Từ thời xa xưa Giáo Hội Roma đã có truyền thống cử hành lễ trọng kính hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô trong cùng một ngày. Tiếp tục truyền thống đó, lúc 9:30 sáng thứ Năm 29 tháng Sáu, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ tại quảng trường Thánh Phêrô. Dịp này, ngài cũng làm phép dây Pallium cho các vị Tổng Giám Mục chính tòa được bổ nhiệm trong 12 tháng qua.

Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


Các bài đọc chúng ta vừa nghe liên kết chúng ta với Truyền thống tông đồ. Truyền thống đó “không phải là sự truyền tải những vật thể hay lời nói, một thứ không còn sức sống; nhưng đó là một dòng chảy sống động nối kết chúng ta với những nguồn gốc, một dòng chảy sống động trong đó những nguồn gốc này luôn hiện diện” (Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Bài giáo lý ngày 26/04/2006) và đem lại cho chúng ta chìa khóa Nước Trời (xem Mt 16:19). Truyền thống tuy cổ xưa nhưng luôn mới, mang lại cho chúng ta sự sống, và đổi mới niềm vui của Tin Mừng. Nó cho phép chúng ta tuyên xưng trên đôi và trong trái tim mình: “‘Chúa Giêsu Kitô là Chúa’, để tôn vinh Chúa Cha” (Phil 2:11).

Toàn bộ Tin Mừng là câu trả lời cho câu hỏi khắc khoải trong lòng dân Israel và ngày nay cũng hiện diện trong con tim của tất cả những người khát khao sự sống: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11: 3). Chúa Giêsu dùng câu hỏi đó để hỏi các môn đệ mình: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16:15).

Thánh Phêrô lên tiếng và gọi Chúa Giêsu bằng danh xưng vĩ đại nhất mà thánh nhân có thể nghĩ ra: “Thầy là Đấng Kitô” (x. Mt 16:16), Đấng được xức dầu, Đấng thánh của Thiên Chúa. Thật chính đáng khi nghĩ rằng Chúa Cha đã linh hứng cho thánh nhân trong câu trả lời này bởi vì Thánh Phêrô đã từng thấy cách Chúa Giêsu “xức dầu” cho dân Ngài. Chúa Giêsu, Đấng được xức dầu, đã lang thang từ làng này sang làng khác với mục đích duy nhất là cứu giúp những ai bị xem là lạc lối. Ngài “xức dầu” kẻ chết (xem Mc 5: 41-42; Lc 7: 14-15), bệnh nhân (xem Mc 6:13; Giacơ 5:14), những người bị thương (xem Lc 10:34), và những người ăn năn hối lỗi (xem Mt 6:17). Ngài xức dầu hy vọng (xem Lc 7: 38,46; 10:34; Ga 11: 2; 12: 3). Nhờ sự xức dầu đó, mọi tội nhân - kẻ bị quỷ ám, những người tàn tật, ngoại giáo, bất kể xuất thân từ đâu - đều có thể cảm thấy mình là một phần đáng yêu quý trong gia đình Thiên Chúa. Qua những hành động của Người, Chúa Giêsu đã nói một cách rất cá vị với từng người: “Bạn là của tôi”. Như Thánh Phêrô, chúng ta cũng có thể tuyên xưng trên môi và trong trái tim mình không chỉ những gì chúng ta đã được nghe, mà còn cả những kinh nghiệm cụ thể chúng ta đã từng thấy trong cuộc sống. Chúng ta cũng đã được tái sinh, được chữa lành, được canh tân và tràn đầy hy vọng nhờ sự xức dầu của Đấng Thánh. Nhờ sự xức dầu đó, mọi ách nô lệ đã bị đập tan (x 10:27). Làm sao chúng ta có thể quên ký ức hân hoan khi thấy mình được cứu chuộc và điều đó dẫn chúng ta đến việc tuyên xưng rằng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (x Mt 16:16).

Thật thú vị khi thấy những gì diễn ra tiếp theo sau đoạn Tin Mừng trong đó Thánh Phêrô tuyên xưng đức tin của ngài: “Từ lúc đó, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.” (Mt 16:21). Đấng được Thiên Chúa xức dầu tiếp tục mang tình thương và lòng thương xót của Chúa Cha đến tận cùng. Tình yêu thương xót này cũng đòi hỏi chúng ta phải đi đến mọi ngóc ngách của cuộc sống, để tiếp cận với mọi người, bất kể điều này có thể khiến chúng ta phải trả giá bằng “danh thơm tiếng tốt”, tiện nghi, địa vị… thậm chí là tử đạo.

Phêrô phản ứng với một lời tuyên bố hoàn toàn bất ngờ khi nói rằng: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16:22). Như thế, thánh nhân ngay lập tức trở thành một hòn đá chướng ngại trên con đường của Đấng Mết-si-a. Khi tưởng mình đang bênh vực những quyền của Chúa, Phêrô không nhận ra mình lại biến thành kẻ thù của Chúa; nên Chúa Giêsu mắng ông là “Satan”. Chiêm niệm về cuộc đời của Phêrô và lời tuyên xưng đức tin của ông cũng có nghĩa là học cách nhận ra những cám dỗ bám theo cuộc đời của mọi môn đệ Chúa. Giống như Phêrô, chúng ta với tư cách là một Giáo hội sẽ luôn bị cám dỗ khi nghe những “tiếng thì thầm” của Ma Qủy, để trở thành một hòn đá chướng ngại cho sứ vụ. Tôi nói “thì thầm” bởi vì ma quỷ âm thầm quyến rũ, vì e rằng ý định của nó bị nhận ra. “Nó cư xử như một kẻ đạo đức giả, muốn ẩn mình và không bị khám phá” (Thánh Inhaxiô thành Loyola, Linh Thao, n. 326).

Trái lại, thông phần vào việc xức dầu của Chúa Kitô, có nghĩa là chia sẻ trong vinh quang của Chúa, đó là thập tự giá của Ngài: Lạy Cha, xin làm vinh danh Con Cha.. Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha” (Ga 12,28) Trong Chúa Giêsu, vinh quang và thập giá sánh bước bên nhau, không thể tách rời. Khi ta quay lưng với thập giá, cho dù chúng ta có đạt đến những đỉnh cao của vinh quang, chúng ta cũng chỉ tự lừa dối mình mà thôi, bởi lẽ thứ vinh quang ấy không phải là vinh quang của Thiên Chúa, nhưng là nanh vuốt của kẻ thù.

Thường thì chúng ta cảm thấy cám dỗ muốn trở thành một Kitô hữu nhưng lại muốn giữ một khoảng cách thận trọng với những vết thương của Chúa. Chúa Giêsu chạm vào sự đau khổ của con người và Ngài yêu cầu chúng ta tham gia cùng Ngài trong việc chạm vào thân xác đau khổ của những người khác. Để có thể tuyên xưng đức tin của chúng ta bằng cả đôi môi và trái tim mình, chúng ta - giống như Phêrô – phải học cách nhận ra những “tiếng thì thầm” của ma qủy. Chúng ta phải học cách phân định và nhận ra những “chiêu bài” của cá nhân và tập thể đang làm chúng ta xa lánh những thảm kịch thực sự của con người, đang ngăn chặn chúng ta tiếp xúc với cuộc sống cụ thể của tha nhân, và chung cuộc, không để chúng ta nhận ra sức mạnh cách mạng trong tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa (x Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm 270).

Khi không tách biệt vinh quang khỏi thập giá, Chúa Giêsu muốn giải phóng các môn đệ và Giáo Hội của Ngài khỏi những hình thái huêng hoang trống rỗng: những hình thái trống rỗng trong yêu thương, phục vụ, từ bi, không có chỗ cho con người. Chúa muốn giải phóng Giáo Hội khỏi một ảo tưởng bao la không đâm rễ sâu nơi đời sống của dân Chúa, hoặc tệ hơn nữa, là não trạng cho rằng phụng sự Chúa là thoát ly khỏi những con đường bụi bặm của lịch sử. Chiêm ngắm và bước theo Chúa đòi chúng ta phải mở rộng tâm hồn cho Chúa Cha và cho tất cả những ai mà Chúa muốn đồng hóa với họ (x. Thánh Gioan Phaolô 2, Tông thư Khởi đầu Thiên Niên Kỷ mới, 49) trong niềm xác tín rằng Chúa không bỏ rơi dân Ngài.

Anh chị em thân mến,

Hàng triệu người tiếp tục đặt ra câu hỏi Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11: 3). Chúng ta hãy tuyên xưng trên môi và trong con tim mình rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa (x Phil 2:11). Đây chính là bài bình ca chúng ta được mời gọi xướng lên hàng ngày trong sự đơn sơ, xác tín và vui mừng được biết rằng “Giáo Hội rạng ngời không phải bằng ánh sáng riêng của mình nhưng bằng ánh sáng của Chúa Kitô. Ánh sáng của Giáo Hội được kín múc từ Mặt Trời Công chính, để Giáo Hội có thể công bố rằng: “Không còn là tôi sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20) (Thánh Ambrosio, Hexaemeron, IV, 8,32)


Source - Libreria Editrice Vaticana HOLY MASS AND BLESSING OF THE SACRED PALLIUM FOR THE NEW METROPOLITAN ARCHBISHOPS ON THE SOLEMNITY OF SAINTS PETER AND PAUL, APOSTLES HOMILY OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS Saint Peter’s Basilica Friday, 29 June 2018