Trong loạt chương trình này, BBC sẽ tìm hiểu những khúc quanh của lịch sử CIA, khởi đầu từ năm 1947 khi Cơ quan được thành lập qua một nghị định của tổng thống Harry Truman.

Trong những năm đầu vừa thành lập, CIA đã phải đối phó ngay với một đối thủ khó khăn, Liên Bang Xô Viết vốn hoàn toàn khép kín và rất khó đột nhập.

Chương trình I: CIA trong Chiến tranh Lạnh

Cơ quan CIA được thành lập đầu tiên để phân tích và nghiên cứu các tin tức tình báo, theo ông Goodman. Ông giải thích là mãi năm năm sau đến năm 1952, CIA mới được phép có các hoạt động bí mật, mặc dầu nhiều viên chức cao cấp của cơ quan chống lại việc này vì họ cảm thấy sứ mệnh mà tổng thống Truman trao cho họ sẽ không được hoàn tất.

Sứ mệnh đó là đóng vai một cơ quan độc lập, không nằm trong tiến trình hoạch định chính sách, để có thể đóng góp cho tổng thống những phân tích và thẩm định về tình báo một cách khách quan, không bị ảnh hưởng bởi việc thúc đẩy chính sách này hay chính sách khác. Cơ quan đáng lẽ không có quyền lợi, thiên lệch hay ước muốn sửa đổi tin tức tình báo nào cả.

Mục tiêu lúc đó là Liên xô, đây là giai đoạn khởi đầu của Chiến tranh Lạnh. Nhưng nguồn gốc của CIA chính là Trân Châu Cảng.

Cơn ác mộng khi Nhật bất ngờ tấn công vào hạm đội Hoa Kỳ ở Trân Châu Cảng là một biến cố mà cuối cùng đã dẫn đến việc ông Truman tạo ra CIA với mục đích là tạo ra một cơ quan tình báo dân sự để bảo đảm làm sao Hoa Kỳ không bao giờ bị bất ngờ nữa.

Cơ quan này sẽ dọ thám trên toàn thế giới và đưa khuyến cáo cho tổng thống Hoa kỳ về bất cứ một đe doạ nào cho an ninh quốc gia. Đứng đầu đe doạ đó là Liên xô của ông Stalin, và một trong những chiến dịch đầu tiên của CIA là làm sao chống lại được sự bành trướng của Liên xô vào Tây Âu.

Ở Ý CIA có nhiều tiền và nhờ vậy có thể dễ dàng thuyết phục các phe phái chính trị tại Ý ủng hộ giúp họ đánh bại phe Cộng sản.

Ý là thành công đầu tiên của CIA và cho thấy rõ giá trị của việc hiểu biết vùng đất mình hoạt động cũng như có một hệ thống hỗ trợ ở địa phương và có nhiều đô la trong quĩ đen.

Vấn đề của CIA là họ không thể lập lại được thành công đó ở nơi quan trọng nhất: Liên Xô. Không có một hệ thống giúp đỡ nào tại chỗ, CIA đã phải làm những chuyện vụn vặt như hỏi lại tin tức từ những người đến Nga làm ăn, một nguồn tin mà giá trị tình báo thường là tối thiểu.

Có những lúc trong thời thập niên 1950, Cơ quan không biết cả đến giá khoai tây ở Matscơva. Thành ra cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi có những thất bại tình báo ở mức cao hơn. Việc Liên xô phóng hỏa tiễn Sputnik, tung ra vệ tinh đầu tiên của nhân loại, đã xảy ra như là một cú shock cho Washington và hòan tòan ngạc nhiên. Thành ra CIA bèn quay sang tìm giải pháp đương nhiên đối với Hoa Kỳ, qua khả năng kỹ thuật cao hơn.

Như ông Dick Kerr, nhân vật thứ nhì ở Cơ quan vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 nhớ lại, đây là thời đại mà những hệ thống dọ thám kỹ thuật ra đời.

Ông Kerr nhận xét: Vấn đề chính của chúng tôi là bản chất của khả năng chiến lược của Liên xô. Liệu họ có bao nhiêu khả năng quân sư? Họ sẽ sử dụng chúng ra sao? Họ đã thay đổi và canh tân quân đội như thế nào? Và đó là những điều chúng tôi có thể theo dõi qua tình báo kỹ thuật, với những hình ảnh liên tục chụp từ vệ tinh từ trên không, với việc theo dõi các tín hiệu thông tin và các phương tiện kỹ thuật khác.

Nhưng khả năng thắng thế về kỹ thuật không thực hiện được sứ mệnh làm sao trả lời được những câu hỏi: Đối thủ của mình nghĩ sao và họ biết được những gì.

Liên Xô trong khi đó có nhiều khả năng gián điệp hơn. Yuri Shvets, một cựu nhân viên của KGB ở Washington giải thích: Với khả năng của việc theo dõi các tín hiệu thông tin có thể xác định có bao nhiêu hỏa tiễn trên lãnh thổ của kẻ địch và khả năng sẵn sàng tác chiến của họ. Nhưng chỉ khi chúng ta đi được vào đầu óc của kẻ thù thì mới có thể biết dược là hỏa tiễn đó sẽ được phóng đi dau và dĩ nhiên lúc nào họ tính chuyện phóng hỏa tiễn. Thành ra ở cơ quan KGB họ tin là không có gì thay thế nổi tình báo từ các điệp viên.

Điều không chối cãi được là những đường giây gián điệp của Liên Xô đã họat động rất thành công ở Tây Phương. Đường giây Portland, do vợ chồng Krugers đứng đầu, đã theo dõi căn cứ tàu ngầm của Anh ở vùng bờ biển phía Nam. Cặp vợ chồng Rosenbergs đánh cẳp tài liệu nguyên tử cho các quan thầy KGB ở Moscow.

Một vấn đề rất quan trọng, một vấn đề mà CIA không biết cho đến khi quá trễ là cá tính nghi ngờ đến hoang tưởng của ông James Jesus Angleton, người đứng đầu lừng danh của tổ chức phản gián của cơ quan. Ông Angleton tin là, mà tin sai hòan tòan, là tất cả những người Nga bỏ hàng ngũ sang với Tây Phương tòan là gián điệp nhị trùng cố tình gài vào bởi KGB để đánh lừa.

Thành ra rất nhiều lần những tin tức tình báo từ các nguồn tin quan trọng này đã bị bỏ qua và lờ đi không được để ý tới. Việc này lại càng dẫn đến việc CIA quá lệ thuộc vào tình báo kỹ thuật. Nhưng các nhà thảo chính sách ở Washington cũng cần bíêt về “ý định” của Liên xô. Một cách để tìm hiểu là điều tra và phân tích về nền kinh tế Liên xô, bởi từ đó có thể có nhiều câu trả lời.

Nhưng ngay cả công tác này cũng ngòai khả năng của các nhà thâu lượm và phân tích tình báo ở trụ sở của CIA ở Langley, ngay bên ngoài thủ đô Washington.

Arnold Horelick, một chuyên viên đã trải nhiều năm nghiên cứu kinh tế Liên Xô giải thích: Điều này có lẽ là do chúng tôi bị lòa mắt vì sản lượng vũ khí của nền kinh tế Liên xô, mà trong nhiều năm có thể bắt kịp khả năng của chúng tôi hay nếu không nói là có nhiều địa hạt vượt quá khả năng của chúng tôi nữa.

Ông Horelick giải thích tiếp: Nhưng việc này đặt căn bản trên một nền kinh tế mà có thể nói chậm sau chúng tôi khỏang một thế hệ và phương thức CIA sử dụng để so sánh các nền kinh tế, phương thức được mệnh danh là hoán chuyển đô la- rúp, nay nghĩ lại thật là sai lầm. Thành ra thí dụ, ý tưởng là nền kinh tế Liên xô lớn bằng nửa nền kinh tế chúng tôi và đã phát triển để có thể bằng hai phần ba nền kinh tế của chúng tôi, theo tôi là quá sai đối với thực tế mà chúng ta có thể sờ mò tới được. Nhưng đứng trên phương diện lý thuyết thì có vẻ khá có lý.

Nhưng nó sai và cái sai này đã có hậu quả chính trị to lớn. Richard Perle, sau này là phụ tá bộ trưởng quốc phòng dưới thời Tổng Thống Reagan và là một trong những nhân vật chính nhận kết luận của các phân tích của CIA nhận xét: CIA qua sự đoán lầm về gánh nặng của việc xây dựng liên tục kho vũ khí đối với nền kinh tế Liên xô trong giai đoạn đó đã đưa ra những tin tức sai lầm cho những người làm chính sách lúc đó đang ngồi vào bàn hội nghị.

Khi Tổng thống Ronald Reagan tuyên thệ nhậm chức tổng thống năm 1981, và kể từ đó lập trường toàn cầu của Washington thay đổi. Chính sách ngăn đe và bao vây Liên xô không còn được áp dụng nữa, nay là chính sách đối đầu với một Đế Quốc của cái Ác.

Tổng thống Reagan có một mục tiêu khác. Ông ta nói “tôi muốn thắng”. Bởi ông ta có mục tiêu khác, ông ta khai trương một hình thức tình báo khác. Nếu muốn thắng, thì chúng ta phải tìm cho ra nhược điểm của kẻ địch. Nếu mục tiêu chỉ là không thua trân, thì chúng ta có khuynh hướng chỉ tập trung vào sức mạnh của kẻ thù bởi chúng ta chỉ tính đến chuyện phòng thủ. Thành ra Tổng thống Reagan đã chuyển từ phòng thủ sang tấn công.

Và quả thực là vậy. Chi tiêu về quốc phòng ở Tây Phương tăng vọt, các hỏa tiễn tuần du Cruise và Pershing II được triển khai ở Tây Âu. Hải và Không quân Hoa Kỳ gia tăng việc dọ thám và có những chiến dịch dọ đường vào vùng biên giới với Liên Xô.

Thế các lãnh tụ già nua của Liên Xô phản ứng như thế nào, một lãnh tụ nay dưới sự điều khiển của Yuri Andropov, một cựu tổng giám đốc KGB?

Đảng Cộng sản Liên Xô đã phản ứng với sự sợ hãi. Liên Xô lúc đó đang ngày càng lụn bại. Thành ra đã có một sự hốt hỏang phản ảnh trong nhận định của Liên Xô đối với tiềm năng của Tây Phương, và sự thiếu khả năng để theo đuổi hay cạnh tranh với Tây Phương.

Sáng kiến phòng thủ chiến lược, vốn được gọi là Star Wars, một kế hoạch tiêu tốn nhiều triệu tỷ đô la để làm cho Hoa Kỳ không còn có thể là mục tiêu của tấn công hạch tâm nữa. Kế hoạch này, nhìn từ Moscơva, có vẻ như cho thấy là chính sách phòng thủ hạch tâm qua việc duy trì cán cân kinh hoàng của tấn công và trả đũa, vốn đã giúp duy trì hòa bình trong suốt trên 30 năm. Hơn thế, đây là một hệ thống mà Liên Xô không thể đối chọi được, cả về kỹ thuật lẫn tài chánh. Họ bắt đầu hốt hoảng. Những cuộc điều đình tài giảm vũ khí với Hoa Kỳ bị đình chỉ. Và lúc đó:

Đây là giai đoạn thật đáng ghi nhớ trong lịch sử hậu chiến của Liên Xô, một giai đoạn mà CIA hoàn toàn không hiểu và diễn dịch sai. Qua những biến cố này, tin rằng Hoa Kỳ chuẩn bị chiến tranh, Liên Xô tung ra chiến dịch RYAN để tìm dấu hiệu xe liệu Tây Phương có tính chuyện tấn công trước bằng vũ khí hạch tâm chăng.

Theo chiến dịch RYAN, bộ phận của KGB ở Washington cho người hàng đêm là phải lái xe đi vòng vòng. Một người đi quanh Lầu Năm Góc, một người đi quanh Bộ Ngoại Giao, Tòa Bạch Ốc, vân vân..., nói tóm lại các cơ quan đầu não của chính quyền để xem liệu có quá nhiều đèn được bật lên chăng, nhiều đèn hơn bình thường. Việc có nhiều đèn được bật lên được nghĩ là một dấu hiệu.

Thành ra những họat động rất bình thường, thí dụ như một chiến dịch kêu gọi hiến máu, đột nhiên trở thành có ẩn ý đáng sợ. Nhìn từ Mascơva, những dấu hiệu lẻ tẻ này lại cho thấy cơn ác mộng chiến tranh của họ đã thành sự thật. Nhưng điều gì ở đằng sau những nhận thức như vậy.

Rút cuộc sự thất bại của cả hai bên để có tin tức tình báo chính xác về ý định của nhau đã làm cuộc chiến tranh Lạnh suýt biến thành chiến tranh nóng. (BBC)