NEW YORK - Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới mới công bố dự đoán rằng dịch bệnh AIDS sẽ để lại hậu quả lâu dài cho thế giới, kể cả sự sụp đổ hoàn toàn kinh tế của một số nước

Ước tính có 29 triệu người hiện đang sống với HIV/AIDS tại vùng tiểu sa mạc Sahara của Phi châu. Vào năm 2020, phần lớn trong số họ sẽ chết.

Cho tới nay, 13.5 triệu người châu Phi đã bị AIDS cướp đi mạng sống.

Bản báo cáo nói rằng bệnh AIDS có khuynh hướng giết chết những người còn trẻ, con cái của họ trở nên mồ côi không có ai chăm sóc.

Shanta Devarajan, tác giả chính của bản báo cáo nói rằng nghiên cứu mới cho thấy một bức tranh bi quan hơn người ta nghĩ trước đây.

Ông nói: "Chúng tôi lo ngại vì các phân tích trước đây về hậu quả kinh tế của HIV và AIDS cho thấy chỉ nhẹ thôi, tức chỉ làm kinh tế sụt giảm từ 1 đến 1,5% mà thôi, trong khi hậu quả về nhân mạng thì cao hơn".

"Nhưng các phân tích trước đây không để ý đến một điểm là AIDS nhằm vào những người còn trẻ. Điều đó có nghĩa là họ không thể đầu tư cho con cái, không truyền lại những kỹ năng mà chỉ có cha mẹ mới có thể làm".

Đói nghèo triền miên

Ngôi làng Ndzevane tại vùng đông nam Swaziland, ở biên giới giữa Mozambique và Nam Phi, là khu vực thường xuyên bị hạn hán.

Tại đây, người ta ước tính rằng khoảng 35% dân số bị nhiễm HIV/AIDS. Căn bệnh khiến rất nhiều trẻ em bị mồ côi.

Bệnh dịch còn khiến cho rất nhiều vùng đất bị để hoang hóa, gây khủng hoảng thiếu lương thực.

Alan Brodie thuộc tổ chức quỹ trẻ em của LHQ, Unicef, đã bắt đầu một dự án tại trường học địa phương nhằm giúp đỡ giải quyết vấn đề này.

Ông nói tổ chức của ông phát hiện ra 80% trẻ em nhịn đói, không ăn sáng khi đến trường; chương trình bữa ăn học đường lại thể thực hiện được.

Đó không phải là vấn đề của riêng các khu vực bị hạn hán, mà là trên cả nước. Ông Brodie cho biết:

"Tại những vùng khác, người ta có thể thu hoạch vụ mùa tốt, thế nhưng rất nhiều gia đình không có khả năng trồng trọt nữa."

"Chỉ một người bị ốm sẽ làm ảnh hưởng tới năng suất lao động của cả gia đình, và căn bệnh này bắt đầu sử dụng mọi nguồn lực của họ. Rồi họ bắt đầu phải bán đồ đạc, bán mọi thứ."

"Kết cục là đối với những gia đình mất đi người thân, họ sẽ không còn khả năng trồng trọt mùa màng nữa."

Hạn chế về nhận thức

Tuy vậy, được biết, trên toàn châu Phi, vẫn còn đó một văn hóa chối bỏ.

Người ta cho rằng những nạn nhân tử vong là do nhiều bệnh dịch khác chứ không chỉ AIDS.

Người ta cũng không nhận ra tác động của bệnh dịch này lên nông nghiệp và bữa ăn của các cộng đồng nghèo.

Mối liên hệ giữa an ninh lương thực và bệnh AIDS cũng chưa được nhận thức rộng rãi.

Đại diện của Tổng thư ký LHQ về bệnh AIDS tại châu Phi, Stephen Lewis, nhận xét về sức tàn phá và lan rộng của căn bệnh tại châu lục này:

"Quá nhiều người chết và quá nhiều người bị bệnh, đến mức họ không thể nào sản xuất đủ lương thực. Thiếu lương thực có nghĩa là những người đã nhiễm HIV AIDS sẽ càng chóng chết hơn."

"Không có thức ăn thì cơ thể không thể hoạt động được, không có sức đề kháng. Như vậy, mối liên hệ giữa an ninh lương thực - do không sản xuất đủ lương thực - và bệnh AIDS vẫn chưa được người ta tuyên truyền mạnh."

Tìm thêm giải pháp

Tổ chức của ông Alan Brodie thiết lập một dự án tại trường tiểu học Ndzevane, khuyến khích các em nhỏ tự trồng lấy lương thực. Mỗi em được phát một mảnh đất nhỏ, tự trồng cây, chăm bón.

Theo ông Alan Brodie, việc này còn giúp các em đánh giá được tầm quan trọng của lao động và nông nghiệp nói chung.

Rõ ràng, những dự án riêng lẻ như thế này có thể giúp đỡ phá bỏ những hàng rào khó khăn do bệnh AIDS gây ra đối với các vùng nông thôn ở Phi châu.

Vấn đề thiếu sức lao động do AIDS gây ra hiện đang được giải quyết tại trường Ndzevane, nơi trẻ em đang học những kỹ thuật cơ bản trồng vụ mùa.

Quy mô dự án còn nhỏ, nhưng đối với các em, đây là một bước đi đúng cho tương lai.(bbc)