Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Những tiên đoán lạnh tóc gáy của vị Giáo Hoàng Ba Lan đã thành hiện thực

Bất cứ ai tự hỏi điều gì đã xảy ra trong cuộc bỏ phiếu ủng hộ phá thai nên đọc lại thông điệp Evangelium Vitae – Tin Mừng Sự Sống của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Ở các nước khác trên thế giới toà án, nhà nước và nghị viện đưa ra các phán quyết và luật lệ tước bỏ quyền sống của các trẻ em chưa chào đời. Nhưng Ái Nhĩ Lan đã trở thành quốc gia đầu tiên sử dụng phổ thông đầu phiếu để tước bỏ quyền được sống của thai nhi. Oái oăm thay Ái Nhĩ Lan lại từng là nước có truyền thống Công Giáo, và đến nay 78.3% vẫn xưng mình là người Công Giáo. Đó là một dấu chỉ cho bất cứ ai nghi ngờ sự thật là chúng ta đang sống trong thời đại trong đó người ta thần tượng hóa dân chủ. Chỉ cần quan sát cách thế người ta dễ dàng chấp nhận cái chết của những người vô tội khi cái chết ấy được quyết định bởi một thủ tục dân chủ thích hợp, chúng ta hiểu ra ngay điều đó.

Dân chủ - giống như bất kỳ hệ thống chính trị nào - đơn giản chỉ là một công cụ, mà giá trị đạo đức của nó không thể được đánh giá mà không tính đến mục đích người ta sử dụng nó. Khi gán cho nó một giá trị tối thượng, như thể nó là một cùng đích, thì người ta đã thần tượng hóa nó, đã hành động ngớ ngẩn như thể cúi đầu sụp lậy trước một khối đá hay một cái cây câm nín.

Không ai biết rõ điều này hơn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người vào năm 1995 đã ban hành thông điệp Evangelium Vitae, như một lời cảnh báo chống lại sự sùng bái và thần tượng hóa dân chủ.

Ngài viết:

“Dân chủ không thể được nâng lên hàng huyền thoại, đến mức trở nên chỗ thay thế cho luân lý, hay là một thứ chiêu bài vạn ứng cho sự vô luân. Về căn bản, dân chủ chỉ là ‘hệ thống’, và như thế dân chủ chỉ là công cụ chứ không phải là cùng đích. Giá trị luân lý của nó không tự động mà có, nhưng tuỳ thuộc vào sự hoà hợp của nó với luật luân lý.”

Đọc lại tài liệu này sau cuộc bỏ phiếu của Ái Nhĩ Lan, người ta có ngay một cảm thức rợn người rằng những lời tiên tri của vị Giáo Hoàng người Ba Lan đã được ứng nghiệm. Đức Gioan Phaolô cảnh báo người Công Giáo chống lại sự an nhiên hài lòng khi “quyền nguyên thủy và bất khả nhượng là quyền được sống bị nghi ngờ hoặc bị từ chối trên cơ sở các tiến trình dân chủ như các cuộc bỏ phiếu tại quốc hội hoặc ý chí của một nhóm người - ngay cả khi nhóm ấy là đa số trong các cuộc bỏ phiếu.” Trong các trường hợp như thế, “vẻ bề ngoài nghiêm chỉnh của một tiến trình pháp lý xem ra được tôn trọng” nhưng thực tế là luật luân lý căn bản bị chà đạp dưới chân.

Bất cứ khi nào điều này xảy ra, “nền dân chủ mâu thuẫn với chính các nguyên tắc của nó, trong thực tế đang hướng tới một hình thức chủ nghĩa độc tài.” Đức Gioan Phaolô II, người biết rõ chủ nghĩa toàn trị từ trong trứng nước, không sử dụng ngôn ngữ như vậy một cách hời hợt đâu.

Lập luận của thông điệp Evangelium Vitae không chỉ đơn giản nói với chúng ta rằng dân chủ, giống như bất kỳ hệ thống chính trị nào khác, cũng có khả năng tạo ra những hệ quả xấu xa. Thực vậy, Đức Gioan Phaolô tin rằng có một sự nguy hiểm cụ thể trong những cấu trúc kinh tế và chính trị ngày nay. Khi đề cao tính hiệu quả, chủ nghĩa tư bản dẫn dắt chúng ta đến việc xem một số cuộc sống quanh ta là “vô dụng”. Khi cổ vũ và đề cao các thủ tục, dân chủ khuyến khích sự thờ ơ với những kết thúc tối thượng. Khi đề cao các thủ tục pháp lý bề ngoài mà không tham chiếu đến luật đạo đức cơ bản, xã hội trở thành sấn khấu được thiết lập cho một “cuộc chiến chống lại kẻ yếu”.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đôi khi được người ta mô tả như là một người hăng say thúc đẩy chủ nghĩa tự do kinh tế và chính trị, nhưng trong thông điệp Evangelium Vitae, vị Giáo Hoàng Ba Lan cho thấy mình là một trong những nhà phê bình sắc sảo nhất đối với kinh tế thị trường và chính trị dân chủ. Ngài đã xác định một “cấu trúc tội lỗi có thể xác minh được” của “xu thế văn hóa, kinh tế và chính trị” đương đại, tất cả hòa tấu với nhau hầu mang lại lợi quyền cho những kẻ mạnh với giá phải trả của người yếu thế.

Đây chính xác là những gì đã xảy ra ở Ái Nhĩ Lan. Một quốc gia lóa mắt bởi sự thành công về kinh tế và háo hức muốn chứng minh với thế giới ta đây hiện đại, dân chủ nên đã chọn để tước bỏ quyền sống của những người vô phương tự vệ là các thai nhi. Kết quả sẽ là sự lặng lẽ tuyệt chủng của những người bị hội chứng Down, một cái ác đã được tiến hành rất rầm rộ trong phần còn lại của châu Âu.

2. Tối Cao Pháp Viện Anh bác bỏ đơn kiện xin bỏ luật cấm phá thai của Bắc Ái Nhĩ Lan

Cho đến nay, miền Bắc Ái Nhĩ Lan vẫn duy trì được một luật cấm phá thai rất mạnh.

Ủy ban Nhân quyền Bắc Ái Nhĩ Lan, bị chi phối bởi các nhóm phò phá thai quyết liệt muốn hủy bỏ luật này nên đã kiện ra Tối Cao Pháp Viện Anh quốc.

Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Vương quốc Anh đã bác bỏ các nỗ lực để lật đổ luật phá thai mạnh mẽ của Bắc Ái Nhĩ Lan, mặc dù đã kết luận rằng những điều luật hiện nay có thể là không phù hợp với quy định của Công ước châu Âu về quyền con người.

Các thẩm phán với tỉ lệ 4:3 nói rằng tòa án không có thẩm quyền để xem xét các tranh chấp pháp lý do Ủy ban Nhân quyền Bắc Ái Nhĩ Lan đưa ra vì không có một nạn nhân thực tế nào và cũng chẳng có tiềm năng dẫn đến một hành vi bất hợp pháp.

Bốn thẩm phán cho biết việc cấm phá thai trong trường hợp hãm hiếp và loạn luân là không phù hợp, trong khi năm thẩm phán chỉ trích việc cấm phá thai trong trường hợp thai nhi bị dị tật.

Mặc dù ý kiến của thẩm phán về luật phá thai của Bắc Ái Nhĩ Lan không có hệ lụy pháp lý nào vì họ đã bác bỏ vụ án, nhưng ý kiến của họ sẽ làm tăng đáng kể các áp lực chính trị nhằm tự do hóa việc phá thai tại Bắc Ái Nhĩ Lan.

Marion Woods, phát ngôn viên của phong trào phò sinh Ái Nhĩ Lan, cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh phán quyết chống lại Ủy ban Nhân quyền Bắc Ái Nhĩ Lan và chúng tôi muốn lưu ý rằng một số tiền đáng kể của người nộp thuế đã bị lãng phí bởi Ủy ban Nhân quyền Bắc Ái Nhĩ Lan trong vụ kiện này”

“Số tiền này có thể được sử dụng trong bao nhiêu năm qua để giúp đỡ và cho phép các phụ nữ và các gia đình có thai nhi bị dị tật hoặc những người phụ nữ phải đối mặt với chấn thương tình dục và mang thai trong trường hợp bị hãm hiếp?”

3. Diễn từ của Đức Thánh Cha với phái đoàn Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa

Ngày 2 tháng 6 vừa qua, Phòng Báo Chí của Tòa Thánh đã cho công bố lời phát biểu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với phái đoàn Chính Thống Giáo Nga, ngày 30 tháng Năm, tại Đại Thính Đường Phaolô VI..

Khi chào mừng phái đoàn, ngài nói với họ rằng “phong trào uniatism như con đường hợp nhất ngày nay không còn giá trị nữa”. Chủ trương này tuy đã có từ mấy thập niên nay, nhưng được Đức Phanxicô nhấn mạnh một cách đặc biệt với phái đoàn Chính Thống Nga.

4. Đức Hồng Y Pietro Parolin là quan chức cao cấp Vatican đầu tiên tham dự Hội nghị Bilderberg

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã tham gia vào Hội nghị Bilderberg, một phiên họp hàng năm của giới chính trị, kinh doanh và truyền thông hàng đầu thế giới. Năm nay, hội nghị này diễn ra tại Turin, Ý, từ ngày 07 đến ngày 10 tháng 6.

Đức Hồng Y Parolin có tên trong danh sách 131 người tham gia trong cuộc họp Bilderberg năm nay. Đây sẽ là lần đầu tiên một quan chức Vatican cao cấp tham dự Hội nghị Bilderberg.

Hội nghị Bilderberg được khởi sự từ năm 1954 tại khách sạn Bilderberg ở Oosterbeek, Hà Lan. Hội nghị Bilderberg tập hợp mỗi năm một số từ 120 đến 150 người tham gia, trong đó có tầng lớp tinh hoa chính trị châu Âu và Bắc Mỹ, cùng với giới kỹ nghệ, kinh doanh, tài chính, giáo dục và truyền thông.

Hội nghị năm nay được thiết lập để thảo luận về chủ nghĩa mị dân ở châu Âu, những thách thức của sự bất bình đẳng, tương lai của công ăn việc làm, trí tuệ nhân tạo, các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ, thương mại tự do, vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ và Nga, điện toán lượng tử, Saudi Arabia và Iran.

Sự tham gia của Đức Hồng Y Parolin có thể là một biểu hiện của “văn hóa gặp gỡ” được khuyến khích bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đức Thánh Cha thường khích lệ các quan chức Tòa Thánh tham gia vào một cuộc đối thoại với thế giới.

5. Khuynh hướng tôn giáo đầy bi quan của giới trẻ Âu Châu

Dựa trên khảo sát xã hội tại châu Âu, Stephen Bullivant vừa công bố một báo cáo ngắn gọn có tựa đề “Thanh niên châu Âu và Tôn Giáo”, để hỗ trợ cho các cuộc thảo luận của Thượng Hội Đồng Giám Mục về thanh niên vào tháng Mười tới đây.

Báo cáo này trình bày khuynh hướng tôn giáo của thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 29. Việc tham dự các việc thờ phượng và các hoạt động tôn giáo ở hầu hết các quốc gia châu Âu được ghi nhấp là rất thấp.

Tại Cộng hòa Tiệp, 91 phần trăm thanh niên tuyên bố không theo bất cứ tôn giáo cụ thể nào, 80 phần trăm chưa bao giờ cầu nguyện một lần nào trong đời, và 70 phần trăm chưa bao giờ tham dự bất kỳ nghi lễ tôn giáo.

Cộng hòa Tiệp có thể là một trường hợp cực đoan, nhưng các con số thống kê rất thấp cũng được tìm thấy tại Anh, Hà Lan, và Thụy Điển.

Tại Anh, nơi Anh Giáo được xem là quốc giáo, chỉ có 7 phần trăm số người được hỏi tự nhận mình là tín hữu Anh giáo, so với 10 phần trăm xác định mình là người Công Giáo và 6% nói mình là người Hồi giáo.

Những người thuộc vào loại “Không bao giờ cầu nguyện” là một con số nổi bật. Dân số “Không bao giờ cầu nguyện” bao gồm một đa số đáng kể các thanh niên ở Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, và Hung Gia Lợi.

Tuy nhiên, các con số thống kế của Bullivant cũng không hoàn toàn là bi quan. Ông nhận thấy niềm tin Kitô giáo và việc thực hành tôn giáo vẫn phát triển mạnh ở các nước như Ba Lan, Lithuania , Ái Nhĩ Lan và Bồ Đào Nha — nhưng xu hướng vô thần xem ra là hiển nhiên.

Bullivant nhận xét rằng “Kitô giáo như một mặc định, như một chuẩn mực, đã biến mất, và có lẽ sẽ biến mất luôn ít nhất là trong một trăm năm tiếp theo ....Mặc định mới nhất trong xã hội châu Âu sẽ là không có tôn giáo,và các tín hữu sẽ thấy mình bơi ngược dòng”

6. Tân thủ tướng Tây Ban Nha là một thách đố cam go cho Giáo Hội Công Giáo

Những ngày tháng êm đềm dưới thời thủ tướng Mariano Rajoy đã trôi qua. Thời kỳ 6 năm này không chỉ được đánh dấu bởi sự chấm dứt những tấn kích vào các học thuyết xã hội Công Giáo dữ dội như thời gian dưới thời thủ tướng cánh tả José Luis Rodríguez Zapatero của đảng Công nhân Xã hội; mà còn được ghi dấu bởi những kỷ niệm đẹp.

Một trong những kỷ niệm đẹp chưa phai mờ trong tâm trí những người Công Giáo theo dõi sát thời cuộc là thông cáo hôm 27 tháng Ba, 2018 của bà Maria Dolores Cospedal, Bộ Trưởng Quốc Phòng Tây Ban Nha ra lệnh cho tất cả các cơ quan của Bộ Quốc phòng nước này, các doanh trại quân đội và các cơ sở khác của lực lượng vũ trang tại quốc nội và hải ngoại treo cờ rũ trong Tuần Thánh để tưởng niệm Chúa chịu chết.

Điều vô cùng không may là vào ngày 24 tháng 5 vừa qua, các quan tòa tại Tòa Thượng Thẩm và Ngoại Thường Tây Ban Nha đưa ra phán quyết hàng chục thành viên trong đảng Nhân Dân của thủ tướng Mariano Rajoy dính líu vào vụ tham ô tài chính lớn nhất trong lịch sử Tây Ban Nha hiện đại với số tiền lên đến 120 triệu Euro. Thương gia Francisco Correa Sánchez đã hối lộ cho các quan chức trong đảng cầm quyền để có được những hợp đồng béo bở và được trốn thuế.

Ngày 31 tháng 5, Pedro Sánchez chủ tịch đảng Công nhân Xã hội, đưa ra tuyên bố bất tín nhiệm đảng cầm quyền. Một ngày sau, hôm 1 tháng Sáu, vua Felipe bổ nhiệm ông này làm thủ tướng thay thế cho thủ tướng Mariano Rajoy.

Ngày 2 tháng Sáu, Pedro Sánchez, một người tự hào mình là người vô thần, tuyên thệ trước mặt nhà vua. Ông ta yêu cầu dẹp bỏ Thánh Giá và Thánh Kinh trên bàn. Pedro Sánchez là thủ tướng đầu tiên trong lịch sử của Tây Ban Nha hiện đại đã tuyên thệ không có Thánh Kinh hay Thánh Giá.

Thấy trước những ngày tháng đen tối trước mắt không một Giám Mục nào trong tất cả 70 giáo phận và tổng giáo phận của Tây Ban Nha đưa ra một lời chúc mừng cá nhân đến tân thủ tướng như vẫn thường xảy ra.

Tuyên bố duy nhất và ngắn ngủi đến từ Đức Hồng Y Ricardo Blázquez của Valladolid, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha, chúc mừng Sánchez nhân danh chung các Giám Mục và bảo đảm với ông lời cầu nguyện “Xin Thiên Chúa ban cho ông ánh sáng và sức mạnh để phục vụ cho sự thịnh vượng chung, đoàn kết, thịnh vượng và gắn kết xã hội của đất nước chúng ta.”

Những bóng mây u ám dưới thời thủ tướng José Luis Rodríguez Zapatero của đảng Công nhân Xã hội đang lũ lượt kéo về.

7. Một linh mục Phi Luật Tân bị bắn tại Calamba

Một linh mục Công Giáo đã từng làm tuyên úy cho cảnh sát quốc gia Phi Luật Tân đã bị thương sau một cuộc tấn công vào sáng ngày 06 tháng 6 tại thành phố Calamba, cách thủ đô Manila khoảng 40km.

Cha Rey Urmeneta, 64 tuổi, một linh mục tại giáo xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, đang trên đường đến một cuộc họp thì bị hai tay súng chặn đường bắn nhiều phát vào ngài.

Một báo cáo của cảnh sát cho biết ngài đang đi trên xe với người thư ký khi vụ nổ súng xảy ra vào khoảng 9 giờ 40 sáng.

Cha Urmeneta, bị thương ở sau lưng và cánh tay trái, đã được đưa đến bệnh viện. Ngài được báo cáo là trong tình trạng ổn định.

Một cuộc điều tra đã được tiếp tục để xác định động cơ của cuộc tấn công, mặc dù cha đã nói với cảnh sát rằng vụ việc có thể liên quan đến những người nợ tiền của ngài và muốn giết ngài để khỏi phải trả nợ.

Tháng Tư năm nay, Cha Mark Ventura thuộc giáo phận Gattaran ở miền bắc Phi Luật Tân đã chết sau khi bị bắn bởi một tay súng sau khi vừa cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật.

Ngày 04 Tháng 12 năm ngoái 2017, Cha Marcelito Paez cũng bị bắn chết tại thị trấn Jaen, khoảng 112km về phía bắc của Manilla.

8. Diễn từ của Đức Hồng Y Angelo Bagnasco nhân dịp Hội Nghị các Giáo Hội Âu Châu

Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, Chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu đã gởi một lời chào mừng đến Đức Cha Christopher Hill, Giám Mục Anh Giáo, Chủ tịch Hội Nghị Các Giáo Hội Kitô Âu Châu, gọi tắt là CEC, nhân dịp đại hội thường niên được tổ chức từ 31 tháng 5 đến 6 tháng 6. CEC được thành lập vào năm 1959 quy tụ 116 giáo hội bao gồm Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo, và Giáo Hội Công Giáo cổ từ tất cả các nước châu Âu, cộng với 40 Hội đồng các Giáo Hội quốc gia và các tổ chức khác.

Đức Hồng Y Angelo Bagnasco viết:

“Trong thế giới ngày nay quá thường khi không quan tâm đến Thiên Chúa và đôi lúc lại hành động chống lại Thiên Chúa, việc trở nên chứng nhân của Chúa Giêsu thực sự là trung tâm của toàn bộ sứ mệnh của chúng ta. Đó là nhiệm vụ ngày hôm nay và tương lai của phong trào đại kết và đối thoại giữa các Giáo Hội Kitô. Chúng ta được mời gọi theo Chúa Giêsu không chậm trễ và trở nên chứng nhân của Ngài. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã minh chứng về điều này một cách hùng hồn với chuyến viếng thăm sắp đến của mình ngài tại Geneva vào ngày 21 tháng 6 tới đây để đánh dấu kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Nghị Các Giáo Hội Kitô Âu Châu”.

Đức Hồng Y Bagnasco không thể đích thân tham dự cuộc họp nên Cha Martin Michalicek, Phó Tổng thư ký Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu, đã đại diện cho ngài và các Giám Mục Công Giáo Âu Châu tại đại hội thường niên của CEC diễn ra tại Novi Sad.

9. Thái tử Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất mời Đức Thánh Cha sang thăm quốc gia này

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khen ngợi những nỗ lực của Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất nhằm thúc đẩy sự khoan dung tôn giáo, tăng cường đối thoại liên tôn và sự sống chung hòa bình giữa các dân tộc trên thế giới.

Đức Giáo Hoàng đã đưa ra các lập trường trên trong cuộc gặp gỡ với hoàng thân Abdullah bin Zayed, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế của Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, đang thăm chính thức Vatican. Trong dịp này hoàng thân đã trình lên Đức Thánh Cha một lá thư từ Thái tử Mohammed bin Zayed, là quốc vương của Abu Dhabi và là Phó Tổng Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất. Trong thư, thái tử mời Đức Giáo Hoàng đến thăm quốc gia này. Abu Dhabi là vương quốc lớn nhất trong 7 vương quốc hình thành nên Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất.

Hoàng thân Abdullah và Đức Giáo Hoàng đã trao đổi quan điểm về những phát triển mới nhất ở Trung Đông, cùng với các vấn đề quốc tế có liên quan.

Hoàng thân Abdullah tái khẳng định quyết tâm của Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất thúc đẩy hợp tác với Vatican, với niềm tin nơi tầm quan trọng của việc thúc đẩy đối thoại giữa các tôn giáo. Ông bày tỏ sự đánh giá cao các nỗ lực của Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc thúc đẩy hòa bình trên thế giới. Ông nhận xét rằng mối quan hệ huynh đệ giữa Đức Giáo Hoàng và tiến sĩ Ahmed Al Tayeb, hiệu trưởng Đại Học Hồi Giáo Al Azhar, là một ví dụ về giá trị của sự khoan dung và hòa bình mà lẽ ra nên chiếm ưu thế trong thế giới ngày nay.

Đáp lại, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã khen ngợi và nhấn mạnh các sáng kiến nhân đạo của Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất nhằm làm giảm bớt sự đau khổ của những người nghèo, không phân biệt màu da, văn hóa, dân tộc, chủng tộc và tôn giáo.

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và Hoàng thân Abdullah có sự tham dự của Tiến sĩ Hessa Abdullah Al Otaiba, Đại sứ không thường trú của Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất tại Vatican.

10. Các linh mục ở Canberra sẽ bị buộc phải vi phạm ấn tín tòa giải tội

Các linh mục ở Canberra sẽ sớm bị buộc phải vi phạm ấn tín tòa giải tội để báo cáo những kẻ lạm dụng trẻ em, bất kể những lo ngại rằng luật mới này vi phạm quyền tự do tôn giáo.

Cả ba đảng trong quốc hội lập pháp Canberra đã ủng hộ dự luật này bất kể sự chống đối quyết liệt cuả hai chính trị gia tự do đảng Tự Do, là những người đã phát biểu về mối quan tâm sâu xa của họ.

Andrew Wall, người đã theo học tại trường cao đẳng Marist cho rằng việc bắt các linh mục phải báo cáo với cảnh sát những kẻ lạm dụng trẻ em là “quá đáng”.

Ông Andrew Wall nói việc vi phạm ấn tín tòa giải tội về cơ bản sẽ thay đổi và “có ảnh hưởng một cách đáng kể đến quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo”.

Vicki Dunne, một người Công Giáo, cho biết các linh mục vi phạm ấn tín tòa giải tội tự động bị dứt phép thông công và điều này sẽ làm suy yếu niềm tin vào nghi thức “thiêng liêng, bất khả xâm phạm của bí tích này”.

Bà Dunne nói: “Chúng ta cần phải dừng lại và suy nghĩ hai lần trước khi chúng ta thông qua luật đòi hỏi các linh mục Công Giáo phải vi phạm ấn tín tòa giải tội.”

“Đó là lý do tại sao Cha Brennan nói rằng ngài thà vi phạm pháp luật hơn là vi phạm ấn tín tòa giải tội”

Các luật mới sẽ đòi hỏi các tổ chức tôn giáo “báo cáo các hành vi phạm tội liên quan đến trẻ em trong vòng 30 ngày”

Các điều khoản xung quanh việc vi phạm ấn tín tòa giải tội sẽ không được áp dụng cho đến ngày 31 tháng 3 năm 2019, để chính phủ và các giáo sĩ có thể xác định cách thi hành luật.

11. Phản ứng của Đức Tổng Giám Mục Christopher Prowse trước việc Canberra thông qua luật buộc các linh mục phải vi phạm ấn tín giải tội

Đức Tổng Giám Mục Christopher Prowse của Canberra và Goulburn đã cảnh báo rằng một luật mới của tiểu bang vừa được thông qua vi phạm tự do tôn giáo, không có hiệu quả, và chung cuộc chỉ trừng phạt các linh mục từ chối vi phạm ấn tín giải tội trong các trường hợp liên quan đến hành vi ngược đãi trẻ em.

Quốc Hội của Australian Capital Territory đã thông qua một luật mới, mở rộng các quy định về trách nhiệm báo cáo các vụ lạm dụng tính dục trẻ em và bị các linh mục phải báo cáo các trường hợp các ngài được biết trong tòa giải tội.

Trong một bài báo đăng trên tờ Thời báo Canberra, Đức Tổng Giám Mục Christopher Prowse, ủng hộ nỗ lực bảo vệ trẻ em nhưng nói rằng “vi phạm ấn tín giải tội sẽ không giúp gì trong việc ngăn ngừa sự lạm dụng”.

Đức Tổng Giám Mục Prowse nói rằng luật mới này sẽ chẳng mang lại một hiệu quả nào, một phần vì những kẻ lạm dụng sẽ không thể thú nhận tội ác của họ “nếu họ nghĩ rằng họ sẽ bị báo cáo”.

Đức Tổng Giám Mục nói thêm: “Chính phủ đe dọa tự do tôn giáo bằng cách tự coi mình như một chuyên gia về các thực hành tôn giáo và bằng cách cố gắng thay đổi Bí tích Giải tội trong khi không có cải thiện nào về sự an toàn của trẻ em.”

Thủ hiến New South Wales, là ông Gladys Berejiklian nói: “Đó là những vấn đề phức tạp cần được cân bằng với những gì mọi người tin là tự do tôn giáo”.

Tổng Giáo phận Canberra và Goulburn có chín tháng để đàm phán với chính phủ trước khi luật này có hiệu lực.

12. Trường hợp Luis Fernando Figari của Peru không thể bùng nổ thành một trường hợp Chí Lợi thứ hai

Trước những cáo buộc tới tấp đang diễn ra tại Peru, nhiều thế lực chống báng Giáo Hội và nhiều người bi quan cho rằng trường hợp Luis Fernando Figari của Peru có thể bùng nổ thành một trường hợp Chí Lợi thứ hai.

Tuy nhiên, có những yếu tố cho thấy những nhận định bi quan này sẽ không xảy ra. Luis Fernando Figari chỉ là một giáo dân, không phải là giáo sĩ và Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ đã hành động hết sức thận trọng trong vụ này.

Các quan chức Tòa Thánh đã bác bỏ cáo buộc che dấu và bảo vệ Luis Fernando Figari, người sáng lập Sodalitium Christianae Vitae, nghĩa là Hiệp Hội Đời Sống Kitô, viết tắt là SCV. Luis Fernando Figari bị buộc tội lạm dụng tình dục, thể chất và tâm lý của các thành viên trong hiệp hội.

Trong thông cáo đề ngày 25 tháng 5 và được Hội Đồng Giám Mục Peru công bố vào đầu tháng Sáu, Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ cho biết bộ phản đối các cáo buộc cho rằng bộ đã “che dấu” Luis Fernando Figari ở Rome và là “bảo vệ” ông này.

Thông cáo của Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ cũng phản bác lại những lời chỉ trích liên quan đến các hướng dẫn dành cho SCV hơn một năm trước đây về trường hợp của Figari, người sáng lập phong trào năm 1971.

Tháng Giêng năm 2017, Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ đã thông báo cho bề trên tổng quyền của hiệp hội, là Alessandro Moroni, rằng một cuộc điều tra bắt đầu vào năm 2015 đã xác định rằng Figari đã vi phạm nghiêm trọng “Giới răn thứ Sáu” với ít nhất một trường hợp lạm dụng tình dục liên quan đến trẻ vị thành niên.

Tại thời điểm đó, bộ nói rằng Figari không nên bị trục xuất khỏi hiệp hội nhưng khuyến cáo không cho ông này trở lại Peru trừ ra trong những trường hợp nghiêm trọng và với sự cho phép bằng văn bản của bề trên tổng quyền của hiệp hội. Ngoài ra, ông ta phải sống biệt lập, không có liên lạc với các thành viên của phong trào ngoại trừ một người được chỉ định giúp đỡ ông ta trong lúc đau yếu, và không được đưa ra các tuyên bố công khai hoặc tham gia vào các cuộc hội họp.

Trong thông cáo ký hôm 25 tháng 5, Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ giải thích rằng theo nhận định của bộ, Figari có một ảnh hưởng rất lớn trong hiệp hội và trong xã hội rộng lớn, nếu được cho phép quay về Peru, Figari sẽ hủy hết các tang chứng, sẽ khủng bố những ai có ý định tố cáo ông ta, gây khó khăn cho việc xác định sự thật của các sự kiện và cản trở tiến trình tìm kiếm công lý. Các biện pháp nói trên là nhằm nhanh chóng “tái lập công lý cho các nạn nhân” và ngăn cản ông ta “gây thêm nhiều tổn hại cho bất cứ ai”, cũng như tạo cơ hội cho ông ta có điều kiện thảnh thơi để xét mình.

Oscar Osterling, một trong năm cựu thành viên SCV là người đã đệ đơn khiếu nại trước tòa cáo buộc Figari lạm dụng tính dục mình, chê bai thông cáo của Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ là “hời hợt” và tiếp tục chỉ tập trung vào một mình Figari, chứ không xem xét những cáo buộc liên quan đến ba nhà lãnh đạo khác của hiệp hội, là những người cũng bị cáo buộc lạm dụng tính dục. Một trong ba bị cáo này đã chết.

13. Luis Fernando Figari là ai?

SCV được thành lập như là một hiệp hội giáo dân ở Lima, Peru, năm 1971.

Các đạo luật của hiệp hội này như là một hiệp hội dành cho anh chị em tín hữu đã được thông qua vào năm 1977 và năm 1997 đã được phê chuẩn như một Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ được Tòa Thánh công nhận dành cho những người nam muốn sống đời thánh hiến và cho các linh mục.

SCV có đến 20,000 thành viên ở Peru, Á Căn Đình, Ba Tây, Colombia, Costa Rica, Chí Lợi, Ecuador, Ý và Hoa Kỳ.

Người sáng lập, Luis Fernando Figari, là một người có ảnh hưởng rất lớn trong các Giáo Hội tại Nam Mỹ. Ông đã từng được mời tham dự hai Thượng Hội Đồng Giám Mục: một lần về Bí Tích Thánh Thể năm 2005 và một lần khác về Kinh Thánh vào năm 2008. Ông cũng được mời làm cố vấn cho Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân vào năm 2002.

Một cuộc điều tra được những nhà lãnh đạo mới của Hiệp Hội công bố vào năm ngoái 2017 cáo buộc Figari đã phạm tội lạm dụng tình dục, thể chất và tâm lý đối với các thành viên của Hiệp Hội.

Mặt khác, báo cáo cũng ghi nhận những khía cạnh tích cực, chẳng hạn, đa số các thành viên của phong trào “có một lòng đạo đức cao độ, được thu hút bởi Tin Mừng và những khía cạnh tích cực của SCV”.

SCV cũng từng đào tạo được nhiều linh mục.

14. Tòa đời không xử nhưng tòa án Giáo Hội vẫn xử cha Fernando Intriago

Đức Tổng Giám Mục Luis Guayaquil Cabrera Herrera của tổng giáo phận Guayaquil, Ecuador, vừa ra một thông cáo cho biết cho biết tòa án Giáo Hội đã tìm thấy các bằng chứng cho thấy linh mục Fernando Intriago đã phạm tội có những “hành vi vô luân” và thất bại trong việc “tuân giữ các biện pháp phòng ngừa”.

Linh mục Intriago bị buộc tội đã lạm dụng ít nhất 10 thanh thiếu niên trong giáo xứ của ông tại Guayaquil khoảng một thập niên về trước. Ông đã bị treo chén vào năm 2013.

Cha Intriago là người sáng lập chi nhánh Ecuador của Sodalitium Christianae Vitae, nghĩa là Hiệp Hội Đời Sống Kitô, viết tắt là SCV, một hiệp hội xuất phát từ Peru.

Đức Tổng Giám Mục Luis Guayaquil Cabrera Herrera cho biết tội phạm tình dục của linh mục Intriago không thể bị truy tố bởi tòa án đời tại Ecuador vì đã hết thời hiệu hồi tố, nhưng tòa án Giáo Hội vẫn quyết tâm xử vụ này.

Tòa án Giáo Hội đã tìm thấy các bừng chứng về tội lạm dụng tính dục, sử dụng nhục hình và gieo rắc các lý thuyết tào lao trái với đạo lý Công Giáo. Để biện minh với các thanh thiếu niên cho những hành vi dâm ô của mình, ông chế ra cái thuyết gọi là “Dinámica del pecado” (“năng động của tội lỗi”). Đức Tổng Giám Mục cho biết những thứ lý thuyết ấm ớ này là một cuộc tấn công vào “thể chất, đạo đức, tâm lý và tinh thần” của con người.

Ngài nói thêm rằng tổng giáo phận đang chờ đợi quyết định của Bộ Giáo Lý Đức Tin sa thải linh mục này khỏi hàng giáo sĩ. Một quyết định như thế chưa thể đưa ra ngay lúc này vì đương sự có thời gian để kháng cáo.

15. Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ ca ngợi phán quyết của Tối Cao Pháp Viện

Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ và nhiều nhóm tranh đấu cho tự do tôn giáo đã ca ngợi phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ tỷ số thuyết phục là 7-2 theo đó quyền cuả người làm bánh ở Colorado đã bị vi phạm khi ủy ban dân quyền cuả tiểu bang đòi hỏi ông phải làm bánh cho một đám cưới đồng tính.

“Quyết định ngày hôm nay xác nhận rằng người tín hữu không nên bị phân biệt đối xử vì niềm tin tôn giáo sâu sắc của họ, nhưng nên được tôn trọng bởi các quan chức chính phủ”, Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của giáo phận Louisville, chủ tịch ủy ban tự do tôn giáo của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nhận xét như trên.

Tòa án tối cao đã đứng về phiá ông Phillips, chủ nhân Cakeshop Jack, và nói rằng Ủy ban Dân quyền Colorado đã tỏ ra một sự thù địch đối với tôn giáo không thể chấp nhận được khi họ kiện ông Phillips với cáo buộc là ông đã phân biệt đối xử với một cặp vợ chồng đồng tính khi cặp này đòi đặt một chiếc bánh cưới hồi năm 2012.

Ông Phillips, một Kitô hữu mộ đạo, đã nói nhiều lần trong suốt vụ việc rằng ông sẽ không có vấn đề bán cho khách hàng đồng tính những chiếc bánh khác chứ không phải là một chiếc bánh được trang trí đặc biệt cho một đám cưới đồng tính. Vì niềm tin tôn giáo của mình, ông cũng từ chối nhận làm bánh Halloween.

Đức Tổng Giám Mục Kurtz nói thêm, “Ông Jack Phillips, là người tìm kiếm sự phục vụ Chúa trong mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày. Trong một xã hội đa nguyên giống như của chúng ta, sự khoan dung thực sự cho phép những người có quan điểm khác nhau được tự do sống theo niềm tin của họ, ngay cả khi niềm tin đó không được chính phủ ưa chuộng. “

Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz, Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput cuả Tổng giáo phận Philadelphia, Chủ tịch Ủy ban về Giáo Dân, Hôn nhân, Đời sống Gia đình và Thanh niên, và Đức Giám Mục James Conley của giáo phận Lincoln, chủ tịch Ủy ban Bảo Vệ Hôn nhân, đã phát hành một tuyên bố chung để hoan nghênh phán quyết của Tòa án Tối cao.