Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Quá thường là khi một biến cố xảy ra, chúng ta khó biết được liệu biến cố ấy có phải là một sự kiện lịch sử đang thay đổi vận mệnh của một quốc gia, một dân tộc hay của cả thế giới hay không.

Tuy nhiên, có thể không sợ sai lầm để nói rằng chuyến tông du 27 tiếng đồng hồ của Đức Thánh Cha tại Ai Cập trong tuần qua có nhiều khả năng đi vào lịch sử nhân loại như là một trong những khoảnh khắc “lớn lao”.

Cộng đoàn Kitô hữu Coptic

Chữ “Coptic” là tiếng Hy Lạp xưa có nghĩa là “Ai Cập”.

Trong các bài đọc lễ Vọng Phục sinh, chúng ta nghe bài trích sách Xuất Hành, đoạn nói về việc con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê rằng: “Có gì mà kêu đến Ta? Hãy bảo con cái Israel cứ lên đường. Còn ngươi, đưa gậy lên, và giơ tay trên biển, hãy phân rẽ biển ra, cho con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn. Còn Ta, Ta sẽ làm cho lòng người Ai Cập ra chai đá, chúng sẽ rượt theo sau các ngươi. Bấy giờ Ta sẽ tỏ vinh quang cho Pharaon, toàn thể quân lực, chiến xa và kỵ binh của vua ấy biết. Người Ai Cập sẽ biết Ta là Chúa khi Ta tỏ vinh quang cho Pharaon, chiến xa và kỵ binh của vua ấy biết”.

Những người Coptic ngày nay là dòng dõi người Ai Cập đã được đề cập trong bài trích sách Xuất Hành này, nghĩa là dòng dõi của dân tộc do các vua Pharaon lãnh đạo. Trong tổng số 95 triệu dân Ai Cập ngày nay, họ chiếm 10%. 90% còn lại là những người ngoại bang, là những người Ả rập tràn vào Ai Cập theo cơn lũ của những cuộc thánh chiến Hồi Giáo do Muhammad gây ra.

Năm 1952, theo sau cuộc cách mạng Ai Cập nhằm xóa bỏ chế độ thực dân của Anh, người Coptic, đa số theo Chính Thống Giáo và Công Giáo bị coi là công dân hạng hai, và ở nhiều vùng nông thôn, họ bị đuổi tận giết tuyệt. Hàng mấy thập niên sau cuộc cách mạng 1952, người ta vẫn còn phải chứng kiến những cuộc di cư khổng lồ của người Coptic ra nước ngoài để tránh bị diệt chủng. Bên cạnh hơn 9 triệu người Coptic vẫn còn sống bên trong lãnh thổ Ai Cập còn có khoảng 2 triệu người Coptic sinh sống tại hải ngoại.

Các Kitô hữu Coptic vẫn còn sống bên trong lãnh thổ Ai Cập thường bị công khai phân biệt đối xử và chính phủ nước này chủ yếu là do người Hồi giáo nắm giữ thường xuyên bị chỉ trích vì đã làm ngơ trước cảnh ngộ của họ. Vì thế, từ thời Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12, tình cảnh của các Kitô hữu Coptic luôn là một mối âu lo của các triều Giáo Hoàng.

Đức Bênêđíctô thứ 16 lên tiếng bênh vực các Kitô hữu Coptic và phản ứng từ Ai Cập

Chỉ sáu năm trước, vào ngày 1 tháng Giêng năm 2011, một quả bom đã phát nổ bên trong một nhà thờ Chính Thống Coptic ở Alexandria, khiến 23 người chết. Một ngày sau đó, tại Rôma, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI lên án hành động tàn bạo này trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 2 tháng Giêng.

Ngài nói: “Tôi rất buồn khi hay tin về vụ tấn công nghiêm trọng chống lại cộng đồng Kitô giáo Coptic ở Alexandria, Ai Cập. Những hành động hèn nhát gieo rắc chết chóc như thế, cũng như vụ ném bom vào nhà các tín hữu Kitô tại Iraq nhằm buộc họ phải ra đi, xúc phạm đến Thiên Chúa và toàn thể nhân loại, là những người chỉ mới hôm qua đã cầu nguyện cho hòa bình và bắt đầu một năm mới với đầy hy vọng…Với các thành viên trong gia đình của họ, và nhân dân Ai Cập, tôi bày tỏ lời chia buồn chân thành của tôi và bảo đảm với anh chị em những lời cầu nguyện của tôi xin Chúa ban ơn chữa lành cho những người phải đau khổ vì biến cố này.”

Một tuần sau đó, hôm 10 tháng Giêng, 2011, trong cuộc gặp gỡ với ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:

“Đối với những nhà cầm quyền và các nhà lãnh đạo Hồi giáo, tôi lặp lại lời kêu gọi chân thành của tôi rằng các đồng bào Kitô hữu của họ phải được sống an ninh, trong khi tiếp tục đóng góp cho xã hội mà họ là những thành viên đầy đủ… Có cần tôi lặp lại điều này không? Ở Trung Đông, các Kitô hữu là những công dân đích thực có gốc gác nguyên thủy ở đó, trung thành với tổ quốc của họ và đảm nhận những nhiệm vụ của họ đối với đất nước họ. Đương nhiên là họ đáng được hưởng tất cả các quyền công dân, tự do lương tâm, tự do tín ngưỡng và tự do trong việc giáo dục, giảng dạy và sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng”.

Giáo sĩ Ahmad al-Tayeb, vốn dĩ đã bất mãn với Đức Bênêđíctô thứ 16 sau diễn từ của ngài tại Đại học Regenburgs hôm 12 tháng Chín, 2006 lập tức lên tiếng chỉ trích Đức Bênêđíctô là “có thành kiến với Hồi Giáo” và “xen vào nội bộ Ai Cập”. Một ngày sau đó, chính phủ Ai Cập của tổng thống Hosni Mubarak triệu hồi đại sứ cạnh Tòa Thánh về nước.

Đức Phanxicô lên tiếng và phản ứng của Ai Cập

Những gì đã xảy ra sáu năm trước đây, tức là vào tháng Giêng, 2011, đã lặp lại tương tự như vậy trước chuyến tông du của Đức Phanxicô. Bom đã nổ trong hai vụ tấn công khủng bố nhắm vào các tín hữu Kitô Coptic. 45 người chết và 125 người khác bị thương trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá đẫm máu.

Và khi đến Cairo, Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng lặp lại tương tự những gì Đức Bênêđíctô thứ 16 đã từng nói:

“Tôi cũng nghĩ đến nạn nhân các vụ tấn công vào các nhà thờ Coptic, trong tháng Mười Hai vừa qua và mới gần đây thôi ở Tanta và Alexandria. Với các thành viên của gia đình họ, và với mọi người dân Ai Cập, Tôi xin gửi lời chia buồn và lời cầu nguyện tận đáy lòng tôi xin Chúa ban cho họ được mau chóng chữa lành các vết thương.”

Lần này, người ta không rút đại sứ về nước, nhưng đứng dậy vỗ tay!

Ahmad al-Tayeb, Đại Imam của Đại Học Al-Azhar, trường thần học quan trọng bậc nhất trong thế giới Hồi Giáo Sunni, không những đã vỗ tay mà chính ông còn phụ họa với Đức Giáo Hoàng trong việc lên án những hành vi bạo lực tôn giáo.

Ông Tayeb thậm chí đã mở đầu diễn từ của mình bằng cách kêu gọi tất cả mọi người trong hội trường đứng dậy và yên lặng trong một phút để tưởng niệm các nạn nhân khủng bố và như một cử chỉ liên đới và an ủi gia đình họ!

Hôm thứ Sáu 28 tháng Tư, các kênh truyền hình toàn thế giới truyền đi hình ảnh Đức Giáo Hoàng và ông Tayeb ôm nhau thắm thiết, và ông ta lộ một vẻ xúc động mạnh khi Đức Thánh Cha Phanxicô gọi ông là “người anh em của tôi”.

Những gì đã thay đổi trong sáu năm qua?

Trước hết, bối cảnh chính trị ở Ai Cập đã thay đổi. Vào năm 2011, chính phủ của Tổng thống Hosni Mubarak đang phải đối mặt với cuộc phản kháng rộng rãi, và cuối cùng đã bị cuốn trôi khỏi quyền lực chưa đầy một tháng sau đó. Một số nhà phê bình Mubarak vào lúc đó thậm chí còn tố cáo rằng ông ta thực sự đã đứng đằng sau vụ tấn công khủng bố vào cộng đoàn Kitô hữu Coptic ở Alexandria, trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm biện minh cho một cuộc đàn áp quân sự lan rộng có khả năng ngăn chặn phong trào phản kháng.

Trong bối cảnh đối phó với tình hình trong nước còn không xong, chính phủ Hosni Mubarak còn đâu tâm trí để quan tâm đến những lời chỉ trích bên ngoài, kể cả những chỉ trích đến từ Đức Giáo Hoàng.

Lần này thì khác, chính quyền của Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi tỏ ra vững chắc hơn, được sự ủng hộ khá rộng rãi của nhân dân trong nước, và chính Sisi là người đã lên tiếng mạnh nhất trong thế giới Hồi Giáo về sự cần thiết của một cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Tiếp đón Đức Giáo Hoàng, tổng thống cười thật rạng rỡ. Sự ủng hộ mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng cho chương trình chống khủng bố của ông ta được diễn dịch như một sự công nhận quyền bính hợp hiến của ông sau vụ lật đổ Mohammed Morsi, từ một thẩm quyền luân lý cao nhất thế giới, và như thế, nó còn có thêm một tác dụng to lớn là làm mờ nhạt đi những lời chỉ trích về hồ sơ nhân quyền của ông trong việc đàn áp các thành phần đối lập chính trị.

Hơn nữa, Đức Phanxicô là một hình ảnh được ưa thích trong thế giới Hồi giáo. Sự khăng khăng lặp đi lặp lại của ngài rằng Hồi giáo là một tôn giáo hòa bình, và không gắn kết Hồi Giáo với khủng bố và bạo lực đã khiến ngài trở thành một nhân vật rất được người Hồi Giáo ưa chuộng. Chẳng vậy, Al Jazeera đã không cho chạy hàng tít lớn: “Pope Francis in Egypt: A voice of reason”, nghĩa là “Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Ai Cập: Một tiếng nói của lý trí”.

Đức Phanxicô còn có một đặc sủng là đôi khi những cử chỉ rất nhỏ của ngài lại có một tác động rất lớn - chẳng hạn như ngài mở đầu tất cả mọi bài diễn văn ở Ai Cập, kể cả bài giảng của ngài trong Thánh Lễ Công Giáo hôm thứ Bẩy 29 tháng Tư, với cụm từ As-Salaam-Alaikum, nghĩa là “Bình an ở cùng các bạn”, mà người Hồi giáo nghe như một dấu chỉ của một sự kính trọng. Nhiều lần, người ta đã vỗ tay nhiệt liệt chỉ đơn giản là vì ngài đã dùng cụm từ này.

Khi ngài nói tại Đại Học Al Azhar: “Trong tư cách là các nhà lãnh đạo tôn giáo, chúng ta được kêu gọi để vạch trần bạo lực núp dưới mặt nạ của sự thánh thiêng… Chúng ta có nghĩa vụ tố cáo những vi phạm nhân phẩm và nhân quyền, vạch trần những nỗ lực nhằm biện minh cho mọi hình thức hận thù nhân danh tôn giáo, và lên án những nỗ lực đó như những bức biếm hoạ bôi bác Thiên Chúa: Tên Ngài là Đấng Thánh, là Thiên Chúa của Hòa bình, Thiên Chúa của salaam. Vì thế hòa bình là điều thánh khiết và không có hành vi bạo lực nào có thể biện minh nhân danh Thiên Chúa, vì đó là sự xúc phạm đến Danh Người”, các nhà lãnh đạo Hồi Giáo đã vỗ tay nhiệt liệt, đón nhận như một chính nghĩa chung.

Gió, thực sự, đã đổi chiều.