Sydney tháng Chín, 2013, có nhiều biến cố có ý nghĩa.

Về phía Cộng Đồng Người Việt, Sydney là nơi tổ chức hai đại hội cựu học sinh thế giới của hai trường trung học nổi tiếng của Miền Nam Việt Nam: Petrus Ký và Gia Long. Đại hội Petrus Ký diễn ra trong các ngày 13 tới 15 tháng 9, tại Trung Tâm Hội Thảo Thánh Giuse của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Sydney tại Bringelly. Đại Hội Gia Long diễn ra trong các ngày 20 tới 22 tháng 9, tại Sports Club, Bankstown.

Với các cựu học sinh Petrus Ký, đây là đại hội thế giới lần đầu tiên, với sự tham dự của chừng trên dưới một trăm người gồm cả giáo sư lẫn học sinh. Với các cựu học sinh Gia Long, đây là đại hội thế giới lần thứ 6, với sự tham dự của chừng 600 người cũng gồm cả giáo sư lẫn học sinh.

Một trong những người tham dự Đại Hội Petrus Ký là một cựu giáo sư của Trường, đến từ Hoa Kỳ. Ông vốn thuộc “típ” người ít quan tâm đến các vấn đề chính trị nóng bỏng, dù trước đây từng “ăn sắn ăn ngô” tại các “đại học máu” ở Miền Nam, sau 1975. Tôi không là cựu học sinh Petrus Ký, nên không biết gì về nội dung sinh hoạt của Đại Hội. Nhưng cứ căn cứ vào vị cựu giáo sư này, tôi biết chắc Đại Hội thuần túy có tính thân hữu giữa những người ngày xưa cùng sinh hoạt dưới một mái trường.

Điều làm tôi khâm phục là một cựu học sinh từ Úc đã lặn lội qua Hoa Kỳ “thuyết phục” vị cựu giáo sư này tham dự Đại Hội, với lời bảo đảm lo mọi chi phí tham dự. Đề cập đến việc này không phải để hạ thấp giá trị của Đại Hội mà là để đề cao tình sư đệ thắm thiết của mái trường Petrus Ký ngày xưa. Vị giáo sư hiện sống một mình, nhờ “tiền già” tương đối ít ỏi của hệ thống an sinh Hoa Kỳ. Người học trò cũ biết rõ điều ấy và vẫn lặn lội qua nước giầu có nhất thế giới để mời vị thầy nghèo nhất thế giới này qua Úc gặp lại bạn xưa, trò cũ.

Tôi cũng gặp một cựu nữ sinh Gia Long, tại nhà một người bạn ở Dee Why, không rõ học năm nào, nhưng với tuổi 82, chắc chắn cụ phải thuộc những lớp đầu tiên của Trường Áo Tím. Năm nay, Gia Long kỷ niệm đúng 100 năm thành lập! Điều khiến tôi lưu ý: cụ từ Việt Nam tới. Gần đất xa trời, người cựu nữ sinh Gia Long vẫn không quên được bạn cũ của những ngày xa xưa. Điều gì khiến cụ đến quên cả tuổi tác, cỡi trên mây ngàn, mà tới? Nếu không là hình ảnh Áo Tím ngày nào.

Các mái trường Petrus Ký và Gia Long hẳn đào tạo được rất nhiều nhân tài cho đất nước và thế giới nói chung. Nhưng hai điển hình này đóng góp không nhỏ vào di sản ngời sáng của hai mái trường hết sức đặc trưng của Miền Nam trước đây. Rất tiếc, hình như không ai nhắc đến vị cựu giáo sư của Petrus Ký và người cựu học sinh của Gia Long này cả. Phần lớn chú ý tới nữ danh ca Hoàng Oanh (Gia Long), tới giáo sư lừng danh Nguyễn Xuân Vinh (Petrus Ký) nhiều hơn hay các thiếu sót hoặc lầm lẫn không thuộc lãnh vực giáo dục.

Ngôi sao Úc Á đầu tiên

Cuộc thi X-Factor năm 2013 tại Úc đang đi vào giai đoạn kết thúc và Dami Im đang được coi là ngôi sao Úc Á đầu tiên đoạt giải này: ít nhất, trong 4 tuần liên tiếp vừa qua, nghĩa là từ lúc cuộc thi được đặt trực tiếp dưới sự bỏ phiếu của công chúng, Dami Im đều được cả 4 giám khảo đồng thanh đứng lên vỗ tay tán thưởng và hết lời ca tụng.

Cô vốn sinh tại Nam Hàn, di cư qua Úc, học tại trung học John Paul tại Brisbane. Cô hiểu rõ các áp lực hiện nay đòi cô phải chiếm cho bằng được vinh dự “X-Factor”: “Nhiều người hiện mong tôi làm tốt, không phải chỉ là gia đình tôi, Giáo Hội tôi và cộng đồng Đại Hàn mà cả cộng đồng Á Châu nữa”.

Jeff Fatt, tức Wiggle mang áo tím suốt 21 năm qua, và có lẽ là nhạc sĩ Úc Á bán chạy nhất, cho rằng Im quả là "tuyệt diệu”. Fatt cho hay: “Một nghệ sĩ đơn ca mà ra tranh tài lại là một khung cảnh hoàn toàn khác hẳn, nhưng căn cứ vào nhân cách và tài năng của cô, bạn hẳn phải xếp cô vào hàng có nhiều cơ may thắng hơn cả”.

Cách Im trình diễn và việc cô được nổi tiếng khiến người ta đặt câu hỏi: tại sao không có nhiều siêu sao Úc Á hơn trong nền văn hóa đại chúng?

Nhiều người Úc gốc Á Châu nổi tiếng trong điều người ta thường gọi là “nghệ thuật cao” như văn chương và khiêu vũ, nhưng trong nền văn hóa đại chúng, ít người là siêu sao, ngoại trừ một số ít ỏi như Luke Nguyễn, Kylie Kwong và Poh Ling Yeow trong nghề nấu ăn, hoặc các kịch sĩ hài hước như Anh Đỗ và Benjamin Law.

Trước đây, vốn có khá nhiều các nghệ sĩ tài ba Úc Á trong các ban nhạc nổi tiếng, từ Les Gock, chơi ghita cho ban nhạc Hush trong thập niên 1970 tới nghệ sĩ người Nam Dương Dougy Mandagi chơi cho ban nhạc thành công nhất của Úc, The Temper Trap.

Marty Rhone (tức Karel Lawrence van Rhoon, cũng người Nam Dương), từng đứng hàng hai trong bảng xếp hạng đơn ca với Denim & Lace – nhưng là năm 1975. Fatt còn nhớ “Tên tuổi ông đã đi vào ngôn ngữ thông thường của Úc. Người ta quen nói với tôi: chuyền cho tôi chiếc Marty Rhone, tức chiếc máy điện thoại”.

Nhưng không hiểu vì lý do gì trong mấy thập niên qua, các ngệ sĩ Úc gốc Á ít khi đứng trong bảng 10 người đứng đầu.

Yumi Stynes, mà mẹ là người Nhật, người giữ chương trình trực thoại của Đài Mix106.5 và là cựu trình bày viên của Đài Số V cho hay: “tôi đã phụ trách chương trình âm nhạc suốt 13 năm qua và vốn tự hỏi mình các câu hỏi tương tự”. Ông bảo: “Nền văn hóa đại chúng của ta hơi giống chính trị, nó là một con khủng long. Bạn không thể có ai đó chỉ là Á Châu trên [chương trình truyền hình] Neighbours, mà còn phải là một thuyền nhân nữa... Nền văn hóa của ta không được linh lợi lắm, nhưng nó đang cố gắng bắt kịp”.

Dù Dami Im chưa chiếm được số 1 trên Itunes (có tin cô vừa chiếm được), nhưng Stynes tin rằng cô có tiềm năng trở thành tên tuổi. “Dami đủ tiềm năng vượt thắng mọi dè dặt ta có thể có”.

Tân thủ tướng Úc người Công Giáo

Trước đây, Úc từng có thủ tướng người Công Giáo rồi đó là Paul Keating, thuộc đảng Lao Động, người bị John Howard của Đảng Tự Do đánh bại thê thảm năm 1996. Tháng 9 năm nay, Đảng Tự Do lại đánh bại thê thảm Đảng Lao Động một lần nữa, và lần này dưới quyền lãnh đạo của Tony Abbott, một người Công Giáo.
Không như Paul Keating, Tony Abbott không những không dấu căn tính Công Giáo của mình mà còn cho mọi người thấy cả nhiều đặc tính của căn tính Công Giáo ấy nữa như phò gia đình dựa trên hôn nhân dị tính giữa một người đàn ông và một người đàn bà.

Abbott được giáo dục tại Trung Học St Ignatius của các cha Dòng Tên tại Riverview. Đây là trường trung học nổi tiếng dành cho nam sinh, tọa lạc bên bờ Sydney Harbor, nhìn qua Nhà Con Sò Opera House. Lên đại học, ông theo ngành luật và kinh tế tại Đại Học Sydney, được bầu làm chủ tịch Hội Đồng Đại Diện Sinh Viên.

Vào thập niên 1970, các đại học Úc đều là trung tâm của phong trào tranh đấu chính trị. Nền giáo dục cao đẳng hồi ấy được tài trợ và việc làm thì dư thừa. Nên nhiều sinh viên dành thời giờ cho các vấn đề chính trị hơn là lo học hành. Các quán cà phê trong khuôn viên đại học nhan nhản các tờ truyền đơn của mọi phe phái từ Maoist, Leninist, Trotskyist, Cộng Sản Âu Châu, Đảng Xanh Tổng Quát, Đảng Xanh Ăn Chay tới các nhóm duy nữ.

Nhiều người làm ngơ các nhóm này vì coi họ chỉ là những “bao chuột” (rat-bags, đê tiện). Tony Abbott cũng nghĩ thế, nhưng không làm ngơ họ. Ông muốn đưa ra một hình thức có tính trí thức chống lại họ và thực hiện điều này với một nét duyên dáng đầy khiêu khích. Truyền thuyết cho rằng ông bước vào các đại giảng đường, tự tuyên bố mình là người được giáo dục ở trường tư, chơi banh bầu dục, Công Giáo dị tính, và yêu cầu sinh viên bầu ông làm chủ tịch hội đồng đại diện sinh viên trên cơ sở những điều xem ra không thời thượng chút nào ấy. Cũng có người kể lại rằng ông hứa sẽ gỡ bỏ các bích chương về Che Guevara xuống và thay thế bằng các bích chương về Đức Gioan Phaolô II.

Chính nhờ thế, ông đã lôi cuốn được phe duy thực tiễn và họ đã bỏ phiếu cho ông. Với tư cách chủ tịch hội đồng đại diện sinh viên, ông đủ điều kiện nộp đơn xin học bổng Rhodes đi học tại Oxford. Điều đáng lưu ý là từ Oxford trở lại Sydney, ông bỗng nhiên có hứng thú với đời tu, và sau đó đã gia nhập đại chủng viện Manly thật, dù lúc 19 tuổi ông từng có cuộc tình nóng bỏng với một cô gái; cô này sau đó đã có thai và ông vẫn tưởng đứa con đó là của mình. Cô gái đã cho đứa con làm con nuôi. Sau này khi Abbott đã nổi tiếng trong chính giới, người con đó đã xuất hiện. Abbott tha thiết muốn nhận lại con, nhưng thử nghiệm DNA không xác nhận ông là cha người con này.

Sau ba năm tại Manly, Abbott thấy mình không có ơn gọi, nên đã bỏ đường tu ra đường đời, làm đủ nghề từ ký giả, giám đốc một công ty trộn đá với xi măng, nhân viên chính trị, Tổng Giám Đốc ACM (Australians for a Constitutional Monarchy, Người Úc ủng hộ Nền Quân Chủ Lập Hiến) và sau cùng tranh cử vào quốc hội liên bang, đơn vị Warringah, thuộc vùng North Sydney.

Được cử vào nội các Howard năm 1998 với tư cách tổng trưởng nhân dụng, liên hệ lao động và tiểu thương, Abbott trở thành tổng trưởng y tế năm 2003, một chức vụ ông giữ cho tới khi chính phủ Howard bị Kevin Rudd đánh bại năm 2007. Năm 2009, ông đánh bại Malcolm Turnbull, cũng người Công Giáo, để trở thành lãnh tụ của Đảng Tự Do. Dưới sự lãnh đạo của ông, Đảng Tự Do súyt nắm được chính quyền vào năm 2010, nếu các dân biểu độc lập không liên minh với Đảng Lao Động. Ông tiếp tục lãnh đạo Đảng Tự Do suốt thời gian 3 năm qua, trong khi đảng cầm quyền kinh qua nhiều xáo trộn nội bộ, và nhiều lực lượng liên kết với nhau để cố gắng tô vẽ ông như người kỳ thị phái tính, bảo thủ.

Người ta càng coi ông kỳ thị phái tính và bảo thủ hơn khi ông chủ trương: phá thai xấu đối với cả mẹ lẫn con. Cánh tả còn liên kết chủ trương này với thời gian ông tu học tại Manly và liên hệ gần gũi của ông với Đức Hồng Y George Pell. Nhưng chiến thuật gây thành kiến này không thành công. Chính báo chí, trong những ngày cuối cùng của mùa tranh cử vừa qua, cũng coi chiến thuật ấy là một trò đùa.

Bị chỉ trích về thành phần tân chính phủ, trong đó chỉ có một phụ nữ trong nội các là bà Julie Bishop, Abbott cho hay các bổ nhiệm được căn cứ vào tài năng và kinh nghiệm, hạn ngạch (quota hay affirmative action) nay đã không còn nữa.

Tracey Rowland, một trí thức Công Giáo Úc, nhận định như sau về chính phủ Abbott: “trong bài diễn văn dành chiến thắng, Abbott tuyên bố rằng Úc lại một lần nữa ‘mở cửa hàng’. Ý thức hệ của các sinh viên tranh đấu trong thập niên 1970 đã không còn định được nghị trình cho chính sách nữa. Những người đang điều khiển đất nước đều là những người đi dự tiệc vui, chơi một loại thể thao nào đó, có việc làm thực sự (chứ không phải việc làm của các nhà ý thức hệ chuyên nghiệp), và nếu may mắn đủ để gặp được bạn lòng, thì kết hôn. Một số người, như Tony Abbott, còn tham dự cả Thánh Lễ nữa. Nhiều người trong số họ vẫn còn tin Thiên Chúa, nhiều người khác không tin, nhưng không ai trong số họ nghĩ rằng chính phủ Úc có nhiệm vụ phải là người mang thông sáng và cứu vớt tới. Đây quả là một cải tiến quan trọng”.