Một số thành viên của Hội đồng bảo an LHQ đã chỉ trích dự thảo nghị quyết của Hoa kỳ về tương lai của Iraq.

Pháp, Nga, và Đức đã bày tỏ quan ngại rằng dự thảo này đã không giải quyết các đòi hỏi của họ. Nhất là liên quan đến việc chuyển giao quyền lực một cách nhanh chóng cho người Iraq.

Tin cũng đưa là tổng thư ký LHQ Kofi Annan có vẻ như chỉ trích đề nghị của Hoa kỳ.

Ông nói là đọc qua các ngôn từ của đề nghị thì thật khó mà tìm ra được một vai trò chính trị cho LHQ tại Iraq.

Ông Annan nói thêm là dự thảo đã không đi theo hướng mà ông mong đợi. Tuy nhiên, ông nói là ông sẽ nghiên cứu nó.

Hoa kỳ đang tìm kiếm sự ủng hộ của LHQ đối với dự thảo này. Dự thảo này kêu gọi một đội quân đa quốc gia được điều đến Iraq để thay thế lính Mỹ.

Dự thảo này cũng đưa ra điều khoản tìm kiếm nguồn tài trợ cho công cuộc tái thiết Iraq.

Pháp là nước đi đầu trong việc kêu gọi chuyển giao quyền lực nhanh chóng cho người Iraq.

Tuy nhiên dự thảo nghị quyết đã không đưa ra một thời gian biểu cụ thể cho việc chuyển giao này.

Đại sứ của Pháp tại LHQ, Jean-Marc de La Sabliere nói sau cuộc họp kín của HĐBA hôm thứ năm rằng dự thảo đã không đáp ứng ý nguyện của nước Pháp.

Hoa kỳ trước đó có nói rằng họ muốn dự thảo này được thông qua trước thời điểm một hội nghị quốc tế bàn về tái thiết Iraq, tổ chức vào cuối tháng này.

Chuyển giao quyền lực một cách tích cực

Bản dự thảo cũng đã không đưa ra một thời hạn cho việc chuyển giao quyền lực cho người Iraq. Tuy nhiên nó kêu gọi có thêm hành động tích cực theo hướng này.

Đại sứ Hoa kỳ tại LHQ, John Negroponte nói rằng Hoa kỳ muốn chuyển giao quyền lực sang tay người Iraq càng sớm càng tốt.

Tin báo chí nói rằng ông Kofi Annan tỏ ý chỉ trích quan điểm của Hoa kỳ muốn đội quân chiếm đóng tiếp tục đóng vai trò đầu tàu, trong khi LHQ và hội đồng quản trị lâm thời đóng vai thứ yếu.

Ông Annan cũng bày tỏ quan ngại về thái độ của Hoa kỳ muốn một cơ quan không do dân bầu đứng ra lo về dự thảo hiến pháp tại Iraq, để rồi bầu cử sẽ tiến hành sau đó.

Ông Annan muốn trình tự này đảo ngược, trong đó LHQ trông coi tiến trình soạn thảo hiến pháp của Iraq, đảm bảo công việc được thực hiện trên các nền tảng của dân chủ.

Pháp, Nga và Đức cũng thúc đẩy LHQ đóng vai trò lớn hơn tại Iraq, tuy nhiên, dự thảo nghị quyết đã không đáp ứng đòi hỏi này của họ. (BBC)