ROME - Ý đang trở lại cuộc sống bình thường sau khi trải qua tình trạng mất điện khủng khiếp nhất trong lịch sử nước này.

Một trận bão lớn thổi ngang qua miền nam nước Pháp đã gây hư hại cho mạng lưới điện của nước Ý và làm gián đoạn tất cả các sinh hoạt thường nhật.

Sáng hôm qua, hàng triệu người thức dậy không có điện mà dùng.

Các cơ quan cung ứng điện của Pháp, Thụy Sĩ và Ý hiện đang cãi nhau để quy trách nhiệm về sự cố này.

Tuy nhiên, họ truy ra được là trong số hai đường dây cao thế đã bị quá tải, mặc dù theo kế hoạch một trong hai đường dây này là đường dây phòng hờ.

Có một điều chắc chắn là khi một nước phải nhập 17% điện năng, thì sinh hoạt tại nước đó dễ bị gián đoạn.

Tới tối hôm qua nguồn cung cấp điện đã được phục hồi tại mạn bắc, miền trung và thủ đô của nước Ý, nhưng nhiều vùng tại mạn nam vẫn còn bị cúp điện.

Người dân được thông báo là cho tới khi nào điện năng phục hồi hoàn toàn thì họ phải chuẩn bị là điện sẽ còn bị cúp.

Bộ trưởng kỹ nghệ Antonio Marzano đã hứa sẽ điều tra và đồng thời thúc đẩy công tác xây dựng nhiều nhà máy điện mới.

Tình hình tệ hại ở các nước giàu

Đầu tiên, ánh đèn điện tắt ngóm ở các vùng đông bắc Hoa Kỳ và Canada hồi tháng Tám. Đã có tới 50 ngàn người không có điện dùng.

Tiếp đến là London. Trong tháng Chín, vùng nam Thụy Điển và Đông Đan Mạch bị mất điện. Nay thì đến lượt Italy.

Các nguồn cung ứng điện ở thế giới phát triển dường như đang ngày càng trở nên thất thường.

Nhiều mạng lưới được xây dựng theo mô hình quốc tế, nhưng lượng điện nhập khẩu của Italy chiếm tỷ lệ lớn so với tổng điện năng tiêu thụ tại quốc gia này, chừng 17%, mà phần lớn là nhập từ Pháp và Thụy Sĩ.

Theo bà Grazia Francescato là chủ tịch Đảng Xanh của Italy, thì nước này bị lệ thuộc vào một nguồn cung cấp năng lượng. Đó là dầu, hoặc nếu là nhập từ Pháp, thì là năng lượng hạt nhân.

Bà cho rằng Ý cần có chính sách tiết kiệm năng lượng và cần khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng có thể tái sử dụng.

Sau thảm họa hạt nhân Chernobyl, người Ý đã có cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý vào năm 1987, từ bỏ nguồn năng lượng hạt nhân. Kể từ đó, các kế hoạch nhằm xây dựng mới các cơ sở sản xuất điện truyền thống đã bị đình hoãn do bị các nhóm bảo vệ môi trường phản đối.

Sau sự cố mất điện, được biết các bộ trưởng đã quyết định sẽ xây dựng các nhà máy điện mới. Thế nhưng phải mất tới hàng năm các nhà máy này mới có thể sản xuất ra điện được.(bbc)