên cứu này là một cuộc khảo sát toàn diện và cẩn thận nhằm mang lại các số liệu và phân tích mà từ đó chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu. Điều này cũng áp dụng cho những phát hiện mang đến một cái nhìn sâu sắc hơn về hành động của các thủ phạm và hành vi của các nhà lãnh đạo giáo hội trong những thập kỷ qua. Một lần nữa, tôi nhấn mạnh rằng nghiên cứu này là một biện pháp mà chúng tôi mắc nợ không chỉ đối với Giáo hội, nhưng trước hết và quan trọng hơn hết là đối với những người bị ảnh hưởng,” Đức Cha Ackermann nói.

9. Tổng giáo phận Washington: Đức Hồng Y Donald Wuerl /wu-ờ/ sẽ sớm xin được từ chức

Một phát ngôn viên của tổng giáo phận Washington đã xác nhận rằng Đức Hồng Y Donald Wuerl sẽ sớm xin Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận đơn từ chức của ngài khỏi trách nhiệm Tổng Giám mục Washington, DC.

Trong một lá thư đề ngày 11 tháng 9 gởi cho các linh mục, Đức Hồng Y Wuerl nói rằng ngài sẽ sớm gặp Đức Thánh Cha để thảo luận về tương lai của mình, nhưng không tuyên bố tại thời điểm nào ngài sẽ xin Đức Phanxicô cho ngài được từ chức.

Lá thư gởi cho các linh mục đã được đăng trên trang web của tạp chí tổng giáo phận.

Một phát ngôn viên của Đức Hồng Y Wuerl đã xác nhận với Catholic News Agency hôm 12 tháng 9 rằng, tại cuộc triều yết Đức Thánh Cha sắp diễn ra, Đức Hồng Y dự định chính thức xin Đức Thánh Cha Phanxicô cho phép ngài từ chức.

Ed McFadden, phát ngôn viên của tổng giáo phận Washington nói: “Đức Hồng Y Wuerl hiểu rằng sự chữa lành từ cuộc khủng hoảng lạm dụng đòi hỏi một khởi đầu mới và điều này bao gồm người lãnh đạo mới cho Tổng Giáo Phận Washington”

Theo giáo luật, Đức Hồng Y Wuerl đã nộp đơn từ chức vào ngày 12 tháng 11 năm 2015, khi đến tuổi 75.

Sau khi Đức Hồng Y Wuerl sang Rôma triều yết vào cuối tháng Tám, các phương tiện truyền thông cho rằng Đức Phanxicô đã chỉ thị cho ngài quay trở lại Washington và tham khảo ý kiến của hàng giáo sĩ về cách tốt nhất cho ngài và cho tổng giáo phận.

Trong một cuộc họp với các linh mục được tổ chức vào Ngày Lao động, Đức Hồng Y Wuerl nói rằng ngài sẽ dành thời gian để cầu nguyện và suy nghĩ về cách tốt nhất mà ngài có thể phục vụ tổng giáo phận.

Đức Hồng Y đã là chủ đề của những lời chỉ trích gay gắt trong những tháng gần đây. Là người kế vị Tổng Giám Mục Theodore McCarrick, Đức Hồng Y Wuerl đã phải đối diện với những chất vấn về những hiểu biết của ngài liên quan đến những cáo buộc lạm dụng tình dục chống lại McCarrick, được công khai trước công chúng lần đầu tiên vào ngày 20 tháng Sáu.

Đức Hồng Y đã phải hứng chịu thêm nhiều chỉ trích sau khi một báo cáo của bồi thẩm đoàn Pennsylvania được công bố vào ngày 14 tháng 8, trong đó nêu lên những cáo buộc cho rằng Đức Hồng Y Wuerl trong thời gian là Giám mục Pittsburgh (từ năm 1988 đến năm 2006) đã cho phép các linh mục bị buộc tội lạm dụng được tiếp tục làm việc mục vụ sau khi các cáo buộc đã được đưa ra.

Mặc dù phải đối diện với những lời kêu gọi ngài từ chức, kể cả một số cuộc biểu tình gần đây bên ngoài nhà thờ chánh tòa Thánh Matthêu Tông Đồ và cả ở nơi cư trú của ngài, Đức Hồng Y Wuerl được tin là có ý muốn sẽ ở lại vị trí của mình ít nhất cho đến khi phiên họp chung của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ diễn ra vào tháng mười một. Phiên họp đó dự kiến sẽ tập trung vào cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục gần đây, và Đức Hồng Y Wuerl có thể đóng một vai trò tích cực trong việc giúp Giáo hội đương đầu với vấn nạn này.

Tổng giáo phận Washington nói với Catholic News Agency rằng chưa có ngày nào được ấn định để Đức Hồng Y Wuerl triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô, và nói thêm rằng cuộc triều yết này sẽ diễn ra ngay khi thuận tiện cho Đức Giáo Hoàng.

10. Vị nào sẽ thay thế Đức Hồng Y Wuerl lãnh đạo tổng giáo phận Washington?

Báo chí tại Hoa Kỳ đang dự đoán xem vị nào sẽ thay thế cho Đức Hồng Y Wuerl. Tổng Giáo Phận Washington là một vị trí trọng yếu và nhạy cảm, đòi hỏi người lãnh đạo phải có một sự nhạy bén về chính trị và giáo hội. Trước những tai tiếng liên quan đến Tổng Giám Mục McCarrick, vị thay thế cho Đức Hồng Y Wuerl được mong đợi là một nhà lãnh đạo có các sáng kiến cải tổ và có khả năng khôi phục lòng tin vào hàng lãnh đạo tổng giáo phận.

Các nguồn tin ở Rôma đã nói với Catholic News Agency (CNA) rằng trong chuyến viếng thăm Rôma gần đây, Đức Hồng Y Wuerl đã trình bày một số gợi ý về người có thể thay thế mình tại tổng giáo phận Washington. Trong khi danh sách này được giữ bí mật, một số nguồn tin nói với CNA rằng Đức Tổng Giám Mục Bernard Hebda, là Tổng Giám Mục St. Paul-Minneapolis có nhiều triển vọng nhất.

Đức Tổng Giám Mục Hebda đã đến Minneapolis với tư cách là một vị Giám quản Tông toà khẩn cấp vào năm 2015 sau khi Đức Tổng Giám Mục Nienstedt từ chức, theo sau các cáo buộc có hành vi tình dục sai trái. Đồng thời, Đức Cha Hebda cũng là Tổng Giám mục Phó của Newark với quyền kế vị Tổng giám mục John Myers.

Khi ở Newark, Đức Cha Hedba nổi tiếng là một nhà cải cách với sự quan tâm chặt chẽ mọi vấn đề của giáo phận. Ngài thực hiện các chuyến viếng thăm không báo trước tới các linh mục và giáo xứ, và chọn cách sống khó nghèo trong khuôn viên cư xá Đại học Seton Hall, nơi đặt chủng viện của tổng giáo phận.

Sau khi đến Minneapolis, Đức Cha Hebda đã lãnh đạo tổng giáo phận vượt qua một quá trình phá sản kéo dài, sau nhiều vụ kiện lạm dụng tình dục.

11. Các Giám Mục Venezuela tường trình với Đức Thánh Cha về tình trạng tuyệt vọng tại quốc gia này

Trong khi Venezuela tiếp tục trải qua những cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội sâu sắc, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với các giám mục của quốc gia này hôm thứ Ba 11/9. Các Giám Mục Venezuela đã trình bày với Đức Thánh Cha trong một buổi triều yết kéo dài về tình trạng tuyệt vọng của dân chúng dẫn đến việc di cư ra nước ngoài, tình trạng kiệt quệ về kinh tế và đàn áp của chính phủ, mặc dù chi tiết về những trao đổi này không được tiết lộ.

“Chúng tôi đã nói chuyện với Đức Thánh Cha về những chủ đề quan trọng, trong đó có vấn đề di cư” Đức Tổng Giám Mục Jose Luis Azuaje Ayala của tổng giáo phận Maracaibo, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Venezuela cho biết như trên trong một cuộc họp báo tại Đại học Thánh Giá của phong trào Opus Dei ở Rôma.

“Như các bạn đã biết, chúng tôi đang trong một cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị sâu sắc”, ngài nói thêm.

Venezuela đã trải qua một loạt các thảm hoạ - lạm phát, nạn đói, lũ lụt và bệnh tật – gây ra bởi sự lãnh đạo độc tài của tổng thống Nicolas Maduro, một tài xế xe buýt, được chọn là người kế nhiệm Hugo Chavez. Những người chỉ trích đã cáo buộc những chính sách sai lầm của Nicolas Maduro đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc trong nước và những chính sách đàn áp những người đòi tự do dân chủ.

Bốn mươi sáu giám mục Venezuela đã được triều yết Đức Giáo Hoàng trong khuôn khổ chuyến viếng thăm “ad limina” của các ngài tới Vatican, là một chuyến đi được thực hiện bởi các vị giám mục trên khắp thế giới cứ 5 năm một lần để báo cáo với Đức Giáo Hoàng về tình trạng giáo phận của các ngài; cũng như gặp gỡ các cơ quan trung ương của Tòa Thánh.

Mặc dù, không đề cập cụ thể đến những suy nghĩ của Đức Thánh Cha Phanxicô về tình hình chính trị Venezuela, Đức Tổng Giám Mục Azuaje cho biết Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ sự gần gũi của ngài đối với người dân quốc gia này.

“Đức Giáo Hoàng biết rõ tình hình”, Đức Cha Azuaje nói. “Tôi có thể nói rằng những lời ngài nói với chúng tôi sẽ đọng lại trong lòng chúng tôi trong tư cách các giám mục. Ngài nói: ‘Anh em hãy duy trì sự gần gũi của mình với người dân’ và dặn đi dặn lại chúng tôi hãy thực hiện điều này.”

Đức Giáo Hoàng người Á Căn Đình gần đây đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra từ Venezuela vào chức vụ quan trọng sostituto, tức là Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Động thái này, cùng với thực tế là Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh hiện nay, đã từng là Sứ Thần Tòa Thánh tại Venezuela từ năm 2009 đến năm 2013, phản ánh sự quan tâm của Vatican đối với quốc gia đang gặp khó khăn này.

12. Giám Mục Anh: Có một cuộc khủng hoảng gồm ba lãnh vực đang diễn ra trong Giáo Hội

Đức Cha Philip Egan, vị Giám Mục thứ tám của Giáo phận Portsmouth, ở miền Nam nước Anh, đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng để yêu cầu ngài triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường để giải quyết cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục đang làm điêu đứng Giáo Hội.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho National Catholic Register hôm 10 tháng 9, vị Giám Mục Anh, năm nay 65 tuổi, nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng tai tiếng lạm dụng tính dục đang diễn ra trong Giáo Hội không chỉ bao gồm hai lãnh vực là những tội lỗi và tội ác chống lại giới trẻ bởi các thành viên trong hàng giáo sĩ; và việc xử lý sai và che đậy bởi hàng giáo phẩm. Thực ra, cuộc khủng hoảng hiện nay còn có một chiều kích thứ ba là những tội lỗi liên quan đến giới đồng tính trong hàng giáo sĩ.

Đức Cha nói:

“Giáo Hội thuộc về Chúa Kitô. Giáo Hội là thánh thiện, mặc dù, như chúng ta có thể thấy, Giáo Hội được tạo thành từ những con người tội lỗi như bạn và tôi. Giáo Hội tồn tại để kêu gọi những người tội lỗi và giúp họ trở nên thánh thiện.”

Đức Cha Philip Egan nhấn mạnh rằng:

Có một cuộc khủng hoảng bao gồm ba lãnh vực ở đây: thứ nhất, là những tội lỗi và tội ác chống lại giới trẻ bởi các thành viên trong giáo sĩ; thứ hai, các nhóm đồng tính tập trung quanh Tổng Giám Mục McCarrick, nhưng cũng có mặt ở các miền khác trong Giáo Hội; và kế đến, thứ ba, là việc xử lý sai và che đậy bởi hàng giáo phẩm ngay cả ở các tầng lớp cao nhất.”

Đức Cha Egan cảnh cáo rằng những vấn đề này sẽ có những hậu quả nghiêm trọng đến chứng tá của Giáo Hội trước thế giới và sứ vụ mà Chúa đã ủy thác cho Giáo Hội của Người. Ngài nói:

“Chúng ta biết rằng tất cả những vấn đề này ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong xã hội hiện đại, và chúng ta biết rằng ở nhiều nơi trên thế giới, chẳng hạn như ở đây ở Vương quốc Anh này, đã có những quy ước phòng ngừa rất mạnh mẽ được thực hiện trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, những vụ tai tiếng vẫn ảnh hưởng đến chính tính chất bí tích của Giáo Hội và gây thiệt hại cho sứ mệnh truyền giáo của chúng ta. Tất nhiên, chúng ta cũng phải nhớ rằng việc truyền giáo luôn luôn là hai chiều, như hít vào và thở ra.

Chúng ta không thể trao ra những gì chúng ta chưa có. Trong chập chùng những vụ tai tiếng này, không dễ dàng để đưa ra các chứng tá đức tin.”

Ngài nói tiếp:

“Tuy nhiên, tất cả những gì chúng ta có thể làm là cầu nguyện cùng Chúa Thánh Thần, cầu khấn sự cầu bầu của Đức Maria, là Mẹ của Giáo Hội, để chúng ta có thể lớn lên trong sự thánh thiện, để chúng ta có thể làm sâu sắc thêm đức tin của chúng ta, tăng gấp đôi lòng nhiệt thành cầu nguyện, sự hăng say học hỏi Kinh Thánh, lòng yêu mến Chúa Giêsu ngự trong Thánh Thể, và những nỗ lực của chúng ta để sống trong thực tế những gì chúng ta tuyên xưng.”

Bức thư thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường để giải quyết cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục đã được gửi đến Đức Thánh Cha vào ngày 22 tháng Tám, và được công bố trên trang web của Giáo phận Portsmouth. Đức Cha Egan nói rằng đề xuất của ngài nảy sinh bởi những vụ tai tiếng tình dục gần đây ở Mỹ, đặc biệt là sau khi báo cáo của bồi thẩm đoàn Pennsylvania được công bố, cũng như các trường hợp khác ở Ái Nhĩ Lan, Chí Lợi và Úc.

“Lạm dụng tình dục bởi hàng giáo sĩ dường như là một hiện tượng hoàn vũ trong Giáo Hội,” Đức Cha Egan viết trong thư gởi cho Đức Giáo Hoàng. “Là một người Công Giáo và là một Giám mục, những điều được phơi bày này làm tôi đau buồn và cảm thấy nhục nhã.”

Đức Cha Egan nói rằng, bên cạnh những cảm giác này, ngài cảm thấy bị thôi thúc phải đưa ra một “gợi ý mang tính xây dựng” hơn và xin Đức Giáo Hoàng cân nhắc việc triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục về đời sống và công việc mục vụ của hàng giáo sĩ.

13. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Pháp về tình trạng của Giáo Hội hiện nay

“Trong nhiều năm qua, Giáo Hội của chúng ta đã bị thử thách rất nhiều. Anh chị em giáo dân, hàng giáo sĩ, những người thánh hiến, tất cả chúng ta đều bị rúng động sâu sắc trước những tiết lộ gần đây về tình trạng lạm dụng đang được công bố trên khắp thế giới và cả ở đất nước chúng ta. Chúng tôi rất buồn và xúc động trước những nỗi đau khôn tả của các nạn nhân và gia đình họ.”

Các Giám Mục Pháp đã cho biết như trên trong lời mở đầu thông điệp gởi “dân Chúa tại Pháp”, được gửi bởi các giám mục Pháp và được các thành viên của Hội đồng thường trực thông qua, với chữ ký của Đức Hồng Y Georges Pontier /gioóc – gis pon-sê/, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp.

Đây là lần đầu tiên các giám mục gửi một thông điệp chính thức tới dân Chúa tại Pháp về những trường hợp lạm dụng mà Giáo Hội tại Pháp và cách riêng là danh tiếng của Giáo Hội đã và đang bị thử thách.

Trong thông điệp này, các giám mục không đề cập đến bất kỳ trường hợp cụ thể nào, ngay cả một trường hợp tại Lyons liên quan đến cáo buộc cho rằng Đức Hồng Y Philippe Barbarin đã không sa thải một linh mục lạm dụng, là trường hợp đang gây ấn tượng mạnh trong công luận tại Pháp. Tuy nhiên, các ngài lặp lại rằng: “Trước hết, những suy nghĩ của chúng tôi hướng về những người đã bị đánh cắp thời thơ ấu của họ, những cuộc sống thơ ngây đã bị in hằn vĩnh viễn bởi những hành động tàn bạo. Những người tin Chúa và những người không tin có thể thấy rằng những hành động mà một số người phạm phải đã và đang gây ra những tác động tai hại trên toàn thể Giáo Hội, cho dù hành động của họ là hành vi phạm tội hay sự im lặng đáng trách. Tất cả chúng ta đều phải chịu đựng sự nghi ngờ này ảnh hưởng đến tất cả Giáo Hội và cách riêng là các linh mục.”

Trước tình hình này, các giám mục cảnh báo rằng anh chị em giáo dân đừng để những nghi ngờ như thế có thể làm giảm lòng tin của mọi người đối với Giáo Hội và đối với các linh mục. Trên thực tế, các ngài nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống lại mọi hình thức lạm dụng sẽ được tiếp tục một cách “liên tục”.

Trong thông điệp, các giám mục cũng bày tỏ “sự quan tâm và tình cảm đối với các linh mục trong Giáo Hội chúng ta”. Và các ngài nói thêm rằng: “Chúng tôi, là các giám mục, muốn xác nhận rằng chúng tôi ủng hộ các linh mục trong các giáo phận của chúng ta và kêu gọi tất cả anh chị em tín hữu hãy chứng tỏ lòng tin tưởng của họ nơi các ngài”.

Thông điệp kết thúc bằng cách nhắc đến Thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gởi dân Chúa và kêu gọi anh chị em tín hữu của các giáo phận đưa những lời dạy của Đức Thánh Cha vào thực hành, bởi vì “chỉ thông qua những nỗ lực và sự thận trọng của mọi người chúng ta mới có thể khắc phục thành công thảm họa lạm dụng này trong Giáo Hội”.

Thông điệp của các Giám Mục Pháp được kết thúc bằng cách thông báo rằng một số nạn nhân sẽ được mời tham gia vào Hội nghị Toàn thể tiếp theo của các giám mục được tổ chức tại Lộ Đức, nơi họ sẽ được các vị giám mục “đón tiếp” và “lắng nghe”.

14. Đức Cha David Zubik: Các linh mục phải đọc Kinh cầu Tổng Lãnh Thiên Thần Micae sau mỗi thánh lễ

Trước những tai tiếng lạm dụng tình dục gần đây, Đức Cha David Zubik Giám mục Pittsburgh đã công bố một năm Thống hối trong giáo phận của ngài và yêu cầu các linh mục phải đọc Kinh cầu Tổng Lãnh Thiên Thần Micae sau mỗi thánh lễ.

Ngài đã yêu cầu tất cả các giáo sĩ chay tịnh và cầu nguyện cho việc thanh tẩy Giáo Hội, và mời tất cả những người Công Giáo tham gia vào sáng kiến này.

“Đối mặt với những hành động tội lỗi của các thành viên trong hàng giáo sĩ của chúng ta, là những người được kêu gọi để thể hiện tấm gương của Chúa Kitô, chúng ta cảm thấy cả sự xấu hổ lẫn những buồn phiền, và được nhắc nhở về tình trạng tội lỗi của chúng ta và sự cần thiết phải cầu khấn Lòng Thương Xót Chúa,” Đức Giám Mục Zubik đã viết như trên trong một lá thư đề ngày 10 tháng Chín gởi cho các giáo sĩ và chủng sinh của giáo phận.

“Tôi mời gọi các tín hữu tham gia cùng với các giáo sĩ trong lời cầu nguyện và những cử chỉ sám hối của chúng ta. Năm này được mở ra để các cá nhân vượt lên cả những gì tôi đang yêu cầu khi chúng ta tiếp tục cầu nguyện xin Chúa đến trợ giúp chúng ta.”

Năm Thống hối sẽ bao gồm việc tuân giữ các Ngày Vào mùa (Ember days), là những ngày chúng ta có truyền thống ăn chay và kiêng thịt.

Đức Cha Zubik đã yêu cầu rằng trong 12 Ngày Vào mùa trong năm tới, các giáo sĩ của Giáo Phận Pittsburgh phải ăn chay, kiêng thịt, và làm ít là một Giờ Chầu Thánh Thể.

Ngày Vào mùa được cử hành vào các ngày đầu mùa trong năm, và được tổ chức vào các ngày thứ Tư, thứ Sáu và thứ Bảy trong bốn tuần: tuần thứ ba của tháng Chín, tuần thứ ba Mùa Vọng, tuần đầu tiên của Mùa Chay, và tuần Bát Nhật Lễ Hiện Xuống.

Trong Năm Thống hối của giáo phận Pittsburgh, các ngày Ngày Vào mùa rơi vào ngày 19, 21 và 22 tháng 9, 2018, ngày 19, 21, 22 tháng 12, 2018, ngày 13, 15, 16 tháng 3, 2019 và ngày 12, 14, 15 tháng 6, 2019.

Đức Cha Zubik sẽ chủ sự việc khai mạc Năm Thống hối vào ngày 23 tháng Chín với Kinh Chiều và một Giờ Chầu Thánh Thể tại nhà thờ chính tòa giáo phận.

Năm này sẽ kết thúc với Thánh lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời ngày 15 tháng 8 năm 2019 “như một dấu chỉ của niềm hy vọng và sự chữa lành cho các nạn nhân và sự đổi mới trong Giáo Hội qua sự cầu bầu của Đức Maria.”

Trong lá thư của mình, Đức Giám Mục Zubik cũng truyền cho các giáo sĩ tại Pittsburgh khôi phục lại việc đọc lời cầu nguyện cùng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae sau tất cả Thánh Lễ.