Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha dành cho các ký giả trên đường trở về từ Colombia

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở lại Vatican sau chuyến tông du kéo dài 5 ngày của ngài tại Colombia.

Chiếc máy bay chở Đức Thánh Cha đã hạ cánh xuống sân bay Ciampino của Rome lúc 12:40 trưa Thứ Hai 11 tháng 9. Ngay sau đó, như thường lệ, Đức Thánh Cha đã đến Đền Thờ Đức Bà Cả, để tạ ơn cuộc hành trình thành công của ngài.

Ngài đã dành vài phút cầu nguyện trước ảnh Đức Bà Là Phần Rỗi của Dân Rôma.

Trong chuyến bay kéo dài 11 giờ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời những câu hỏi của các nhà báo về chuyến viếng thăm các thành phố Colombia là Cartagena, Medellin, Villavicencio và thủ đô Bogotà.

Một ký giả đã hỏi Đức Thánh Cha về ý kiến của ngài liên quan đến quyết định của tổng thống Hoa Kỳ cắt bỏ chương trình DACA đã có hiệu lực từ năm 2012 theo đó các trẻ em dưới 16 tuổi nhập cư bất hợp pháp mà không có hồ sơ tội phạm, có thể ở lại Mỹ thêm 2 năm để chờ xin di trú. Hiện có khoảng 800 ngàn người ở trong ‘dạng’ này, họ đang được làm việc, hoặc đi học. Một ngày trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô, Tổng thống Trump đã công bố hôm 5 tháng 9 rằng ông đã ngừng chương trình DACA. Quyết định của ông đã bị chỉ trích mạnh mẽ bởi Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài có nghe nói đến quyết định của tổng thống Trump, nhưng không có thời gian để nghiên cứu chi tiết về vấn đề này. Tuy nhiên, ngài nói các chính trị gia tự gọi mình là phò sinh thực sự không thể đưa ra các chính sách chia cắt gia đình và cướp đi tương lai của những người trẻ tuổi.

“Luật này, tôi nghĩ không phải là từ cơ quan lập pháp, nhưng từ hành pháp - tôi không chắc lắm nhưng nếu đúng như vậy, tôi hy vọng ông ta suy nghĩ lại một chút bởi vì tôi đã nghe Tổng thống Hoa Kỳ tự giới thiệu mình với tôi ông là một người phò sinh, một người rất phò sinh.”

“Nếu ông ta là một người phò sinh thực sự, ông ta phải hiểu rằng gia đình là cái nôi của cuộc sống và sự hiệp nhất của gia đình phải được bảo vệ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói mọi người phải rất thận trọng đừng đánh tan hy vọng và ước mơ của những người trẻ tuổi hoặc làm cho họ cảm thấy “bị bóc lột” bởi vì kết quả có thể là thảm khốc, một số người trẻ có thể hướng đến ma túy hoặc thậm chí tự tử.

Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ dành ra khoảng 35 phút để trả lời các câu hỏi của các nhà báo và bình luận về chuyến đi 5 ngày của ngài tới Colombia. Sau khi Đức Thánh Cha trả lời được tám câu hỏi, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, nói với Đức Thánh Cha rằng đã đến lúc ngồi xuống vì máy bay đang tiến gần đến một khu vực có nhiều chấn động.

Khi gặp các nhà báo trên máy bay, trên mặt Đức Thánh Cha vẫn còn một miếng băng nhỏ trên lông mày trái của ngài và có một vết sưng to đã biến thành màu đen và xanh trên má. Thay vì nói đùa với các phóng viên về vết thương này, Đức Thánh Cha giải thích với họ rằng ngài đã vươn tay ra khỏi chiếc Popemobile để chào đón mọi người và khi quay lại. “Tôi đã không để ý đến miếng kiếng.”

Chuyến đi trở lại Rôma của Đức Thánh Cha không phải thay đổi đường bay như chuyến bay đến Côlômbia hôm 6 tháng 9 vì cơn bão Irma. Khi được hỏi về sự gia tăng cường độ các cơn bão gần đây và những gì ngài nghĩ về các nhà lãnh đạo chính trị cho rằng hiện tượng biến đổi khí hậu chỉ là một sự phóng đại, chứ không có thật. Đức Thánh Cha nói:

“Bất cứ ai phủ nhận điều này đều phải tìm đến các nhà khoa học và hỏi họ. Họ nói rất rõ ràng. Các nhà khoa học rất chính xác. “

Đức Thánh Cha Phanxicô nói ông đọc một báo cáo trích dẫn một nghiên cứu của một trường đại học khẳng định nhân loại chỉ có ba năm để giảm tốc độ thay đổi khí hậu trước khi quá muộn. “Tôi không biết liệu ba năm có đúng hay không, nhưng nếu chúng ta không quay lại, chúng ta sẽ đi đến diệt vong, đó là sự thật”.

“Sự thay đổi khí hậu - bạn có thể thấy được những hậu quả. Và các nhà khoa học đã nói với chúng ta rõ ràng những con đường phải tiến hành là những gì.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng mọi người đều có trách nhiệm đạo đức để hành động, “Và chúng ta phải nghiêm túc xem xét điều này.”

“Đó không phải là một trò chơi. Đó là một điều rất nghiêm túc.”

Các chính trị gia nào nghi ngờ sự thay đổi khí hậu là có thật hay không, hay hoài nghi về những hoạt động của con người đóng góp vào chuyện này nên nói chuyện với các nhà khoa học và “sau đó quyết định. Và lịch sử sẽ đánh giá quyết định của họ.”

Khi được hỏi tại sao ngài nghĩ rằng các chính phủ đã hành động quá chậm chạp, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng điều này trước hết như Cựu Ước đã từng nói, “Con người là ngu ngốc, là những kẻ cứng đầu không chịu mở mắt ra nhìn”.

Ngaòi ra còn các lý do khác, hầu như luôn luôn là vì tiền.

Nói về chuyến tông du kéo dài 5 ngày ở Colombia, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài “thực sự cảm động bởi niềm vui, sự dịu dàng” và sự biểu hiện của người dân. Cuối cùng, họ là những người sẽ xác định xem Colombia có thật sự bình an không sau 52 năm nội chiến.

Các nhà chính trị và các nhà ngoại giao có thể làm tất cả những điều đúng đắn để đàm phán về các thoả thuận hòa bình, nhưng nếu dân chúng của quốc gia này không cùng đi trên cùng chuyến tàu với họ, hòa bình sẽ không kéo dài. Ở Colombia, theo Đức Thánh Cha, người dân có một mong muốn rõ ràng được sống trong hòa bình.

Ngài nói, “Điều làm tôi nhớ nhất về người Colombia,” là nhìn hàng trăm, hàng ngàn các bậc cha mẹ dọc theo những con đường mà ngài đi qua, đã giơ cao con cái của mình để Đức Giáo Hoàng nhìn thấy và ban phép lành cho chúng.

Những gì họ đang làm, đã nói lên rằng “Đây là kho báu của tôi. Đây là hy vọng của tôi. Đây là tương lai của tôi. Tôi tin vào điều này. “

Hành vi của bố mẹ những đứa trẻ, theo Đức Thánh Cha, “là một biểu tượng của hy vọng, và tương lai.”

2. Đức Thánh Cha bị thương trên mặt khi thăm thành phố Cartagena

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp một tai nạn nhỏ khi đến Cartagena, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến viếng thăm Colombia từ ngày 6 đến 11 tháng Chín. Ngài không hề nản lòng và vẫn tiếp tục chương trình trong ngày như đã dự kiến.

Hôm Chúa Nhật 10 tháng 9, khi đang đi trên chiếc Popemobile, Đức Thánh Cha đã cố vươn tay ra với một trong số hàng chục ngàn người đang chào đón ngài. Chiếc xe ngừng đột ngột, khiến cho Đức Thánh Cha mất thăng bằng. Đầu ngài va chạm vào thanh kim loại được dùng làm khung kính của chiếc xe, máu chảy trên mặt rơi xuống cả trên chiếc áo trắng của ngài.

Tai nạn xảy ra khi Đức Thánh Cha đến gần ngôi nhà tạm trú Talitha Kum dành cho những người vô gia cư ở Cartagena, Colombia.

Ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cùng đi với Đức Thánh Cha, nói với các nhà báo rằng vết thương không nghiêm trọng và nước đá đã được đắp trên mặt Đức Thánh Cha để cố gắng làm tan vết bầm.

Ngay sau khi tai nạn, được truyền hình trực tiếp, xảy ra, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận được một chiếc khăn tay màu trắng từ một trong những thành viên trong đoàn hộ tống bảo vệ an ninh cho ngài. Người đứng đầu đội an ninh, là ông Domenico Gianni, người Ý, đã lau chân mày của Đức Thánh Cha, và ra dấu cho biết máu đã rơi xuống chiếc áo choàng trắng của ngài.

Đoàn xe dừng lại để săn sóc vết thương cho Đức Thánh Cha trước cửa nhà của một phụ nữ tên là Lorenza Pérez, 77 tuổi. Bà là người nấu và phân phối các bữa ăn cho người vô gia cư.

3. Diễn từ của Đức Thánh Cha với các nhà lãnh đạo dân sự Colombia

Hoạt động của Đức Thánh Cha tại thủ đô Bogota hôm 7 tháng 9, tức là ngày thứ hai trong chuyến tông du Colombia rất dày đặc, Ngài có một bài diễn văn trước Tổng Thống Santos cũng như bài nói chuyện với các bạn trẻ. Sau đó, ngài gặp các giám mục Colombia và các Giám Mục trong Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh – gọi tắt là CELAM; và cuối cùng là thánh lễ ngoài trời ở Công Viên Simon Bolivar của Bogota.

Lúc 8 giờ 40 sáng ngày 7 tháng 9, hàng trăm người đứng dọc lộ trình đoàn xe hộ tống đưa Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ tòa sứ thần Tòa Thánh tới dinh Tổng Thống, nơi ngài có cuộc gặp gỡ với Tổng Thống Juan Manuel Santos và giới lãnh đạo chính trị và kinh tế của Colombia.

Hàng trăm người cũng đứng đợi ngài tại Casa Narino, một số mang thánh giá và chân dung vị giáo hoàng người Á Căn Đình. Trong đám đông, có một số binh sĩ với cánh tay cụt, các học sinh và viên chức khuyết tật.

Tại khuôn viên phủ tổng thống vào lúc 9 giờ sáng đã diễn ra nghi thức tiếp đón chính thức dành cho Đức Thánh Cha theo đúng nghi lễ ngoại giao, quốc thiều, duyệt qua hàng quân danh dự, trước sự hiện diện của khoảng 750 người, gồm chính quyền, giáo quyền, ngoại giao đoàn, và diện các giới chủ xí nghiệp, nhóm xã hội và văn hóa.

Trong cuộc gặp gỡ chính quyền và đại diện các tầng lớp xã hội Colombia, Đức Thánh Cha nồng nhiệt khích lệ mọi người dấn thân vào công trình hòa giải đất nước sau nửa thế kỷ nội chiến.

“Cuộc gặp gỡ này là cơ hội cho tôi được bày tỏ sự đánh giá cao các nỗ lực được thực hiện trong những thập niên gần đây để chấm dứt bạo lực võ trang và tìm kiếm những con đường hòa giải. Trong năm qua, chắc chắn đã có một tiến bộ đặc biệt; những bước tiến làm gia tăng hy vọng, với xác tín rằng sự tìm kiếm hòa bình là một công việc luôn mở rộng, một công tác không ngừng và đòi phải có sự dấn thân của tất cả mọi người. Công việc này đòi chúng ta không được giảm cố gắng kiến tạo sự đoàn kết quốc gia, và mặc dù có những trở ngại, dị biệt và những lối tiếp cận khác nhau về cách thức đạt tới sự sống chung hòa bình, chúng ta cần kiên trì trong cuộc chiến đấu để tạo điều kiện thuận lợi cho nền văn hóa gặp gỡ, nền văn hóa này đòi phải đặt con người ở trung tâm mọi hành động chính trị, xã hội và kinh tế, đặt nhân phẩm rất cao của con người ở vị thế đó, và tôn trọng thiện ích chung của con người. Ước gì nỗ lực ấy làm cho chúng ta xa tránh mọi cám dỗ trả thù và chỉ tìm kiếm lợi ích riêng và ngắn hạn. Hễ con đường dẫn tới hòa bình và hòa hợp càng khó khăn, thì chúng ta càng phải dấn thân nhìnnhận tha thân, chữa lành các vết thương và bắc những nhịp cầu, thắt chặt các mối liên hệ và giúp đỡ lẫn nhau (E.G. 67).

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng khẩu hiệu của Colombia là “Tự do và trật tự”, hai lời này gói ghém trọn một giáo huấn. Đó là các công dân phải được quí chuộng trong tự do của họ và được một trật tự ổn định bảo vệ. Không phải luật của kẻ mạnh, nhưng là sức mạnh của luật pháp, luật được mọi người chấp thuận, điều hành cuộc sống chung hòa bình. Cần có những đạo luật công chính có thể bảo đảm sự hòa hợp như thế và giúp vượt thắng những xung đột đã phá hủy đất nước này trong nhiều thập niên; cần những luật lệ không phát sinh từ đòi hỏi thực tiễn điều hành xã hội, nhưng phát sinh từ ước muốn giải quyết những nguyên nhân cơ cấu gây ra nghèo đói, tạo ra sự loại trừ và bạo lực. Chỉ như thế mới có thể chữa lành một thứ bệnh khiến cho xã hội trở nên mong manh và bất xứng, khiến cho xã hội luôn có thể lâm vào những cuộc khủng hoảng mới. Chúng ta đừng quên rằng bất công là căn cội gây ra những tai ương xã hội (Xc E.G. 202)

Đức Thánh Cha khuyến khích các giới hữu trách Colombia hãy nhìn đến những người bị loại trừ, bị gạt ra ngoài lề xã hội, hãy nhìn đến những người yếu thế, bị bóc lột và ngược đãi, những người không có tiếng nói, hãy nhìn đến nữ giới, sự đóng góp, tài năng và chức phận “làm mẹ” của họ trong các công tác khác nhau. Colombia cần tất cả mọi người để cởi mở hướng về tương lai trong niềm hy vọng.

Sau cùng Đức Thánh Cha nói đến vai trò của Giáo Hội, dấn thân cho hòa bình, công lý và thiện ích chung. Giáo Hội ý thức rằng những nguyên tắc Phúc Âm là một chiều kích quan trọng trong xã hội Colombia và vì thế chúng có thể góp phần rất nhiều làm cho đất nước đưcơ tăng trường. Đặc biệt sự tôn trọng thánh thiêng đối sự sống con người, nhất là những người yếu thế nhất và vô phương tự vệ, chính là viên đá tảng trong việc xây dựng một xã hội không còn bạo lực.Lên tiếng sau lời chào mừng của Tổng thống Juan Manuel Santos, Đức Thánh Cha nói:

Sau diễn văn trên đây, Đức Thánh Cha đã tiến vào phủ Tổng Thống, và lên phòng khánh tiết ở lầu 1 để hội kiến riêng với tổng thống Juan Manuel Santos Calderón. Ông năm nay 66 tuổi (1951), tốt nghiệp kinh tế và thương mại tại Hoa Kỳ và từng làm thượng nghị sĩ, bộ trưởng thương mại, tài chánh, quốc phòng, và là một trong những người sáng lập Đảng xã hội thống nhất quốc gia Colombia hồi năm 2002. Ông Santos đắc cử tổng thống hồi năm 2010 và được tái cử 4 năm sau đó. Nhờ các hoạt động cổ võ hòa bình, hòa đàm với các lực lượng phiến quân, Ông đã được giải Nobel Hòa bình hồi năm ngoái.