Chuyến đi của ông Powell đến Bắc Phi mang theo cả sự động viên và lời khen ngợi: sự động viên trong việc giúp Washington chống chủng bố, và lời khen ba nước đang hướng đến nền dân chủ.

Chính quyền tổng thống Bush xem hai vấn đề này liên quan với nhau.

Cả ông Bush và ông Powell đều nói rằng tự do chính trị sẽ giảm bớt ảnh hưởng của các chiến binh Hồi giáo đối với người dân thường.

Trong số ba quốc gia, hai nước Marốc và Tunisia đã hứng chịu các cuộc tấn công của các phần tử Hồi giáo.

Trong con mắt của Washington, hai nước này đã phản ứng nhanh chóng và nhiệt tình.

Năm ngoái, Marốc, nước có chế độ quân chủ lập hiến, đã tổ chức bầu cử, mở rộng quyền cho phụ nữ và có một quan hệ kinh tế ngày càng tăng với Hoa Kỳ.

Tunisia, nước giàu nhất trong ba quốc gia, thì từ lâu đã chịu ảnh hưởng phương Tây.

Cuộc nội chiến tại Algeria trong thập niên 1990 đã cướp mất 150.000 sinh mạng.

Quân đội ở đây can thiệp vào chính trị nhằm gạt các nhân vật Hồi giáo quá khích ra khỏi vị trí quyền lực.

Tình hình tại Algeria giờ đây có vẻ ổn định hơn, và cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra năm sau.

Nhưng mặt khác, cả ba nước đều đối diện nguy cơ của chủ nghĩa cực đoan và đều bị các tổ chức nhân quyền lên án vì sự đàn áp các nhà chỉ trích cũng như điều kiện tồi tệ trong các nhà tù.

Nhưng mặc dù cuộc chiến chống khủng bố sẽ là ưu tiên trong chương trình nghị sự của ông Powell ở Bắc Phi, nhưng một vấn đề khác được các nước Ảrập quan tâm là vấn đề Trung Đông có thể sẽ không được ngoại trưởng Mỹ nhắc tới.

Nếu ba nước Bắc Phi trông chờ sẽ có đột phá trong vấn đề Israel-Palestine, thì hẳn họ sẽ thất vọng.(BBC)