Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Ðừng thủ đoạn cũng đừng giả hình.

Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ơn để nhận ra sự thật trong nội tâm mình. Ðức Thánh Cha đã dâng lời cầu nguyện như trên trong thánh lễ sáng thứ Sáu 20 tháng 10 năm 2017 tại nhà nguyện Marta.

Bài trích thư của thánh Phaolô tông đồ gửi giáo đoàn Roma (Rm 4,1-8) cho chúng ta biết ơn tha thứ của Thiên Chúa thực sự là gì. Ðó là một ơn nhưng không, đó là ơn sủng Thiên Chúa ban, đó là ý muốn yêu thương của Thiên Chúa. Sự tha thứ không theo kiểu chúng ta nghĩ, và sự tha thứ không phải là do những việc chúng ta làm.

Những gì chúng ta làm là để đáp lại tình yêu nhưng không mà Thiên Chúa đã trao tặng chúng ta. Những việc ta làm là để minh chứng, để chứng thực về ơn tha thứ mà chúng ta được lãnh nhận và sinh hoa kết trái. Sự thánh thiện của chúng ta hoàn toàn là do chúng ta nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa. Như Thánh Vịnh có lời cầu nguyện: “Phúc cho kẻ tội lỗi được thứ tha. Phúc cho người không bị Chúa hạch tội.”

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Thiên Chúa là Ðấng thứ tha. Ngài tha thứ cho ta tội nguyên tổ và biết bao tội ta đã phạm. Ngài tha thứ hoài tha thứ mãi. Chúng ta được tha thứ, không bao giờ là vì những việc tốt lành ta đã làm. Chúng ta được tha thứ, chỉ vì Thiên Chúa đã Ðấng giàu lòng từ nhân đã tha thứ cho ta. Và chúng ta có thể đáp lại ơn tha thứ ấy bằng những việc làm tốt lành.

Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 12,1-7), Chúa Giêsu nói về những kẻ công chính theo vẻ bề ngoài. Bề ngoài họ ra vẻ công chính thánh thiện, nhưng kỳ thực họ sống giả hình. Bên ngoài là tốt đẹp, nhưng bên trong thì nhơ bẩn. Bên ngoài thì làm ra vẻ ăn chay cầu nguyện bố thí, nhưng bên trong thì trống rỗng và xấu xa.

Họ sống với những thủ đoạn trong tâm hồn, trong lối sống, và làm ra vẻ thánh thiện. Chúa Giêsu luôn muốn chúng ta phải trung thực trong tâm hồn. Và nếu có điều gì đó có vẻ bên ngoài là sự thật, thì trước tiên điều ấy phải là sự thật trong cõi lòng. Do đó, Chúa đã khuyên chúng ta, là khi cầu nguyện, nên cầu nguyện nơi kín đáo. Khi ăn chay, thì đừng tỏ ra là mình ăn chay. Khi bố thí giúp đỡ người khác, thì làm cách kín đáo, việc tay trái chớ cho tay phải biết.

Ðối với những kẻ sống giả hình, cái mẽ bề ngoài của họ chỉ tựa “bong bóng xà phòng” nay còn mai mất. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta có sự hội nhất trong cuộc sống, có sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, giữa việc làm và đời sống. Những kẻ giả hình thì làm những điều xấu xa. Giả hình là một lối sống quá xấu xa. Như trong Thánh Vịnh, chúng ta hãy cầu xin Chúa ơn nhận biết sự thật. Lời cầu nguyện này rất đẹp: “Lạy Chúa, xin cho con biết tội con đã phạm. Con không che giấu tội con. Con không lừa dối linh hồn con. Con xin xưng thú với Chúa tội lỗi của con.” Sự thật ấy luôn ở trước mặt Chúa, luôn luôn là như thế. Khi chúng ta thân thưa sự thật ấy với Chúa, Chúa sẽ tha thứ cho chúng ta.

Đức Thánh Cha cảnh cáo rằng:

Khi đạo đức giả trở thành một loại thói quen, thì thói quen giả hình ấy dẫn tới chỗ việc đổ thừa đổ lỗi cho người khác. Chúng ta đừng sống như thế, đừng đổ lỗi cho người khác, nhưng hãy tìm hiểu sự khôn ngoan để biết tự trách bản thân, để biết thân thưa với Chúa tội lỗi của mình, để được Chúa thứ tha.

2. Ðừng đánh mất chìa khóa của sự hiểu biết.

Xin Chúa ban cho ta ơn biết khắc ghi lòng quảng đại vô bờ của ơn Ngài cứu độ, biết khắc ghi điều gì cụ thể mà Chúa đã làm cho ta với lòng thương xót của Ngài. Ðó là những ơn về vật chất cũng như tinh thần. Từ lòng biết ơn chân thành ấy, chúng ta biết mở cánh cửa lòng mình trước tha nhân. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 19 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta

Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay, các luật sĩ và biệt phái bị Chúa Giêsu mắng nặng lời: “Khốn cho các ngươi, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khóa của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản.”

Chúa phải nói nặng lời như thế, vì họ đã lấy đi khả năng hiểu biết mầu nhiệm Thiên Chúa, lấy đi khả năng hiểu biết trái tim Thiên Chúa, lấy đi khả năng hiểu biết ơn Chúa cứu độ. Họ đã lấy đi chìa khóa của sự hiểu biết. Chúng ta có thể nói rằng, điều ấy thật trầm trọng. Khi làm như thế, họ quên mất đặc tính nhưng không của ơn cứu độ, quên đi sự gần gũi thân tình của Thiên Chúa, quên đi lòng thương xót của Ngài. Khi quên đi như thế, họ đã lấy mất chìa khóa của sự hiểu biết.

Do đó, đừng quên đi tính nhưng không của ơn cứu độ. Ơn cứu độ là sáng kiến của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn cứu độ chúng ta, chứ không phải luật pháp. Ðương nhiên, luật pháp có đó là vì chúng ta, nhưng lề luật không thể trở thành ơn cứu độ. Không phải cứ giữ theo luật lệ, là đương nhiên đạt được ơn cứu độ. Thế nên, những người chỉ công chính theo kiểu giữ luật thì không nhận được quyền năng của sự công chính của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã ban cho dân Lề Luật là vì tình yêu nhưng không của Ngài. Nhưng đừng quên đi tính nhưng không của ơn cứu độ. Nếu quên đi điều quan trọng ấy, chúng ta sẽ sa ngã, chúng ta sẽ đánh mất chìa khóa của sự hiểu biết, sẽ đánh mất cảm nhận về sự gần gũi của Thiên Chúa.

Ðối với các luật sĩ ấy, Thiên Chúa của họ là một Thiên Chúa làm theo luật pháp. Thiên Chúa của họ không phải là Thiên Chúa của mặc khải. Thiên Chúa của mặc khải là Thiên Chúa đồng hành với chúng ta từ thời Abraham cho đến Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa luôn đồng hành với dân của Ngài. Khi bạn đánh mất mối liên hệ tình thân với Thiên Chúa, thì bạn sẽ rơi vào một tâm thức tồi tệ vì tin rằng mình tự đủ cho mình, cho rằng chính mình có thể tự cứu độ bằng cách chu toàn các điều luật. Ðừng lầm tưởng như thế. Sự gắn bó thân thiết với Chúa mới thực sự quan trọng.

Khi sự gắn bó với Chúa bị đánh mất, khi việc cầu nguyện bị quên lãng, thì hiển nhiên là bạn không thể dạy giáo lý, cũng không thể làm thần học, càng không thể làm thần học luân lý. Thần học phải luôn là thần học trên bàn quỳ, phải luôn là một thứ thần học gắn bó mật thiết với Thiên Chúa. Gắn bó mật thiết với Thiên Chúa có nghĩa là đi đến điểm tận cùng, điểm cao nhất của Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, được minh chứng bằng máu Chúa Kitô. Thánh Phaolô đã nói như thế. Do đó, hành vi thương xót là đá tảng của việc kiện toàn lề luật. Bởi vì khi thực thi các công việc của lòng thương xót, là bạn đang chạm đến thân mình Chúa Kitô, chạm đến Chúa Kitô chịu đau khổ trong một con người cụ thể, cả về mặt thể lý lẫn tinh thần. Ðó là chìa khóa của sự hiểu biết. Nếu đánh mất chìa khóa ấy, chúng ta sẽ tự khóa cửa đối với chúng ta cũng như đối với tha nhân.

Trong đất nước của tôi, nhiều lần tôi nghe việc cha xứ này cha xứ kia không muốn rửa tội cho các em bé là con của các bà mẹ trẻ, bởi vì các em bé ấy không được sinh ra trong những đôi hôn phối theo luật. Khi làm như thế là đang đóng cánh cửa lại trước dân Chúa, tại sao? Bởi vì tâm hồn của các cha xứ ấy đã đánh mất chìa khóa của sự hiểu biết. Có câu chuyện khác cách đây không lâu, mới ba tháng trước thôi, tại một ngôi làng, trong một thành phố nọ, có bà mẹ muốn đứa con trai mới sinh được rửa rội, nhưng bà mẹ ấy đã kết hôn dân sự với một người đã ly hôn. Vị cha xứ ấy nói: “Ðược, được, rửa tội cho em bé thì được. Nhưng chồng của bà đã ly hôn. Nói với ông ấy là hãy đứng bên ngoài. Ông ấy không được tham dự nghi lễ.” Ðó. Ðó là điều ngày nay tiếp tục diễn ra.

Không chỉ có các người pharisêu và luật sĩ thời xưa, thời nay cũng còn rất nhiều. Ðó là lý do để chúng ta rất cần cầu nguyện cho các mục tử, cầu nguyện cho các cha xứ. Nguyện xin Chúa ban ơn, để chúng ta không đánh mất chìa khóa của sự hiểu biết, để chúng ta không đóng sầm cánh cửa đối với bản thân, để chúng ta không cản ngăn những ai muốn bước vào.

3. Câu chuyện Ðồng Bạc Nhân Nghĩa

Một câu chuyện ngụ ngôn của Nga kể rằng: Có một nhà phú hộ kia khi gần chết lòng trí vẫn chỉ nghĩ đến tiền của là động lực đã thúc đẩy ông lao lực không biết mệt mỏi suốt cả cuộc đời. Dùng chút sức tàn, ông cố gỡ chiếc bao nhỏ đeo ở cổ, lấy ra chiếc chìa khóa trao cho người đầy tớ trung tín nhất của ông. Ông phú hộ ra dấu chỉ chiếc rương nằm trong góc nhà và ra lệnh cho cô ta lấy những túi tiền vàng ở trong đó bỏ vào quan tài.

Chuyện kể rằng khi sang bên kia thế giới, ông bắt đầu sống cuộc đời mới.

Ðứng trước chiếc bàn dài trưng bày đủ thứ cao lương mỹ vị, ông ta hỏi: “Món này giá bao nhiêu vậy?”. Người bán hàng trả lời: “Một xu”. Ông phú hộ chỉ một món khác kém giá trị hơn và hỏi: “Còn hộp cá mòi kia giá bao nhiêu?”. “Cũng một xu”, người bán hàng nhã nhặn trả lời.

Thấy người bán hàng vui tính ông phú hộ tiếp tục hỏi: Còn miếng bánh này?”. “Tất cả các vật trưng bày ở đây đều được bán với giá một xu”, người bán hàng cho biết.

Ông phú hộ mỉm cười thỏa mãn. Rẻ thật, ông nghĩ thầm. Rồi sau một hồi ngắm nghía, ông chọn một đĩa thức ăn lớn. Nhưng khi ông lấy một đồng tiền vàng mang theo lúc từ giã cõi đời ra trả, cô thu tiền không nhận. Cô ta vừa lắc đầu vừa nói: “Ông đã học được quá ít trong cuộc sống”. Nghe nói thế ông phú hộ không khỏi ngạc nhiên, gặn hỏi: “Thế nghĩa là gì? Ðồng tiền vàng của tôi không đủ để trả cho đĩa thức ăn này sao?”.

Bấy giờ người thu tiền mới cho ông biết: “Ở đây chúng tôi chỉ nhận những đồng tiền mà trong cuộc sống trước đây ông đã dùng để giúp đỡ cho những người nghèo túng, đói khổ”.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Người Nhật đã bỏ ra 5 triệu 390 ngàn đô la để mua quyển Kinh Thánh cổ in vào năm 1455. Họ cũng đã mua 39 bức tranh nổi tiếng của Pháp, một trong những bức tranh ấy là bức tranh “Hoa hướng dương” của Van Gogh với giá 39 triệu 800 ngàn đô la.

Kinh thánh đã ví nước thiên đàng như một bảo vật: “Nước thiên đàng giống như châu báu chôn dưới đất. Có người tìm được, vui mừng bán cả gia tài, lấy tiền mua miếng đất ấy.

Nước thiên đàng cũng giống trường hợp nhà buôn đi tìm ngọc qúy. Khi tìm thấy viên ngọc vô giá, liền bán hết của cải để mua viên ngọc.”

Người khôn ngoan không phải là người lao lực không biết mệt mỏi suốt cả cuộc đời để chỉ giành được những tiền của không thể mang theo khi giã từ cuộc đời tạm bợ này.

4. Giữ vững niềm hy vọng trước cái chết.

Trong buổi tiếp kiến chung 30 ngàn tín hữu hành hương, sáng ngày 18 tháng 10 năm 2017, Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu giữ vững hy vọng đứng trước cái chết.

Mở đầu buổi tiếp kiến, mọi người nghe đọc bài Tin mừng theo thánh Gioan (11,23-27) kể lại đối thoại giữa Chúa Giêsu và hai bà chị của ông Lazarô mới qua đời và được Chúa cho sống lại. “Ta là sự sống lại và là sự sống...!”

Trong bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha nói về đề tài “Phúc cho những người chết trong Chúa”. Ðây là bài thứ 37 trong loạt bài giáo lý về Ðức Hy vọng Kitô giáo.

Mở đầu bài huấn đức, Đức Thánh Cha nói:

“Hôm nay tôi muốn đối chiếu niềm hy vọng Kitô với thực tại sự chết, một thực tại mà nền văn minh tân tiến ngày nay ngày càng có xu hướng xóa bỏ. Vì thế, khi cái chết đến, những người ở cạnh chúng ta hoặc chính chúng ta không được chuẩn bị và thiếu cả những kiến thức sơ đẳng thích hợp để nói lên những lời ý nghĩa về mầu nhiệm sự chết, mầu nhiệm này dầu sao đi nữa vẫn còn nguyên. Tuy nhiên, những dấu chỉ đầu tiên của nền văn minh nhân loại được diễn tả qua mầu nhiệm cái chết. Chúng ta có thể nói rằng con người đã sinh ra cùng với sự tôn kính người chết.

Các nền văn minh khác, cổ kính hơn nền văn minh chúng ta, đã có can đảm nhìn thẳng vào cái chết. Ðó là một biến cố được những người cao niên kể lại cho các thế hệ trẻ, như một thực tại không thể tránh né được, buộc con người phải sống một cái gì đó tuyệt đối. Thánh vịnh thứ 90 nói: “Xin dạy chúng con đếm những ngày đời và chúng con sẽ được một tâm hồn khôn ngoan” (v.12). Những lời này đưa chúng ta đến một thái độ thực tiễn lành mạnh, xua đuổi sự ham ước được toàn năng. Chúng ta “hầu như là hư vô”, như một thánh vịnh khác vẫn nói (Xc 88,48); những ngày đời chúng ta qua mau: giả sử chúng ta sống trăm tuổi đi nữa, nhưng rốt cuộc chúng ta thấy tất cả chỉ là một hơi thở thoáng qua.

Vì thế, cái chết vạch trần cuộc đời chúng ta. Làm cho chúng ta khám phá thấy rằng những hành động kiêu hãnh, giận dữ và oán ghét chỉ là hư vô. Chúng ta cay đắng nhận thấy mình đã không yêu thương cho đủ và đã không tìm kiếm những gì là thiết yếu. Và trái lại, chúng ta thấy điều thực sự tốt lành mà chúng ta đã gieo vãi: đó là những tình cảm quí mến đối với những người mà chúng ta hy sinh cho, và giờ đây họ đang cầm tay chúng ta.

Chúa Giêsu đã soi sáng mầu nhiệm cái chết của chúng ta. Qua cách cư xử của Ngài, Chúa cho chúng ta cảm thấy đau khổ khi một người thân ra đi. Ngài cũng cảm thấy sao xuyến sâu xa trước ngôi mộ người bạn Lazarô của ngài, và bật khóc (Ga 11,35). Qua thái độ đó, chúng ta thấy Chúa Giêsu rất gần gũi, như người anh của chúng ta.

Và lúc đó Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha, là nguồn mạch sự sống, và truyền cho Lazarô ra khỏi mồ. Và đã xảy ra như vậy. Niềm hy vọng Kitô kín múc từ thái độ của Chúa Giêsu đối với cái chết của con người: tuy cái chết ấy hiện diện trong chương trình tạo dựng, nhưng nó không phải là vệt làm ô danh kế hoạch tình thương của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Thế muốn chữa chúng ta khỏi điều ấy.

Ở một số nơi khác, các sách Tin Mừng kể lại một người cha có một đứa con cái bị bệnh nặng, và với lòng tin, ông cầu xin Chúa Giêsu chữa con ông (Xc Mc 5,21-24.35-43). Không có hình ảnh nào cảm động hơn hình ảnh một người cha, hoặc một người mẹ với đứa con bị bệnh. Và tức khắc Chúa Giêsu lên đường với người ấy, ông tên là Giairo. Trên đường đi, có một người từ nhà ông Giairo đi tới nói rằng con gái của ông đã chết nên không cần phải làm phiền Thầy nữa. Nhưng Chúa Giêsu nói với ông Giairo: “Ông đừng sợ, nhưng hãy tin tưởng!” (Mc 5,36). Chúa Giêsu biết rằng người ấy bị cám dỗ phản ứng giận dữ và tuyệt vọng, và ngài khuyên ông giữ nguyên ngọn lửa nhỏ đã được đốt lên trong tâm hồn ông, đó là đức tin: “Ðừng sợ, nhưng hãy giữ cho ngọn lửa ấy tiếp tục cháy sáng!”. Rồi khi đến nhà, Chúa đã đánh thức em bé gái từ cõi chết và trở lại em bé còn sống cho những người thân của em.

Chúa Giêsu đặt chúng ta trên lằn ranh này của đức tin. Với bà Marta đang khóc vì em bà là Lazarô đã chết, ngài nêu lên ánh sáng của một tín điều: “Tôi là sự sống lại và là sự sống; ai tin tôi, thì dù có chết, cũng sẽ sống; ai sống mà tin tôi, thì sẽ không chết đời đời. Con có tin điều này không?” (Ga 11,25-26). Ðó là điều Chúa Giêsu lập lại với mỗi người chúng ta mỗi khi cái chết xảy đến tước mất sự sống và những tình cảm quí mến. Toàn thể cuộc sống của chúng ta diễn ra giữa một bên là đức tin và bên kia là vực thẳm sợ hãi. “Tôi không phải là sự chết, tôi là sự sống lại và là sự sống, con có tin điều này không?”

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Tất cả chúng ta đều bé nhỏ và yếu đuối trước mầu nhiệm sự chết. Nhưng thật là hồng phúc nếu trong lúc ấy chúng ta giữ trong tâm hồn ngọn lửa đức tin! Chúa Giêsu sẽ cầm tay chúng ta, như ngài đã cầm tay con gái ông Giairô, và lập lại một lần nữa “Talità kum”, Hỡi con nhỏ, hãy trỗi dậy! (Mc 5,41). Chúa sẽ nói với chúng ta, với mỗi người chúng ta “Con hãy trỗi dậy, hãy sống lại!”

Ðó là niềm hy vọng của chúng ta trước cái chết. Ðối với người tin thì đó là một cánh cửa hoàn toàn mở toang; đối với người nghi ngờ, thì đó là một tia sáng lọt qua một cửa hé mở, không bị khép kín hoàn toàn. Nhưng đối với tất cả chúng ta đó sẽ là một ân phúc, khi ánh sáng này soi sáng cho chúng ta”.

5. Ðừng để mình bị rơi vào ba loại dại khờ.

Thật ngu ngốc khi không còn biết lắng nghe Lời Chúa. Ðừng để mình bị rơi vào sự ngu ngốc ấy. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 17 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.

Trong bài Tin Mừng theo Thánh Luca, Chúa Giêsu đã mắng một người Pharisêu rằng: Ðồ ngốc! Có ba nhóm người bị coi là ngốc và sẽ dẫn đến chỗ tham nhũng, dẫn đến chỗ hư hỏng.

Trước hết là nhóm các nhà luật sĩ. Chúa mắng họ, bởi vì các nhà luật sĩ giống như những mồ mả tô vôi, chỉ đẹp bên ngoài để che đậy thực tế xấu xa tham nhũng vơ vét bên trong. Bên ngoài làm như thể là đẹp lắm, là công chính lắm, nhưng bên trong thì hư hỏng hư danh phù vân. Nhóm thứ hai là nhiều người ngoại. Họ bị hư hỏng bởi thói thờ ngẫu tượng. Họ tráo đổi vinh quang của Thiên Chúa để dành vinh quang ấy cho các ngẫu tượng. Họ có thể đánh tráo các lý do để rồi thờ ngẫu tượng, ví như chủ nghĩa tiêu thụ, ví như vị thần của lợi lộc. Tiếp đến, nhóm ngốc thứ ba là một số Kitô hữu, vì họ không còn là Kitô hữu nữa, mà bị thay đổi thành những người chạy “theo một thứ ý thực hệ của chủ nghĩa Kitô giáo”, và rồi kết cục họ cũng hư hỏng.

Đức Thánh Cha giải thích như sau:

Ngu ngốc có nghĩa là không nghe, ngu ngốc có nghĩa là không biết lắng nghe. Khi không có khả năng lắng nghe Lời Chúa, khi không để cho Lời Chúa ở lại, thì Lời ấy không thể đi vào. Kẻ ngu dại thì không biết nghe. Họ nghe mà không lắng nghe. Họ luôn làm như thế. Vì lẽ đó, Lời Chúa không thể đi vào tâm hồn của họ, bởi vì trong lòng họ không còn chỗ cho tình yêu. Nếu biết để cho Lời Chúa đi vào cõi lòng, Lời ấy sẽ biến đổi quan niệm của chúng ta về thực tại.

Thế nhưng kẻ ngu ngốc không biết lắng nghe. Thái độ điếc lác ấy dẫn đến chỗ họ tham nhũng và bị hư hỏng. Với họ, Lời Chúa không thể đi vào, vì trong con tim họ không còn chỗ cho tình yêu, cũng chẳng còn chỗ cho tự do. Khi làm như thế, họ trở thành nô lệ, vì họ tráo đổi giữa sự thật của Thiên Chúa với sự gian dối, và họ đi thờ phượng tạo vật chứ không thờ phượng Ðấng Tạo Hóa.

Khi ấy họ không còn tự do, không còn biết nghe, họ bị điếc nội tâm. Tâm hồn họ không có chỗ cho tình yêu cho tự do, và vì thế họ trở thành nô lệ. Còn tôi, tôi có biết nghe Lời Chúa không? Tôi có để cho Lời Chúa thấm nhập vào lòng mình không? Những lời mà chúng ta nghe trong phần Tung hô Tin Mừng giúp ích rất nhiều: “Lời Thiên Chúa là Lời sống động, hữu hiệu và sắc bén, xuyên thấu tâm hồn và tư tưởng của lòng người”. Lời ấy có tác động lên tôi không, hay là tôi bị điếc? Tôi có biến đổi việc thờ phượng Thiên Chúa thành việc thờ ngẫu tượng hoặc thành các ý thức hệ hay không? Ðừng để mình bị rơi vào những sự ngu ngốc ấy.

Nếu chúng ta bị rơi vào sự ngu dại ấy, thì có nghĩa là chúng ta đang rời xa Chúa và quay lưng lại với Chúa. Nhưng hãy nhớ: Chúa là mục tử nhân lành đang chờ đợi chúng ta. Chúa Giêsu chờ đợi và khóc vì chúng ta. Chúa khóc thương thành Giêrusalem. Ngài khóc thương một dân được Thiên Chúa chọn. Ngài thương cho dân, một dân mà Ngài hết mực yêu thương nhưng họ lại dại khờ chạy theo những vẻ bề ngoài, chạy theo thần tượng, chạy theo các ý thức hệ.

6. Của Xê-da, trả cho Xê-da, của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.

Trong buổi đọc kinh truyền tin trưa Chúa Nhật 22/10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quảng diễn bài Tin Mừng Chúa Nhật nói về cách Chúa trả lời cho những kẻ gài bẫy. Đó là: Của Xê-da, trả cho Xê-da, của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa. Bài Tin Mừng kể cho chúng ta cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những kẻ ghét Chúa. Chủ đề được bàn tới là việc nộp thuế cho Xê-da.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

Đó là câu hỏi rất gai góc và học búa về việc có được phép hay không, khi nộp thuế cho hoàng đế La Mã. Đây cũng là vấn đề rất khó khăn của người Palestine thời Chúa Giêsu. Thế nên, những đối thủ của Chúa Giêsu đã quyết định gài bẫy Chúa bằng câu hỏi: “Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?”. Thực tế xảy ra sẽ tùy vào cách Chúa trả lời. Nếu Chúa nói là được phép, thì họ sẽ kết tội Chúa là đi theo đế quốc. Còn nếu Chúa nói là không, thì họ sẽ kết tội Chúa là dám chống lại hoàng đế Roma.

Nhưng trong tình huống ấy, Chúa Giêsu rất bình tĩnh và từ chỗ dường như bị bất lợi, Chúa đã sử dụng dịp này để đưa ra bài học quan trọng, vượt lên trên những gì là tranh cãi và đối lập. Chúa nói với họ: “Đưa đồng tiền nộp thuế cho tôi coi!” Và họ đưa cho Chúa một đồng bạc. Chúa nhìn họ mà hỏi: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Các người Pharisêu chỉ có thể trả lời rằng: “Của Xê-da”. Thế là Chúa kết luận: “Của Xê-da, trả về Xê-da, của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Khi trả lời như thế, một mặt Chúa nói cho họ rằng, việc đóng thuế không phải là hành vi thờ ngẫu tượng, nhưng chỉ là bổn phận đối với các nhà cầm quyền của trần gian. Mặt khác, đây là lúc Chúa Giêsu nhắc nhở họ về tính ưu việt của Thiên Chúa, và chúng ta cần trả về Thiên Chúa những gì Ngài đã làm cho chúng ta trong chiều dài của cuộc sống và lịch sử.

Hình ảnh của Xê-da được khắc trên đồng tiền, cho thấy quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất nước. Còn hình ảnh được khắc ghi trong mỗi con người là chính hình ảnh của Thiên Chúa. Hình ảnh ấy cho thấy: mỗi người chúng ta, tất cả chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và thuộc về Thiên Chúa. Từ câu hỏi của người Pharisêu, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy còn có câu hỏi quan trọng hơn bội phần. Đó là: tôi thực sự thuộc về ai? Tôi có gia đình, xóm làng, thành phố, bạn bè, mái trường, công sở, nền chính trị, nhà nước, quốc gia… Vâng. Tất nhiên là như thế. Nhưng Chúa Giêsu nhắc chúng ta nhớ rằng: điều căn cốt nền tảng là chúng ta thuộc về Thiên Chúa. Chính Ngài đã ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta đang có. Vì thế, trong cuộc sống, trong từng ngày sống, chúng ta cần luôn ý thức về điều ấy trong cõi lòng mình. Đó là: Thiên Chúa là Đấng dựng lên con, Ngài dựng lên con theo hình ảnh theo khuôn mẫu của Con rất yêu dấu của Ngài là Chúa Giêsu Kitô. Đây là mầu nhiệm thật tuyệt vời.

Người tín hữu Kitô được mời gọi tham gia tích cực vào các thực tại trần thế, trong đời sống xã hội của nhân loại, không đặt mình trong thế phản kháng giữa “Thiên Chúa” và “Xê-da”. Việc phản kháng chống lại Thiên Chúa hoặc chống lại Xê-da thì đều dẫn đến chỗ cực đoan. Người Kitô hữu được mời gọi dấn thân vào thực tại trần thế với ánh sáng đến từ Thiên Chúa. Tin tưởng nơi Thiên Chúa, đặt ưu tiên nơi Ngài, hy vọng nơi Ngài, không phải có nghĩa là đòi hỏi hoàn toàn thoát khỏi thực tại trần thế, nhưng là trả về Thiên Chúa điều thuộc về Ngài. Đó là lý do để các Kitô hữu nhìn tới tương lai trong Thiên Chúa, để sống cách sung mãn cuộc sống trần thế, để đáp lại những thách đố của cuộc sống ấy với lòng can đảm.

Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria nâng đỡ chúng ta, để ta luôn sống xứng đáng với hình ảnh Thiên Chúa trong tâm hồn mình, để ta có thể tích cực góp phần xây dựng cuộc sống thế trần.