Tháng chín, tháng khép lại mùa hè nóng nực, rạo rực với các lễ tạ ơn linh mục, khấn Dòng, kết thúc những ngày đi thực tập giáo xứ của các thầy đại chủng viện; tháng chín của mùa thu mát mẻ mở ra với các lễ khai giảng, đón nhận sự trở về môi trường huấn luyện học đường, là thời gian bắt đầu lại cho một hành trình mới ... Và vì bắt đầu lại, vì hành trình mới nên có đôi khi xao lòng, có đôi khi ngượng ngập, hồn còn vu vơ. Xin tặng bài viết này cho các anh em chủng sinh, và cả cho “tôi của ngày hôm qua” nữa. Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng

Viết Cho Tôi

Đêm đã dần lắng xuống cách lặng lẽ, trả lại cho khuôn viên Đại Chủng Viện cái vẻ tĩnh mịch, và làm tăng thêm sự huyền nhiệm cố hữu của nó. Trong giây phút này, những chú chim sẻ cũng chẳng còn líu ríu than thở về sự oi ả của cái nắng nghiệt ngã mùa hè ban ngày nữa. Thay vào đó là tiếng nức nở, ai oán đến rợn người của các ả chim cú trong màn thinh không. Các tiếng động đâu đó đã thưa dần và những ánh sao băng bắt đầu nhảy múa. Bầu khí trở nên an lành, linh thiêng hơn và cũng chạm tới chiều sâu của mỗi người hơn, tới tận ngõ ngách thầm kín của con tim. Không gian tựa hồ như đọng lại, chẳng ngọn gió nào chịu vỗ cánh lên ngàn. Trong sự thanh vắng, tĩnh lặng tưởng như là chết chóc đó, vạn vật muôn loài vẫn đang bừng lên sức sống.



Và nó, ... nó ngồi bất động cho kỷ niệm thản nhiên ùa vào trong tim để rồi chỉ chực lẻn ra ngoài hai khoé mắt ...

Ngày ấy,

Quãng thời thơ ấu của nó rất an bình, thảnh thơi. Hạnh phúc của nó lớn lên như cỏ nội hoa đồng. Ước mơ vội vã như những cánh diều bay bổng theo gió trên những cánh đồng rạ mới, đưa nó lên vút cao như tận cõi thần tiên. Khoảng không gian bay lượn của cánh diều chính là khung trời đưa nó lên tầm cao mới, là chứng nhân cho cuộc “hoá thân” của nó; đồng thời cũng là người bạn đồng hành, khích lệ nó đi vào cuộc đời. Khi con diều lướt bay trong gió lộng cũng là lúc tâm hồn nó ngây ngất trên mây xanh. Ở đó, nó ước mơ trở thành linh mục, được ở “trên cao” và rồi sẽ trở về Trên Cao.

Thế nhưng, cuộc đời không đơn giản như nó nghĩ. Những điều nó tâm huyết thuở ấu thơ sao đến một lúc lại trở nên ấu trĩ quá, vớ vẩn quá ! Bởi một ngày kia, nó khám phá ra một chân trời kỳ thú khác, nơi nó đã yêu và được yêu lại bởi một tình yêu ngọt ngào tưởng chừng như vô tận! Nó loay hoay lao vào một cuộc sống rất đỗi lạ lùng và hấp dẫn đó.

Thôi rồi những ước mơ xanh,
Hết rồi cánh diều bé nhỏ,
Chào nhé, khung trời tuổi thơ !


“Tình yêu đúng là tất cả”- nó kiêu hãnh xác nhận điều mà con người đã viết từ khi … có ký tự trên trần gian này. Cuộc sống tưng bừng trôi qua trong tiếng cười với biết bao dự phóng tương lai tươi đẹp. Vác mảnh tình hồng ấy trên vai, nó hân hoan chào đón tương lai và giã từ dĩ vãng. Những tưởng rằng cuộc đời này dành và chỉ dành riêng cho mình nó mà thôi !

Nhưng rồi, cánh diều ngày xưa đã trở lại: vẫn ước mơ xanh, vẫn áng mây hồng và còn thêm lời mời ngọt ngào, dza dziết. Đối diện với thâm cung sâu thẳm của lòng mình, nó nghe một giọng nói rất đỗi êm dịu, thiết thân, tiếng nói mời gọi nó hãy can đảm để dấn thân cho một cuộc sống cao quý hơn, sống- vì- mọi- người. Tiếng nói ấy cứ mãi vang lên, thôi thúc nó và cuối cùng đã lật nhào mọi toan tính, lôi nó ra khỏi ảo tuởng và đưa nó trở về với ước mơ tinh ròng. Thuận lòng, nó đã ra đi, đã đến và ở đây, nơi đã dành sẵn cho nó. Nếu không, chắc chắn giờ phút này nó đã là một người khác, ở một phương trời khác : bên gia đình với cha mẹ, anh chị em; bên ly bia với các bạn tri kỷ, đồng nghiệp; bên ánh đèn lung linh với một người tình vv... hay cũng rất có thể nó đang tha phương, bôn ba trên chốn chợ đời cũng không chừng ?!

Năm tháng trôi qua, biết bao kỷ niệm êm đềm cũng chỉ còn trong ký ức. Ấy vậy mà ước mơ được là linh mục của nó ngày thơ bé lại đang trở thành hiện thực. Bởi giờ đây nó đã và đang là một chủng sinh. Cũng xin được nói thêm là nó rất hạnh phúc. Quả vậy, mắt Chúa vẫn luôn dõi theo nó, và cánh tay Người đã nhẹ nhàng dìu dắt nó, để rồi “ở đây và lúc này”nó đang cùng mười hai anh em khác hình thành một cộng đoàn gia đình nhỏ bé.

Trong những lần tâm giao, anh em chúng nó luôn biểu lộ chung một cảm nhận này: Chúng nó là những người yếu đuối nhưng lại được yêu thương quá nhiều. Nghịch lý thay, rất thường xuyên chúng nó không biết cư xử sao cho tương xứng với, hay ít nữa tỏ ra một chút thiện- chí- gọi- là ... để “đền đáp cho cân, mà đền đáp cho cân” hồng ân đó. Lắm lúc chúng nó ngồi nghĩ quẩn cho tương lai của Giáo Hội: không biết rồi sẽ đi về đâu với những chủng sinh như chúng nó. Hôm nọ đã chẳng có anh em dõng dạc tuyên bố một câu xanh rờn rằng: “cầu cho mau hết Đại chủng viện để khỏi học hành gì nữa, chỉ chờ lên linh mục thôi” đấy sao ? Dẫu biết người nói chỉ hài chơi để đỡ buồn nhưng cũng làm cho không ít anh em phải suy nghĩ ... Đúng là chúng nó còn non yếu quá trước một sứ mệnh vô cùng cao cả, thánh thiện. Mà thôi, chuyện của Chúa Thánh Thần mà ! Điều gì đến, sẽ đến. Nghĩ lại, thấy mình được yêu thương, được tự do bay nhảy trong ân huệ của Chúa và của mọi người là quý hoá lắm rồi. Được như thế ai mà không trào dâng tâm tình tri ân, cảm tạ ?

À, mà sẽ là rất thiếu xót nếu bỏ qua không đề cập tí gì tới năm giúp xứ - một vấn đề hết sức nhạy cảm, và là “bài ca không thể nào quên” của hết thảy chúng nó-. Nhớ tới chuyện này, nó như cảm thấy một niềm vui bẽn lẽn, một cảm giác là lạ, dễ thương. Là lạ, dễ thương bởi cảm giác này không chỉ là sự khoan khoái tận hưởng những thành công, mà còn là một thoáng buồn nếm mùi thất bại nữa. Này nhé, ngày đến họ đạo chỉ vỏn vẹn có một va-li gói ghém vài bộ đồ cùng ít sách vở, và đến trong âm thầm. Thế mà ngày ra đi lại trĩu nặng khối hành trang khổng lồ chất chứa bao ân tình : nào là hộp quà bé nhỏ xinh xinh của một nữ ca viên nào đó nhét vội vào; nào là hũ đậu xanh, gói bánh tét của một hiền mẫu nọ; nào là phong bì, nào là quần kaki áo hộp; nào là ... ôi thôi thì “hầm bà lằng” đủ thứ cả … để “thầy đủ sức mà tu, an tâm mà cầu nguyện” , và thậm chí “có sức mà ăn chay” nữa cơ đấy ! Cứ như Chủng Viện là nơi có các cha giáo mang những bộ mặt lạnh lùng, sẵn sàng ghi sổ bìa đen mỗi khi chủng sinh sai trái điều gì, còn các bữa ăn chỉ toàn là mắm với cà không bằng !. Được cái là Chúa ban cho nó (và cả các bạn của nó nữa) tính vui vẻ dễ dãi, nên ai cho cái gì thì lấy cái đó; vui nhận tất cả với lời cám ơn thật tươi, khả dĩ làm mát lòng “khổ chủ” đến nỗi họ cười nhô cả hai hàm răng khô. Đương nhiên nó cũng không quên ghi nhận những người đang trách móc mình !. Bởi thực tế là có bao nhiêu lời chúc tụng tán dương thì cũng bấy nhiêu lời chê bai hờn dỗi. Có những lúc ngồi một mình ở nhà, nó để mặc cho tâm hồn mình gặm nhấm thương đau, những lời oán trách của các em thiếu nhi, nỗi hờ hững của ca viên, sự vô tình của cha xứ... Một sự bội phản thì phải?! Còn chuyện tình cảm thì là cả một kho vô tận những điều … không dám nói. Yêu thương hờn giận cứ rối tung cả lên. Nói mà không được đón nhận, giận ; ước muốn mà không được đáp ứng, giận ; gặp mà bị làm ngơ, càng giận! Động tới một tí là giận, là buồn.

Đấy là chưa kể tới những bấn loạn nội tâm khi ở xứ đạo. Sau những thánh lễ trọng, khi những hạt nắng vàng cuối cùng bị gió cuốn đi khỏi sân nhà thờ, là lúc nó cảm thấy bần thần tê tái. Giọng ca solo-alto của người con gái ban chiều cứ như còn thánh thót, vang vọng mãi, lấn át cả tiếng Chúa qua bài Phúc Âm, lấn lướt cả những lời nguyện thiêng liêng trong thánh lễ. Những buổi chiều như thế nó mới thấm thía “lời kinh chiều Chúa Nhật” của Michel Quoits đến là nhường bao!

Dù thế nào đi nữa thì mọi sự cũng đã qua đi rồi : cả những giọt nước mắt cùng những nụ cười vui, cả những tiếng oán hờn lẫn những lời chúc tụng. Điều còn lại vẫn là chính mình, chỉ sợ là ngay cả bản thân mình cũng đã bị đánh mất. Nó chỉ xin được thốt lên lời của cha Karl Rahner thôi: “lạy Chúa xin cho con bắt đầu rồi lại bắt đầu”.

Màn đêm rồi cũng sẽ qua đi, ánh dương rồi sẽ trở lại. Quá khứ cứ lao mình tới nuốt trửng cả hiện tại. Còn tương lai sẽ là hiện tại, nhưng cái hiện tại vừa được thốt ra đó lại thuộc về quá khứ rồi. Đó là quy luật của muôn đời. Phút hiện tại thật hiếm và sống hiện tại thật khó thay ! Ngày mai nó lại bắt đầu với những gì nó đang theo đuổi trong ngày hôm nay. Cả lớp nó lại nhắc nhở nhau để phục vụ, và phục vụ như thế nào để không biết là mình đang phục vụ : “Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,3). Rồi mai đây, nó và mười hai người bạn lại xa trường, xa các cha giáo, xa các anh em khác. Sau này, mỗi khi trở về, không biết chúng nó có lại thốt ra những câu đại loại như : “đâylà dịp để chúng con trở về mái ấm chủng viện ...”, “đây là cơ hội để chúng con gột rửa bụi đời ...”, “nhờ dịp này mà chúng con mới có thể nghỉ ngơi, lấy lại nguồn sức mạnh ...”, “không có cơ hội này, làm sao chúng con có thể thăm được quý cha- ân- sư của mình ...” vv và vv ? ... để rồi chỉ ngay khi công chuyện vừa dứt, hoặc thậm chí cả khi tiệc vui chưa tàn thì các trò đã vội rút lui, bỏ lại sau lưng sự bịn rịn của anh em, vẻ ngẩn ngơ của mái trường, cùng nỗi lo âu của “quý cha-ân-sư”. Có thể phũ phàng như thế được không ? Biết đâu đấy ! Thực vậy, chẳng ai biết được tương lai sẽ như thế nào, chẳng ai dám nói mạnh về điều đó. Giây phút này, nó chỉ biết ước mơ và tin tưởng rằng : ngày mai trời lại sáng.