Condoleezza Rice, Cố vấn An ninh của TT Bush

Tòa Bạch Ốc đã phải khuất phục trước áp lực đòi Cố vấn an ninh quốc gia, Condoleezza Rice, ra chứng thực công khai và tuyên thệ trước uỷ ban điều tra vụ 11/9.

Trước đó, các quan chức đã khẳng định rằng bà Rice có thể gặp riêng uỷ ban điều tra này để có các cuộc đối thoại không phải tuyên thệ gì, chứ không phải là một phiên điều trần công khai.

Tổng thống Bush và bà Rice nói rằng sự xuất hiện của bà là vi phạm chuyện tách biệt quyền lực theo hiến pháp.

Đề nghị này được đưa ra với điều kiện là nó sẽ không tạo ra một tiền lệ.

"Nhân chứng quan trọng"

Trong một lá thư tới uỷ ban điều tra, cố vấn của Bạch Ốc, Alberto Gonzales nói rằng Tổng thống Bush "nhận thức được tình huống đặc biệt và duy nhất" về công việc của uỷ ban điều tra.

Ông Gonzales không nói cụ thể ngày mà bà Rice phải ra điều trần, nhưng nói rằng: "Chúng tôi có thể lên lịch càng sớm càng tốt".

Phóng viên BBC, Justin Webb, tại Washington nói rằng quyết định này là một hành động quay ngược lại của Bạch Ốc, vốn giờ đây chỉ tập trung vào chuyện làm thế nào để tái đắc cử trong cuộc bầu cử sắp tới.

Tuần trước, cựu cố vấn an ninh Tổng thống, Richard Clarke, nói chính quyền ông Bush đã đánh giá thấp mối đe doạ khủng bố vì quá chú trọng đến cuộc chiến tại Iraq.

Ông nói Tổng thống Bush đã buộc ông phải tìm ra mối liên hệ giữa chính quyền ông Saddam Hussein ngay trong những giờ và những ngày sau khi có các cuộc tấn công 11/9.

Đảo ngược quyết định

Chỉ vài ngày trước đây, bà Cố vấn An ninh Quốc gia còn nói rằng chuyện bà không ra điều trần công khai trước uỷ ban này là vấn đề nguyên tắc: bà là cố vấn cho Tổng thống, bà không phải do Quốc hội dựng lên và do đó sẽ không trả lời một cuộc điều tra của Quốc hội.

Thế nhưng theo như các cuộc thăm dò ý kiến, công chúng Mỹ không chấp nhận cái mà một số người gọi là những cãi cọ vụn vặt về mặt hiến pháp.

Việc bà Rice từ chối không ra chứng thực trước công chúng còn tạo ra dư luận là có vẻ như bà có điều gì muốn giấu.

Do đó, theo cách mà Bạch Ốc tuyên bố, Tổng thống đã quyết định bác bỏ những gì mà các luật sư đưa ra.

Tiến sĩ Rice sẽ ra chứng thực, và Tổng thống và Phó Tổng thống cũng sẽ có cuộc gặp riêng với toàn Uỷ ban điều tra; họ trước đây vốn luôn khẳng định là chỉ muốn gặp những lãnh đạo của uỷ ban mà thôi.

Nhà Trắng gợi ý rằng họ đã nắm được phần thắng trong sự nhân nhượng này, rằng chuyện này sẽ không tạo ra một tiền lệ nào cho các cuộc điều tra trong tương lai.

Thế nhưng những tuyên bố đó có vẻ sẽ khó có tác dụng, và cũng không hề ảnh hưởng tới Uỷ ban điều tra độc lập hiện nay, vốn có vẻ như đã giành được phần thắng trong trận chiến này. (BBC)