Phần có thể đoán trước trong diễn văn của tổng thống Mỹ là đoạn công kích các kẻ thù của Mỹ tại Trung Đông.

Ông ra lời cảnh báo mạnh mẽ đặc biệt nhằm vào chính phủ Iran rằng nước này sẽ đánh mất cơ hội cuối cùng nếu không đáp ứng các lời kêu gọi cải cách dân chủ.

Đó là những phần dễ đoán trước của bài diễn văn, vậy những chi tiết thú vị hơn là thông điệp gửi tới các nước vốn là đồng minh của Mỹ nhưng lại có một hệ thống chính trị không dân chủ.

Ông Bush nhắc rằng Ảrập Saudi cần thể hiện khả năng lãnh đạo thật sự bằng việc hướng đến nền dân chủ. Ai Cập cũng nhận một thông điệp tương tự.

Tổng thống Mỹ nói các chính phủ dân chủ cần phản ánh những nền văn hóa đặc thù của nước đó.

Các nước này không nên và cũng không thể giống Hoa Kỳ.

Thế nhưng một chính phủ theo một hình thức dân chủ nhất định là con đường duy nhất đưa đến thịnh vượng và uy tín cho đất nước.

Ông Bush ra dấu hiệu ông sẵn sàng theo dõi các tiến trình dân chủ trên toàn khu vực Trung Đông:

"Trong 60 năm qua khi mà các quốc gia phương Tây tha thứ và dung túng cho việc thiếu tự do tại Trung Đông, nó đã không đem lại an ninh bởi vì xét về lâu dài, sự ổn định không thể có nếu tự do không tồn tại."

Đằng sau viễn ảnh to lớn ấy, tiến trình vất vả nhằm thiết lập dân chủ tại Iraq vẫn đang tiếp tục.

Và chính quyền ông Bush tiếp tục yêu cầu người Mỹ gánh vác chi phí.

Vào lúc tổng thống đang phát biểu, Lầu Năm Góc loan báo với 85.000 người lính rằng họ sẽ sang Iraq năm sau và 43.000 quân dự bị cũng sẽ được gọi.

Việc tuyển mộ này chỉ là chu trình xoay vòng chứ không có nghĩa tăng thêm quân số tại Iraq. Thế nhưng nó cũng sẽ gửi đến một thông điệp không hẳn đã tích cực cho các cộng đồng tại Hoa Kỳ.

Phản ứng của thế giới Ảrập?

Phản ứng từ đa số người dân tại các nước Ảrập trước diễn văn của tổng thống Bush có lẽ sẽ là thái độ “lời nói nên đi đôi với việc làm.”

Đa số người trong các nước Ảrập muốn có dân chủ, nhưng vấn đề ở đây là họ không tin Hoa Kỳ có thể đem lại điều này.

Một phần là vì sự ủng hộ của Mỹ dành cho các chính quyền mà người dân ở đó xem là chế độ chuyên chế.

Sự ủng hộ mà Mỹ dành cho Israel cũng là một nhân tố tác động tới suy nghĩ của người ta về nước Mỹ.

Những kế hoạch gây tranh cãi của Washington nhằm đem dân chủ đến thế giới Hồi giáo đã gây bàn cãi trước đây.

Có những người xem những kế hoạch như thế chỉ là âm mưu áp đặt một trật tự mới của Mỹ tại khu vực, một cái cớ để lật đổ các chính quyền thù nghịch với Washington như Saddam Hussein và chính quyền Syria.

Những người khác, mặc dù đồng ý với Washington về nguyên tắc, lại nói dân chủ không thể áp đặt từ bên ngoài.

Một số chính phủ cũng đã áp dụng một số cải cách hạn chế, ví dụ như Ai Cập và Ảrập Saudi.

Bài toán thật sự cho uy tín của Washington sẽ là liệu Mỹ có gây sức ép với các chính quyền Ảrập buộc họ cải cách thật sự thay vì những đổi mới giả tạo chỉ nhằm kéo dài sự tồn tại của các chính quyền mà nhiều người bảo từ lâu đã không còn thích hợp nữa. (BBC)