Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Sứ điệp ngày thế giới lần đầu tiên về người nghèo

Sáng 13 tháng 6, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, đã mở cuộc họp báo để công bố sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày thế giới lần đầu tiên về người nghèo sẽ được cử hành vào ngày 19-11 năm nay, Chúa Nhật thứ 2 của tháng 11.

Hiện diện tại cuộc họp báo cũng có Đức Cha José Octavio Ruiz Arenas, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha cho biết ngài thiết định Ngày Thế giới người nghèo khi bế mạc Năm Thánh Đặc biệt về Lòng Thương Xót, để “trong toàn thế giới, các cộng đoàn Kitô ngày càng trở nên dấu chỉ cụ thể và rõ ràng về tình yêu thương của Chúa Kitô đối với những người rốt cùng và túng thiếu nhất”.

Sau khi mô tả nhiều tình trạng của những người nghèo đói do những nguyên nhân khác nhau gây ra, nhất là nghèo đói vì những bất công xã hội, lầm than về luân lý, sự ham hố của một thiểu số và thái độ dửng dưng lãnh đạm của nhiều người, Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Đáng tiếc là thời nay, ngày càng xuất hiện thứ giàu sang vô liêm sỉ, tích trữ trong tay một thiểu số người ưu tiên, và thường có kèm thao tình trạng bất hợp pháp, sự bóc lột thẳng tay phẩm giá con người, sự nghèo đói lan rộng trong nhiều lãnh vực xã hội trên thế giới”.

Không ai được giữ thái độ bất động, cam chịu trước tình cảnh trên đây, “trước cảnh nghèo cản trở tinh thần sáng kiến của bao nhiêu người trẻ, cản ngăn họ trong việc tìm kiếm một công ăn việc làm; cảnh nghèo làm tê liệt ý thức trách nhiệm, khiến người ta thích ủy việc cho người khác và tìm kiếm những ân huệ; cảnh nghèo làm ô nhiễm sự tham gia và thu hẹp không gian của sự chuyên nghiệp, và hạ giá công trạng của người làm việc và sản xuất; đứng trước tất cả những tình trạng đó cần có một quan niệm mới cề cuộc sống và xã hội”.

Đức Thánh Cha đặc biệt đề cao tấm gương của thánh Phanxicô Assisi, người không chỉ “hài lòng với việc ôm lấy và làm phúc cho những người phong cùi, nhưng còn quyết định đi tới Gubbio để sống với họ”.

2. Trang web chuẩn bị cho Thượng Hội đồng giám mục năm 2018

Văn phòng thư ký Thượng hội đồng giám mục thông báo việc khai trương trang web để chuẩn bị cho Thượng Hội đồng giám mục thường kỳ lần thứ XV. Thượng hội đồng giám mục lần thứ XV sẽ được tổ chức vào tháng 10 năm 2018 với chủ để: “người trẻ, đức tin và phân định ơn gọi.”

Trang internet này sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày 14/06 tại địa chỉ: http: //youth.synod2018.va

Việc khai trương trang web nhắm cổ vũ sự tham gia rộng rãi của tất cả người trẻ trên thế giới, không chỉ để nhận các thông tin về Thượng hội đồng nhưng còn liên kết và tham dự vào quá trình chuẩn bị.

Trang web cũng có một bản câu hỏi online, bằng các ngôn ngữ khác nhau (Ý, Anh, Pháp, Bồ đào nha và Tây ban nha), trực tiếp gửi đến giới trẻ. Các câu trả lời cần được gửi đến văn phòng Tổng thư ký trước ngày 30/11/2017. Các câu trả lời sẽ rất hữu ích cho quá trình chuẩn bị biến cố Thượng hội đồng và sẽ là một phần của các tài liệu tham vấn mà văn phòng Tổng thư ký đang hướng đến mọi thành phần Dân Chúa.

3. Đức Thánh Cha thay đổi thủ tục các Giám Mục về Rôma dự ad limina

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thêm một bước mới trong thủ tục thăm viếng ad limina của các giám mục tại Rôma. Ngoài những chương trình như hiện nay, các giám mục sẽ thăm viếng theo nhóm với các nhà lãnh đạo thuộc Giáo Triều Rôma.

Trong những điều kiện bình thường, tất cả các giám mục Công Giáo trên thế giới sẽ viếng thăm Vatican mỗi 5 năm một lần. Những cuộc viếng thăm “ad limina” này được sắp xếp theo quốc gia hay các khu vực để các nhóm giám mục từ một khu vực cùng đi đến Rôma. Trong những cuộc thăm viếng này, từng giám mục hay một nhóm các giám mục họp riêng với những vị đứng đầu các cơ quan trung ương Tòa Thánh để báo cáo về tình trạng của Giáo Hội trong các giáo phận của các ngài. Chuyến viếng thăm ad limina truyền thống được kết thúc bằng một buổi tiếp kiến riêng với Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thay đổi thủ tục của buổi tiếp kiến riêng. Thay vì đọc một bài diễn văn, Đức Thánh Cha sẽ trao các vị văn bản diễn từ của ngài. Sau đó, tất cả các giám mục sẽ nhóm họp với một số quan chức hàng đầu của Vatican.

4. Bạo lực chống các tín hữu Kitô gia tăng tại Sri Lanka

Liên minh Kitô giáo Sri Lanka cho biết đã có 190 vụ bạo lực chống lại các Kitô hữu kể từ năm 2015, bao gồm ít nhất là 20 vụ trong năm nay.

Thông tấn xã AsiaNews của Hiệp Hội Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo nhận xét rằng: “Sự thất bại của cảnh sát trong việc bảo vệ những Kitô hữu bị tấn công bạo lực là sự thoái lui của chính phủ trong nghĩa vụ bảo vệ tất cả mọi công dân một cách công bằng”.

AsiaNews nói thêm rằng “Sự gia tăng bạo lực qua lời nói hay các hành động thể chất đã được đi kèm với những tuyên bố công khai của các chính trị gia và hàng tăng lữ Phật Giáo rằng Sri Lanka là một quốc gia Phật Giáo của người Sinhalese với hậu ý cho rằng các dân tộc thiểu số và các tôn giáo thiểu số chỉ có một chỗ đứng thấp hèn trong xã hội.”

Quốc gia này có 22.2 triệu người, trong đó 70% theo Phật giáo, 13% Ấn Độ giáo, 10% Hồi giáo và 6% theo Công Giáo.

5. Đức Thượng Phụ Mạc Tư Khoa nói tại Nga các nhà thờ đang được xây dựng rất nhiều

Trong một bài phát biểu với các đại sứ Mỹ Latinh tại Nga hốm 12 tháng 6, Đức Thượng Phụ Kirill của Mạc Tư Khoa nhấn mạnh mối quan hệ liên kết các Kitô hữu Chính thống Nga với các Kitô hữu ở Mỹ Latinh.

Ngài nói:

“Tôi luôn cảm thấy, đặc biệt vào thời điểm này, rằng Nga và Mỹ Latinh có nhiều điểm chung. Thứ nhất là đức tin Kitô sống động và mạnh mẽ. Đó thực sự là niềm tin của hàng triệu người. Kitô Giáo ở Nga và ở châu Mỹ Latinh là một yếu tố quan trọng không chỉ trong đời sống tinh thần mà còn ảnh hưởng đến văn hóa xã hội”

“Cũng như ở Nga, ở châu Mỹ Latinh tôi đã chứng kiến các nhà thờ đông đảo, những gương sáng truyền giáo, ngay cả giữa những người nghèo. Tôi ghi nhận tình cảm dành cho Nga ở bất cứ nơi nào chúng tôi đến thăm, qua những biểu hiện rất ấm áp, và sự thông cảm đối với chúng tôi”.

Đức Thượng Phụ cũng lấy làm tiếc rằng tại các quốc gia Tây Âu và Bắc Mỹ, nơi từng đóng vai lãnh đạo thế giới Kitô, tình hình đã trở nên tồi tệ. Các nhà thờ bị đóng cửa, thậm chí bị bán cho các tổ chức thế tục. Tại Nga nhà thờ không bị đóng cửa, nhưng trái lại, đang được xây dựng càng ngày càng nhiều. Cuộc sống tôn giáo đang gia tăng, và đó là một điểm chung giữa Nga và các nước Mỹ Latinh.

6. Hai giám mục Ái Nhĩ Lan cảnh giác về thái độ thù địch đối với Giáo Hội ở quốc gia này.

Ái Nhĩ Lan từng là một quốc gia Công Giáo có lòng đạo sốt sắng đến mức gương mẫu trong thế giới Công Giáo. Tuy nhiên, nhiều vị trong hàng giáo phẩm nước này âu lo về tình trạng sa sút lòng đạo đức và thậm chí có nhiều người còn tỏ ra thù địch với Giáo Hội.

Đức Hồng Y Leo O'Reilly của Kilmore nói: “Những người ở nước ngoài thường kinh ngạc trước thái độ chống đối Giáo Hội được thể hiện ở đất nước chúng tôi. Đó không phải là sự khủng bố về thể xác, nhưng nó thực sự cũng gần như thế.”

Khi truyền chức cho một linh mục tại giáo phận Ferns, Đức Giám Mục Denis Brennan đã cảnh báo vị tân chức: “Cha sẽ cảm thấy sự tức giận và thù hận mà nhiều người đang có đối với Giáo Hội nói chung, được người ta chĩa về phía cha”

Ngài thừa nhận rằng các nhà lãnh đạo Giáo Hội cảm thấy “rất âu lo về tương lai.”

7. Bạo lực chống lại hàng giáo phẩm Công Giáo Mễ Tây Cơ đang gia tăng

"Bạo lực chống lại hàng giáo phẩm đã tăng lên trong những năm gần đây, nhưng không có biện pháp nào được đưa ra để ngăn chặn điều này", cha Omar Sotelo, giám đốc Trung tâm Multimedia của Công Giáo ở Mễ Tây Cơ nói.

Trong 5 năm qua, 17 linh mục Công Giáo đã bị giết ở Mễ Tây Cơ. Hai vị khác bị mất tích, và hai vị khác nữa đã từng là mục tiêu của những mưu toan bắt cóc.

Có hai linh mục hiện đang nằm nhà thương sau những vết thương nghiêm trọng do những kẻ tấn công gây ra: Cha Juan Antonio Zambrano Garcia, đã bị tấn công tại giáo xứ của ngài ở Tijuana vào tuần trước; và cha José Miguel Machorro, đã bị đâm ngay trên bàn thờ khi ngài kết thúc thánh lễ chiều thứ Hai 15 tháng 5 tại nhà thờ chánh toà thủ đô Mexico.

8. Chính quyền Algeria ủi sập nhà thờ Công Giáo để xây đền thờ Hồi Giáo

Nhà chức trách ở Algeria đã phá hủy một nhà thờ Công Giáo ở Sidi Moussa, một thị trấn phía nam thủ đô Algiers, để xây dựng một nhà thờ Hồi giáo và trường Hồi giáo tại địa điểm này.

Các viên chức chính phủ nói rằng nhà thờ đã trở nên không an toàn vì sự suy thoái của cấu trúc. Hiến pháp Algeria đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, nhưng cũng tuyên bố Hồi giáo là tôn giáo chính thức của nhà nước và ngăn cấm mọi hành vi trái với luật Hồi giáo.